Đại dịch 1918-1920: Cái chết của hai vị Thánh trẻ ở Fatima
CÁI CHẾT THÁNH THIỆN CỦA CÔ BÉ JACINTA [1]

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày chết của Thánh nữ Jacinta Marto. Cô bé thánh thiện Jacinta Marto đã chịu đựng một căn bệnh đau đớn kéo dài và qua đời vào đêm 20-2-1920 tại bệnh viện Estefania ở Lisbon. Chỉ có một y tá trực đêm, Aurora Gomes, có mặt trong phòng bệnh tối hôm đó, nhưng khi được hỏi, cô y tá không thể nhớ lại bất kỳ chi tiết nào về cái chết của Jacinta, cũng như bất cứ điều gì về bản thân vị thánh nhỏ bé này. Như Đức Mẹ đã báo trước, Jacinta đã chết một mình, cách xa người thân và bạn bè, do những biến chứng phát sinh từ đại dịch cúm Tây Ban Nha, đã lan khắp thế giới trong khoảng thời gian 3 năm, từ tháng 1-1918 đến tháng 12-1920.

Cúm Tây Ban Nha là một đại dịch cúm đặc biệt có độc lực gây nhiễm cho khoảng 500 triệu người trên toàn thế giới, dẫn đến khoảng 50 đến 100 triệu ca tử vong. Vào thời điểm đó, dân số thế giới chưa đến hai tỷ, vì vậy đại dịch này đã ảnh hưởng đến một tỷ lệ đáng kể của nhân loại và được coi là một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất từng ảnh hưởng đến nhân loại, có thể so sánh với Cái chết đen tàn phá châu Âu ở thế kỷ 14. Việc nó xảy ra ngay khi Thế chiến thứ nhất đang bước vào giai đoạn cuối cùng chỉ khiến nó trở nên nguy hiểm hơn, vì điều kiện đông đúc và sự chuyển quân ở quy mô lớn tạo điều kiện cho sự lây lan của virus.

Một đặc điểm khác thường của đại dịch này là, không giống như hầu hết các vụ dịch cúm nhắm vào trẻ nhỏ và người già, Cúm Tây Ban Nha đặc biệt ảnh hưởng đến những người trẻ khỏe mạnh, gây ra nhiều cái chết. Các nhà khoa học đã phát hiện ra lý do cho điều này gần đây: Những người lớn tuổi trải qua đại dịch cúm Nga năm 1889-1890 đã phát triển một số miễn dịch đối với bệnh cúm Tây Ban Nha.

Đây cũng là trường hợp xảy ra ở Fatima. Ngoại trừ Ti Marto, cha của Francisco và Jacinta, cả gia đình Marto đã bị cúm vào mùa thu năm 1918. Trước đó một năm, Đức Mẹ đã hiện ra với Francisco và Jacinta và nói rằng Mẹ sẽ sớm đưa Francisco lên thiên đàng, đồng thời hỏi Jacinta, liệu cô bé có thể ở lại trần gian lâu hơn để chịu đau khổ cho các tội nhân hay không. Francisco đã qua đời ngày 4-4-1919 lúc 11 tuổi; còn Jacinta chỉ mới 10 tuổi khi cô từ trần. Dịch cúm còn cướp đi sinh mạng hai anh chị lớn của họ, Florinda và Têrêsa. Người ta tự hỏi làm thế nào mà cha mẹ Marto có thể chịu đựng nổi nỗi đau buồn lớn như vậy. Các triệu chứng của cúm Tây Ban Nha bao gồm sốt và ớn lạnh, đau cơ, sổ mũi và ho. Ở một số người, tình trạng nghiêm trọng phát triển hơn, bao gồm viêm phế quản và nhiễm khuẩn, có thể làm tim đập nhanh, khó thở, viêm màng phổi, xung huyết và các biến chứng khác. Đây là trường hợp của Jacinta, với những đau đớn tăng dần khi bệnh tình trở nặng.

Jacinta kể lại cho Lucia – người không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bệnh cúm – rằng Đức Maria đã nói với Jacinta: cô bé sẽ được chữa trị lần lượt tại hai bệnh viện, nhưng sẽ không khỏi bệnh. Cô sẽ chịu đau khổ nhiều hơn để góp phần cải hóa tội nhân và đền bù tội lỗi nhân loại.

Sau cái chết của Francisco vào năm 1919, Jacinta đã rất buồn vì không còn trông thấy anh mình nữa. Thêm vào đó, những cơn đau phần xác của cô bé, bao gồm cả những cơn nhức đầu dữ dội, ngày càng tồi tệ hơn. Khởi đầu từ chứng viêm phế quản, một áp xe có mủ hình thành trong phổi đã gây ra cơn đau cấp tính, nhưng Jacinta đã chịu đựng cơn đau đớn gia tăng này với sự can đảm rất lớn.

Cô bé hao mòn dần, cơ thể chỉ còn da bọc xương, và đây là tình trạng của Jacinta khi được đưa vào bệnh viện Estefania vào tháng 1-1920.

Đầu tiên, cô ở trong một trại trẻ mồ côi được điều hành bởi một nữ tu là Mẹ Godinho – người rất ấn tượng với sự khôn ngoan vượt hơn tuổi tác của Jacinta. Jacinta đã nói về những tội xác thịt, khiến cho rất nhiều linh hồn phải xuống hỏa ngục, và nói về những nguy hiểm đạo đức của những  thời trang sắp tới. Cô cũng nói, “nếu con người biết được sự vĩnh cửu là gì thì họ sẽ làm mọi thứ để thay đổi cuộc sống của họ”. Mặc dù đau đớn, nhưng cô rất vui khi được ở trong một ngôi nhà có nhà nguyện với Bí tích Thánh Thể và có thể được rước lễ hằng ngày.

Tuy nhiên, đó chỉ là một thời gian nghỉ ngơi ngắn, vì vào tháng Hai, cô đã được chuyển đến bệnh viện Lisbon dưới sự chăm sóc của bác sĩ Fidel Freire, một trong những chuyên viên nhi khoa nổi tiếng nhất ở thủ đô. Ông chẩn đoán tình trạng của cô là viêm màng phổi có mủ và viêm xương sườn thứ bảy và thứ tám bên trái. Cô cũng bị bệnh lao vào thời điểm này.

Vào ngày 10-2, cô đã qua một cuộc phẫu thuật để loại bỏ hai xương sườn bị bệnh. Vì tình trạng suy yếu, cuộc phẫu thuật chỉ có thể được thực hiện bằng thuốc gây tê cục bộ. Ca phẫu thuật đã thành công, nhưng để lại một vết thương lớn ở cạnh sườn, làm cho việc mặc quần áo hằng ngày trở thành rất đau đớn cho cô bé.

Vào đêm qua đời, Jacinta nói rằng cô cảm thấy bệnh nặng hơn và cha xứ đã đến khoảng 8 giờ tối để nghe cô xưng tội. Dù cô nói rằng cô sắp chết, linh mục vẫn không cho cô rước lễ như của ăn đàng, vì nghĩ rằng cô sẽ ổn cho đến sáng. Cô bé đã chết chỉ hai giờ rưỡi sau đó. Khi Mẹ Godinho đến lau rửa cơ thể của cô trong nhà xác bệnh viện, vị nữ tu ấy đã thuật lại rằng có những vết máu khô trên khuôn mặt Jacinta.

Khi chết như thế, Jacinta cho chúng ta một tấm gương tuyệt vời về sự vâng theo ý Chúa, khi chấp nhận cái chết đúng như ý Chúa muốn. Người ta có thể vui mừng với Thánh Gioan Phaolô II, người đã tuyên bố tại nghi thức phong chân phước cho Francisco và Jacinta tại Fatima năm 2000: “Giáo Hội muốn đặt lên bộ chân nến hai ngọn nến mà Thiên Chúa thắp sáng cho nhân loại trong những giờ phút tối tăm đầy lo lắng.”

CÁI CHẾT BÌNH AN CỦA THÁNH TRẺ FRANCISCO [2]

Năm ngoái 2019, người ta đã kỷ niệm một trăm năm ngày mất của Thánh Francisco. Trong ba trẻ Fatima, Francisco là người đầu tiên qua đời, chết ngày 4-4-1919. Francisco, giống như Jacinta, bị nhiễm bệnh cúm Tây Ban Nha vào ngày 23-12-1918. Dù đau đớn, Francisco vẫn vui tươi và bình an cho đến cùng. Bệnh tật, khát nước, đau đớn hay nóng sốt đều không thể ngăn cản Francisco cầm lấy chuỗi tràng hạt và cầu nguyện. Đức Mẹ đã nói với cậu rằng cậu sẽ lên thiên đàng, nhưng trước tiên phải siêng năng lần hạt.

Vai trò của Francisco trong câu chuyện Fatima hầu như bị che khuất. Cậu thậm chí chưa từng nghe được giọng nói ngọt ngào của Đức Mẹ mà chỉ có thể nhìn thấy Mẹ, và dựa vào Lucia và Jacinta mà biết Đức Mẹ nói gì với cậu. Tuy nhiên, cậu không bao giờ hết ngây ngất vì Đức Mẹ đã hiện ra với ánh sáng rực rỡ từ bàn tay Mẹ – từ cõi thiên đàng – cùng những trải nghiệm tuyệt vời về Thiên Chúa. Được như vậy là đã quá đủ cho cậu rồi; cậu luôn trung thành và chuyên chăm cầu nguyện, đặc biệt là trước Nhà Tạm. Ngay cả khi bị đau đầu và sốt nóng cực độ trên giường, cậu vẫn lần hạt Mân Côi.

Lucia viết về những tuần đầu tiên khi cậu bị liệt giường: “Em Francisco chịu đựng đau đớn cách kiên nhẫn và anh hùng trong suốt thời gian bị bệnh, không hề rên rỉ hay phàn nàn. Em dùng tất cả mọi thứ mẹ mang đến và tôi không hề thấy em tỏ ra khó chịu về bất cứ điều gì.”

Francisco xin Lucia cùng đọc kinh Mân Côi với cậu, nhưng lại quá yếu nên mệt lả khi muốn đọc hết năm chục kinh. Lucia nói mẹ cậu an ủi cậu bằng cách nói với cậu rằng: Đức Mẹ cũng hài lòng khi cậu đọc kinh thầm lặng trong lòng.

Nhiều người đến ngồi bên Francisco khi cậu bị ốm, nhận định rằng: họ có cảm tưởng như đang ở trong nhà thờ. Một ngày nọ, một người phụ nữ tên Mariana từ Casa Velha đến phòng Francisco. Lucia thuật lại rằng Mariana rất buồn vì chồng bà đã đuổi con trai ra khỏi nhà và bà đang cầu xin Chúa cho chọ được ơn làm hòa với nhau. Francisco bảo bà: “Bà cứ an tâm! Cháu sẽ sớm được lên thiên đàng và ở đó cháu sẽ xin Đức Mẹ ban ơn đó cho bà.” Vào buổi chiều khi Francisco qua đời, con trai của Mariana đã xin bố mình tha thứ và lần này, đã đồng ý với những điều kiện bố đưa ra. Bình an đã trở lại với gia đình của họ. Một trong những chị em gái của chàng trai này sau đó đã kết hôn với anh trai của Jacinta và Francisco.

Bạn bè thân quyến đã cầu xin cho Francisco được khỏi bệnh, nhưng cậu biết rằng điều này sẽ không xảy ra. Khi bệnh tình ngày càng nặng, cậu dường như đã hạnh phúc hơn vì được đau khổ cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và điều đó có nghĩa là cậu sẽ sớm được lên thiên đàng. Đức Mẹ đã từng hiện ra với cậu và Jacinta và nói rằng Mẹ sẽ đưa Francisco lên thiên đàng, nhưng cũng đã hỏi Jacinta liệu Jacinta có đồng ý ở lại lâu hơn trên trần gian để mang nhiều ơn hoán cải hơn cho các tội nhân không, và Jacinta đã thưa ‘vâng’.

Francisco chìm đắm trong cái nhìn của Chúa đến nỗi không còn nghĩ đến điều gì khác được nữa. Khi Lucia nhắc cậu cầu nguyện cho những người tội lỗi, cho Đức Thánh Cha, cho cô và Jacinta khi cậu lên thiên đàng, cậu đã trả lời: “Vâng, em sẽ cầu nguyện. Nhưng, em nghĩ tốt hơn nên nói với Jacinta những điều này bởi vì em sợ em sẽ không nhớ được những điều ấy khi nhìn thấy Chúa của chúng ta. Em chỉ muốn an ủi Ngài thôi!”

Hai ngày trước khi chết, cậu đã gửi lời đến Lucia, xin Lucia giúp cậu nhớ lại tội của mình để cậu xưng tội cho tốt. Francisco cũng xin Lucia cầu nguyện cho cậu được rước lễ, vì cậu chưa được rước lễ lần đầu. Ngày hôm sau, một linh mục đã dựa vào giáo luật để mang Mình Chúa đến, và sau đó đã kể lại rằng, Francisco đã rước lễ một cách rất minh mẫn đạo đức trong một niềm vui rạng rỡ.

Khoảng 6 giờ sáng hôm sau, Francisco nói với mẹ: “Mẹ ơi, hãy nhìn vào ánh sáng đẹp gần cửa!” Một lúc sau, cậu nói cậu không còn thấy nó nữa. Rồi khuôn mặt cậu rạng rỡ với nụ cười thiên thần và đã trút hơi thở cuối cùng trong bình an.

Những năm cuối đời, Francisco hoàn toàn hướng lòng về thiên đàng, nơi cậu có thể tiếp tục sứ mạng trên trái đất và an ủi Chúa. Bây giờ cậu đã là một vị thánh mà tất cả chúng ta có thể đến xin ơn chuyển cầu. Cậu là vị thánh được kính vào cùng ngày với chị gái Jacinta – ngày 20 tháng Hai. Họ là những vị thánh bảo trợ cho những kẻ đau yếu phần xác, cho trẻ em Bồ Đào Nha, cho tù nhân, cho những người bị chế giễu vì lòng đạo đức, cho bệnh nhân và chống lại bệnh tật.

Vi Hữu chuyển ngữ / Nguồn: Sách Nhịp Sống Tin Mừng 05-2020

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2024. All Rights Reserved.