“Say nắng” Đức Giêsu

“Say Nắng” Đức Giêsu

Say nắng Đức Giêsu là tâm tình của những trái tim đã “phải lòng” Thiên Chúa làm người, là ký ức không bao giờ phai nhạt về buổi đầu gặp gỡ Con Người Thiên Chúa dong duổi giữa nhân loại, là tình tự sâu lắng của tâm hồn “bị” tình yêu Đức Giêsu xâm lấn, chiếm đọat, là mối tình đầu thiêng liêng giữa  con người cụ thể và Thiên Chúa “bằng xương bằng thịt”, là câu chuyện không hồi kết trong thiên tình sử đời đời mà Thiên Chúa và con người cùng viết mỗi ngày…

  1. Đức Giêsu, người Cha nhân hậu  (Lc 15,11-32)

Là con gái út nên tôi được Ba cưng chiều đặc biệt. Ngày Ba mất, tôi đã khóc và ngất lên ngất xuống đến nỗi phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Những năm sau ngày Ba mất, tôi sống rất buồn và khép kín, cho đến một ngày, tôi tình cờ theo người bạn công giáo đi lễ, và “người Cha nhân hậu” trong Tin Mừng Luca đã hút hồn tôi.

Tôi thực sự bị người cha nhân hậu của Đức Giêsu hút hồn, vì hình ảnh người cha ấy không khác hình ảnh cha tôi đã mất. Cũng người cha nâng niu, chiều chuộng con: con muốn gì cũng có, con xin gì cũng được, con chưa nói hết câu, cha đã hiểu con mơ ước, tìm kiếm gì; cũng người cha tôn trọng từng bước chân vào đời làm người lớn của con, nên khi con đòi chia gia tài, bỏ nhà, đi xa lập nghiệp, Cha cũng không ngần ngại làm vui lòng con; cũng người cha yêu thương con vô cùng, nên khi con “ăn tiêu hết sạch tiền bạc, bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ, ngày ngày ra đồng chăn heo, và ao ước có được cám heo để nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho” (Lc 15,14-16), người cha ở nhà vẫn chiều chiều ra đầu ngõ ngóng trông bước chân con trở về; cũng người cha yêu thương đến cùng, nên ngày con “bất đắc dĩ” trở về vì sợ chết đói với “thân tàn ma dại” đã không bận tâm nghe con nói lời xin lỗi về tội xưa rất nặng, tạ tội vì lỗi xưa rất đáng trừng phạt, nhưng đã làm ngược những gì con mường tượng, trái những gì con dự đoán khi mặc cho con áo đẹp, đeo cho con nhẫn qúy và mở tiệc ăn mừng “con tôi đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,24).

Qủa thực, khởi điểm của con đường đến với Thiên Chúa chính là Ba tôi, người con Phật thuần thành, vì Ba đã dậy cho tôi hiểu thế nào là ơn cha, thế nào là hạnh phúc được bơi lội trong đại dương tình cha nhân hậu. Ba tôi đã là hình ảnh sống động và thực tế của Thiên Chúa, và qua hình ảnh Ba, tôi đã khám phá và tìm gặp Thiên Chúa, người Cha nhân hậu của Đức Giêsu. Và cho đến hôm nay, sau 30 năm làm người Kitô hữu, đức tin của tôi được nâng đỡ và lớn lên từng ngày trong tình Cha của Thiên Chuá luôn yêu thương và ân cần chăm sóc, bảo vệ con mình như gà mẹ ủ ấp đàn con.

  1. Đức Giêsu, Thiên Chúa của người nghèo (Lc 21,1-4)

Gia đình tôi rất nghèo, không chỉ ba đời nghèo “rớt mùng tơi”, nhưng “ba lần ba” những kiếp người dính chặt lấy nhau lê thê nối dài đời nghèo “cơm lo từng bữa”, quanh năm bốn mùa “khố rách áo ôm”. Nghèo nên bị mọi người khinh khi, coi thường, từ dòng họ hai bên nội ngoại đến hàng xóm, dân làng, và mặc cảm tự ty biến chúng tôi thành những con người khép kín, nhát sợ, tự cô lập, trốn tránh mọi người.

Cũng vì nghèo, nên tôi thù Thượng Đế và coi tôn giáo mà ông bà để lại chỉ là hủ tục mê tín, hoàn toàn vô nghiã, ở đó, giai cấp giầu tụ tập tung hô, nịnh hót, xông hương nhau.

Cho đến một ngày, tôi bị choáng vì say nắng Đức Giêsu, con người của người nghèo thực sự, Thiên Chúa yêu thương người nghèo thực sự, chứ không chỉ yêu người nghèo, bênh vực người nghèo trên chữ nghiã, sách vở, loa phóng thanh, đài truyền hình như bao nhiêu người tôi gặp đã chẳng một chút yêu thương người nghèo, chia sẻ với người túng thiếu, neo đơn.

Ngài làm tôi say nắng tình Ngài, khi người nghèo mù loà ngồi ăn xin bên vệ đường ở Giêrikhô khi nghe biết Ngài đang đi qua đó đã lớn tiếng kêu lên: “Lậy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”.

Ôi tiếng kêu của người nghèo lại bị trời bắt tội phải mù loà nghe xót xa, thảm não, thống thiết làm sao! Thế mà nhiều người đã nặng lời chửi rủa, “quát nạt, bảo anh im đi” (Lc 18,39), chẳng khác những người hàng xóm có tiền có của đã xỉ vả, mắng nhiếc và bắt nạt cha mẹ và anh em chúng tôi suốt bao năm tháng dài nghèo khổ; lại có người tình nguyện làm hàng rào “cản trở” Đức Giêsu để Ngài không  nhìn thấy anh. Nhưng Đức Giêsu “đã dừng lại, bảo dẫn anh đến với Ngài » và âu yếm hỏi anh: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”. Anh thưa: “Lậy Ngài, xin cho tôi được nhìn thấy”. Đức Giêsu nói: “Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh. Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người” (Lc 18,40-43).

Tôi say nắng con nguời Giêsu thương người nghèo khổ, tật nguyền, lê lết bên vệ đường ăn xin kiếm sống; tôi yêu Đức Giêsu, Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ ở với và gần gũi dân Ngài; tôi kính mến Đức Giêsu vì trái tim Ngài luôn dành chỗ ưu tiên cho những người bé mọn bị đời khinh miệt chỉ vì nghèo nàn, dốt nát,  không danh gia vọng tộc, cơ ngơi bề thế, như thái độ quan tâm của Ngài đến đồng xu bé nhỏ của  bà goá túng thiếu đã bỏ vào thùng dâng cúng của Đền Thờ và tuyên dương bà: “Thầy bảo thật anh em: bà goá này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Qủa thật, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Lc 21,3-4).

Với tôi, Đức Giêsu đích thực là Thiên Chúa  của người nghèo khổ bất hạnh, vì Ngài quan tâm, yêu thương, bênh vực người nghèo “thấp cổ bé miệng », khác xa nhiều người giầu  hãnh tiến, kênh kiệu miệng thì liên hồi kinh kệ, nhưng lòng thì độc ác, gian tham, khinh khi, bóc lột, lợi dụng người nghèo đến tận xương tủy.

  1. Đức Giêsu, người bênh vực, chở che, giải phóng phụ nữ (Ga 8,1-11)

Có lẽ không người con gái nào có thể “qua mặt” tôi về tuổi thơ và tuổi thiếu nữ bất hạnh, vì tôi là đứa con đã phải sống  suốt mười bảy năm trong hoả ngục của bạo hành gia đình: cha tôi là người đàn ông vũ phu, bất cứ chuyện gì, và bất cứ lúc nào cũng có thể đánh vợ, đánh con. Tôi đã chứng kiến những trận đòn chí tử mẹ phải chịu, và tôi cũng là nạn nhân trực tiếp của cha khi ông say xỉn, hay không vừa ý. Những lúc đó, ông chửi rủa um trời rồi bạ đâu đánh đó, ném vào mặt tôi và mẹ bất cứ vật gì ông nắm được làm hai mẹ con co rúm, ôm chặt lấy nhau mà la khóc, năn nỉ, chịu trận.

Bầu khí bạo hành gia đình làm tôi trở nên nhút nhát và căm ghét đàn ông. Năm mười bảy tuổi, tôi bỏ nhà đi bụi, vì không còn chịu được người cha ích kỷ, vô trách nhiệm, bạo lực, sau khi mẹ tôi mất vì ung thư.

Mười năm với đường phố và băng đảng, tôi vẫn giữ một mối căm thù và khinh ghét đám đàn ông. Tôi mất hết những tình cảm tốt đẹp với phái nam, vì hình ảnh hung bạo của cha tôi làm lu mờ những gì tốt đẹp ở người khác phái; tôi không còn cảm xúc của một người con gái trước bạn trai, vì những lời chửi bới thô tục của cha tôi không cho tôi nghị lực để có thể tin bất cứ lời nào đàn ông nói. Qủa thực, tôi không ngờ cha tôi đã hủy hoại toàn thể con người tôi, đã tàn phá tất cả nghị lực tinh thần của tôi bằng những thô bạo của ông, và để lại trong tôi nỗi chán chường tưởng như lúc nào cũng muốn nôn mửa tất cả những gì dính dáng đến đàn ông ra khỏi cuộc đời tôi.

Tôi thật là đứa con gái bất hạnh giữa bao người con gái bất hạnh khác, vì những người đàn ông bạo lực không những không là bờ vai cho phái yếu nương tựa, mà còn là tai ương, hoả ngục của những  phụ nữ vô phúc phải làm vợ làm con. Ý nghĩ ấy khóa chặt tôi trong pháo đài cố thủ và không mở lòng cho bất cứ người bạn khác phái nào cho đến một ngày, có người mời tôi vào đạo…

Vị linh mục niềm nở đón tiếp tôi buổi đầu theo người bạn đến gặp. Không để linh mục mở lời, tôi bắt đầu bằng câu hỏi: “Đạo công giáo có chủ trương trọng nam khinh nữ như đạo Khổng không cha?”. Vị linh mục trố mắt nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi dấn thêm: “Nếu giáo lý công giáo dậy nam nữ bình đẳng, có quyền lợi và bổn phận như nhau thì con đi tới, nếu không thì con xin cáo biệt cha ở đây”.

Từ hôm ấy với  Tin Mừng thánh Gioan về biến cố Đức Giêsu một mình bênh vực và cứu sống người đàn bà bị bắt qủa tang phạm tội ngoại tình khi mọi người đang lên án và lăm le ném đá chị cho đến chết theo luật Môsê là luật đạo Do Thái thời đó đã đổi mới tận gốc và toàn thể trái tim, cái nhìn và cuộc sống của tôi.

Thực vậy, Đức Giêsu đã lôi cuốn và đổi mới trái tim tôi, khi tôi nhận ra Ngài là người đã giải phóng phụ nữ khỏi ách “thống trị” của đàn ông, khi lên án chủ  trương “phân biệt, kỳ thị giới tính”. Thái độ qủa cảm khi công khai bênh vực người đàn bà bị bắt qủa tang đang phạm tội ngoại tình là một liều lĩnh vô cùng nguy hiểm, vì Ngài đang bị bao vây bởi những gã đàn ông hung hăng như đám diều hâu chờ xác chết: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt qủa tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (Ga 8,4-6).

Đức Giêsu đã hút hồn và thay đổi cái nhìn của tôi, làm tôi sửng sốt trước thái độ tế nhị, rất đáng yêu của Ngài đối với một người đàn bà bị mọi người coi là lăng loàn, mất nết, khi tế nhị “cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất” (Ga 8,6), và không ngước mắt nhìn, để chị khỏi phải thêm một lần nữa mắc cở, ngượng ngùng, nhục nhã vì đã bị thiên hạ lườm nguýt, xoi mói “qúa kỹ, qúa lâu”. Ngài còn rất đáng yêu khi chẳng hỏi han, tra vấn gì về nhân thân, sự việc để không khoét sâu hơn nỗi đau của người có tội “qủa tang, công khai, trống trải” trước bàn dân thiên hạ.

Đức Giêsu đã làm tôi say mê và biến đổi hoàn toàn cuộc sống của tôi, khi làm tôi ngất ngây hạnh phúc qua câu hỏi của Ngài dành cho đám đàn ông nhỏ nhen, hung bạo, chung hàng ngũ với những ông chồng “gia trưởng, vũ phu, kiêu căng, hưởng thụ, khinh thường phụ nữ”: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7).

Và tôi tha thiết yêu Ngài và đi theo Ngài từ dạo ấy, Đức Giêsu, nhà giải phóng vĩ đại và Đấng Cứu Độ giầu lòng thương xót của cánh “đàn bà chúng tôi”.

  1. Đức Giêsu, người bạn tình nghiã (Ga 11,1-44)

Xã hội càng nhố nhăng, con người càng điên đảo thì tình nghiã càng thảm hại xuống cấp. Người ta không còn dễ gặp những tình bạn tri âm tri kỷ, huynh đệ sống chết có nhau, anh em thà khổ sở, thiệt thòi, chứ không chịu làm “cá heo bỏ bạn”.

“Trầy da tróc vẩy” giữa cuộc đời đầy lọc lừa, gian dối, chung quanh là những người lòng dạ đổi trắng thay đen tùy cơ hội, lợi nhuận, tiện ích, tôi như con vụ chóng mặt với tình đời, người đời, và cuộc sống ngày càng trở nên nặng nề, vô vị.

Tìm về nhiều tôn giáo, tôi cũng chỉ gặp những thiên chúa toàn năng nhưng rất  xa con người, những thượng đế thánh thiện nhưng con người không thể đến gần, chạm tới. Nhưng riêng ở Đức Giêsu, tôi gặp được Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Và con người tình nghiã của  Đức Giêsu đã đốn đổ tim tôi, và tôi muốn suốt đời  thuộc về Ngài.

Ngài đến với tôi cũng như những lần đã đến với gia đình hai cô Mácta, Maria và anh Ladarô ở làng Bêtania năm xưa ấy, và gia đình này đã trở nên gia đình thứ hai của Ngài suốt những năm tháng dong duổi truyền giáo.

Nhưng có lẽ lần cuối cùng trở về Bêtania khi nghe tin Ladarô đau nặng và qua đời là lần về đánh dấu tình nghiã sâu sắc nhất của Ngài dành cho gia đình, khi làm phép lạ cho Ladarô đã chết bốn ngày được sống lại.

Qủa thực, thái độ của Đức Giêsu đã biểu lộ một tình bạn vô cùng nghiã thiết. Nghiã thiết vì không bỏ bạn hữu trong thử thách, gian truân; không tỉnh bơ, phớt lờ, giả làm người xa lạ khi bạn sa cơ thất thế; không lạnh lùng làm như không quen thân, chưa từng gặp gỡ khi bạn bị nhiều người cô lập, tấn công; không tráo trở lật lọng hàm oan cho bạn để gỡ tội mình; càng không tàn nhẫn bán đứng bạn cho kẻ thù để kiếm lợi lộc riêng. Trái lại, tất cả những người Do Thái có mặt hôm ấy đều thấy Đức Giêsu khóc vì “thổn thức trong lòng và xao xuyến” (Ga 11,33), và họ nói với nhau: “Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!”.

Phải tình nghiã lắm mới có thể thương nhau đến cùng ở “đường cùng » cuộc sống, bởi ở cây số “cùng đường” bế tắc này, người ta không còn mối lợi nào để chờ đợi ở nhau, mà chỉ còn khó khăn, nhiêu khê, phiền lụy; phải tình nghiã sâu đậm lắm mới có thể khóc, bởi chẳng mấy ai muốn khóc vì bồi hồi trước khổ đau của người khác, nhất là khi “người khác” hết thời, và vì lo lắng cho hiện tại đổ vỡ, tương lai đen tối của họ, như Đức Giêsu, con người tình nghiã đã khóc vì “bồi hồi” thương tiếc Ladarô và “lo lắng” cho cuộc sống sẽ khó khăn hơn rất nhiều của hai chị em Mácta, Maria, khi nhà vắng bóng trụ cột “đàn ông”.

Chiêm ngưỡng Đức Giêsu, con người tình nghiã, tôi nghe tim mình rộn ràng niềm vui, vì có Ngài là núi đá bền vững ân tình cho tôi nương náu khi đời bạc bẽo, xử tệ; có Ngài là bến bờ hy vọng, nguồn ủi an cho tôi nghị lực theo Ngài đi hết hành trình yêu thương.

  1. Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ bao dung, thương xót (Lc 23,39-43)

Tôi sợ lắm khi nghe dậy về hình phạt ngày sau trong hoả ngục, và run rẩy tưởng tượng cảnh phải ở với ma qủy đời đời trong một tình trạng chỉ toàn là ghen ghét, hận thù, bạo lực, mà nguời có tội “đêm ngày và miên trường vĩnh cửu” phải “khóc lóc, nghiến răng”.

Cũng vì sợ hình phạt hoả ngục dành cho người có tội, mà tôi đã tránh xa Giáo Hội, bỏ đức tin công giáo một thời gian rất dài, vì không chịu nổi những bài giáo lý sặc mùi đe doạ.

Để giải toả tâm lý khỏi mầu đen hoả ngục và án phạt đời đời dành cho người tội lỗi, tôi tìm đến một tôn giáo khác tuy có hình phạt theo nhân qủa, nhưng nhất định không kinh hoàng, khủng khiếp như hình phạt hỏa ngục đời đời của Kitô giáo, để rồi sau đó bước vào và ở lại với chủ thuyết duy vật vô thần: con người chỉ là vật chất, nên chết là hết, sẽ không có gì là tôi, của tôi tồn tại sau khi tôi chết. Dấu chấm hết gọn nhẹ, dễ thở, dễ chịu, vì không hứa hẹn hay đe dọa, không thiên đàng hay hoả ngục, không khen thưởng hay trừng phạt, cũng không nhân hay qủa gì sau khi tấm thân này trở về cát bụi.

Thế là tâm lý tôi ổn, tâm trí tôi yên, không còn bối rối, lo âu chuyện chết rồi đi đâu, lên thiên đàng hay xuống hoả ngục…

Cho đến một ngày, tôi khám phá mình đang lừa mình, đang cố tự đánh lạc hướng, đang tự phỉnh gạt, khi lương tri ngày càng dồn dập mách bảo: con người không chỉ là vật chất, nhưng còn có linh hồn bất tử, nên chết không hết, chết không là dấu chấm hết vô lý, vô duyên, vô nghiã, vô vị, bởi con người không thể vào đời một cách ngẫu nhiên, vô tình, vô tích sự, cũng như tiếng lòng hằng đêm trăn trở: con người không thể bị hủy hoại thành hư vô, bởi tâm hồn vẫn khắc khoải  hướng về một Đấng Thiêng Liêng là Cội Nguồn, Cùng Đích và sau cuộc sống này chắc sẽ có một cuộc sống khác.

Mùa Thương Khó cách đây bốn năm, tôi tìm lại đức tin đã bỏ quên hàng chục năm, khi nhận ra Đức Giêsu đã chết và sống lại để bảo đảm cho đời sống mai hậu của loài người. Nhưng điều quan trọng an ủi hơn cả chính là Ngài đã chết để xóa tội cho mọi người như Đấng Cứu Độ nhân hậu, từ bi, luôn thương xót, và đã sống lại như Thiên Chúa toàn năng đời đời vinh hiển.

Qua sự chết của Ngài, tôi an tâm chết mà không sợ bị nghiêm khắc luận tội, và nghiêm minh trừng phạt, vì Ngài đã sống và chết cho tôi, sống và chết vì tôi, sống và chết với tôi, không lẽ nào Ngài chịu thua “những yếu đuối, sai sót” của thân phận tôi bèo bọt, miễn tôi khiêm tốn xin Ngài dủ lòng thương xót tha thứ lỗi lầm, tội lụy và xin được cùng Ngài vào thiên đàng, như người gian phi bị đóng đinh với Ngài đã khẩn khoản nài xin: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,42). Và chính anh gian phi đã không ngờ Đức Giêsu đã nghe và trả lời anh: “Tôi bảo thật anh, ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43), cho dù trước đó không lâu, cũng từ Thập Giá loang máu, Ngài đã cầu xin Chúa Cha tha thứ cho tất cả mọi người: “Lậy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Và từ ngày đó, Đức Giêsu ban cho tâm hồn tôi ơn Bình An phục sinh, như đã ban cho các Tông Đồ sau khi sống lại, và dậy tôi sống ơn Bình An của Ngài bằng thương xót anh em, nhất là những anh em bé mọn, nghèo hèn, và cả những người ganh ghét, vu khống, tìm cách hãm hại, làm khổ mình, vì điều làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn tất cả chính là thương xót anh em như đời tôi hôm qua, hôm nay, ngày mai, cũng như đời sau sắp tới luôn được Thiên Chúa và anh em chạnh lòng thương xót (x. Mt 18,23-35), bởi chính Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa đã hứa Hạnh Phúc được Thiên Chúa xót thương cho những ai có lòng thương xót anh em mình (x. Mt 5,7).

  1. Trái Tim rộng mở yêu thương của Thiên Chúa (Mt 20,1-16)

Tôi rất dị ứng khi ai đó gọi tôi là “đạo mới, đạo theo” để phân biệt người mới được rửa tội, mới theo đạo, mới gia nhập Giáo Hội với người đạo gốc, đạo dòng, đạo “cha truyền con nối”.

Nhớ những ngày đi xin học giáo lý tân tòng, đến đâu, gặp ai, tôi cũng bị “tra tấn” bởi những câu hỏi chẳng dễ nghe và không khuyến khích, động viên chút nào, như “Học đạo để lấy chồng hả? Chắc đi đạo vì quen mấy cha, mấy sơ?”, mà tuyệt nhiên không ai, kể cả những người dậy giáo lý đã hiểu khác hơn, đúng hơn lý do tôi xin đi đạo.

Tôi đi đạo vì một lý do duy nhất: Tôi “say nắng” Đức Giêsu, con người rất nhân bản, thân thiện, thương yêu, và Mái Nhà Thiên Chúa của Ngài luôn mở cửa đón hết mọi người.

Những ngày học đạo, tôi thích nhất dụ ngôn “thợ làm vườn nho” (Mt 20,1-11), một hình ảnh Nước Trời, Nhà Thiên Chúa luôn rộng mở đón tiếp hết mọi người, và Thiên Chúa, ông chủ dễ thương lúc nào cũng vui vẻ mời gọi, năng nổ đi tìm và trân qúy, niềm nở đón tiếp từng người vào làm việc trong vườn nho của ông.

Nhưng điều thú vị, độc đáo nhất không ai ngờ ở ông chủ chính là với tất cả mọi người, ông đều ký một hợp đồng trả lương trọn ngày, nghiã là mức lương cao nhất, cho dù có người đã làm suốt ngày từ sáng sớm đến giờ đóng cửa vườn, có người từ mười hai giờ trưa, có người từ hai giờ chiều, lại có người chỉ mới vào làm chưa được một giờ.

Chẳng thế mà cuối ngày, đến giờ trả lương, những người vào làm trước nhất tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, khi thấy những người vào làm sau chót được trả đầy đủ lương của một ngày làm. Nhưng rất tiếc, khi đến phiên, họ cũng chỉ lãnh như những người vào làm ở giờ chót lương của một ngày làm như hợp đồng đã thoả thuận. Thế là những người vào làm trước nhất này đã bất mãn phân bì và cằn nhằn ông chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” (Mt 20,12).

Và Thiên Chúa là ông chủ vườn nho đã trả lời: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền đó sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuy ý định đọat về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20,13-15).

Thiên Chúa của Đức Giêsu thật vô cùng quảng đại và Ngài đã không phân biệt, kỳ thị người đến trước, kẻ vào sau, đạo cũ, đạo mới, nhưng “tốt bụng” với tất cả mọi người và làm tràn đầy hạnh phúc tất cả những ai tin và đi theo Ngài.

Ước gì những tâm tình “say nắng” Đức Giêsu được ghi lại từ những chia sẻ chân thành trên biến thành tia nắng nhỏ luồn qua khe cửa những trái tim còn e ngại, rụt rè, những trái tim đã mệt mỏi vì thất vọng, những trái tim chưa sống đã vội già vì nhiều oan khiên để Tình Yêu Đức Giêsu có cơ hội sưởi ấm tim anh đã lạnh lùng, chữa lành tim em đầy thương tích, biến đổi chai đá tim tôi thành thịt, và cho tất cả chúng ta được chung nhịp đập của Trái Tim Đức Giêsu là Tình Yêu vô cùng và đến cùng, Trái Tim đã làm chúng ta say nắng Ngài là Tình Yêu.

Jorathe Nắng Tím

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2025. All Rights Reserved.