Tâm thư gửi Người Gieo Giống trong Tin Mừng CN XV TN năm A
Anh nông dân quý mến,
Anh làm ba chuyện nực cười quá! Anh dư hạt giống sao lại đem gieo trên đường phố? Đường để đi chứ đâu phải nơi trồng trọt! Sau đó lại đem gieo vào sỏi đá nơi không có đất, không lẽ hạt giống mọc được trên đá sao? Chán rồi đem gieo vào bụi gai, gai đâm tua tủa cây gì sống được với chúng? Jeremias[1] bênh vực anh nên nói người Palestine thời đó gieo giống trước, rồi mới cày xới tung lên để cho hạt giống lọt xuống đất, và dĩ nhiên có hạt văng ra đường đi, có hạt lại nấp vào bụi gai, hay ngổi chồm hổm trên mỏm đá và như vậy sẽ chết vì không thức ăn, nước uống. Tuy nhiên cách biện hộ này lại không phù hợp với hoàn cảnh thực của dụ ngôn. Ngược lại, chính sự khác thường này làm nên tính cách của Anh và bài Tin Mừng.
Điều đáng mừng là Anh vẫn còn tinh tường nên dù phung phí hạt giống khắp nơi, vẫn để lại một số để gieo vào đất tốt và như vậy vẫn có kết quả cuối cùng. Nhưng một điều lạ nữa nơi mảnh đất của Anh, nếu là mùa bội thu thì con số phải tăng dần và như vậy mới là số hên, như trường hợp Marcô: những hạt rơi vào đất tốt, hạt sinh lời gấp 30, hạt sinh gấp 60 và gấp 100. Tuy nhiên hạt giống của anh lại sinh ngược, hạt sinh lời gấp 100, hạt gấp 60 và hạt sinh gấp 30, sao kết quả cứ giảm dần vậy?
Suy nghĩ một hồi thấy việc gieo trồng của Anh cũng không mấy lạc quan: trong năm câu tả về dụ ngôn, có đến bốn câu nói về sự thất bại, trước hết là các trường hợp làm hạt giống không sinh sôi nảy nở và không có kết quả; rồi trường hợp cuối cùng hạt giống may mắn rơi vào đất tốt, nhưng việc sinh lời lại giảm dần, hình như viễn tượng thành công không mấy khả quan; bắt đầu với người sinh nhiều hoa lợi nhất và kết thúc với việc kẻ không sinh ích gì[2]. Tuy nhiên điều đó lại cho thấy, Anh là người quảng đại, gieo hạt khắp nơi không tính toán, không ra chỉ số phải sinh lời là bao nhiêu, nhưng để mỗi hạt giống tự do trong trách nhiệm. Hơn nữa thành công chỉ có thể xuyên qua sự thất bại.
Từ khởi đầu, Mátthêu kể về Anh đi gieo giống, phân chia các loại đất và vụ thu hoạch cuối mùa, nhưng thật ra Anh chỉ đóng vai trò thứ yếu, bởi sang phần giải thích, tác giả lại nhấn mạnh đến “Lời rao giảng Nước trời.” Mình thích tự do, cứ nói chuyện nọ sọ chuyện kia, xem ra chẳng ăn nhập với nhau, mới nói việc Anh gieo giống giờ lại chuyển sang Nước Trời, nhưng đó lại là cách sắp xếp của Mátthêu…
“Các mầu nhiệm Nước trời” là công thức được lấy từ nền văn chương khải huyền. Nhắc lại những bí nhiệm tối hậu của Thiên Chúa, cụ thể là kế hoạch cứu độ của Ngài tập trung nơi các hoạt động cứu chữa của Đức Giêsu. Mátthêu sẽ đồng hóa Anh với Thầy Giêsu, người muộn thời còn đồng hóa với các tông đồ, với các tín hữu… là những người luôn tích cực gieo rắc Lời Chúa, trải qua gian lao, có khi thành công nhưng thất bại cũng nhiều. Nếu Mátthêu đồng hóa Anh với Thầy Giêsu thì sứ điệp Thầy gởi là: mỗi người nghe Lời, thi hành và sinh lợi tức. Sao từ hạt giống lại ra con người rồi? Vậy mới gọi là “dụ ngôn”!
Thôi, vài dòng chia sẻ và đôi lời khen Anh:
– Anh đi vào sân khấu một mình,
– Làm công việc lâu giờ, mệt nhọc nhưng không một lời than trách,
– Quảng đại, cho đi không phân biệt người tốt xấu,
– Luôn có cái nhìn tích cực và nuôi dưỡng niềm hy vọng, dù những nỗ lực đầu tiên đã thất bại, chỉ công việc cuối cùng mới có kết quả.
– Và chính sự nhẫn nại, từ tâm đó sẽ biến mảnh đất khô cằn thành nơi đất tốt.
Chúc Anh an mạnh!
Catarina Thùy Dung.