Thánh PHANXICÔ CẦN
Thánh PHANXICÔ CẦN

(1803-1837)

Phanxicô Xaviê Cần, Sinh năm 1803 tại Sơn Miêng, Hà Ðông, Thầy giảng, bị xử giảo ngày 20 tháng 11 năm 1837 tại Ô Cầu Giấy dưới đời vua Minh Mạng, Đức Lêo XIII suy tôn thày Nguyễn Cần lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988. Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 20/11.

Tôi trung không thờ hai chủ.

“Tôi trung không thờ hai chủ” lời cuối cùng phát ra từ miệng thánh Phanxicô Nguyễn Cần tóm tắt cuộc đời của thày, một người tôi trung, đã suốt đời trung thành với Chúa, phục vụ tha nhân, sống trung thực với suy nghĩ của mình, trung tín với giáo lý Tin Mừng và cuối cùng đã trung kiên vượt qua mọi thử thách, xứng đáng nhận lời chúc phúc “hãy vào hưởng niềm hoan lạc của Chúa trên trời”. (Mt. 25,21).

Phanxicô Nguyễn Cần còn có tên Nguyễn Tiên tức Tiên Truật, sinh năm 1803, tại làng Sơn Miệng, huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, Hà Nội. Từ niên thiếu, cậu Cần đã ước ao dâng mình trong nhà Chúa, nhưng mẹ cậu vì thương nhớ, không muốn xa con nên từ chối. Cậu phải nói với mẹ: “Nếu mẹ không bằng lòng con ở với cha xứ nhà, con sẽ trốn đi, ở với cha xứ khác”. Thế là bà mẹ cũng phải chiều ý, cho cậu ở với cha Nghi, chánh xứ Sơn Miêng.

Nhờ đức hạnh tốt và siêng năng, cậu được vào chủng viện, trở thành thày giảng, được cử đi giúp Đức cha Havard Du, rồi cha Retord Liêu (năm 1838 lên chức Giám mục, gọi là Đức Thày Liêu). Cha Liêu đã nhận xét về thày Cần: “Thày giúp tôi học tiếng Việt, chia sẻ với tôi mọi khó khăn, hiểm nguy, thiếu thốn. Thày rất nhiệt tâm trong việc tông đồ”.

Ngày 19.4.1836, cha Liêu nhờ thày đi mời cha Tuấn về xứ Kẻ Chuông giảng, chuẩn bị lễ Phục Sinh. Nhưng khi thày đến xứ Kẻ Vạc, nơi cha Tuấn ở thì bị bắt. Quân lính dấu ảnh tượng vào túi xách của thảyđê có chứng cớ cụ thể. Thày bị giải về huyện Thanh Oai và bị tống giam vào ngục.

Trước công đường, quan nói thày đừng tin vào các đạo trưởng, và hãy đạp lên ảnh đạo, quan sẽ tha cho về nuôi mẹ già. Thày trả lời : “Thưa quan, tôi chưa thấy các đạo trưởng lừa dối ai bao giờ, còn mẹ già tôi không lo, tôi xa nhà đã lâu chẳng giúp gì cho bà”. Sau đó quan dùng nhiều lời khiếm nhã phê bình về đạo, thày bình tĩnh giải thích lại rỗi trình bày về 10 điều răn Thiên Chúa và sáu điều răn Hội Thánh, thày kết thúc bằng một lời tự nguyện, tự phát rất cảm động. Mọi người ở đó đều cản phục. Quan tuyên bố kết thức phiên tòa, đưa thày về trại giam. Nhưng quan nói nhỏ với những người đứng bên : “Anh này nói cũng có lý. Những giới răn và kinh nguyện của anh ta chứa đựng nhiều điều tốt lành, có lẽ còn dễ hiểu hơn bản “thập điều” của nhà vua nữa”.

Một dạ sắt son.

Phần cha Liêu ở nhà rất buồn, cha tìm mọi cách cứu mạng cho thày Cần. Cha cho người đem tiền theo thân mẫu thày lên huyện để chuộc. Mới đầu quan đòi 300 quan, sau tăng lên 500, rồi 600, vượt qua con số dự trù, có lẽ vị quan đó không dám cho chuộc thì đúng hơn. Thày Cần an ủi mẹ: “Xin mẹ đừng lo cho con, con đã ước ao tử đạo từ lâu, xin mẹ chỉ cầu nguyện cho con là đủ”.

Có nhiều người tỏ lòng thương hại thày Cần. Quan khuyên thày bước qua Thập Giá, thày cương quyết từ chối. lính khiêng thày đắt lên tượng ảnh Chúa, tahỳ ôm chặt lấy chân và la lên: “Tôi không đạp lên ảnh Chúa đâu”. Một số giáo dân đã bỏ đạo nói: “Tội nào Chúa chẳng tha, Phêrô chối Chúa ba lần mà còn làm thủ lãnh Giáo Hội”. Người khác lừa dối: “Cha Liêu nhắn thày cứ bước qua Thánh Giá, rồi sẽ về liệu sau”. Họ còn đe dọa: “Nếu thày không nghe, quan sẽ làm khổ cả làng đó”. Nhưng tất cả không làm xoay chuyển ý chi sắt đá của vị chứng nhân đức Kitô.

Thày quả quyết : “Dù thiên thần xuống bảo tôi bỏ đạo, tôi cũng chẳng tin. Dù kính trọng cha Liêu, tôi không thể làm điều sai lạc đó được. Hơn nữa, tôi biết chắc ngài không ra lệnh tôi làm như vậy. Còn với dân chúng, tôi thương mến thật, nhưng cũng không vì họ mà tôi xúc phạm đến Chúa”.

Nhiều người ngoại giáo nói với nhau: “Giá như đạo mình bị cấm, chắc ta đã bước qua ảnh tượng trăm lần… Tượng đồng, ảnh giấy có chi mà sợ”. Thấy không thể lay chuyển được người tôi chung của Chúa Kitô, quan cho giải thày Cần lên Hà Nội. Tám tháng tù ở Thanh Oai, mười tháng từ ở Hà Nội, là cả chuỗi ngày cực hình đổ trên người thày : cổ mang gông, tay mang xiềng xích, chân bị cùm… nhà tù thì nồng nặc mùi hôi hám, vì tù nhân phóng uế tại chỗ, lính canh đánh đập thày mỗi ngày để tra khảo tiền bạc. Trong một lá thư gửi cha Liêu, thày viết : “Con bị tra tấn ba lần, hai lần đầu, mỗi lần 60 roi, lần sau 50 roi, nhà giam đã chật hẹp hôi hám, lại có hơn chục anh đầu trộm đuôi cướp, ăn nói lỗ mãng, ban ngày say sưa, ban đêm cờ bạc, lúc nào cũng ồn ào làm con khó cầu nguyện quá”.

Tông đồ trong trại giam

Thế nhưng, thày không chán nản, mà coi đó là môi trường Chúa gởi đến. Thày kiên nhẫn giúp được hai tù nhân hối cải, dạy giáo lý và rửa tội được vài người, chúng ta hãy đọc một đọan thư thày viết từ trạigiam ở Hà Nội :

“Con báo để cha an tâm. Ở đâu con cũng được mọi người thương mến, dù quan hay dân và các bạn tù đều kính trọng gọi con bằng thày, có người còn tặng con danh hiệu khác nữa. Hầu hết họ cảm thương con bị đau khổ, hoặc khen con vững chí. Con hay bàn luận với họ và biết nhiều điều mê tín của họ, nhưng chưa biết khuyyên bảo họ sao bây giờ. Có một ông Chánh tổng cũng bị giam ở đây, hứa với con khi ra tù sẽ theo đạo và sống theo những điều con giảng… Thưa cha, con thấy người đời sẵn sàng chịu nhiều khổ sở để được giầu sang hoặc danh vọng chóng qua, lẽ nào con không nhẫn nại, chịu những sự khó qua mau này, để được vinh quang đời đời”.

Viên cai ngục Hà Nội thấy tác phong của thày Cần, dự đoán : “Ông này chỉ bằng nắm tay mà nghị lực phi thường. Ông ta mà chết chắc sẽ trở lên Thành Hoàng của làng chứ chẳng chơi”. Cũng trong thời kỳ ở Hà Nội, có lần thày Cần bị bệnh nặng, một linh mục giả làm thày lang vào giải tội, cho thày được rước lễ và xức dầu. Nhưng sau đó thày được bình phục ngay.

Ngày 20.11.1837, bản án vua Minh Mạng châu phê ra tới Hà Nội. Quan Tổng trấn khuyên thày nhắm mắt bước qua Thập Giá. Thày nói: “Mắt thì nhắm được, chứ lòng trí khôn không thể nhắm được, nên tôi chẳng làm”. Quan lại cho xếp chéo hai khúc gỗ và nói: “Đây không phải ảnh Chúa, gỗ này cũng chưa được làm phép, cứ bước qua đi sẽ thoát chết”. Nhưng thày không làm vì biết đó là dấu hiệu chối đạo.

Và thiên thu vĩnh phúc.

Một tuần sau, thày Phanxicô Cần bị điệu ra pháp trường cửa ô Cầu Giấy. Năm viên quan cưỡi voi đi trước, 10 cai đội cưỡi ngựa theo sau, rồi đến 300 lính vũ lâm, mặc binh phục đỏ, tay cầm kiếm. Một người cầm tấm thẻ ghi bản án: “Can phạm theo đạo Gia Tô, không chịu bước qua Thập Giá, án xử giải”. Dân chúng hôm đó, đi xem rất đông.

Tại pháp trường, kh dây thừng đã quấn quanh cổ, thày Cần vẫn bình tĩnh cám ơn mọi người, nói với họ về cái hết theo đức tin Công Giáo, về hạnh phúc đời sau và hứa sẽ nhớ đến họ khi về bên Chúa. viên quan cố thuyết phục lần chót: “Anh có thể cứu mạng mình. anh không chộm cướp, cũng không làm loạn, bản án của anh còn có thể rút lại được, chỉ cần anh bước một bước qua Thập Tự:. Nhưng thày trả lời : “Tôi trung không thờ hai chủ, xin quan cứ an mà thi hành”. Quan ra lệnh, tức khắc quân lính kéo mạnh hai đầu dây, người môn đệ Chúa Kitô gục dầu tắt thở, lãnh cành vạn tuế tử đạo ngày 20.11.1837, khi mới 34 tuổi.

Thi hài vị tử đạo được an táng tại Chân Sơn, sau cải táng về nhà thờ xứ Sơn Miêng. Đức Lêo XIII suy tôn thày Nguyễn Cần lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Lời tiên đoán vô tình của viên cai ngục đã trở thành hiện thực. Ngày nay, thánh Phanxicô Nguyễn Cần không những là “Thành Hoàng” của làng Sơn Miêng, mà hơn thế, là Thánh Tử Đạo của Giáo Hội Việt Nam và được cả Giáo Hội hoàn cầu ngưỡng mộ.

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2025. All Rights Reserved.