Bài Giảng của Đức Sứ Thần CHRISTOPHE PIERRE
ngày 15/11/2020, tại Giáo xứ Thánh Helena, Philadelphia
Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô,
Là Sứ thần Toà Thánh tại Hoa kỳ, tôi xin thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời kính chào anh chị em trong ngày Chủ nhật 33 Thường niên, lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Việtnam. Tôi cũng muốn cám ơn ĐÔ Giuse đã mời tôi trong dịp đại hội các linh mục VN năm ngoái tại California.
Tôi được biết đến sự đóng góp to lớn của người Công giáo VN cho Giáo hôi tại Hoa kỳ, không chỉ hàng giáo sĩ, nhưng cả hàng ngũ giáo dân cũng đã đóng góp rất nhiều trong sứ mạng phúc âm hoá và lưu truyền đức tin của mình cho các thế hệ tiếp nối. Do đó tôi có thể nói rằng: đóng góp của người Công giáo Việtnam cho Giáo hội Hoa kỳ đã củng cố đặc tính công giáo của Giáo hội chúng ta.
Đức Thánh Cha viết trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium): “Lịch sử Giáo hội cho thấy Kitô giáo không phải của riêng một văn hoá nào, nhưng luôn giữ bản chất thật của mình, trung thành với truyền thống trong khi phản ánh các khuôn mặt khác nhau của mọi nền văn hoá. Tính chất đa dạng của các dân tộc qua kinh nghiệm nhận được quà tặng từ Thiên Chúa, mỗi dân tộc tùy theo văn hoá riêng của mình đã góp phần vào đặc tính công giáo cho thấy nét đẹp và tính đa dạng của khuôn mặt Giáo hội” Trích Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng ngày 24 November, 2013, số 116 cùa ĐGH Phanxico.
Vì thế tôi có thể nói rằng. trong khi vẫn bảo tồn di sản văn hoá và truyền thống phụng vụ của riêng mình, người Công giáo VN vẫn có thể sống đức tin như một quà tặng của Thiên Chúa ngay tại Hoa kỳ,
Bài Phúc âm hôm nay nói về Dụ ngôn Nén bạc. Chúa Giêsu kể chuyện ba người đầy tớ được chủ giao cho quản lý một số tài sản trước khi ông đi xa. “Nén bạc” thời La mã cổ là một đồng tiền kim loại có giá trị rất lớn, đồng nghĩa với tài sản cá nhân của mỗi người phải được sinh lợi. Hai người đầy tớ trung tín đã làm sinh lợi gấp đôi số nén bạc họ nhận được. Còn người thứ ba thì lại đem chôn nén bạc của mình. Ông chủ hài lòng với hai người trước và không hài lòng với người thứ ba.
Trước hết chúng ta phải kể đến sự tin tưởng của ông chủ đối với các người đầy tớ. Ông đã giao phó cho các đầy tớ tuỳ theo khả năng của mỗi người. Từ ngữ “động lực” trong tiếng Hi lạp nghĩa là năng lực, có nghĩa là Chúa Kitô đang hoạt động bên trong mỗi người chúng ta (cf. 2 Pet 1:3-4). Ông chủ là Chúa Kitô. Đầy tớ là các môn đệ; Các Nén bạc là ơn huệ của Chúa. Thiên Chúa tin tưởng chúng ta nên đã trao ban các ơn huệ của ngài cho chúng ta.
Đây là các ơn huệ Chúa đã ban để chúng ta sinh lợi hoa trái: đó là Lời của Chúa; là Phép Rửa tội đổi mới chúng ta trong Thánh Thần, là Lòng Chúa Thương Xót, là bí tích Thánh Thể; Và trong trường hợp Giáo hội VN, đó là di sản quý giá của một Giáo hội đau khổ vì (là?) sự đổ máu của các Thánh Tử đạo như Anrê Dũng Lạc, Vinh sơn Liêm, Anê Lê Thị Thành và còn nhiều thánh khác.
Thiên Chúa ban cho chúng ta nhiều ơn huệ nhưng chúng ta đã làm gì với những ơn huệ đó? Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải biết xử dụng tốt những ơn huệ ngài ban. Thiên Chúa kêu gọi mỗi người và giao cho những nén bạc, đồng thời ngài cũng giao cho một sứ mạng phải thi hành. Trong dụ ngôn hôm nay, người đầy tớ thứ nhất và thứ nhì đã lập tức thi hành nhiệm vụ, họ có vẻ khẩn cấp. Còn người đầy tớ thứ ba bị coi là lười biếng, không tỏ ra vội vàng (nhiệt thành, chuyên chăm?). Không những lười biếng, anh ta còn bị bại liệt (chai lì?) vì sợ Chủ hơn là tin Chủ. Sợ hãi là một thái độ không đúng. Người đầy tớ sợ Chủ trở về đã chôn nén bạc mà chẳng làm gì sinh lợi. Sự sợ hãi này cho thấy anh ta thiếu niềm tin vào lòng tốt của Ông Chủ, Cả ba người đầy tớ cùng bắt đầu ra tay làm việc. Hai người trước thì đầu tư sinh lợi còn người thứ ba thì đào lỗ chôn dấu.
Đào lỗ chôn dấu thực ra có thể tốn nhiều công sức hơn là sinh lợi. Sự khác nhau nằm ở chỗ thái độ của mỗi đầy tớ đối với Chủ. Hai người trước tin tưởng và yêu mến Chủ. Họ liên kết mật thiết với Chủ. Họ sẵn sàng hiến mạng vì Chủ, Trái lại người đầy tớ thứ ba chỉ biết lo cho mình, lo cho sư an nguy sống còn của riêng mình. Anh ta đã không thực hiện chương trình của Chủ mà chỉ lo việc của anh. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói anh là loại người “vị kỷ”. Anh đã không tự ra khỏi chính mình để tìm cách sinh lợi nén bạc Chủ giao phó. Nếu Giáo hội cũng hành xử như vậy hay nếu Giáo hội không truyền giáo mà chỉ lo bảo thủ cho mình thì điều gì sẽ xảy ra. Khi Chúa trở lại thế gian một lần nữa Giáo hội sẽ tính sổ làm sao đây.
Thánh Anrê Dũng Lạc có cha mẹ là người ngoại giáo, lớn lên trong cảnh nghèo, được một giáo lý viên hết lòng dạy bảo về đức tin, giúp thánh nhân trở thành một linh mục và một nhà truyền giáo rao giảng Tin Mừng cho đồng bào Việtnam. Trong ngày lễ phong thánh các Thánh Tử đạo Việtnam, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nói:
“Dù được cai ngục thả mấy lần do tiền chuộc của những giáo dân tốt bụng nhưng Anrê Dũng Lạc vẫn ao ước được phúc tử đạo. Thánh nhân nói rằng:
Kẻ nào chết vì đức tin sẽ được lên trời, còn chúng ta cứ phải lẩn trốn như thế này sao. Chúng ta nên tự nộp mình và chịu chết thì tốt hơn. Nhờ lòng mến Chúa và nhờ ơn Chúa giúp, Anrê Dũng Lạc đã tử vì đạo, bị xử trảm
tại Hànội ngày 21 tháng 12 năm 1839 (Trích Bài Giảng Lễ Phong Thánh 19 June 1988 của ĐGH John Paul II).
Không còn sợ hãi nhưng nhờ ơn Chúa và lòng kính mến Chúa, thánh nhân đã mạnh dạn bước ra khỏi nơi ẩn nấp. Đây chính là di sản của Giáo hội Việtnam: là lòng dũng cảm và sự trung thành.
Thánh Gregory Cả đã chú giải bài Phúc âm hôm nay như sau: “Chúa không để cho một ai phải thiếu thốn tình yêu của ngài; điều quan trọng là chúng ta biết dồn hết tâm huyết của mình vào những công việc chúng ta phải làm”. Đức Ái đòi hỏi yêu thương kẻ thù cũng như yêu thương bạn hữu, ngài còn nói thêm: kẻ nào thiếu nhân đức này thì sẽ mất tất cả, kể cả nén bạc đã nhận được cũng sẽ bị lấy lại và sẽ bị quăng vào nơi tối tăm”.
Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận đã viết trong cuốn sách Chứng Nhân Hi Vọng như sau:
Một ngày kia ở trong tù người ta hỏi tôi: Ông có yêu thương chúng tôi không?
Tôi trả lời: Có, tôi yêu thương các anh.
Nhưng chúng tôi nhốt tù ông nhiều năm mà không xét xử gì cả, không có bản án nào cả mà ông vẫn cứ yêu thương chúng tôi sao? Không thể như thế được! Chắc ông nói dối.
Tôi đã ở với các ông nhiều năm, các ông thấy đó là sự thật mà.
Khi ông đươc trả tự do ông có bảo giáo dân của ông đốt nhà chúng tôi hay giết hại gia đình chúng tôi không?
Không! Ngay cả nếu bây giờ các ông giết tôi tôi vẫn yêu thương các ông. Tại sao?
Bởi vì Chúa Giêsu đã dạy tôi phải yêu thương mọi người ngay cả kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy thì tôi không đáng được gọi là người Kitô hữu.
Đây thực là một món quà –là sức mạnh – đã được trao tặng cho Giáo hội tại Việtnam, và bây giờ lại được anh chị em trao tặng cho Giáo hội tại Hoa kỳ: đó là sức mạnh để yêu thương. Anh chị em đã nhận được tình thương yêu của Chúa, đấng đã không sợ phải hi sinh mạng sống vì anh chị em. Bây giờ đến phiên anh chị em bắt lấy cơ hội sinh lợi nhân rộng tình yêu của Thiên Chúa cho thế giới. Thiên Chúa đã giao cho chúng ta những nén bạc, những ơn huệ của ngài, chúng ta hãy đón nhận trách nhiệm làm những nhà truyền giáo, để khi Chủ trở về sẽ nói những lời này: “Tốt lắm, hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng hạnh phúc của Chủ ngươi.”