Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXXIV TN A

CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN A
LỄ CHÚA KITÔ VUA 
(Ed 34,11-12.15-17; 1Cr 15,20-26.28; Mt 25,31-46)

ĐỨC GIÊSU KITÔ – MỤC TỬ VÀ THẨM PHÁN

“Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê” (Mt 25,32)

Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, chúng ta cử hành trọng thể Lễ Chúa Kitô – Vua Vũ Trụ. Tất cả đều quy hướng về Người và tìm thấy nơi Người sự viên mãn. Các bài đọc hôm nay trình bày Thiên Chúa như là vị mục tử chăm lo cho đàn chiên; mọi thế lực thù địch sẽ quy phục dưới chân Người, và Người còn là vị thẩm phán trong ngày quang lâm.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Ed 34,11-12.15-17)

Bài đọc I được trích từ một sấm ngôn của ngôn sứ Êdêkien chống lại các mục tử xấu nhà Israel, đúng hơn là với các vua hơn là các tư tế. Sấm ngôn này có thể vào cuối giai đoạn các vua, trong thời gian trước lúc Đền thờ Giêrusalem bị tàn phá và dân bị lưu đày (x. Gr; 2V 23-25). Chính trong bối cảnh loạn lạc và bất công này, những lời sấm rất tuyệt vời của ngôn sứ Êdêkien đã vang lên và xem dân Israel như một đàn chiên lạc không người chăn dắt. Ngày đó, vị mục tử nhà Israel sẽ không phải là một vị vua nào, nhưng là chính tay Đức Chúa sẽ chăn dắt (c.11) và tập họp dân Người (c.12), và Người sẽ đưa họ nghỉ ngơi trên đồng cỏ núi thánh Israel (c.15). Tiếp đến là lời hứa về sự can thiệp của Thiên Chúa trong ngày đó đối với đàn chiên của Người, nhất là với những người yếm thế, và Người cảnh báo những người trục lợi và giẫm đạp lên những người yếu hèn (c.16-17).

2. Bài đọc II (1Cr 15,20-26.28)

Các Rabbi Do Thái tin rằng Đấng Messia đến sẽ khai mở một triều đại Messia, và sau đó sẽ tiếp nối triều đại của Thiên Chúa. Vì thế thánh Phaolô cũng chia sẻ ý tưởng này của các Rabbi và cho rằng: triều đại Messia sẽ kéo dài tương ứng với lịch sử nhân loại và sẽ kết thúc vào ngày sau hết. Trong viễn cảnh này chúng ta sẽ hiểu rõ hơn bài đọc II hôm nay. Thánh Phaolô tin rằng Đấng Messia, cách tiệm tiến, sẽ tiêu diệt mọi thù địch trong triều đại của Người, và chiến thắng của Người sẽ hoàn tất khi thù địch cuối cùng, là cái chết, bị tiêu diệt (c.25-26). Thế lực thù địch bị tiêu diệt ở đây không phải là con người, nhưng là sự dữ, nghĩa là tất cả những gì làm cản trở con người sống trong sự viên mãn của đời mình như: bệnh tật, nghèo đói, trần truồng, nô lệ, sợ hãi, ghen ghét, ích kỷ, tội lỗi. Một khi những thực tại tiêu cực này biến mất, thì triều đại Messia có thể nói là sẽ hoàn tất. Vì thế, bất cứ ai dấn thân chống lại những điều này là cộng tác vào kế hoạch và công trình của Đấng Messia. Một khi triều đại này được khai mở trong thế gian và những thế lực thù địch của Đức Kitô, kể cả sự chết, bị tiêu diệt, thì chính Đấng Messia sẽ trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha (c.24) và khai mở triều đại của Thiên Chúa và triều đại này sẽ vô cùng tận (c.28).

3. Bài Tin mừng (Mt 25,31-46)

Bài Tin Mừng hôm nay là một quang cảnh phúng dụ về cuộc phán xét sau cùng. Trong Tin Mừng Matthêu, đoạn này tiếp theo sau dụ ngôn những nén bạc và kết thúc diễn từ cánh chung, loan báo việc Con Người đến trong vinh quang. Toàn bộ diễn từ này, đặc biệt cảnh phán xét sau cùng có nét tương đồng với bối cảnh phán xét trong Đanien 7,13-14, trong đó, xuất hiện hình ảnh Con Người được trao quyền trên mọi dân nước.

Có thể nói đây là một sấm ngôn về sự trở lại của Đức Kitô. Vì thế, việc xem bản văn đơn thuần như là một dụ ngôn dạy về một bài học luân lý là chưa đủ. Ta còn thấy tiếp sau diễn từ cánh chung và phán xét sau cùng này là trình thuật về cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Việc này giúp chúng ta hiểu được cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu như là con đường dẫn tới cuộc quang lâm của Đức Kitô. Cuộc quang lâm này là một cuộc phán xét, và chỉ ra ai là những người thuộc về hay không thuộc về Đức Kitô. Thánh Matthêu trước đó cũng đã cho chúng ta những tiêu chí thuộc về không phải là những yếu tố bề ngoài (x. Mt 7,21-23).

Mạc khải về sự trở lại của Đức Kitô bao hàm cả về sự hiện diện hoàn vũ của Người. Sự hiện diện này đã có, nhưng bất khả thi. Vì thế, nơi những người nghèo, những người bé mọn là một bí tích về sự hiện diện của Người. Từ đây thúc bách chúng ta để ý nhiều hơn trong các tương quan với tha nhân, và như thế Nước Chúa sẽ tiến triển theo cách thế này.

Khi mạc khải cho chúng ta về ngày phán xét sau cùng, có vẻ như Đức Giêsu vượt qua cách mô tả thị kiến theo văn chương Khải Huyền, và đưa chúng ta đến đời sống thật và những việc làm cụ thể. Vì thế, để chuẩn bị cho ngày đó, chúng ta được mời gọi xem lại cách hành xử của chúng ta hôm nay. Đức Giêsu đã chiếu trước cho chúng ta một nguồn sáng trên những gì chúng ta đang sống. Ngài hiện diện và đồng hoá mình nơi những con người bé mọn. Đây là một mạc khải tuyệt vời, và tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người đã đến mức cùng tận như thế này. Vì thế, “Nếu ai nói: tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mình mà họ trông thấy, thì làm sao có thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng mà họ không trông thấy?” (1Ga 4,20).

Đoạn Tin Mừng hôm nay chính yếu không nhằm cung cấp những thông tin chi tiết chính xác về cuộc phán xét sau cùng xảy ra như thế nào, nhưng là lời dạy chúng ta phải sống hôm nay ra sao trong tương quan với ngày mai. Mỗi người chúng ta sẽ được chất vấn dựa trên tình yêu trong đời sống hiện tại, bởi lẽ Vương quốc của Chúa là một vương quốc của tình yêu.

Hình ảnh chiên và dê được dùng ở đây rất ý nghĩa: chiên thì luôn quy tụ với nhau thành đàn và để cho mục tử chăn dắt đến những đồng cỏ xanh rì; còn dê là loài hay nhảy, phá phách, ăn uống ồn ào và không trật tự. Và như vậy, vấn đề ai là chiên ai là dê trong ngày sau hết có ý nghĩa ngay từ hôm nay. Chúng ta đã là chiên mỗi khi chúng ta biết yêu mến và quan tâm chia sẻ; chúng ta đã là dê mỗi khi chúng ta sao nhãng những việc này với những người chung quanh mình.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng”. Lời hứa của Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Êdêkien đã hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô, vị mục tử nhân lành. Nhìn lại đời mình trong từng biến cố, tôi có cảm nghiệm được những nẻo đường hồng ân mà Thiên Chúa đã chăm sóc và dẫn lối tôi đi trong cánh tay yêu thương của Người?

2. “Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người”. Mọi thế lực thù địch sẽ bị tiêu diệt trong triều đại của Đức Giêsu Kitô, kể cả cái chết, và tất cả sẽ quy phục một mình Người. Vậy trong đời sống mỗi ngày, tôi có cộng tác vào việc xây dựng Nước Chúa, biết gieo hoà bình và tình thương, góp phần xóa bỏ những điều không tương hợp với triều đại của Chúa, trước tiên là nơi chính bản thân tôi?

3. “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Thiên Chúa đã yêu thương con người đến nỗi đồng hoá mình nơi những con người bé mọn. Vậy tôi đã làm gì trước dung mạo của Đức Kitô là những người chung quanh, nhất là khi Ta đói… Ta khát… Ta là khách lạ… Ta trần truồng… Ta đau yếu… Ta ngồi tù?

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2025. All Rights Reserved.