Tài liệu Tĩnh Tâm Mùa Vọng 2020

Tĩnh tâm online Mùa Vọng năm 2020

Từ 20-21g các ngày 16-18/12/2020,
(ở Việt Nam là 8-9g sáng thứ Năm, thứ Sáu, thứ Bảy)

dành cho các tín hữuthuộc giáo xứ Thánh Helena, Philadelphia, Hoa Kỳ

Chủ đề: Con đường mở ra trong mùa đại dịch

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đang sống giữa mùa dịch bệnh với nhiều lo sợ. Tính đến hôm nay, 13/12/2020, thế giới có trên 71,8 triệu người nhiễm bệnh và 1,6 triệu người đã chết. Riêng Hoa Kỳ có trên 16 triệu người nhiễm và 297.843 người tử vong (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 14/12/2020, Cập nhật tình hình dịch Covid-19, tr.3). Ai cũng sợ hãi, muốn thu mình lại, ở trong nhà không dám tiếp xúc với người ngoài, không muốn liên hệ gì với ai, không muốn mất giờ để làm chứng cho người khác, nên người ta không cảm nghiệm được niềm vui của mùa Giáng Sinh, mùa Chúa đến với con người.Vậy chúng ta sẽ phải làm gì để chuẩn bị cho Chúa đến với mình trong mùa Giáng Sinh đặc biệt này?

Chúng tôi xin chia sẻ với các bạn ít suy tư để giúp cho tâm hồn chúng ta an tĩnh lại. Chúng tôi giới thiệu 3 bài suy niệm và 4 bài đọc thêm. Khởi đầu là bàiđọc I “tìm lại chính mình” để dẫn vào “đường đời”, nhờ đó, chúng ta “tỉnh táo để trân trọng từng giây phút sống trên đời” qua bài suy niệm I. Tiếp đó, các bạn đọc bài II: “Con đường tình yêu”, nói về Chúa Cha để tìm về được nguồn hiện hữu của mìnnh. Ngày thứ hai, chúng ta cùng “sửa lại con đường của Chúa” (bài suy niệm II) theo sự hướng dẫn của Thầy Giêsu về con đường sự thật và sự sống của Thầy (Bài đọc III).Ngày thứ ba, chúng ta cùng “làm chứng Chúa Kitô đã đến” qua bài suy niệm III, nhờ chúng taThở được tinh hoa của đất trời” (Bài đọc IV) qua tác động của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời mỗi người.

Cầu chúc các bạnluôn an lành, tràn đầy niềm vui trong mùa Giáng Sinh và hạnh phúc trong Năm Mới.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn.

 

 

Lưu ý:

Các bạn muốn tham dự, có thể vào trang web: congdoangiaoxuthanhhelenaphiladelphia.com, có dòng thông báo tĩnh tâm màu vàng, click vào đường link để kết nối zoom hoặc theo hướng dẫn trong thông báo để kết nối điện thoại.

 

Hoặc những ai tham gia trực tuyến không được, có thể vào địa chỉ youtube sau đây:

https://m.youtube.com/watch?v=O52jqusFk9Y

 

 

Bài suy niệm I

Tỉnh thức để trân trọng
từng giây phút sống trên đời

 

Lời mở

Chúng ta bắt đầu một năm Phụng vụ mới với Mùa Vọng: mùa mong chờ Chúa đến trong niềm hy vọng. Nhưng, bao giờ Chúa đến và đến như thế nào? Các bài Thánh Kinh hôm nay mời gọi chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của thời gian, của từng giây phút ta sống ở đời này để không bất ngờ khi Chúa đến.

  1. Hai quan niệm khác nhau về thời gian

Theo định nghĩa trong Từ điển Việt Nam hiện nay: “Thời gian là hình thức tồn tại cơ bản của vật chất (cùng với không gian), trong đó vật chất vận động và phát triển liên tục” (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt2013, mục từ Thời gian). “Thời gian là khái niệm để xác định trình tự diễn tiến và khoảng cách kéo dài của các biến cố” (x. Từ điển Bách khoa Việt Nam, mục từ Thời gian). Hầu hết các dân tộc, qua nền văn hoá, có hai quan niệm khác nhau về thời gian: thời gian tính theo vòng tròn và tính theo đường thẳng.

Trước hết, thời gian giống như một vòng tròn xoay mãi không ngừng với những điểm tính bằng giây, phút, giờ, ngày, tháng, năm để định hình cho công việc. Một giờ có 60 phút, một phút có 60 giây, mỗi ngày có 24 giờ. Sáng chúng ta thức dậy, vệ sinh, ăn sáng rồi đi học hay đi làm. Trưa về ăn trưa, nghỉ một chút rồi lại tiếp tục học hành, làm việc đến chiều. Tối đến lại ăn uống và nghỉ ngơi; ngày hôm sau ta lại tiếp tục những công việc gần giống với ngày hôm trước. Tháng bắt đầu với trăng tròn, trăng khuyết, rồi lại trăng tròn. Năm với bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông liên tục nhau trở lại sau vòng quay như vậy. Người ta nghĩ rằng cuộc đời con người cũng xoay vòng ổn định như thế, không có gì lạ lùng, vì những chuyện xảy ra cho ta hay trên thế giới hôm nay cũng đã từng xảy ra trong quá khứ.

Khi chỉ nghĩ đến vật chất như vậy, người ta thấy rằng bao nhiêu việc làm, bao nhiêu sự cố gắng học hành, bao nhiêu của cải, tài sản, đến một lúc nào đó, đều phải buông bỏ, khi cho rằng chết là hết, vì không còn vật chất nữa nên cũng không còn thời gian và không gian.

Nhiều người nghĩ đến vòng luân hồi như thế nên chỉ muốn sống và hưởng thụ theo ý thích và tự do của mình. Tại sao ta phải đánh răng mỗi ngày? Nếu bớt thời gian đánh răng, ta có thêm thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi! Tại sao phải ngủ 7-8 tiếng mỗi ngày? Nếu bớt thời giờ ngủ đi, ta sẽ làm được nhiều việc hơn! Đó là chủ trương của những người theo thuyết hiện sinh duy vật.

Trong niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng làm chủ lịch sử của con người và vũ trụ, người Do Thái lại quan niệm thời gian như một đường thẳng. Chúng ta biết đường thẳng được thành hình bởi những chấm liên tục kế tiếp nhau. Mỗi chấm nhỏ là một sự kiện xảy ra trong đời sống. Họ tin rằng đường thẳng đó bắt đầu từ vô biên với Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là tinh thần, nên khi con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa vừa có thể xác vừa có tinh thần, thì con người được đưa vào trong kế hoạch tổng thể của Ngài. Dù con người phạm tội, Thiên Chúa vẫn cứu độ con người và vũ trụ bằng tình yêu của Ngài, nên mỗi biến cố trong dòng lịch sử đều hướng người Do Thái và mọi dân tộc về nước Thiên Chúa với Đấng Mêsia sẽ được gửi đến. Cho đến nay, người Do Thái vẫn tiếp tục mong đợi Đấng Mêsia đó.

Đối với người Kitô hữu chúng ta, thời gian là ân huệ của Chúa vì mỗi giây phút, mỗi biến cố trong đời sống của con người cũng như của toàn thể vũ trụ đều bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa. Từ muôn thuở, Ngài yêu thương tất cả, muốn chia sẻ những gì tốt đẹp, cao quý, kỳ diệu của mình nên đã dựng nên vũ trụ và đặt chúng ta vào trong kế hoạch tổng thể tình yêu của Ngài. Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người đã đón nhận thể xác vật chất và đã đưa ân sủng cứu độ vào tinh thần con người, để sau cái chết và cuộc sống lại của Người, tất cả được biến đổi, được thăng hoa.

  1. Ý nghĩa của thời gian

Vì thế, thời gian bây giờ không còn vô nghĩa, mỗi hành động ta lặp đi lặp lại trong từng ngày sống đều có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Mỗi chấm tạo nên đường thẳng là các biến cố, những hành động trong cuộc đời của con người, của dân tộc hay của toàn thể vũ trụ đều có ý nghĩa vì nó chứa đựng tình yêu của Thiên Chúa, và cũng chứa đựng tình yêu của ta khi hành động vì yêu Chúa hay vì yêu anh chị em. Vì thế, hôm nay Giáo Hội mời gọi ta tìm ra ý nghĩa của thời gian, ý nghĩa của từng giây phút sống.

Trong Bài đọc I, tiên tri Isaia nhắc nhở rằng Thiên Chúa là Cha chúng ta: “Lạy Đức Chúa, Ngài mới là Cha, là Đấng cứu chuộc chúng con… Ngài là Cha chúng con, chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con” (Is  63,16; 64,7). Như thế, ta không còn là một hạt bụi vô nghĩa, một cục đất sét vô danh nào đó có thể tan vỡ bất cứ lúc nào. Nhưng ta là con người, là hình ảnh của Thiên Chúa, vì Ngài đã dựng nên ta bằng tất cả tình yêu, chia sẻ cho ta sự sống vĩnh hằng, sự khôn ngoan vô tận và vẻ đẹp tuyệt vời của Ngài. Do đó, hành động đánh răng buổi sáng nay của tôi khác với hành động đánh răng của ngày hôm qua, hôm qua tôi đánh răng không có ý thức gì hết, nó có vẻ là vô nghĩa; nhưng hôm nay tôi đánh răng với tất cả tình yêu, vì sức khoẻ của tôi để tôi phục vụ anh chị em khác. Khi đó hành động đánh răng có giá trị mãi mãi.

Khi con người xúc phạm đến Thiên Chúa qua tội Nguyên tổ, Thiên Chúa không bỏ mặc con người trong thân phận đau khổ, Ngài đã sai Con của Ngài là Ngôi Lời trở thành người để cứu độ muôn loài. Chúng ta đang chờ đợi Con Chúa đến với Mùa Vọng này để chuẩn bị cho ngày lễ Giáng Sinh sắp tới, nhưng Người còn đến với tất cả vinh quang trong cuộc giáng lâm vinh hiển.

Thánh Phaolô trong Bài đọc II nhắc nhở chúng ta: “Thiên Chúa là Đấng trung thành đã kêu gọi anh chị em đến hiệp thông với Con của Ngài là Đức Giêsu, Chúa chúng ta” (1Cr 1,9). Khi gắn bó với Đức Giêsu, “Đấng làm chủ thời gian và muôn thế hệ” (x. Lời nguyện khi gắn dấu thánh vào nến Phục Sinh), ta hiểu rằng Đức Giêsu sẽ chuyển thông cho ta sức mạnh, tình yêu, quyền năng và sự sống vĩnh hằng của Người để ta trở thành con cái Thiên Chúa giống như Người, để những hành động dù nhỏ bé nhất trong đời ta cũng mang một giá trị vĩnh hằng như Người. Thánh Phaolô đã nhắc: “Trong Đức Giêsu Kitô, anh chị em được phong phú về mọi phương diện khiến anh chị em không thiếu một ân huệ nào trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mạc khải vinh quang của Người” (1Cr 1,5-7).

Như thế, mỗi giây phút ta sống, mỗi hành động ta làm đều có giá trị vĩnh cửu vì có thể mang lại những ân huệ hết sức lớn lao cho ta cũng như cho người khác bởi vì đều là hành động cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Cuộc sống của ta, từ những chấm rất nhỏ, từ những công việc có vẻ vô nghĩa hằng ngày, khi nối kết với nhau thành ngày, thành tháng, thành năm, sẽ tạo nên một đường dài vô tận để ta gặp gỡ Đức Giêsu Kitô và mở ra đến vô biên để ta có thể kết hợp mật thiết với Cha của Người.

  1. Tỉnh táo để trân trọng từng giây phút sống trong đời

Chúa Giêsu hôm nay mời gọi ta hãy tỉnh táo (x. Mc 13,33-37). Tỉnh táo là ở trạng thái tỉnh, không buồn ngủ, không mê muội, vẫn minh mẫn, không để cho tình hình rắc rối, phức tạp tác động đến tư tưởng, tình cảm của mình (x. Từ điển Tiếng Việt 2013). Tỉnh táo không phải vì sợ Chúa đến bất ngờ khi ta đang ngủ mê trong tham vọng và dục vọng, không kịp ăn năn tội lỗi, không kịp nhận bí tích xức dầu. Tỉnh táo vì mỗi giây phút ta sống, mỗi chấm nhỏ trong cuộc đời ta, mỗi hành vi dường như vô nghĩa trước mặt con người, thì đều có giá trị vĩnh hằng, đều kết nối với con đường sự thật và sự sống của Đức Kitô để mang lại ơn cứu độ.

Vì thế, dù ta là môn đệ của Người, hay bất cứ ai, đều không biết ngày Chúa đến với mình. Nhưng cách thích hợp nhất để chờ ngày đó: là luôn tỉnh táo để không bị bất ngờ. Tỉnh táo, không phải là đợi chờ một cách thụ động, mà là chủ động trong việc chu toàn trách nhiệm được Chúa trao phó.

Hình ảnh “ông chủ đi xa, để cửa nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc”, cho thấy ý nghĩa tích cực của việc tỉnh thức này. Chúng ta nhớ đến bổn phận mà mỗi người đang có: bổn phận làm sáng danh Chúa và mưu ích cho con người. Những hành động của ta, dù làm bất cứ việc gì, vào bất cứ lúc nào, ta đều đưa tình yêu, đưa ý thức vào trong chúng, thì mỗi giây phút sống đều có giá trị và đều đóng góp vào công trình của Chúa Giêsu. Chúng làm cho ta lúc nào cũng gắn bó với Chúa, không bao giờ sợ bất ngờ khi Chúa đến.

Lời kết

Từ đó, ta sẽ cảm nghiệm được sức mạnh, tình yêu, quyền năng của Chúa Giêsu trong cuộc đời của mình. Ta mới thấy không một giây phút nào trong cuộc đời bị bỏ lỡ và thấy mình trở thành đầy tớ trung thành và khôn ngoan của Chúa Giêsu!

 

—o0o—

 

 

Bài suy niệm II
Sửa lại con đường của Chúa

Lời mở

Chúa Nhật II Mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn lại con đường của Chúa (x. Bài đọc I: Is 40,1-5.9-11) và sửa lại con đường đó cho ngay thẳng như ông Gioan Tẩy Giả đã làm theo sứ mệnh được Chúa trao phó (x. Mc 1,1-8). Vậy, con đường đó là gì, tình trạng nó thế nào và làm sao để sửa lại là những điều ta cần tìm hiểu trong tuần này.

  1. Con đường của Chúa là gì?

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta hiểu: đường là lối đi nhất định được tạo ra để nối liền những địa điểm, nơi chốn. Nó còn được hiểu là cách thức hành động để đạt được mục đích nào đó, ví dụ như “đường cách mệnh”, “đường lối ngoại giao”. Đôi khi người ta còn hiểu đường là một tình trạng, một phong cách sống, như trong câu thơ của cụ Phan Bội Châu gửi cho linh mục Mai Lão Bạng khi ông bị giam trong tù vì phong trào Đông Du: “Ví thử đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai!”.

Trong Thánh Kinh Cựu Ước, người ta dùng từ “con đường của Chúa” để chỉ cách thức Thiên Chúa hành động, điều khiển con người và vạn vật, hay “con đường cho Chúa” để chỉ những hành động tốt đẹp, cách sống liêm chính dẫn đưa người khác gặp được Chúa.

Chúng ta vừa nghe tiên tri Isaia nhắc bảo: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Đức Chúa sẽ tuyên phán” (Is 40,3-5).

Sau khi vào được đất Hứa, dân Israel còn phải “tiếp tục bước đi trong đường lối Chúa” (Tv 128,1), “tuân giữ các luật pháp của Chúa” (Tv 119,1). Đó là con đường của sự sống (Cn 2,19; 5,6; 6,23; 15,24) bảo đảm cho người đi theo được sống trường thọ và thịnh vượng. Còn con đường của kẻ xấu (Tv 1,6) và kẻ tội lỗi (Tv 1,1) chỉ dẫn đến cái chết (Cn 12,28) và sự diệt vong (Tv 1,6).

Trong thời Tân Ước, Thiên Chúa sẽ thực hiện một cuộc xuất hành mới để đưa toàn thể nhân loại và vũ trụ vào miền đất sự sống kỳ diệu, để họ được an nghỉ (x. Dt 4,8), được cứu độ hoàn toàn, được biến đổi tận cùng. Vì vậy Ngài sẽ làm nên một con đường mới mẻ và Thiên Chúa yêu cầu: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, hãy sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1,3).

Đức Giêsu Kitô chính là con đường mới này như Người đã xác nhận: “Tôi là con đường” (Ga 14,6). Người là con đường nối hai điểm: Thiên Chúa – con người vì Người là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người để nâng con người lên tới Thiên Chúa qua cái chết và cuộc sống lại của mình. Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Không ai đã lên trời ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13) và nói với các môn đệ: “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Thư Do Thái đã xác định: “Đức Giêsu đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động, qua bức màn, tức là chính thân xác của Người” (Dt 10,20). Bức màn trong cung thánh đó đã xé rách từ trên xuống dưới (x. Mt 27,51), qua cái chết của Chúa Giêsu, để ta gặp gỡ được Thiên Chúa. Con đường Đức Giêsu dẫn ta đến sự thật toàn diện và sự sống siệu việt của Thiên Chúa, nên Người mời gọi chúng ta hãy bước theo Người (x. Mt 4,19; Lc 9,57-62; Ga 12,35).

Cuối cùng, mỗi người chúng ta là con đường của Chúa. Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, để khi mọi người nhìn vào ta, họ nhận ra Chúa ở trong ta và ta dẫn họ tới Chúa. Hơn nữa, khi ta đi theo Chúa Giêsu, sống theo đường lối của Người, ta trở thành hiện thân của Chúa Giêsu, trở thành con đường dẫn con người tới Chúa Cha.

  1. Tình trạng con đường hiện nay

Ngày nay, với những phương tiện và kỹ thuật hiện đại, người ta xây dựng được rất nhanh những con đường vật chất rộng rãi, bằng phẳng, gọi là những xa lộ, đường cao tốc. Người ta có thể làm những con đường hầm chui dưới sông, xuyên qua núi, qua biển hay tạo nên những đường hàng không để đến được các vùng đất xa xôi chỉ có băng tuyết, núi đá.

Tuy nhiên, những con đường tinh thần dẫn tới Chúa, hay chính con đường của Chúa thì lại bị bỏ hoang không còn ai xây dựng hay sửa chữa. Trong xu thế hưởng thụ vật chất, người ta nghĩ rằng con đường của Chúa vô hình, chẳng dẫn tới đâu hay mang lại một lợi ích cụ thể nào.

Chính con người là thụ tạo được Chúa dựng nên, đã chối bỏ Chúa là nguồn hiện hữu của mình, rời xa đường lối chính trực công minh của Chúa. Con người như bình đất sét nói với người thợ gốm: “Ông không làm ra tôi”. Rất nhiều người theo những chủ nghĩa vô thần, duy vật, hiện sinh, đã công khai lên tiếng chối bỏ sự hiện hữu của Chúa. Họ đã đi theo con đường của quỷ dữ dẫn đến cái chết, khi chiều theo những tham vọng và dục vọng.

Tuy nhiên, như thánh Phêrô nói trong Bài đọc II: “Kỳ thực Thiên Chúa kiên nhẫn với anh em vì Ngài không muốn cho ai bị diệt vong, nhưng muốn cho mọi người ăn năn, hối cải” (2Pr 3,9).

Chính con đường cụ thể của Chúa là Đức Giêsu Kitô cũng đã bị chối bỏ. Người Do Thái cho tới ngày nay vẫn không công nhận Đức Giêsu. Họ vẫn mong chờ một Đấng Mêsia nào đó, dù Đức Giêsu trong thời của Người đã làm biết bao phép lạ, cho kẻ chết sống lại và chính Người đã chết và sống lại vì họ.

Trong dòng lịch sử hiện nay, Đức Giêsu cũng đang bị chối bỏ. Cuộc đời của Người, giáo lý của Người đang bị xuyên tạc không phải chỉ bởi những người duy vật, vô thần, mà còn bởi chính chúng ta là những môn đệ của Người, là những người đang đi trên con đường Giêsu, nhưng lại không chấp nhận Giêsu!

Những anh em Tin Lành theo phong trào giải trừ huyền thoại Phúc Âm, do nhà thần học Rudoft Bultmann (1884-1976) khởi xướng, đã loại bỏ tất cả những hành động phi thường, gọi là phép lạ, thậm chí cả cuộc sống lại của Chúa Giêsu. Họ nghĩ rằng khi làm như thế, thì những người thời nay, chuộng khoa học thực nghiệm, sẽ dễ đón nhận Lời Chúa hơn. Nhưng đó là hành động làm sai lạc, biến dạng con đường Giêsu.

Còn chúng ta, những người Công giáo, đang tự hào xưng mình là hiện thân của Chúa Giêsu, thử hỏi, khi người khác nhìn vào đời sống của ta, họ có nhận ra Chúa Giêsu không? Sau nhiều thế kỷ truyền đạo, hiện mới chỉ có 18% dân số trên khắp thế giới tin theo Đức Giêsu, và ở Việt Nam mới chỉ có 6,1% dân số. Rất nhiều người trẻ hiện nay không biết Đức Giêsu là ai, bởi vì những phim ảnh, sách báo, thậm chí cả chương trình giáo dục, đã cố ý xuyên tạc, loại bỏ Đức Giêsu ra ngoài.

  1. Sửa lại con đường cho Chúa

Hình ảnh Gioan Tẩy Giả như mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại đường đời của mình, bởi vì Thiên Chúa đã chọn ta, đặt ta làm sứ giả, sai ta đi dọn đường cho Chúa: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con” (Mc 1,2).

Gioan Tẩy Giả đã gợi ý cho ta khi ông loan báo Đức Giêsu là con đường cứu độ, là Đấng Mêsia phải đến để mang lại ơn giải thoát cho con người và vũ trụ bằng cách sống theo tinh thần nghèo khó của chính Chúa Giêsu. “Ông mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”. Tinh thần nghèo khó này mời gọi con người thời đó, cũng như thời nay, đừng chạy theo những đam mê, hưởng thụ vật chất, những tham vọng và dục vọng để chối bỏ Đức Giêsu.

Vì thế, chúng ta được mời gọi nhìn lại đường đời của mình để sửa chữa những chỗ lồi lõm, cong queo không ngay thẳng. Làm sao cho người khác, khi nhìn vào đời sống của ta, nhận ra Đức Giêsu đang ở trong ta, nhận ra Cha của Đức Giêsu đang yêu thương ta, nhận ra Chúa Thánh Thần đang hành động nơi ta, bằng một đời sống “tinh tuyền, không chi đáng trách, và bình an thật sự” (2Pr 3,14).

Lời kết

Như thế, chúng ta mới cảm nhận được Chúa đến với ta trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh này.

—o0o—

 

Bài suy niệm III

Làm chứng Chúa Kitô đã đến

 

Lời mở

Các bài Thánh Kinh tuần này tập trung vào việc làm chứng cho Chúa Giêsu là Đấng cứu độ đã đến. Bài Tin Mừng (x. Ga 1,6-8.19-28) gợi ý: “Có một người được Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đến để làm chứng và làm chứng về ánh sáng để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng”.

Sứ mệnh làm chứng của Gioan cũng là sứ mệnh của mỗi người Kitô hữu. Nhưng chúng ta làm chứng về Chúa Giêsu như thế nào cho con người thời nay? Đó là câu hỏi mà chúng ta muốn đặt ra trong Mùa Vọng này.

  1. Làm chứng là gì?

Làm chứng, có nghĩa là một người không phải là đương sự, đứng ra xác nhận điều mình đã chứng kiến (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt 2013, Mục từ Làm chứng, tr. 694). Đây là công việc ít ai muốn làm, vì nó khiến người làm chứng mất công sức, tốn thời giờ, mất tiền bạc và có thể gặp cả nguy hiểm khi làm chứng cho một công việc, một sự kiện thuộc về người khác chứ không phải là của mình.

Tuy nhiên, người ta bắt buộc phải làm chứng cho những sự kiện, công việc quan trọng, nhất là những vụ án liên can đến nhiều người hoặc gây nguy hại đến tính mạng và tài sản của họ, hoặc gây nguy hiểm cho an ninh trật tự của đất nước. Nếu người đã chứng kiến sự kiện hoặc việc gây án mà không đứng ra xác nhận để trả lại sự thật, công bằng hay tìm ra nguyên nhân thì sẽ bị toà án xem là đồng loã, sẽ bị kết án tù đày hay phải đón nhận cả bản án cao nhất là phản bội tổ quốc và có thể bị tử hình.

Vì thế, đứng trước sự kiện Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành Đức Giêsu để cứu độ toàn thể nhân loại và vũ trụ, ông Gioan đã tận mắt chứng kiến việc Đức Giêsu được Thiên Chúa Cha xác nhận đó là Con yêu dấu của Ngài, được Chúa Thánh Thần hiện ra dưới hình chim bồ câu khi ông làm phép rửa cho Đức Giêsu ở sông Jodan. Ông cũng nghe cha mẹ, người thân kể lại việc mình được sinh ra một cách lạ lùng với sứ mệnh làm chứng cho Đấng Cứu thế như thế nào… Vì thế nên ông phải làm chứng.

Còn chúng ta, chúng ta đã hiểu biết về Đức Giêsu hơn cả ông Gioan: chúng ta đã tin Người là Đấng Cứu thế, đã cảm nhận được Người qua các bí tích, các nghi lễ của Giáo Hội và từng giây phút nhận được biết bao ân huệ lớn lao của Người. Do đó, chúng ta cũng có nhiệm vụ phải làm chứng cho Chúa Giêsu hơn cả ông Gioan.

  1. Những hiểu lầm về việc làm chứng

Trong lịch sử 20 thế kỷ của Giáo hội Công giáo, người ta đã hiểu lầm về việc làm chứng của ông Gioan, vì căn cứ vào câu nói của Chúa Giêsu: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả”. Họ nghĩ nghĩ rằng chỉ có ông Gioan Tẩy Giả là có sứ mệnh làm chứng cho Chúa Giêsu và sứ mệnh đó hết sức cao cả.

Chúng ta nhớ lại trước Công đồng Vaticanô II, trong kinh Cáo Mình và kinh Cầu các Thánh cũng như trong Thánh lễ hồi xưa, Giáo Hội luôn nêu tên thánh Gioan Tẩy Giả sau tên Đức Mẹ Maria và trước tên các thánh khác như Phêrô, Phaolô. Thật ra, người ta quên phần sau trong câu nói của Chúa Giêsu: “Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (x. Mt 11,11). Sau Công đồng kết thúc năm 1965, người ta đã sửa lại các kinh trên, và khám phá ra địa vị cao cả đặc biệt của thánh Giuse, rồi gần đây mới đưa tên thánh Giuse vào sau tên Đức Mẹ trong thánh lễ.

Điều đó gợi ý rằng: dù là những người nhỏ nhất trong Nước Trời, chúng ta vẫn cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, bởi vì chúng ta không phải chỉ cho người khác thấy Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế như Gioan, mà chúng ta còn là hiện thân của Chúa Giêsu, khi chúng ta gắn bó với Người qua các bí tích, trở thành chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người. Vì thế, nhiệm vụ của chúng ta phải làm chứng cho Chúa Giêsu càng quan trọng hơn Gioan Tẩy Giả.

Nhiều người nghĩ rằng mình không có trách nhiệm phải làm chứng vì họ có tận mắt thấy Chúa Giêsu và các sự kiện liên quan tới Người đâu! Họ có thấy Chúa Cha và Chúa Thánh Thần hiện ra với ai đâu! Họ có thấy tận mắt những phép lạ mà Chúa Giêsu thực hiện như đã từng làm cho người Do Thái đâu! Vì thế nhiều tín hữu Kitô cũng chỉ mừng lễ Giáng Sinh trong tâm thế mong chờ Chúa đến, chứ không ngờ Chúa đã đến rồi vì “có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết”.

  1. Chúng ta làm chứng thế nào cho con người thời nay?

Chúng ta thử nhìn lại xem mình đang chuẩn bị gì để làm chứng cho Đấng Cứu độ đã đến và đang ở giữa chúng ta trong mùa Vọng và Giáng Sinh này?

Đến các nhà thờ, chúng ta thấy cả một rừng sao lấp lánh muôn màu, có hang đá trang hoàng lộng lẫy, có bộ tượng Thánh gia với Hài đồng Giêsu nằm trong máng cỏ. Nhưng chúng ta hỏi xem những thứ đó có đủ làm cho người tín hữu xác tín rằng Chúa đã đến cứu độ để thúc đẩy họ đứng ra làm chứng cho Người không? Chúng ta tổ chức những tuần tĩnh tâm, giờ chầu Thánh Thể, xưng tội, rước lễ trong Mùa Vọng, nhưng đó mới chỉ lo cho cá nhân người làm chứng, chứ chưa thật sự là việc làm chứng cho những đối tượng ở ngoài mình để giúp họ cảm nhận được Chúa Giêsu đã đến.

Bài đọc I (x. Is 61, 1-2.10-11) hôm nay giới thiệu cho ta những việc cần làm vì chúng ta đã được Chúa xức dầu và sai đi để làm chứng. Bài đọc này nói về Đấng Thiên Sai, về Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ và cũng nói về mỗi người chúng ta là hiện thân của Người: “Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa”.

Đó là những công việc chúng ta phải làm, nhưng hình như chúng ta chưa làm, vì chúng ta chưa thấy mình là hiện thân của Chúa Giêsu đến với thế giới này, nhất là trong đại dịch Covid-19. Tính đến hôm nay, 13/12/2020, thế giới có trên 71,8 triệu người nhiễm bệnh và 1,6 triệu người đã chết. Riêng Hoa Kỳ có trên 16 triệu người nhiễm và 297.843 người tử vong (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 14/12/2020, Cập nhật tình hình dịch Covid-19, tr. 3). Ai cũng sợ hãi,  muốn thu mình lại, ở trong nhà không dám tiếp xúc với ai, không muốn liên hệ gì với ai, không muốn mất giờ để làm chứng cho người khác, nên người ta không cảm nghiệm được niềm vui của mùa Giáng Sinh, mùa Chúa đến với con người.

Chúa đã đến với họ, nhưng người ta thấy rằng năm nay Giáng Sinh buồn hơn năm trước, vì không đi dự lễ, không có nhiều quà tặng, không gặp gỡ ai, không tổ chức những bữa tiệc… Họ không cảm nhận được niềm vui mà thánh Phaolô trong Bài đọc II (x. 1Th 5,16-24) nhắc nhở: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng”. Isaia cũng kêu mời: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao. Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh”.

Nếu có ai hỏi khi chúng ta loan báo về Chúa Giêsu: “Anh / Chị là ai?” “Có phải là Đức Kitô không?”. Chúng ta sẽ trả lời: “Tôi không phải là Đấng Kitô, nhưng tôi là hiện thân của Người. Người đang ở trong tôi và ở giữa các bạn”. Các bạn hãy nhìn chúng tôi để cảm nghiệm được niềm vui qua nụ cười, ánh mắt của chúng tôi, cảm nghiệm được sức mạnh kỳ diệu của Đấng Cứu thế phát ra nơi chúng tôi để chữa lành cho những người bệnh tật, để giải thoát những ai đang bị ma quỷ kiềm chế, để đem lại tự do cho những người đang làm nô lệ cho tham vọng, dục vọng và để cảm nhận các hồng ân kỳ diệu của Chúa Thánh Thần. Vì thế thánh Phaolô khuyên ta: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí”.

Lời kết

Chỉ có như thế chúng ta mới thấy rằng, dù trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn thế nào đi nữa, ta vẫn làm chứng Chúa Kitô đã đến với mọi người trong thế giới hôm nay.

 

—o0o—

 Các bài đọc thêm

Bài 1

Tìm lại chính mình
 Lời mở

Kể từ lúc con người hiện đại biết suy tư (homo sapiens) xuất hiện khoảng 200.000 năm trước cho đến ngày nay với khoảng 7,7 tỉ người đang sống trên trái đất[1], con người không ngừng tìm kiếm câu trả lời về lai lịch của mình[2], về chỗ đứng và vai trò của con người trong xã hội và vũ trụ, về cùng đích của con người và muôn vật[3]. Nhiều người có thể không quan tâm đến những vấn đề này, nhưng ta không thể sống đúng với tư cách làm người nếu ta không biết đến chúng. Nhờ những khám phá mới mẻ của các ngành khoa học hiện đại, con người có nhiều điều kiện hơn để tìm hiểu về chính mình và trả lời cho các vấn đề trên.

  1. Con người là ai hay là gì?

Cuộc tranh luận giữa hai dòng tư tưởng: “con người là ai” như một chủ thể biết suy tư và “con người là gì” như một tổng hợp các yếu tố vật chất, kéo dài từ nhiều ngàn năm nay và chỉ có thể kết thúc khi chúng ta tìm ra được một định nghĩa đúng đắn về con người.

1.1. Những định nghĩa khác nhau

Có nhiều định nghĩa khác nhau về con người tuỳ theo góc độ nhìn của mỗi người.

Theo Từ điển Tiếng Việt: Con người là động vật tiến hoá nhất, có khả năng nói, tư duy, sáng tạo và sử dụng công cụ trong quá trình lao động[4].

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: Con người là sinh vật thuộc giống người, đánh giá trình độ phát triển cao của cơ thể sống trên trái đất[5].

Theo Từ điển Công giáo Anh-Việt: Con người là một hữu thể vừa thể xác, vừa tinh thần, tạo thành một thể duy nhất. Linh hồn thiêng liêng được Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng. Thân xác sẽ hư hoại, nhưng linh hồn bất tử, không hề hư mất khi lìa khỏi xác trong giờ chết và sẽ tái hợp với thân xác trong ngày phục sinh cánh chung[6].

Theo Từ điển Công giáo: Con người là thụ tạo hồn-xác, nam và nữ, được Thiên Chúa tình thương dựng nên theo hình ảnh của Ngài và được ban quyền làm chủ vũ trụ[7].

Hai định nghĩa đầu tiên tìm hiểu “con người là gì” trong dòng tiến hoá của vạn vật. Hai định nghĩa sau nhận định “con người là ai” trong mối tương quan với nguồn gốc là Thiên Chúa và với muôn loài trong vũ trụ.

Để tìm được định nghĩa đúng đắn, chúng ta sẽ sử dụng những dữ liệu của các ngành khoa học mới mẻ nhất để khám phá con người trong dòng tiến hoá, rồi mới xác định con người trong các mối tương quan. Cuối cùng ta mới có thể tìm thấy con người là một ngôi vị được Thiên Chúa tạo dựng để liên hệ với Ngài. Chỉ trong mối liên hệ này, con người mới tìm được sự sống dồi dào, thể hiện được chính mình và hướng đến Thiên Chúa một cách trọn vẹn[8].

1.2. Khoa học khám phá con người

Sau bao nhiêu thế kỷ chìm đắm trong những huyền thoại của các dân tộc và tôn giáo, con người đặt niềm tin vào khoa học vì “khoa học là hệ thống tri thức tích luỹ trong quá trình lịch sử và được thực tiễn chứng minh, phản ánh những quy luật khách quan của thế giới bên ngoài cũng như những hoạt động của tinh thần con người, giúp con người có khả năng cải tạo thế giới hiện thực[9]. Chúng ta có thể lưu ý một vài cột mốc của các ngành khoa học giúp con người khám phá ra chính mình.

Từ thế kỷ XII, các đại học bắt đầu mở ra trên vài nước ở châu Âu, thúc đẩy con người tìm hiểu một cách khách quan về vạn vật, trong đó có con người. Những tiến bộ của y khoa và dược khoa giúp con người có thể chữa lành bệnh tật, thoát khỏi cái chết trước mắt, thay thế được các bộ phận hư hỏng trong cơ thể. Từ đó con người thấy mình không còn là món đồ chơi trong tay các thần linh hay hoàn toàn thụ động cho sự an bài của Thiên Chúa.

Giả thuyết Tiến hoá của C. Darwin (1809-1882). Năm 1859, nhà tự nhiên học người Anh này đã xuất bản cuốn “Nguồn gốc các loài” đề xướng giả thuyết về tiến hoá sinh học: mọi loài sinh vật xuất hiện và phát triển nhờ quá trình chọn lọc tự nhiên. Trong quá trình này, những biến dị cá thể hay biến dị di truyền nhỏ nhất, nếu làm tăng khả năng cạnh tranh, sinh tồn và sinh sản của cá thể sẽ được chọn lọc, nghĩa là được giữ lại, củng cố và tăng cường, trở thành đặc điểm thích nghi… Người ta đã đưa giả thuyết này vào trong nhiều ngành khoa học, trong nhiều hệ tư tưởng để ám chỉ tới nguồn gốc sự sống: ví dụ sự sống con người do ngẫu nhiên mà có, chứ không phải do Chúa Trời hay thần thánhtạo nên[10].

Thuyết Big Bang (Vụ nổ lớn) là mô hình vũ trụ học, miêu tả giai đoạn sơ khai của sự hình thành vũ trụ. Vụ nổ lớn xảy ra cách đây khoảng 15 tỉ năm và được các nhà vũ trụ học coi là tuổi của vũ trụ. Chính xác là 13,8 tỉ năm theo tính toán từ tàu Planck năm 2013. Lý thuyết này do linh mục Georges Le Maître đề xuất: một nguyên tử đầu tiên ở trạng thái cực nóng và đậm đặc đã phát nổ và các hạt bụi hình thành nên các thiên hà, trong đó có thiên hà của chúng ta. Mỗi thiên hà có hàng trăm triệu ngôi sao và kính thiên văn Hubble chụp được hàng trăm ngàn thiên hà. Thiên hà gần chúng ta nhất là Andromede cách thiên hà chúng ta khoảng 3,5 triệu năm ánh sáng. Tất cả đều đang lao nhanh trong vũ trụ. Thuyết này được nhiều nhà bác học, vũ trụ học chứng minh như Albert Einstein, Alexander Friedmann, Hoyle, E. Hubble[11]. Thuyết Big Bang như một cách giải thích nguồn gốc hình thành vũ trụ mà không cần đến một đấng sáng tạo.

Sự tiến hoá của muôn loàitrên trái đất. Khoảng 12 tỉ năm trước, mặt trời là ngôi sao xuất hiện trong thiên hà này. Khoảng 8 tỉ năm trước, trái đất là một hành tinh tách ra từ mặt trời. Các chất khởi đầu như Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ phối hợp với nhau. Hydro phối hợp với Oxy thành nước. Nước bao phủ làm nguội dần vỏ trái đất. Các chất vô cơ phối hợp với nhau càng ngày càng phức tạp. Rồi đến các chất hữu cơ xuất hiện. Khoảng 1 tỉ năm trước, xuất hiện tế bào sống đầu tiên, rồi đến các đa bào, các sinh vật hạ đẳng và sinh vật thượng đẳng dần dần xuất hiện theo thuyết tiến hoá của Darwin.

Sự tiến hoá của loài người. Theo sinh vật học, con người được xếp vào loài linh trưởng, thuộc họ người. Trên cây tiến hoá, loài linh trưởng phân nhánh từ những nhóm thú khác cách đây khoảng 65 triệu năm. Trong nhóm linh trưởng, con người có chung các đặc điểm giải phẫu với nhóm khỉ dạng người, xuất hiện ở Đông Phi cách đây 20 triệu năm. Khoa học cho thấy người và tinh tinh có chung tổ tiên cách đây khoảng 5-8 triệu năm.

Nhưng loài người có hai đặc điểm chính: đi thẳng đứng trên hai chân và có não bộ lớn: sọ người có thể tích từ 1.100-1.700cm3, trong khi sọ tinh tinh từ 300-500cm3. Tinh tinh sống thành từng nhóm lớn, có trật tự xã hội với các cử chỉ thể hiện sự quan tâm chăm sóc như bắt ve bọ cho nhau. Tổ chức xã hội của con người phức tạp hơn nhiều. Dù tinh tinh có thể học cách sử dụng ngôn ngữ dấu hiệu, nhưng con người là loài duy nhất có thể truyền đạt các ý tưởng và suy nghĩ qua các hệ thống ngôn ngữ phức tạp[12].

Các tổ tiên của loài người. Những khám phá mới trong ngành cổ sinh vật với phương pháp so sánh protein và ADN của các loài vào năm 2005, giúp các nhà khoa học xây dựng cây gia hệ và phân tích các di tích hoá thạch của loài người cách chính xác hơn. Nhờ đó đẩy lùi niên đại các tổ tiên ban đầu của tông người xa hơn, từ 40.000 năm lên đến 195.000 năm.

Hoá thạch cổ xưa nhất là Sahelanthropus tchadensis ở Trung Phi và Đông Phi cách đây 7-6 triệu năm: có thể đứng thẳng trên hai chân, lỗ tuỷ sống chui ra khỏi sọ não, thể tích não khoảng 300cm3. Chi vượn người phương Nam (Australopithecus) xuất hiện khoảng 4-3 triệu năm trước: tư thế đi thẳng nhưng chưa có bàn chân dài và não bộ lớn như chi Người, thể tích não khoảng 380-485cm3. Homo erectus là loài đầu tiên trong tông người rời khỏi châu Phi và sang đến Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam xuất hiện cách đây 1,8 triệu-30.000 năm, não có thể tích 750-1300cm3.

Homo heidelbergensis tồn tại ở châu Phi và châu Âu cách đây khoảng 600.000-100.000 năm, não có thể tích 1100-1400cm3, tiến hoá thành người Neanderthal xuất hiện ở châu Âu khoảng 400.000-28.000 năm, não khoảng 1412cm3.

Năm 1967, Richard Leakey, nhà nhân chủng học người Kenya, và nhóm của ông đã tìm thấy những hoá thạch của người hiện đại (Homo sapiens), xuất hiện ở miền Nam Ethiopia cách đây khoảng 200.000 năm với não bộ 1200-2000cm3. Người hiện đại phát triển ra ngoài châu Phi khoảng 50.000 năm trước, theo bờ Ấn Độ Dương tới Australia, về phía Bắc tới châu Âu, châu Á và cuối cùng là châu Mỹ[13]. Vì thế trong nhiều sách khoa học trước đây người ta ghi nhận người hiện đại xuất hiện khoảng 40.000 năm từ những di tích khảo cổ tìm được ở châu Âu.

Con người vô cùng kỳ diệu

Các khoa di truyền học và nhân học trong 20 năm gần đây tiến bộ vượt bậc cho chúng ta biết rõ hơn con người là một cái gì vô cùng kỳ diệu và phức tạp.

Mặc dù bên ngoài chúng ta khác nhau về màu da, màu tóc, hình thể, nhưng cấu trúc căn bản ADN (acid deoxyribonucleic) của chúng ta lại đồng nhất, vì chúng ta thuộc giống người. Tất cả chúng ta thuộc về một gia đình nhân loại. ADN là bản thiết kế của mọi sự sống, từ loài nấm sơ đẳng nhất tới loài người. Nó cung cấp một tập hợp lệnh về cách lắp ráp nhiều ngàn protein khác nhau để tạo nên một con người như chúng ta. Nó điều chỉnh chặt chẽ sự lắp ráp này để bảo đảm tất cả luôn trong vòng kiểm soát. Nó bao gồm những khối cấu trúc hoá học gọi là base hay các nucleotid[14].

Sự khác biệt giữa mỗi người là thứ tự chính xác mà các base này bắt cặp. Khi các cặp base kết lại thành chuỗi với nhau chúng tạo nên những đơn vị chức năng gọi là gen. Gen này “giải thích” rõ ràng các lệnh để tạo nên một protein. Các protein giữ một loạt các chức năng sống trong cơ thể. Chúng tạo nên các cấu trúc như da lông tóc, chuyển vận các tín hiệu đi khắp cơ thể, đẩy lùi các tác nhân gây nhiễm như các vi khuẩn, tạo nên các tế bào là những đơn vị căn bản của cơ thể. Tuy nhiên chỉ có khoảng 1,5% số ADN mã hoá gen, phần còn lại bao gồm trình tự điều hoà, ADN cấu trúc hoặc không có chức năng rõ rệt, còn được gọi là “ADN rác”. Người ta cũng chưa biết chức năng của 97% ADN rác này[15].

Bộ gen người gồm khoảng 3 tỉ base của ADN. Vì vậy ADN của chúng ta phải được xếp chặt lại để có thể chứa hết bên trong mỗi tế bào nhỏ xíu. ADN được tập trung thành những cấu trúc dày đặc gọi là các nhiễm sắc thể: mỗi tế bào chứa 23 cặp nhiễm sắc thể, 1 bộ từ mẹ và 1 bộ từ cha, tổng cộng là 46 nhiễm sắc thể. Các gen được phân chia không đồng đều trong mỗi cặp nhiễm sắc thể. Nghiên cứu các nhiễm sắc thể, các bác sĩ có thể tìm ra những đặc điểm, những nguy cơ bệnh tật do di truyền của con người. Chúng ta chưa biết chính xác có bao nhiêu gen mã hoá protein trong bộ gen của chúng ta. Các nhà khoa học ước lượng có khoảng từ 20.000 đến 25.000[16].

Con người có khoảng 75 ngàn tỉ tế bào trong một cơ thể bình thường. Mỗi ngày có hàng triệu trong số các tế bào này được thay thế. Tế bào là đơn vị chức năng căn bản của cơ thể người. Chúng cực kỳ nhỏ, chiều ngang chỉ khoảng 0,01mm. Chúng gồm một lớp màng bên ngoài, một trung tâm kiểm soát gọi là nhân để chứa chất nhiễm sắc và phần lớn ADN của tế bào, các ti thể tiêu hoá các chất béo và đường để sản sinh ra năng lượng.

Những tế bào này được sắp xếp chính xác, giữ vị trí riêng của chúng trong một cấu trúc có trật tự. Một số tế bào làm việc đơn độc như hồng cầu hoặc tinh trùng, nhưng nhiều tế bào khác được phân chia thành nhiều nhóm khác nhau, khoảng 200 nhóm, và tạo thành các mô với những chức năng khác nhau để hoàn thành một hay nhiều nhiệm vụ riêng biệt như tiêu hoá thức ăn, suy nghĩ, chuyển động, sinh sản[17].

Hệ thần kinh giúp con người thích nghi với hoàn cảnh chung quanh, cảm nhận được thế giới quanh mình. Hệ thần kinh trung ương gồm não và tuỷ sống tiếp nhận thông tin từ tất cả các bộ phận của cơ thể và đáp lại bằng các chỉ thị đến mọi mô và cơ quan. Các tế bào chính của hệ thần kinh được gọi là neuron. Não có khoảng 100 tỉ neuron và chúng liên lạc với nhau qua các tín hiệu thần kinh, gọi là các xung động điện. Phân tích việc truyền tín hiệu thần kinh, người ta thấy các neuron không hoàn toàn chạm vào nhau tại các điểm tiếp giáp. Các túi chứa chất dẫn truyền từ thân tế bào của neuron gửi đến màng khớp thần kinh một xung động điện đến giải phóng các chất hoá học chứa trong túi, các chất này vượt qua khe khớp thần kinh lại tạo nên xung điện ở neuron tiếp theo[18].

Phân tích bộ não, người ta thấy các vùng vỏ não phụ trách một số chức năng nhất định: như vùng vỏ não thị giác nhận các tín hiệu đến từ hai mắt; vùng Broca, Wernicke và Geschwind phụ trách ngôn ngữ, vùng thính giác, vùng cảm giác, vùng vận động thân thể, vùng cảm xúc, vùng điều hành trung tâm tổng hợp các tín hiệu ở các vùng khác và lập ra kế hoạch hành động[19].

Các vùng não liên quan đến trí nhớ không phải chỉ đơn thuần là lưu trữ và gợi nhớ lại sự kiện, nhưng bao gồm đủ loại thông tin, sự việc, kinh  nghiệm và hoàn cảnh, từ tên người đến khuôn mặt, nơi chốn và cả trạng thái cảm xúc của họ vào thời điểm đó[20].

Nhờ bộ não phát triển, con người đã suy nghĩ biết bao điều kỳ diệu, sáng tạo nên các khoa học, làm nên các công trình văn học, nghệ thuật, chế tạo nên các sản phẩm hết sức tiện dụng để giúp cho loài người sống an vui, sung túc và hạnh phúc.

Về lĩnh vực cộng đồng xã hội, con người quy tụ lại thành gia đình đặt căn bản trên tình yêu, hoà hợp thành những tổ chức, dân tộc đặt căn bản trên sự công bằng và hoà thuận, với những luật pháp chặt chẽ để cùng nhau phục vụ lợi ích chung và tạo nên hạnh phúc bền vững cho muôn loài.

– Tinh thần định hình cho thể xác

Như thế con người đã đi vào lĩnh vực tinh thần với các giá trị không còn bị lệ thuộc vào vật chất, không gian, thời gian. Đó là những giá trị: tình yêu, sự sống, cái đúng, cái tốt, cái đẹp, tự do, hạnh phúc, nhân phẩm, hoà bình… Không một máy móc hiện đại nào có thể xác định được những giá trị đó nằm ở đâu trong con người, dù rằng người ta vẫn lấy trái tim làm biểu tượng cho tình yêu. Không một khoa học nào có thể đo lường được tư tuởng cao thấp trong con người dù bộ não được đo bằng những thiết bị quản lý (brainmaster)[21] tiên tiến nhất.

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thấy mình khác với vạn vật, nhưng nếu phân tích theo khoa học, tất cả chỉ là những điện tử, nguyên tử, phân tử của vật chất như carbon, hydro, oxy, nitơ… liên kết với nhau và biến đổi không ngừng. Từng giây phút ta hít khí oxy vào và thở khí carbonic ra. Từng giây phút ta nhận được những chất khác từ đồ ăn, thức uống rồi lại bài tiết chúng. Hàng triệu tế bào mới cũng thay đổi mỗi ngày trong thân xác ta. Vậy mà ta vẫn ý thức rằng chính mình đang nghĩ, đang sống, đang yêu trong suốt cuộc đời. Ta vẫn yêu con cái, cha mẹ, người tình, dù họ mất hay còn, ở gần hay xa. Ta vẫn đang yêu nghề nghiệp, quê hương, dân tộc.

Vì thế, cái giữ cho ta là một con người không phải là đám vật chất vô cơ hay hữu cơ kia. Cái làm cho ta thật sự là người cũng không phải là khuôn mặt đẹp hay làn da trắng, bộ quần áo hàng hiệu hay tấm bằng bác sĩ, kỹ sư. Cái định hình cho khối vật chất làm nên thể xác ấy chính là tư tưởng, tình yêu hay nói chung là tinh thần của con người. Chỉ có tinh thần mới định hình cho vật chất, mới vượt được không gian, thời gian để làm cho ta thật sự là người[22].

Như thế, con người vượt qua giới hạn của “cái gì” để khám phá ra mình “là ai”, nhận thức được đối tượng mình sống với, mình yêu thương, phục vụ, hy sinh cũng là những ngôi vị như mình.

Nhận thức được như thế là con người bước vào chân trời mới của hiện hữu và bắt đầu suy tư để đi tìm nguồn gốc của mọi hiện hữu, lý do hiện hữu và cùng đích của hiện hữu trong các mối tương quan với mình. Nhưng đây lại không còn là lĩnh vực của khoa học vì khoa học chỉ nghiên cứu những cái có thật trong cuộc sống, cung cấp các dữ liệu để con người biết suy tư và tìm được kết luận cho riêng mình. Tất cả vấn đề do con người đặt ra bây giờ không còn là những đối tượng có thể cân đo đong đếm của các khoa học thực nghiệm, dù chúng là những đối tượng có thật, vì con người đang nghĩ, đang yêu, đang sống với chúng.

Ta có thể đưa ra một ví dụ cụ thể. Tháo rời từng bộ phận của một cây viết bi ra rồi bỏ tất cả vào trong một chai nhựa rỗng. Ta thử lắc xem bao lâu thì tất cả các bộ phận đó kết hợp một cách ngẫu nhiên thành một cây viết như trước khi bị tháo rời. Mọi người đều bảo rằng: “Lắc cho đến tận thế cũng không thể được, vì không bao giờ có chuyện một cây viết ngẫu nhiên hình thành như thế. Phải có người sáng tạo, làm ra các bộ phận, rồi lắp ráp các bộ phận theo một nguyên tắc nhất định thì mới thành cây viết”. Dù không thấy người đó, lý trí ta vẫn biết phải có họ.

Khoa học cũng luôn dạy chúng ta rằng: có kết quả thì phải có nguyên nhân. Nếu cây viết chỉ có 5,6 thành phần mà đòi phải có nguồn gốc như thế, thì vạn vật, nhất là con người, vô cùng phức tạp và kỳ diệu, sẽ phải giải thích thế nào về nguồn gốc, lý do hiện hữu của vũ trụ vất chất và cả vũ trụ tinh thần? Khi đi tìm nguồn gốc của cây viết, người ta có thể có nhiều ý kiến khác biệt về người làm ra thật sự là ai, tại sao lại làm ra, làm ra như thế nào, làm ra với mục đích gì.

Đối với các câu hỏi về nguồn gốc, lý do và cùng đích của con người để xác định “con người là ai, là gì” cũng tương tự như thế. Con người muốn tìm được câu trả lời rõ ràng trong các hệ tư tưởng, tôn giáo, khoa học, triết học và cả thần học. Nhưng vì chúng quá rộng lớn và rất phong phú, vượt khỏi tầm hiểu biết và khả năng đón nhận của con người, nên nhiều người đã buông bỏ, không muốn tìm hiểu để chỉ sống theo những nhu cầu tự nhiên của thể xác và bỏ qua những đòi hỏi của tinh thần.

  1. Những hệ tư tưởng về con người trong dòng lịch sử

Đứng trước thực tại vừa tầm thường vừa phi thường của con người, nhiều tôn giáo, chủ nghĩa đã cố gắng giải thích, làm thành những hệ tư tưởng và tạo nên những thái độ sống khác nhau. Chúng ta có thể tóm tắt vài quan điểm nổi bật trong dòng lịch sử được nhiều người đón nhận:

2.1. Bái vật (từ thời Tiền sử, thời Đồ Đá Cũ đến thời Đồ Đá Mới)

Con người chưa ý thức về mình, chưa nhận ra những giá trị của mình, nên bái thờ những sức mạnh thiên nhiên và vạn vật như thần linh. Đây là thái độ của những người nguyên thuỷ, hay người tiền sử, chưa biết đến khoa học, chỉ nhìn vào các hiện tượng bên ngoài, thấy hổ báo, sấm sét, lửa nước, gió bão mạnh mẽ hơn mình thì tôn thờ chúng. Tổ tiên ta cũng đã từng quan niệm: “Đất có thổ công – Sông có hà bá”.

Con người không đặt câu hỏi về mình, về những sự việc liên quan đến mình như khổ đau, bệnh tật, cái chết, và coi chúng là những chuyện tự nhiên của kiếp người giống như bao sinh vật khác. Thái độ bái vật này vẫn còn xuất hiện trong thời đại hiện nay, khi con người tôn thờ tiền của, danh lợi, coi chúng là giá trị tuyệt đối trong đời sống: “Có tiền mua tiên cũng được!”.

2.2. Bái thần (từ thời Cổ đại đến thời Cận đại, thế kỷ 18)

Nhờ trí thông minh, con người thắng được các sức mạnh thiên nhiên như lấp sông, phá núi, ngăn biển nên không tôn thờ chúng nữa. Con người tìm ra cách thức sản xuất ra lúa gạo, lúa mì và các cây lương thực khác. Con người thuần hoá các động vật hoang dã thành gia súc nên bỏ đời sống du mục, chuyển sang định canh, định cư lâu dài. Con người phát triển giao thông vận tải, nên nhiều thành phố phát triển bên cạnh hồ, sông và các cửa biển. Con người phát minh ra hệ thống ngôn ngữ, hệ thống chữ viết chữ hình nêm, chữ Hy Lạp, chữ Latinh để chia sẻ thông tin, trao đổi tư tưởng, tình cảm cho nhau. Con người sống ấm no, sung túc nên có nhiều thời giờ suy nghĩ về mình, về thế giới, tạo nên các nền văn minh ở đồng bằng Lưỡng Hà (Mesopotamia), bờ sông Nil ở Ai Cập, sông Hằng ở Ấn Độ, nền văn minh Hy Lạp, văn minh La Mã… Các dân tộc giàu mạnh hơn sáng tạo ra các phương tiện chiến tranh, dùng sức mạnh vũ khí để xâm lăng các dân yếu kém hơn và bắt họ lệ thuộc về mặt văn hoá, tinh thần[23].

Mỗi dân tộc, thông qua các huyền thoại, cố gắng giải thích nguồn hiện hữu của các giá trị bằng việc tạo ra các thần linh như thần Sự Sống, thần Khôn ngoan, thần Tình Yêu, thần Sắc Đẹp, thần Nghệ Thuật, thần Thi Ca, thần Hạnh Phúc… và thể hiện lòng sùng bái đối với các vị thần đó. Vì thế hình thành nên các tôn giáo.

Các tôn giáo tạo nên những hệ tư tưởng, giải đáp các thắc mắc về nguồn gốc, giá trị, cùng đích của con người cũng như của vũ trụ. Đó là những đóng góp của con người cho sự phát triển văn hoá, nâng cao con người để vượt lên trên vật chất và hướng tới tinh thần, dù rằng nhiều tôn giáo còn mang nặng những nét mê tín, dị đoan. Vì thế, nhìn theo quan điểm này, các tôn giáo đều đáng cho con người chúng ta trân trọng.

Nói chung các tôn giáo đều chủ trương rằng: con người bắt nguồn từ thần linh, do thần linh điều khiển, chi phối. Các thần thoại Hy Lạp, La Mã coi con người là đồ chơi của các thần linh, chỉ có thần linh là bất tử còn con người đều bị thần chết chi phối. Muốn bất tử, con người phải kết hợp với thần linh.

Ấn Độ giáo cho con người là Atman (tiểu ngã), là một phần của Brahman, Đại Ngã tối cao. Con người có thể dùng tinh thần của mình hoà nhập với Brahman để cảm nghiệm những giá trị tinh thần. Phật giáo cho con người chỉ là một dạng sống biến đổi trong sáu đường (Lục đạo: địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, Atula, con người ở trần gian, thiên thượng[24]) qua hàng tỉ kiếp của vòng luân hồi trước khi thoát ra để vào được Niết Bàn thành Phật.

Do Thái giáo giải thích con người là thụ tạo do Đức Chúa Giavê, Đáng Tự Hữu, dựng nên theo hình ảnh của Ngài, nghĩa là có tinh thần giống như Ngài, nên hết sức diệu kỳ. Con người này có quyền làm chủ vạn vật, được tạo thành có nam, có nữ nên bình đẳng với nhau, và được hoà hợp với Thiên Chúa nên bất tử, khôn ngoan, xinh đẹp vô cùng. Nhưng con người đã phạm tội không tuân phục, nên cắt đứt sự hoà hợp với Đức Chúa, phải đau khổ và phải chết. Do con người kiêu căng nên đã phân tán đi khắp thế giới và khác biệt nhau. Do Thái giáo đưa con người hướng về niềm hy vọng sẽ được giải thoát, được cứu độ bởi Đấng Thiên Sai hay Messia[25].

Kitô giáo xuất hiện vào đầu thế kỷ I, tiếp nối quan niệm về con người của Do Thái giáo, giới thiệu Đức Giêsu, người Nazareth của nước Do Thái, chính là Đấng Messia đến cứu độ con người và vũ trụ. Kitô giáo nhận lời giải thích của Do Thái giáo về con người và xác định rằng con người đã được Đức Giêsu biến đổi hoàn toàn, trở thành một con người mới, có giá trị vô cùng, được chia sẻ sự sống vĩnh hằng của Thiên Chúa và có thể trở thành quyền năng vô tận như Thiên Chúa vì đã được trở thành con cái Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu đã chết để đền tội cho con người và sống lại vì con người.

Từ thế kỷ IV, sau khi hoàng đế Roma là Constantinus công nhận Kitô giáo năm 313, Kitô giáo lan rộng trên khắp đế quốc Roma và giới thiệu những giá trị mới mẻ để các dân tộc tôn trọng con người và chân thành yêu thương nhau như anh em một nhà trong đại gia đình Thiên Chúa. Những giá trị như tình yêu, tự do, huynh đệ, nhân phẩm, công bằng, hy sinh vì Chúa và anh em, gia đình một vợ một chồng, hạnh phúc muôn đời với Chúa… hình thành nên nền văn minh Kitô giáo nơi các dân tộc ở châu Âu, Bắc Mỹ, châu Úc và một số nước ở châu Á, châu Phi.

Tuy nhiên, nền quân chủ trong các nước đó đã lợi dụng Kitô giáo để ép dân chúng vâng phục chính quyền. Người tín hữu vẫn sống trong nghèo khổ và bị bóc lột, tập trung cho những lễ nghi tôn giáo bên ngoài thay vì nhận thức các giá trị đó cách rõ ràng.

Hồi giáo, hay đạo Islam xuất, hiện vào thế kỷ thứ 7 cũng kể những “mạc khải” về con người như Do Thái giáo và Kitô giáo vì cũng đón nhận các nguồn Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Uớc, ví dụ về Adam và Eva. Nhưng tín đồ, theo lời dạy của ngôn sứ Muhammad (hay Mohammed), không nhận con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, không tin có tội nguyên tổ và cũng không tin Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa. Theo Thiên Kinh Qu’ran 112, 1-4: “Đức Thánh Allah là Đấng Duy Nhất. Allah Đấng Độc Lập và Cứu Rỗi. Ngài chẳng sinh ra ai và cũng chẳng ai sinh ra Ngài. Không một ai đồng đẳng với Ngài”.

Ngoài các tôn giáo chính trên đây, chúng ta thấy xuất hiện hàng ngàn tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau trong dòng lịch sử nhân loại. Tất cả đều muốn giải đáp cho con người vấn nạn về chính mình hay những gì liên quan đến con người, nên cũng đáng chúng ta trân trọng. Tuy nhiên, vì hầu hết thần linh đều do con người tưởng tượng, thậm chí bịa đặt ra, nên thay vì nâng cao giá trị con người thì lại càng làm cho con người đánh mất chính mình vì dồn mọi giá trị của con người cho thần linh. Vì thế, sự thật về con người vẫn luôn là một bí ẩn và chỉ được giải đáp nếu con người tìm ra được nguồn sự thật mà thôi.

2.3. Nhân văn (từ thời cận đại, thế kỷ XV đến hiện đại, thế kỷ XXI)

Khi con người khám phá ra rằng mình đã dồn mọi sức lực để tôn thờ thần linh, nhưng hầu hết chỉ là các tượng thần vô tri, vô giác, do con người tạo nên chứ không có thật, nhiều người đã muốn loại bỏ tôn giáo ra khỏi đời sống. Nhiều dân tộc văn minh và phát triển đã thay đổi thái độ sống để quy hướng vào con người, lấy con người làm trung tâm cho mọi hoạt động và giá trị. Vì thế, người ta gọi thái độ này là nhân bản vì lấy con người làm gốc hay nhân văn vì tập trung vào những giá trị vật chất hay tinh thần do con người sáng tạo nên.

Từ thế kỷ XV, khi các nhà khoa học phát minh ra máy in, máy điện báo năm 1793, điện thoại năm 1876, truyền thanh năm 1920, truyền hình năm 1937, máy tính điện tử, mạng internet năm 1974, nhất là các mạng xã hội trong thời hiện đại, con người phổ biến và chia sẻ rất nhanh những suy tư, cảm nghĩ của mình, tạo nên những chủ nghĩa, hệ tư tưởng, thái độ sống rất khác nhau. Năm 2017, người ta ghi nhận hệ truyền thông mới cho điện thoại không dây gọi là 5G[26]. Hệ thống này hiện đã bắt đầu ở một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc,… sẽ còn thay đổi đời sống nhiều hơn nữa.

Hiện nay, người ta đang phát triển “trí tuệ nhân tạo”[27] trong nhiều lĩnh vực của khoa tin học để tạo ra những cỗ máy có thể bắt chước chức năng “nhận thức” của con người. Tuy nhiên, dù máy móc có thông minh đến đâu cũng luôn phải có con người tạo ra chúng và điều khiển chúng.

Những khám phá của khoa học tác động sâu xa vào suy nghĩ của con người, nhất là giả thuyết tiến hoá, thuyết Big Bang. Con người nghĩ rằng mình có thể giải thích về nguồn gốc của chính mình, mà không cần đến bàn tay sáng tạo của Thiên Chúa, mình có thể xây dựng cho nhân loại phát triển nhờ trí thông minh mà không cần cầu xin ơn lành của thần linh và khoa học tiến bộ có thể giải đáp tất cả những vấn đề khó khăn của con người như nghèo đói, bệnh tật và cả cái chết.

Điểm đáng ghi nhận về văn hoá trong thời kỳ này là cuộc xung đột giữa 2 hệ tư tưởng Tư bản và Cộng sản trên thế giới ảnh hưởng nhiều đến toàn cầu cũng như đến Việt Nam và Giáo hội Công giáo VN.

Chủ nghĩa Cộng sản, bắt nguồn từ các triết gia K. Marx và Engels với những tổ chức Quốc tế Cộng sản I (1864 ở London, Anh Quốc), II (1889 ở Paris, Pháp), III (1919 ở Moskva, Nga), IV (1938 ở Paris) được thành lập ở nhiều nước trên thế giới quả thực làm cho chính quyền của các nước trên thế giới rúng động. Nhất là sau khi V. Lênin vận dụng thành công ở Nga, lập nên chính quyền Xô Viết năm 1917, ở Việt Nam với Cách mạng tháng Tám năm 1945,  ở Trung Quốc với Mao Trạch Đông 1949.

Chủ nghĩa này chủ trương thiết lập xã hội không giai cấp để không còn cảnh người bóc lột người, con người không còn bị vong thân bởi tôn giáo, mọi người được tự do, bình đẳng dựa trên sự sở hữu chung và điều khiển chung đối với các phương tiện sản xuất.

Để đối phó trước những cảnh cướp phá, giết hại con người và tàn phá các cơ sở tôn giáo do những đảng viên cộng sản quá khích gây nên, các chính quyền và các nhà tư tưởng đối lập đã phải suy nghĩ về một hệ tư tưởng mới, gọi là chủ nghĩa tư bản, đề cao cá nhân con người, quyền tư hữu, quyền tự do tôn giáo và các quyền căn bản của con người.

Giáo hội Công giáo đã đi theo đường hướng mới mẻ được hướng dẫn bởi những thông điệp của các giáo hoàng Lêô XIII (1891), Piô XI (1931, 1941, 1950). Hoàn cảnh lịch sử đã đẩy những người Công giáo trong giai đoạn này phải đối mặt với những xung đột của hai hệ tư tưởng. Nhiều tín hữu Công giáo tự nhận rằng mình theo hệ tư tưởng tư bản, chống lại chủ nghĩa Cộng sản, mà không có một sự phân biệt rõ ràng.

Tuy nhiên, dù là chủ nghĩa duy tâm hay duy vật, duy lý hay duy nghiệm, tư bản hay cộng sản, vô thần hay hữu thần, tất cả đều muốn tập trung vào con người, vào những giá trị do con người sáng tạo nên.

Cuộc chiến tranh lạnh giữa các dân tộc theo hai chủ nghĩa Tư bản và Cộng sản ngay sau Thế chiến hai (1939-1945) đã gây ô nhiễm nặng nề cho tinh thần con người. Hầu như tất cả các giá trị tốt đẹp của tinh thần như sự thật, sự sống, tự do, độc lập, hạnh phúc, tình yêu, công bằng, hoà bình, tôn giáo,… đều bị những chủ nghĩa đó xuyên tạc và giải thích một cách lệch lạc, theo góc nhìn của mỗi hệ tư tưởng, để giành phần thắng về cho mình. Các giá trị ấy đã bị chuyển đổi nên chỉ có “một nửa sự thật’ và nhiều khi tạo nên sự dối trá, chết chóc, nô lệ, phụ thuộc, thù ghét, bất công, bất hạnh, vô thần,… Rồi các giá trị nửa vời đó ăn sâu vào tâm hồn con người do những “kỹ thuật tuyên truyền” đã gây nên những tật bệnh tinh thần nguy hiểm làm băng hoại toàn thể đời sống con người.

Con người duy nhất với tinh thần và thể xác từ đó bị xé làm đôi thành duy tâm và duy vật, duy lý và duy thực. Con người là một tổng hợp độc đáo từ đó bị chia cắt thành nội tâm và ngoại giới, thành cá nhân và tập thể, thành tự nhiên và siêu nhiên. Con người tự do, cao quý, vĩnh hằng và là hình ảnh của tinh thần tuyệt đối từ đó trở thành nô lệ cho vật chất, tư bản, cho tham vọng điên cuồng và dục vọng thấp hèn, cho chính quyền chuyên chế, đảng phái độc tài để rồi thấy cuộc sống trần thế của mình là bất hạnh và phi lý.

Những niềm tin vào Thiên Chúa, vào thần linh dần dần biến mất khỏi tâm trí vì con người muốn được tự do hưởng thụ vật chất, dành nhiều thời giờ cho việc làm, học hành, giải trí. Niềm tin vào một Thiên Chúa bị lung lay tận gốc sau hai cuộc chiến tranh thế giới vào năm 1914-1918 và 1939-1945. Hàng chục triệu người chết, hàng trăm triệu căn nhà, tài sản bị phá huỷ, khiến cho con người thấy cuộc sống thật ngắn ngủi, vô nghĩa và phi lý. Hệ tư tưởng hiện sinh vô thần do các nhà văn như Jean Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Albert Camus giới thiệu được phổ biến rộng rãi, nhất là trong giới trẻ.

Chúng ta thấy thái độ sống nặng về hưởng thụ vật chất đó thể hiện ở rất nhiều nơi trên thế giới: những đền thờ, chùa chiền của các tôn giáo vắng bóng người trẻ, chỉ còn ít người già tham dự các buổi cầu kinh trong khi các sân vận động, trung tâm giải trí, các nơi du lịch đầy ắp người vào các ngày nghỉ cuối tuần. Nền văn hoá nhân văn hay nhân bản thuần tuý dồn tất cả vào những giá trị vật chất hay tinh thần do con người tạo nên đó vẫn không làm cho con người sống hạnh phúc hơn, cao thượng hơn. Số người tự tử tăng cao, nhất là trong giới trẻ và những cuộc xung đột giữa các thành phần trong xã hội càng ngày càng trầm trọng.

2.4. Nhân bản tâm linh

Dù đang bị cuốn theo cơn lốc của vật chất và các phương tiện truyền thông xã hội, nhiều người vẫn đang muốn đi tìm một hệ tư tưởng có thể giải đáp trọn vẹn cho con người biết mình là ai, mình sẽ đi về đâu sau cái chết ở cuộc đời trần thế, mình có thể phát huy những khả năng vô tận của tinh thần và thể xác như thế nào để sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi, quyền năng vô tận và hạnh phúc vô biên. Phim ảnh, sách báo, nghệ thuật diễn tả rất nhiều những mơ ước đó của con người: qua những bộ phim khoa học giả tưởng như Super Man, Super Girl, Harry Potter, các truyện võ hiệp Trung Quốc…

Những khám phá mới của khoa học về con người càng thúc đẩy những người hiểu biết đi tìm nguồn gốc của những gì hiện hữu nơi con người: sự sống, tình yêu, tư tưởng, tự do, hạnh phúc và các giá trị hiện hữu.

Vì thế, nhân loại đang hướng về một nền nhân bản tâm linh có thể giải đáp cho con người sự thật toàn vẹn của con người, giúp con người tìm về được tận nguồn các giá trị. Gọi là nhân bản tâm linh vì con người nhận ra rằng: ngoài những giá trị do con người sáng tạo ra còn có những giá trị tinh thần không bắt nguồn từ con người và chỉ dùng tâm linh của mình, con người mới cảm nhận được chúng.

Nhiều nhà khoa học đã nhắc nhở và vạch trần những sai lầm trong giả thuyết tiến hoá của Darwin[28]. Rất nhiều người Cộng sản ở Nga và các nước Đông Âu đã ân hận về việc đã phổ biến những luận chứng sai lầm để phá bỏ tôn giáo và hô hào hệ tư tưởng duy vật, vô thần khiến cho nền luân lý, đạo đức của đất nước bị suy đồi.

Tổng thống Putin đã mời gọi người dân Nga trở lại với Chính Thống giáo và muốn đưa vào hiến pháp mới để cho thế giới biết dân tộc Nga tin vào Đức Chúa Trời[29]. Một số nước Đông Âu đã quay trở lại với Kitô giáo sau khi bức tường ở Berlin bị phá bỏ vào năm 1989. Các nhà lãnh đạo dân tộc Việt Nam cũng hô hào mở những lễ hội tôn giáo, mỗi năm có hơn 5000 lễ hội, thay vì đả phá tôn giáo như trước, để phục hồi con người cho sống đạo đức hơn[30].

Xây dựng một nền nhân bản tâm linh có thể thoả mãn được những mơ ước cao quý của con người và chứng minh nền nhân bản đó có thật bằng những con người cụ thể, như các tông đồ và môn đệ của Đức Giêsu Kitô đã làm trong thời sơ khai của Giáo hội Công giáo, là một công trình đòi hỏi mỗi người chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều và quyết tâm thực hiện. Và đó cũng là niềm mơ ước của tất cả nhân loại hôm nay.

Nền nhân bản này đã được Giáo hội Công giáo giới thiệu với thế giới trong cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của mình.

  1. Tóm lược Giáo huấn Xã hội Công giáo về con người

3.1. Vài dòng lịch sử

Mặc dù Thánh Kinh nói rõ về nguồn gốc và cùng đích của con người, cũng như Chúa Giêsu và các môn đệ của Người dạy rất cụ thể về tình yêu thương của con người đối với Thiên Chúa, với anh chị em mình và với vạn vật như là những điểm căn bản của một nền nhân bản tâm linh, nhưng người Kitô hữu trong suốt gần 20 thế kỷ qua có vẻ như vẫn giữ thái độ bái thần.

Cho đến thời Trung cổ, người Kitô hữu tập trung nguồn lực vào việc xây dựng các cơ sở vật chất, tổ chức các nghi lễ trang trọng, quản lý các địa phận tôn giáo bằng các quan chức như giám mục, linh mục tạo thành giai cấp tăng lữ. Giai cấp này thường cộng tác mật thiết với chính quyền quân chủ. Hầu hết Kitô hữu giáo dân, do học vấn thấp kém, thường hiểu theo đạo, giữ đạo là tôn thờ Chúa qua các lễ nghi, kinh nguyện, bí tích và tuyệt đối vâng phục các người đại diện cho Chúa là vua quan và hàng giáo phẩm, giáo sĩ. Họ quan niệm rằng mọi sự đều quy về Chúa, chịu đựng vì Chúa dù có bị bóc lột, thiệt thòi. Karl Marx, Engels và nhiều nhà hoạt động xã hội đã công kích thái độ bái thần ấy.

Trước những vấn nạn xã hội nghiêm trọng liên quan đến con người, nhất là những con người đang lao động kiệt lực, ĐGH Lêô XIII đã công bố thông điệp Rerum Norarum (Các sự việc mới) năm 1891. Thông điệp này được coi như “học thuyết Công giáo đầu tiên về lao động, về quyền tư hữu, về nguyên tắc hợp tác thay vì đấu tranh bạo động, về phẩm giá của người nghèo và nghĩa vụ của người giàu…”[31].

Nhiều vị giáo hoàng tiếp theo đã công bố những văn kiện về những vấn đề xã hội liên quan đến con người làm thành “học thuyết xã hội” Công giáo. Từ này được Giáo hoàng Piô XI nói đến đầu tiên năm 1941 và được nhiều giáo hoàng nhắc đến[32]. Gọi là học thuyết, vì “đây là toàn thể nói chung những quan niệm có hệ thống dùng để lý giải các hiện tượng và hướng hoạt động của con người” trong lĩnh vực xã hội[33]. Một số người chỉ dùng từ “giáo huấn xã hội” như một tập hợp những lời dạy của Giáo hội Công giáo về xã hội, thay vì xem đó là học thuyết.

Công đồng Vaticanô II (1962-1965) với Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes “giới thiệu một Giáo Hội thật sự liên đới sâu xa với loài người và lịch sử nhân loại. Hiến chế trình bày một cách có hệ thống các chủ đề về văn hoá, đời sống kinh tế và xã hội, hôn nhân và gia đình, cộng đồng chính trị, hoà bình và cộng đồng các dân tộc, dựa trên quan điểm nhân học Kitô giáo và sứ mạng Giáo Hội”[34].

Sau nhiều năm nghiên cứu và biên soạn, nhất là dưới sự điều hành của vị chủ tịch là Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình đã giới thiệu cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo vào tháng 4 năm 2004 cho toàn thể Giáo hội Công giáo và mọi người. “Người tín hữu có thể tìm thấy trong học thuyết này những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những chỉ dẫn để hành động. Đó là bước đầu để đẩy mạnh nền nhân bản toàn diện và liên đới”[35].

Sách Tóm lược này tuy xuất hiện hơi muộn, nhưng hết sức cần thiết để có thể giúp người tín hữu vượt qua thái độ “bái thần”, tập trung sự chú ý vào con người và các vấn đề xã hội của con người, trước những thách đố do các hệ tư tưởng và khoa học đặt ra chỉ muốn tập trung vào con người và chối bỏ Thiên Chúa.

3.2. Nội dung

Sách Tóm lược giới thiệu nền “nhân bản tâm linhvì lấy con người duy nhất và toàn diện với thể xác và linh hồn, với tình cảm và lương tâm, với lý trí và ý chí làm then chốt cho toàn bộ phần trình bày của mình. Giáo hội Công giáo muốn phục vụ con người trong thời đại này qua cuốn Tóm lược theo cung cách đối thoại, mà chính Thiên Chúa đã thực hiện qua Con Một đã làm người của mình, đối thoại như với bạn hữu, để làm chứng cho sự thật cũng như để cứu độ con người”[36].

Sách Tóm lược gồm 583 số trình bày thành 12 chương với phần nhập đề và kết luận. Tất cả nội dung trình bày xoay quanh con người và các vấn đề xã hội của con người. Ta có thể nói rằng Học thuyết Xã hội Công giáo chính là học thuyết của Giáo Hội về con người vì như ĐGH Gioan Phaolô II xác định: “Con người là con đường của Giáo Hội”, đồng thời cũng là con đường của Thiên Chúa vì Thiên Chúa đã trở thành người là Đức Giêsu Kitô.

Con người là lý do tồn tại của Giáo Hội vì Giáo Hội được Chúa Giêsu lập nên là để cứu độ con người. Khi Giáo Hội quay lưng lại với con người thì con người cũng bỏ Giáo Hội và cũng đánh mất luôn cả Thiên Chúa cùng với Đức Giêsu Kitô, vì họ không nhận ra Đức Giêsu chính là con người lý tưởng mình mơ ước đạt tới, là cùng đích cho mọi hoạt động của con người.

Trong quá khứ, không ít lần nhiều cá nhân và tập thể Kitô hữu đã quay lưng lại với con người hoặc đã bỏ quên con người, như một chủ thể sống động, để tập trung vào nghi lễ hoặc vào cơ sở vật chất. Kinh nghiệm đó như đang thúc đẩy chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến con người và tích cực hành động như Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu để cứu độ họ.

Năm 2016, nhân Ngày Giới trẻ Thế giới tại Cracow, Ba Lan, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trao cho các bạn trẻ cuốn Docat, như là bản tóm lược học thuyết xã hội Công giáo theo phong cách Youcat năm 2011, để các bạn trẻ hành động như Chúa Giêsu, vì “Chúa Giêsu chính là giáo huấn xã hội của Thiên Chúa”[37]. Cuốn Docat gồm 328 câu hỏi và câu trả lời, có thêm phần trích dẫn các văn kiện của Giáo Hội và các giáo hoàng. Sách cũng chia thành 12 chương tương ứng với cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo.

 Lời kết

Như thế, sau bao thế kỷ chưa nhận ra được mình, đánh mất chính mình, căng thẳng vì những xung đột giữa các tôn giáo, giữa khoa học và lòng tin, giữa thực tế của đời sống và khát vọng của tinh thần, con người bắt đầu tìm lại được chính mình. Nền nhân bản tâm linh của Công giáo đã tổng hợp được những khám phá mới mẻ về con người của khoa học với những giá trị tinh thần được các tôn giáo trình bày. Con người quả thật là một mầu nhiệm mà càng khám phá, ta càng tìm được niềm vui, bình an và hạnh phúc vì con người luôn mở ra với Đấng siêu việt và hướng tới vô biên[38].

 Câu hỏi

  1. Thách đố đầu tiên mà con người phải đối mặt là tìm được sự thật về con người, về chính mình: Con người là gì? Con người có thể làm được những gì? Con người phải như thế nào?[39]. Bạn có bao giờ đặt ra những câu hỏi đó cho mình? Và bạn trả lời như thế nào?
  2. Trong 4 thái độ: bái vật, bái thần, nhân văn và nhân bản tâm linh, bạn đang giữ thái độ nào?
  3. Bạn nghĩ cộng đồng mình sống hay dân tộc Việt Nam đang có loại thái độ nào dối với con người?
  4. Bạn thấy có xung đột nào giữa khoa học và lòng tin, hay xung đột nào giữa các tôn giáo? Bạn sẽ giải trừ xung đột đó thế nào?

_-_-_

 Bài 2

Con đường tình yêu

Lời mở

Sau khi tìm hiểu về văn hoá và cuộc hội nhập văn hoá của con người, của người Việt Nam và người Công giáo Việt Nam, chúng ta tìm đến các giá trị. Các giá trị này giống như chất liệu làm thành những con đường tâm linh, gọi là đạo hay tôn giáo như đạo làm người, đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão, đạo Hồi, đạo Thiên Chúa…Giá trị cao cả nhất của các tôn giáo chính là thần linh hay Thiên Chúa. Nhưng trước khi bàn đến giá trị nền tảng này, chúng ta muốn tìm hiểu tôn giáo là gì và đóng vai trò gì trong đời sống con người.

  1. Thái độ của con người đối với tôn giáo

Một số người hiện nay lãnh đạm với tôn giáo, nhất là các bạn trẻ. Có người còn thù ghét tôn giáo vì đã gặp phải những chuyện tàn ác, xấu xa do những người theo một tôn giáo nào đó gây nên. Người khác lại cho tôn giáo là một thứ ma tuý mê hoặc và làm con người vong thân. Trong lịch sử loài người, tín đồ của các tôn giáo xung đột với nhau, gây nên những cuộc chiến tranh khốc liệt vì những niềm tin khác nhau hoặc vì bị thúc đẩy bởi những quyền lực chính trị. Nhiều người thời nay lại tin rằng khoa học kỹ thuật sẽ có thể giải đáp tất cả những thắc mắc và vấn đề của con người, nên không cần đến tôn giáo.

Tuy nhiên, dù quan tâm hay không quan tâm đến tôn giáo, chúng ta vẫn phải đối mặt với những vấn đề thực tế về cuộc sống để trả lời cho chính mình. Với hơn 6,7 tỉ người trong số 7,7 tỉ sống trên trái đất đang theo những tôn giáo khác nhau[40], chúng ta nhận ra rằng khoa học và tôn giáo vẫn đang cùng tồn tại. Cả hai, dù với những phương pháp khác nhau, vẫn có thể hội tụ hài hoà nơi một con người vừa có thể xác kỳ diệu vừa có tinh thần phi thường để giải thích cho ta hiểu về cội nguồn của mọi hiện hữu, tình yêu, tư tưởng, sự sống và các giá trị khác.

Quan điểm này có thể đượ c minh hoạ bằng những lời của Hồng y Barberini, sau này trở thành Giáo hoàng Urbanô VIII (tại vị 1623-1644), đã từng nói với nhà khoa học Gallileo rằng: “Anh dạy cho mọi người biết bầu trời di chuyển như thế nào; còn chúng tôi dạy cho mọi người biết cách lên trời”[41].

Theo thống kê của Ban chỉ đạo Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở được công bố ở Hà Nội ngày 19/12/2019, dân số Việt Nam có 96,2 triệu người. Có 16 tôn giáo được phép hoạt động với 13,2 triệu người theo tôn giáo, chiếm 13,7% tổng số cả nước. Trong đó, số người theo Công giáo là đông nhất, với 5,9 triệu người, chiếm 6,1% dân số; Phật giáo có 4,6 triệu người, chiếm 4,8% dân số[42]. Giáo hội Phật giáo đã đặt vấn đề tại sao trong 10 năm số tín đồ sút giảm nhanh chóng và giải thích về việc này. Đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam, số liệu này cũng đáng cho những người có trách nhiệm tự hỏi tại sao tỉ lệ dân số Công giáo lại sút giảm từ 6,61% (năm 2009) xuống 6,1% (năm 2019), nguyên nhân bắt nguồn từ đâu? Cần phải làm gì để tăng ý thức và hiệu quả của việc truyền đạo trong cộng đồng.

Số người theo các tôn giáo sụt giảm từ 15,6 triệu (năm 2009) xuống 13,2 triệu (năm 2019) nói lên thực trạng người Việt Nam càng ngày càng bớt quan tâm đến tôn giáo, nhất là giới trẻ. Đó cũng là xu hướng chung của toàn cầu, ở Hoa Kỳ cũng như ở nhiều nước Âu Mỹ[43].

Ngược lại, trong một số quốc gia, số tín hữu Kitô giáo tăng, như ở Đức, Hàn Quốc và nhiều nước ở châu Phi. Số tín đồ Công giáo hiện chiếm 18%[44] dân số thế giới với hơn 1,329 tỉ người. Tổng thống Putin còn đang chờ người dân Nga bỏ phiếu về bản Hiến pháp mới trong đó có việc đưa Chính Thống giáo vào trong hiến pháp[45] như một lời đáp trả việc Lênin loại bỏ tôn giáo ra khỏi dân Nga vào năm 1917. Chúng ta tự hỏi những nước Cộng sản còn lại nghĩ gì về việc này và có nên thay đổi quan niệm đang có về tôn giáo hay không?

Người trẻ xa rời tôn giáo vì nhiều lý do, nhất là họ thấy tôn giáo không có ý nghĩa gì với đời sống thực dụng của mình.  Những lời kinh, nghi lễ chẳng đem lại một lợi ích thiết thực nào, trái lại còn gây khó chịu, phiền toái. Nếu dành số thời gian đọc kinh, dự lễ đó để học hành, làm việc, giải trí,… có lẽ họ đã thu nhận được một chút gì. Những bài giảng không dọn cẩn thận, thiếu những lý chứng khoa học, hoặc thái độ vô cảm, chuộng hình thức của các giáo sĩ, tu sĩ cũng khiến cho giới trẻ xa lánh các lễ nghi tôn giáo. Những tai tiếng về tình dục, tài chính, những thái độ tự cao cho mình là hiểu mọi vấn đề, những cách đối xử thiếu tôn trọng với người cao tuổi, người nghèo khổ của giáo sĩ càng làm cho người trẻ xa tránh tôn giáo[46].

Ở Việt Nam, từ năm 1975, nhiều người trẻ xa rời tôn giáo vì các nguyên nhân khác nữa. Trước hết, họ không biết đến tôn giáo ngay từ tuổi ấu thơ vì cha mẹ họ chỉ giữ đạo ông bà, thờ cúng tổ tiên nên không dạy họ về tôn giáo. Khi bắt đầu đi học, các bộ sách giáo khoa đã loại bỏ tất cả những gì thuộc về tôn giáo, những giá trị tinh thần bị coi là thuộc về chủ nghĩa tư bản, duy tâm, hữu thần và chỉ được biết những gì thuộc về chủ nghĩa cộng sản, duy vật, vô thần. Khi bắt đầu có hiểu biết trong các lớp lớn của cấp trung học phổ thông và đại học, họ được học các bài học chính trị hay giáo dục công dân có nội dung đả phá tôn giáo, nhất là Công giáo, tạo nên những định kiến sai lạc về tôn giáo.

Kết quả là niềm tin vào Trời do tổ tiên để lại đã bị phá hỏng. Từ ngàn xưa cho đến ngày nay, dân tộc Việt Nam chúng ta tin vào Trời. Niềm tin ấy được diễn tả trong đời sống hằng ngày, trong những nghi lễ của vua chúa trên Tế đàn Nam Giao cũng như trong các lễ hội dân gian, được lưu trữ trong kho tàng văn hoá dân tộc qua những câu ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích…

Trời không phải chỉ là khoảng không gian xanh thẳm trên đầu, nhưng là một Đấng quyền phép vô song, tạo dựng nên vạn vật (Trời sinh, Trời dưỡng; Con chim nó hót trên cành, Nếu Trời không có, có mình làm sao, Con chim nó hót trên cao, Nếu Trời không có, làm sao có mình?). Trời nhìn thấu mọi sự (Trời cao có mắt) và soi thấu lòng dạ khôn dò của con người (Trời nào có phụ ai đâu, Hay làm thì giầu, có chí thì nên). Vì thế, người ta cầu Trời ban cho mình những thứ cần thiết (Lạy Trời mưa xuống, Lấy nước tôi uống, Lấy ruộng tôi cày, Lấy đầy bát cơm, Lấy rơm đun bếp…). Trời là gương mẫu cho người ta noi theo, tạo thành một nền luân lý gọi là “đạo Trời” để con người tuân giữ (Dù ai nói ngược, nói xuôi, Ta đây vẫn giữ đạo Trời khăng khăng). Tất cả đều diễn tả tình yêu thương của Trời đối với muôn loài và con người cảm nhận được tình yêu ấy.

Sự suy thoái về đạo đức bắt nguồn từ sự suy thoái văn hoá, trong đó có yếu tố tôn giáo, đã làm cho toàn thể đồng bào cũng như các cấp chính quyền lo ngại[47]. “Thật vậy, khi con người chỉ biết có vật chất, đề cao vật chất như “một thứ Thần Tài” có thể giải quyết mọi khó khăn, thì sự suy đồi về luân lý và đạo đức chắc chắn sẽ xảy ra, đúng như lời nhận định của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào chiều ngày 29/7/2013 tại Trụ sở Chính phủ trong Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2013 của Ban Chỉ đạo 138: “Sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức xã hội, đề cao lối sống vật chất tầm thường, ý thức kém, coi thường pháp luật của một bộ phận người dân… là những vấn đề đáng lo ngại”. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, tội phạm hình sự xảy ra 28.482 vụ, tội phạm về bảo vệ môi trường 6.300 vụ, phát hiện bắt giữ trên 10.000 vụ tàng trữ, buôn bán, vận chuyển ma tuý. Theo kết quả điều tra ban đầu, một số nơi có hoạt động của các băng nhóm tội phạm, có sự bảo kê, làm ngơ, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh của cán bộ, chính quyền cơ sở (x. Báo Thanh Niên, ngày 4/8/2013)[48].

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phát biểu tại “Hội nghị Tổng kết 15 năm Thực hiện Nghị quyết Trung Ương 5 về xây dựng và phát triển nền văn hoá VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” diễn ra tại Hà Nội ngày 8/8/2013: “Đạo đức, lối sống, nhân cách, văn hoá của người VN chúng ta nhiều nơi nhiều lúc vẫn chưa được quan tâm đúng mức, ngay từ nhà trường, gia đình, từ sự tự giác, giữ gìn xây dựng của mỗi con người. Sự tha hoá, lối sống xa hoa, giả dối, vô cảm có xu hướng phát triển. Bệnh thành tích và hình thức trong các hoạt động văn hoá ngày càng lan rộng. Những yếu kém nêu trên không chỉ hạn chế sự phát triển kinh tế xã hội, mà còn làm xấu hình ảnh đất nước, con người, văn hoá VN. Theo tôi, đây là nguy cơ, thậm chí còn là nguy cơ của mọi nguy cơ, trong bối cảnh chúng ta phải xây dựng và phát triển đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng[49].

Sự suy thoái đạo đức gây nên những hậu quả vô cùng tai hại trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là văn hoá. Nếu người ta công nhận chức năng thẩm mỹ của văn hoá[50] là chức năng tối thượng của văn hoá hướng con người tới Chân Thiện Mỹ, thì một khi loại bỏ tôn giáo như giá trị của cái đúng, cái thiện, cái đẹp, con người sẽ tìm đến những cái giả dối, tàn ác, xấu xa như ta thấy đang xuất hiện trong cộng đồng xã hội.

Sau khi thành công bước đầu trong việc ngăn chặn và kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới tìm cách phục hồi nền kinh tế bị suy thoái trầm trọng vì dịch bệnh. Nhiều biện pháp kinh tế đang được thực hiện, trong đó có cả những biện pháp phục hồi con người và nền luân lý, vì chúng ta đừng quên rằng chính con người là chủ thể của mọi hoạt động.

“Nếu chúng ta nhìn hoạt động kinh tế, kinh doanh là một phần hoạt động của con người toàn diện và chính con người này quyết định sản xuất hàng an toàn hay hàng độc hại, buôn bán hàng thật hay hàng giả, làm tốt hay làm dối những dịch vụ cho khách hàng, đối xử công bằng hay bóc lột người làm việc cho mình, đóng góp cho xã hội hay chỉ tích góp cho cá nhân mình, bảo vệ hay tàn phá môi trường… thì chúng ta không thể bỏ qua lòng đạo đức nghề nghiệp và cả yếu tố tôn giáo trong xã hội, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái và khủng hoảng của nhiều doanh nghiệp như hiện nay”.

“Nạn buôn gian bán dối, bán hàng độc hại, lương thực, nông sản, thuỷ sản chứa dư lượng các hoá chất nguy hiểm cho sự sống hầu như phổ biến khắp nơi do ước muốn làm giàu bằng bất cứ cách nào. Tệ nạn này có thể dẫn cả dân tộc suy yếu về sức khoẻ, bị đủ loại bệnh tật có thể dẫn đến diệt vong. Các quán nhậu, cà phê ôm, bia ôm, massage trá hình, mãi dâm nhan nhản khắp các thành phố, thị trấn, quận huyện như tạo điều kiện cho con người ăn chơi sa đoạ về đạo đức, tinh thần”.

“Luật pháp không có khả năng khám phá tất cả những hành động bí ẩn của con người bắt nguồn từ trong tâm trí. Vì thế, khi tin vào một chủ thể luân lý tối cao nhìn thấu lòng mình (“Trời cao có mắt), con người mới ý thức và tự nguyện sống theo lương tâm ngay chính, vượt qua những quyến rũ của vật chất, đam mê để sống đạo đức. Từ căn bản đạo đức này, người Việt mới có thể vượt qua những tệ nạn như: dối trá, tham nhũng, quan liêu, lãng phí, phá thai… đang tràn lan trong xã hội hiện thời. Như thế, suy cho cùng thì sự có mặt của các tôn giáo rất cần thiết cho xã hội. Một số ít người đã nhận ra điều ấy và đang cổ vũ cho những lễ hội dân gian hoặc tham gia các lễ nghi tôn giáo. Nhưng nhiều người VN hiện nay chưa ý thức được điều này”[51].

  1. Tôn giáo là gì?

Nhiều người Việt Nam, nhất là những người trẻ, hiểu sai về tôn giáo, do những bài học, bài nói chuyện, sách báo, phim ảnh và các phương tiện truyền thông xã hội cố tình bài bác tôn giáo.

Trong bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam, bộ từ điển giá trị nhất hiện nay, do Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo biên soạn, người ta định nghĩa tôn giáo như sau: Tôn giáo (TG) là hình thái ý thức xã hội phản ánh một cách hư ảo thế giới hiện thực, sự phản ánh mà trong đó những sức mạnh trần gian đã mang hình thức sức mạnh siêu trần gian” (F. Enghen). Sự xuất hiện của TG gắn liền với trình độ phát triển thấp của sản xuất xã hội, con người bất lực trước những sức mạnh tự phát của thế giới tự nhiên cũng như của những tai hoạ xã hội và không giải thích được bản chất của chúng. Trong xã hội có giai cấp, giai cấp bóc lột luôn luôn lợi dụng TG như một vũ khí tinh thần”[52].

Chúng ta tự hỏi, với câu định nghĩa như thế làm sao đoàn kết được mọi tầng lớp dân chúng trong xã hội Việt Nam có nhiều tôn giáo, cũng như tôn trọng cộng đồng nhân loại mà đa số đang theo một tôn giáo nào đó? Kiểu định nghĩa này chối bỏ thực tế của con người với những giá trị cần tìm ra nguồn gốc, chối bỏ thực tế của đại gia đình nhân loại và không đưa ra một nhận định tích cực nào về tôn giáo.

Ta có thể tìm thấy một câu định nghĩa quân bình hơn trong Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học biên soạn. Nghĩa 1: Tôn giáo là hình thái ý thức xã hội gồm những quan niệm dựa trên cơ sở tin và sùng bái những lực lượng siêu tự nhiên, cho rằng có những lực lượng siêu tự nhiên quyết định số phận con người, con người phải phục tùng và tôn thờ. Nghĩa 2: Tôn giáo là hệ thống những quan niệm tín ngưỡng một hay những vị thần linh nào đó và những hình thức lễ nghi thể hiện sự sùng bái ấy[53].

Trong cuốn Từ điển Công giáo do Hội đồng Giám mục Việt Nam biên soạn, xuất bản năm 2019, ta tìm được câu định nghĩa sau đây: Tôn là tín ngưỡng; giáo là đạo. Vậy tôn giáo là một tín ngưỡng có tổ chức với hệ thống giáo lý và niềm tin vào Đấng thiêng liêng. Tôn giáo là hệ thống, lý thuyết dạy những điều phải tin và sống. Còn là cộng đồng những người cùng chung một tín ngưỡng, một niềm tin, có tổ chức, hệ thống giáo lý để giáo huấn các tín đồ, những quy định và những thực hành nghi thức tế tự. Tôn giáo thể hiện lòng con người khao khát Thiên Chúa và luôn mong mỏi tìm kiếm Ngài, hoặc ít là những giá trị “chân-thiện-mỹ”. Lòng khao khát đó được chính Thiên Chúa đặt vào lòng con người để họ luôn tìm về nguồn hạnh phúc đích thực của mình (x. GLHTCG, số 2566)[54].

“Đạo Công giáo là một thuật ngữ chỉ tổng thể đức tin, luân lý, nghi lễ và tổ chức của Hội Thánh Công giáo Rôma mà Chúa Giêsu Kitô thiết lập qua các Tông Đồ. “Công giáo” có nghĩa là tôn giáo phổ quát vì đạo chứa đựng mọi điều cần thiết để được ơn cứu rỗi và là đạo cho toàn thể nhân loại trong mọi thời đại và mọi cảnh sống”[55].

Như thế, trong các định nghĩa về tôn giáo, chúng ta nên quan tâm đến hai yếu tố chính: đó là niềm tin vào Đấng Linh Thiêng mà ta sẽ phải tìm hiểu xem đấng đó là ai, và hệ thống những điều phải tin, những việc phải làm để thể hiện niềm tin. Chúng giống như phần hình thức bên ngoài của tôn giáo trong khi niềm tin là phần tinh thần của mỗi tôn giáo. Hình thức giống như quần áo mặc bên ngoài có bộ đẹp, bộ xấu, màu sắc, kiểu cách, chất liệu khác nhau tuỳ theo mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi thời đại. Nhưng tinh thần cần phải rõ ràng, trong sáng, chân thật mới có thể dẫn con người gặp được Đấng Linh Thiêng. Nếu không, tôn giáo sẽ trở thành một thứ mê tín, dị đoan.

Nhiều người thời nay có đầu óc thực dụng, nhưng lại không thực tế. Họ không muốn mất thời giờ, tiền bạc, công sức cho những giờ dự lễ, cầu kinh, những buổi tĩnh tâm hay thực hành các hoạt động tôn giáo để dành nguồn lực cho việc học hành, làm việc, giải trí, vui chơi. Tuy nhiên, họ lại không hiểu rằng hoạt động tôn giáo đó rất cần để dẫn họ đến với Đấng Linh Thiêng là nguồn mọi giá trị hiện hữu. Họ tốn giờ tập thể dục, chơi thể thao, mua các loại mỹ phẩm, ăn uống các thực phẩm chức năng cho mình tươi trẻ, đẹp đẽ, nhưng lại quên rằng chính khi tìm về được nguồn sống, nguồn đẹp, người ta mới thật sự tươi đẹp muôn đời. Họ bỏ ra rất nhiều công sức học hành, nghiên cứu để tìm ra sự thật, nhưng lại không hiểu rằng nếu tìm được nguồn khôn ngoan, họ mới có thể khám phá ra sự thật ẩn tàng trong vạn vật, trong lòng người và nhất là trong Đấng đó để có những phát minh kỳ diệu, những hiểu biết siêu phàm.

Câu chuyện của nhà bác học André Marie Ampère (1775-1836) và chàng sinh viên như gợi ý cho ta về những hoạt động tôn giáo tưởng chừng như vô nghĩa. Thời đó, ông đang dạy học tại Trường Ecole Polytechnique, được coi như đại học khoa học hàng đầu của nước Pháp. Vào buổi trưa nắng gắt,  một sinh viên chạy vào Nhà thờ Đức Bà Paris nghỉ ngơi cho mát. Nhìn vào một góc khuất, anh thấy có một cụ già giống như thầy Ampère đang ngồi lần hạt cầu nguyện. Đến gần, anh thấy đúng là thầy mình, nên thưa: “Thưa thầy, con tưởng thầy bây giờ đang miệt mài nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để ngày mai dạy cho chúng con. Không ngờ thầy lại ngồi đây, lần hạt như một bà già nhà quê!”. Ampère trả lời: “Này chàng thanh niên, chính những giờ ta cầu nguyện mới là những lúc nghiên cứu hiệu quả nhất, vì ta tìm được nguồn mọi phát minh là chính Thiên Chúa”.

Vì vậy, chúng ta cần thực tế hơn: nếu mỗi ngày ta dành rất nhiều giờ cho việc ăn uống, ngủ nghỉ, học hành, làm việc, giải trí, thì tại sao ta không dành một số thời gian tương xứng cho việc tìm đến Đấng Linh Thiêng là nguồn của chân thiện mỹ, của hạnh phúc vô tận, của sự sống phi thường để bồi bổ tinh thần và phát huy mọi nguồn lực của mình?!

 

 

  1. Đấng Linh Thiêng và các thần linh là ai?

Nhiều người ngày nay dị ứng với tôn giáo vì thấy các tôn giáo sùng bái rất nhiều thần linh mà họ thấy chúng chỉ là những sức mạnh tự nhiên được thần hoá như mặt trời, mặt trăng, mây mưa, sấm sét (Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi)[56]. Nhiều thần linh mang những hình thù loài vật như thần trí tuệ Tehuti hình người đầu cò, thần Usir cai quản cõi âm có hình dạng đàn ông quấn trong vải ướp xác, thần xác ướp Anubis hình người đầu chó… của người Ai Cập. Ba vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo (Trimurti) bao gồm Brahma là đấng tạo hoá, Vishnu là đấng bảo hộ và Shiva là đấng huỷ diệt cùng với ba bà vợ nữ thần (Tridevi) là Saraswati, Lakishmi, Pavati[57] hiển hiện trong những hình thái khác nhau.

Vì thế, con người có khuynh hướng đa thần để giải thích các hiện tượng thiên nhiên cũng như các hoạt động của con người như ta thấy trong tín ngưỡng thờ vật tổ, trong các tôn giáo thị tộc thời cổ ở Ấn Độ, trong đế quốc Hy Lạp, La Mã, trong Thần Đạo Nhật Bản, Đạo giáo (hay Lão giáo) ở Trung Quốc ở Việt Nam, Hàn Quốc, trong các tôn giáo truyền thống Châu Phi[58].

Tài liệu cổ xưa nhất về tôn giáo được tìm thấy trong các bài thơ của Homer ca tụng thần Hermes. Người Hy Lạp sùng bái 12 vị thần trên đỉnh Olympus ở thành Athena vào thế kỷ VI TCN, gồm: Zeus, Hera, Poseidon, Demeter, Athena, Hestia, Apollo, Artemis, Ares, Aphrodite, Hephaestus và Hermes. Mỗi vị thần cai quản một lĩnh vực khác nhau và bảo hộ cho một trong 12 cung hoàng đạo, tạo thành lịch tử vi cho con người[59].

Khi người La Mã (Roma) chiếm được đế quốc Hy Lạp và lập nên đế quốc thì nền văn hoá La Mã với chữ viết Latinh lại phổ biến các thần linh mới. Các vị thần Hy Lạp được thay thế bằng các thần  Roma như Jupiter (thay Zeus), Juno (thay Hera), Mars (thay Ares), Venus (thay Aphroldite), Minerva (thay Athena), Diana (thay Artemis), Vulcan (thay Hephaestus)…[60].

Như thế, các thần linh trong hầu hết các tôn giáo cũng như trong huyền thoại của các dân tộc (ví dụ: Sơn Tinh, Thuỷ Tinh của nước ta), không có thật, mà chỉ là những sản phẩm do trí tưởng tượng của con người thêu dệt nên, để giải thích về các hiện tượng trong trời đất (gió mưa, mặt trời, mặt trăng, sấm sét…), các hoạt động của con người (vui chơi, giải trí, tiệc tùng, chiến tranh, sống chết, cày cấy, lao động) hoặc các giá trị tinh thần như tình yêu, thi ca, y học, sắc đẹp.

Tuy nhiên, khi loại trừ những thần linh giả tạo đó ra khỏi tâm trí, con người vẫn phải đối mặt với câu hỏi: “Tất cả những thực tại và giá trị đó bắt nguồn từ đâu, do ai tạo nên và ban phát chúng cho con người?”, vì rõ ràng là chúng không thể do tay con người làm ra hay tự ban phát cho mình. Vì thế, con người vẫn phải đi tìm câu trả lời nơi các tôn giáo mà con người tin là được thần linh soi sáng. Để trả lời được câu hỏi này cần phải xác định được Đấng Linh Thiêng và các thần linh là ai.

Nhờ tinh thần biết suy tư, nhất là sau này được khoa học hỗ trợ, con người loại bỏ các sức mạnh thiên nhiên và vật chất ra khỏi danh sách thần linh vì biết rằng chúng chỉ là những vật thể vô hồn, không thể chi phối, tác động hay cứu độ con người. Con người nhận ra rằng phải có một Đấng Linh Thiêng tối cao tạo thành nên muôn vật muôn loài, gọi là Tạo Hoá, cũng là nguồn của chân thiện mỹ, để giải đáp các giá trị nơi các vật thể đó. Đấng đó được các dân tộc gọi bằng đủ thứ tên khác nhau: Trời, Thiên, Giàng, Chúa Trời, Thánh Allah, Đấng Chí Tôn, Đấng Cao Đài (Thượng Đế), Phạm Thiên, Thiên Chúa…

Khám phá tiếp theo của tinh thần con người là tất cả những giá trị hiện hữu đều phải bắt nguồn từ một tinh thần tuyệt đối, chứ không phải từ nhiều nguồn tách biệt nhau như các tôn giáo và thần thoại các dân tộc giới thiệu. Lý do là vì tinh thần tương đối của con người nhận ra những giá trị như: sự sống, tình yêu, hạnh phúc, niềm vui, tự do, chân thiện mỹ, … đều nằm ở trong tinh thần chứ không ở trong thể xác hay vật chất.

Vì vậy, nhân loại thiên về khuynh hướng độc thần, nghĩa là chỉ tin vào một Đấng Linh Thiêng là nguồn của mọi hiện hữu. Đấng đó tự mình hiện hữu, có tất cả mọi sự và chia sẻ những gì mình có cho muôn loài. Do Thái giáo đã gọi tên Đấng đó là Giavê  hay Giêhôva, nghĩa là Đấng Tự Hữu (tự mình hiện hữu). Ta gặp thấy khuynh hướng này ở Kitô giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, đạo Baha’i, đạo Sikh. Trong các tôn giáo độc thần, ngoài Đấng Linh Thiêng là nguồn mọi hiện hữu, vẫn còn có những thần linh cấp dưới, do Đấng Tạo Hoá đó dựng nên để thi hành những mệnh lệnh và ước muốn của Ngài.

Có một số tôn giáo không tin tưởng vào thần linh nào, không tin có Đấng Tạo Hoá tối cao. Các thần linh có tồn tại thì cũng chỉ là chúng sinh trong vũ trụ, sức mạnh và tuổi thọ của họ vẫn bị giới hạn và bị tiêu diệt. Khổng giáo thì chỉ tập trung vào đời sống ở trần thế này làm sao cho tốt đẹp nên chẳng muốn bàn đến chuyện quỷ thần và đời sau nên được xếp vào tôn giáo vô thần.

Một số vấn đề quan trọng, mà các tôn giáo cần giải thích, là tại sao con người phải chết nếu đã bắt nguồn từ Thiên Chúa vĩnh hằng, và nếu muốn được giải thoát, được cứu độ, nghĩa là được sống mãi, trẻ đẹp mãi, thì con người phải làm gì? Những điều tiêu cực như cái chết, tội lỗi, dục vọng, âm phủ, quỷ dữ, tà ma… bắt nguồn từ đâu? Ai cai quản chúng? Phải làm gì để thoát khỏi chúng? Ai có thể cứu độ con người và thế giới?

Vì thế, ngoài việc trình bày công trình sáng tạo nên vũ trụ và con người, nhiều tôn giáo xây dựng lý thuyết về công trình cứu độ do thần linh thực hiện. Tuy nhiên, vì lý thuyết này hoàn toàn do con người tưởng tượng ra và diễn tả thành những thần thoại, nên chúng có nhiều điểm vô lý, mâu thuẫn (thí dụ về thiên đường, âm phủ) và tạo thành những nghi lễ mê tín, dị đoan (các lễ cầu siêu, trừ tà ma, quỷ dữ, bùa ngải, cúng tế người chết…). Chính lý thuyết cứu độ này đã khiến nhiều người thời nay loại bỏ tôn giáo, một số người khác chống đối tôn giáo, chủ trương vô thần vì cho rằng chỉ có con người mới có thể cứu con người, số khác lại chủ trương “vô tri” nghĩa là con người không thể biết về thần linh vì hai loài hoàn toàn khác biệt nhau.

Tuy nhiên, thực tế lại cho chúng ta thấy rằng tinh thần con người có khả năng mở ra đến vô tận, nên có thể tiếp cận được với Đấng là Tinh thần Tuyệt đối và đón nhận được sự soi sáng của Ngài. Tôn giáo gọi hoạt động này là mạc khải, nghĩa là thần linh vén mở tấm màn bí mật cho con người hiểu biết, hoặc gọi là “mặc khải”, “mật khải” hay “linh ứng”, “linh hứng”. Do đó, người ta phân biệt tôn giáo mạc khải là loại có nhận được sự soi sáng của thần linh như Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, Kitô giáo, Hồi giáo và loại tôn giáo hoàn toàn chỉ dựa vào sự sáng tạo, tu luyện của con người như Nho giáo, Phật giáo.

 

  1. Đấng Tối cao và thần linh trong Kitô giáo

Sau khi tìm hiểu sơ qua về thần linh trong các tôn giáo, chúng ta muốn biết Kitô giáo nói gì về Đấng Linh Thiêng và các thần linh.

Trước hết Kitô giáo xác định rằng Đấng Linh Thiêng là nguồn của mọi hiện hữu, thật sự đã dựng nên muôn loài và đặc biệt tạo thành con người giống hình ảnh Ngài, khi ban tinh thần cho con người để có thể mở ra với Đấng siêu việt là Tinh thần Tuyệt đối.

Hơn nữa, nhờ tinh thần này, con người cũng mở ra với muôn loài hiện hữu gồm con người sống trên trái đất, muôn loài trong vũ trụ, mọi hữu thể thuộc giới tinh thần gồm những thiên thần, quỷ dữ là các thiên thần sa ngã, những linh hồn người đã chết gồm các thánh nhân, trong đó có cả tà ma. Học thuyết Xã hội Công giáo đã xác định rằng: “Mở ra với siêu việt là đặc tính của con người: con người mở ra với Đấng vô biên cũng như với muôn loài thụ tạo. Nhờ tinh thần với trí khôn và ý chí, con người không bị giới hạn bởi vật chất, không gian và thời gian, có thể nâng mình lên trên mọi thụ tạo và cả chính mình để có thể tiếp xúc được với Đấng siêu việt là Thiên Chúa cũng như với muôn vật muôn loài hiện hữu[61].

Đấng đó mang nhiều tên khác nhau, không phải do con người đặt ra, nhưng là do Ngài soi sáng cho con người[62] và đã được ghi lại trong những cuốn sách gọi là Sách Thánh. Những tên diễn tả đặc tính hay hoạt động của Ngài: Đấng Tạo Hoá[63], Thiên Chúa[64], Đấng Tự Hữu[65], Đức Giavê[66], Đấng Thánh[67], Đấng Hằng Sống[68]

Sách Thánh, hay Thánh Kinh, được người Do Thái chép ra từ 2000 năm trước Công nguyên làm thành phần Cựu Ước. Sau đó, người Kitô giáo chép thêm phần Tân Ước kể về cuộc đời của Chúa Giêsu và hoạt động của Hội Thánh trong khoảng 100 năm của thế kỷ I sau Công nguyên.

Bộ Thánh Kinh Cựu Ước này được cả 3 tôn giáo là Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo công nhận. Cả ba có cùng niềm tin vào một Thiên Chúa hằng sống và chân thật cũng như không chấp nhận một thần linh nào khác ngang hàng với Thiên Chúa. Theo đó, tất cả các thần linh của các tôn giáo khác, các dân tộc khác đều là hư ảo, không hiện hữu (x. Gr 2,11; 5,7; Is 43,10) nên không được tôn thờ chúng (x. Xh 20,3).

Thiên Chúa đó tạo thành muôn loài và chia sẻ cho các thụ tạo những giá trị tích cực như sự sống, tình yêu, chân thiện mỹ của Ngài. Trong các loài thụ tạo, Ngài dựng nên hai loài có tinh thần, một loài không có thân xác vật chất, chỉ có tinh thần tinh ròng, gọi là thiên thần, loài kia có tinh thần trong thể xác gọi là loài người. Nhờ có tinh thần nên các loài đó có lý trí, ý chí và những giá trị tinh thần để chọn lựa và điều khiển những hành động của mình, đồng thời cũng chịu trách nhiệm về những hành động đó.

Vì là những thụ tạo tự do nên một số thiên thần đã nghe theo lời hứa hẹn của Lucifer chống lại Thiên Chúa, để hy vọng có được sự thăng tiến nhanh chóng hơn. Lucifer, với tên gọi “người mang ánh sáng”[69], lúc đó là một tổng lãnh thiên thần hết sức cao quý, đầy quyền năng, chỉ kém một mình Thiên Chúa, nên nghĩ rằng nếu loại bỏ được Thiên Chúa, mình sẽ trở thành Thiên Chúa và hứa cho những thiên thần theo mình nhiều ân huệ hơn tình trạng họ đang có.

Tuy nhiên các thiên thần ấy đã không hiểu rằng tất cả ân huệ họ có được đều là những ơn lành Chúa ban cho. Nên khi cắt đứt sự hoà hợp với Thiên Chúa, họ không còn nhận được những ơn mới, trở thành quỷ dữ, và đau khổ mãi mãi vì sự chọn lựa sai lầm của mình. Những giá trị tích cực nơi họ biến thành tiêu cực như tình yêu thành thù hận, sự thật thành dối trá, tốt đẹp thành xấu xa, hạnh phúc thành bất hạnh, quyền lực thành bạo lực, khôn ngoan thành xảo quyệt, bình an trở thành bất an, trật tự trở thành hỗn loạn, sống trong hạnh phúc trở thành sống trong bất hạnh…

Điều này giúp chúng ta hiểu rằng không có những thần cai quản sự chết, âm phủ, chiến tranh, bão tố, nghèo đói, dịch bệnh, xấu xa, bất hạnh… Những thứ tiêu cực này chỉ là mặt trái của những ơn lành của Thiên Chúa ban cho các thụ tạo mà thôi. Khi thụ tạo cắt đứt sự hoà hợp với Chúa, những ân huệ đó đều biến đổi, không còn tốt lành cho họ nữa.

Điều này cũng giúp ta hiểu về những người sử dụng ma thuật. Họ có thể là phù thuỷ, thầy pháp, tu sĩ, giáo sĩ trong các tôn giáo biết lợi dụng mối quan hệ với quỷ dữ, tà ma, tạo nên những bùa ngải, pháp thuật gây nguy hại cho con người. Chúng ta thấy người ta rao bán những thứ đó ở nhiều nơi, ngay cả trên internet: bùa yêu, bùa trừ tà, những con tỳ hưu, con Kuman Thong đem lại may mắn, bình an, nhưng thực chất là dối trá và lường gạt để làm hại con người. Nhờ quyền năng của Thiên Chúa và của Đức Giêsu, chúng ta có thể xua trừ ma quỷ ra khỏi con người. Đây không phải là mê tín nhưng là những thực tế trong đời sống, dù rằng có nhiều người hiểu lầm và lạm dụng.

Do ghen tức với con người được Chúa yêu thương nên quỷ dữ cám dỗ những con người đầu tiên là Adam-Eva. Con người đã sa ngã[70] và đã đánh mất các hồng ân Chúa ban: không còn trẻ mãi, đẹp mãi, sống mãi, khôn ngoan vô tận… . Hơn nữa, vì con người có thể xác, gắn bó với vũ trụ vật chất (qua việc ăn uống, hít thở hằng ngày), nên vạn vật cũng bị kết án phải chịu sự hư nát[71], tan rã, chết chóc cùng với con người. Tất cả những ác độc xấu xa trong xã hội loài người không phải do các thần linh (ví dụ: thần Chiến tranh, Tử thần, Diêm vương) chi phối hay điều khiển, nhưng chỉ bắt nguồn từ sự cám dỗ của ma quỷ và ý muốn xấu xa của con người. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã có kế hoạch cứu độ loài người và vũ trụ bằng tình yêu của Ngài[72].

Người Công giáo không phải chỉ cổ vũ lòng khoan dung đối với tín đồ các tôn giáo khác, mà còn trân trọng nhìn nhận giá trị của các tôn giáo chân chính cũng là những con đường tâm linh dẫn con người đến với Thiên Chúa, cũng chứa đựng những sự thật của Đức Giêsu Kitô và luôn cộng tác với mọi người thành tâm thiện chí để xây dựng trần thế này[73] . Không thiếu những thiền sư, đạo sĩ, tăng ni, tu sĩ của các tôn giáo khác có khả năng xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật nhờ đời sống đạo đức, kết hợp với Đấng Linh Thiêng, dù họ không nhận thức rõ ràng Thiên Chúa hay Đức Giêsu là ai, trong khi nhiều tín hữu Kitô lại không thực hiện được các phép lạ như họ. Đức Giêsu đã cảnh báo điều này để mời gọi tín hữu mở lòng ra đón nhận mọi người[74].

Thật ra, những người này khi tin vào một Đấng Linh Thiêng ban phát mọi ơn lành, khi họ sống theo sự thật và lương tâm ngay chính, họ đã là những “Kitô hữu ẩn danh” rồi, vì như thế là họ đã nhận biết Thiên Chúa và theo Đức Giêsu Kitô vì “Đức Kitô là con đường, là sự thật, là sự sống”. Thánh giáo phụ Justinô đã quả quyết điều đó[75].

  1. Thiên Chúa Ba Ngôi

Có một điểm khác biệt lớn giữa các tôn giáo độc thần. Trong khi Do Thái giáo và Hồi giáo chỉ tin Đức Giavê hay Đức Thánh Allah là Thiên Chúa duy nhất, thì Kitô giáo tin Thiên Chúa duy nhất đó có ba Ngôi vị: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Ba Ngôi có ba tác động chuyên biệt, dù trong hoạt động chỉ có một Thiên Chúa thực hiện: Ngôi Cha sáng tạo, Ngôi Con cứu độ, Ngôi Thánh Thần thánh hoá.

Đây là mầu nhiệm cao siêu nhất của Kitô giáo được chính Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa mạc khải cho con người[76]. Dù Thánh Kinh Do Thái đã nói rất nhiều về Đấng Mêsia (Messiah)  và Đức Giêsu đã chứng minh Người là Đấng Mêsia đó bằng đời sống, bằng cái chết để đền tội cho nhân loại và bằng sự sống lại rõ ràng của Người, nhưng tín đồ Do Thái giáo, Hồi giáo vẫn không chấp nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Người ta đã dùng nhiều hình ảnh để giải thích về Thiên Chúa Ba Ngôi có cùng một bản thể duy nhất là bản thể Thiên Chúa như hình ảnh một tam giác đều nhau có ba cạnh bằng nhau hoặc ba tài năng của một tinh thần như trí hiểu, trí nhớ và ý chí. Tuy nhiên, thí dụ về tình yêu có thể giải thích rõ hơn. Thuở đầu chỉ có một Thiên Chúa và chưa có bất cứ vật gì. Thiên Chúa, với bản chất là tình yêu, đã phải yêu chính mình. Khi yêu, Ngài hiến dâng cho đối tượng mình yêu tất cả những gì là của mình, hay bản thể của chính Thiên Chúa. Tức khắc, Thiên Chúa phát sinh thành hai ngôi vị Cha-Con. Cha là chủ thể yêu và Con là đối tượng được yêu. Ngôi Con có bản thể Thiên Chúa của Ngôi Cha. Cả hai ngôi vị có chung một bản thể Thiên Chúa.

Ngay sau đó, Ngôi Con, trong tư cách là chủ thể yêu, yêu lại Ngôi Cha của mình như là đối tượng được yêu và dâng hiến cho Cha tất cả những gì mình có. Lập tức, từ tình yêu của hai Ngôi, đã phát sinh ra Chúa Thánh Thần. Ngài là Ngôi thứ ba Thiên Chúa. Ngài là tình yêu nối kết Chúa Cha, Chúa Con lại với nhau. Ngài có cùng một bản thể duy nhất với Chúa Cha và Chúa Con.

Điểm khác biệt nữa của Kitô giáo đó là nói rõ bản chất của Thiên Chúa là tình yêu[77]. Tình yêu không phải chỉ là một đặc tính của Thiên Chúa hay một ân huệ được Thiên Chúa ban tặng cho thụ tạo. Nhưng tình yêu là tất cả Thiên Chúa, là toàn thể những quan hệ bên trong của Thiên Chúa, quyết định tính cách và mọi hoạt động bên ngoài của Thiên Chúa. Vì thế, khi dựng nên muôn loài, Thiên Chúa cũng đặt tình yêu của Ngài vào bản tính của vạn vật để chúng yêu thương nhau và cảm nghiệm được niềm vui, bình an và hạnh phúc của Ngài… Do đó, khi cắt đứt sự hoà hợp với Thiên Chúa, con người không còn khả năng yêu thương, cảm thấy mình bất hạnh và gây nên những đau khổ, thiệt hại cho người khác, vật khác.

Vì thế, yêu thương là điều răn quan trọng nhất của đạo Kitô[78]. Tình yêu của Thiên Chúa là một điều hiển nhiên trong đời sống vạn vật. Chúng yêu ta nên tôm cá rau cỏ hy sinh sự sống cho ta, những bông hoa toả hương khoe sắc cho ta dù ta yêu hay ghét chúng. Tuy nhiên, chỉ có Đức Giêsu mới có thể nói rõ cho con người về tình yêu của Chúa Cha đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một của mình[79]. Chỉ có Đức Giêsu mới dạy con người yêu thương như thế nào[80] và tình yêu đưa con người đến đâu vì Người là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa.

  1. Con đường tình yêu

Khi hiểu được Thiên Chúa là tình yêu người ta sẽ biết Kitô giáo là con đường tình yêu, là “đạo tình yêu” như người Việt xưa đã gọi đạo Công giáo khi so sánh với Phật giáo là “đạo từ bi”. Công đồng Vaticanô II đã xác định: “Đối với những ai tin vào tình yêu Thiên Chúa, Ngài cho họ xác tín rằng con đường tình yêu mở rộng cho tất cả mọi người[81]. Trên con đường này, tình yêu vừa là khởi điểm tạo thành nên ta, vừa là động lực thúc đẩy ta tiến bước, vừa là mối dây nối kết ta với các bạn đồng hành, và là đích điểm để ta nhắm tới.

Vì thế, người Công giáo cần nắm chắc nguyên lý tình yêu trong mọi hoạt động của đời sống. Theo đạo, tin đạo, giữ đạo, sống đạo ở đây không còn là cử hành những nghi lễ phụng tự, đọc những lời kinh hay tuân giữ các khoản luật lệ do Giáo Hội đặt ra, nhưng là tin theo Đức Giêsu vì Người chính là đạo, là con đường, đồng thời phải yêu thương như Đức Giêsu và gắn bó mật thiết với Đức Giêsu để Người chuyển thông cho ta sự sống kỳ diệu vĩnh hằng của Thiên Chúa.

Tình yêu của người tín hữu Công giáo còn mạnh mẽ và sâu xa hơn nhờ lòng tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta sẽ thấy ba đặc tính kỳ diệu trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi mà không một tôn giáo nào khác có thể dạy chúng ta như Kitô giáo. Đó là tình yêu sáng tạo của Chúa Cha, tình yêu cứu độ của Chúa Con và tình yêu thần thánh hoá của Chúa Thánh Thần.

Chính tình yêu của Chúa Cha đã sáng tạo và dựng nên muôn loài. Tình yêu chân thật không bao giờ ích kỷ, đóng kín nơi mình, tự thoả mãn với mình, nhưng luôn luôn hướng về đối tượng mình yêu để chia sẻ tất cả những gì mình có. Vì thế, chúng ta đang được mời gọi nhìn lại tình yêu của mình để xét xem tình yêu đó có thúc đẩy ta chia sẻ những gì mình có cho người khác không, nhất là cho những người nghèo khổ quanh ta? Tình yêu của chúng ta có mang lại niềm vui, hạnh phúc và bình an cho họ không, hay lại khai thác, bóc lột, làm cho họ khốn khổ hơn cả khi chưa yêu ta? Tình yêu của ta có mang đặc tính chân thiện mỹ không hay nó giả dối, ác độc, xấu xa?

Tình yêu cứu độ của Ngôi Con luôn mời gọi chúng ta dám hy sinh cho đến cùng như Chúa Giêsu đã chết trên thập giá. Chúng ta cảm nghiệm được sự hy sinh ấy của vạn vật trong từng bữa ăn mỗi ngày, của cha mẹ hy sinh cho con cái, của người tình dám chết cho người mình yêu, của người chiến sĩ hy sinh mạng sống cho đất nước. Nếu tình yêu của ta không mang đặc tính cụ thể và hy sinh thì cũng không thể cứu độ muôn loài như Chúa Con.

Tình yêu thần thánh hoá là của Chúa Thánh Thần.Tình yêu này biến đổi con người và vạn vật thành thánh, thành thần linh như Thiên Chúa. Vì thế, tình yêu thật sự luôn mời gọi ta tôn trọng, nâng cao đối tượng mình yêu để giúp họ trở thành thần thánh, thành con cái Chúa như ta, chứ không phải làm nhục, hạ thấp họ thành vật sở hữu của mình. Rất nhiều lần, chúng ta đã hạ thấp, làm nhục, thậm chí biến người yêu thành phương tiện để thoả mãn tham vọng và dục vọng hoặc bắt người yêu hành động như những con rối. Chúa Thánh Thần mời gọi ta thay đổi để tình yêu trong sáng, quảng đại hơn.

Niềm tin vào tình yêu Ba Ngôi này luôn được thể hiện trong đời sống giúp cho người Công giáo an vui và hạnh phúc, cả những lúc bị đau khổ, thiệt thòi, thất bại, thử thách, nguy hiểm và bách hại. Nó được diễn tả qua dấu Thánh Giá họ làm trên mình mỗi ngày nhiều lần. Nhờ tin rằng Thiên Chúa tình yêu biết rõ mọi sự nên họ vẫn yêu thương mọi người, mọi vật cho đến cùng như Đức Giêsu, yêu cả những người giết hại mình. Nhờ tin vào Thiên Chúa toàn năng, nên họ vẫn giữ tâm hồn bình an giữa mọi biến động của đời sống và thế giới. Bao nhiêu đế quốc trong quá khứ đã xuất hiện rồi tan biến thì những đế quốc thời nay cũng thế thôi. Họ chỉ ước mong được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa tình yêu để xây dựng được nền văn minh tình yêu cho cộng đồng nhân loại hôm nay.

 

Lời kết

Tìm hiểu những giá trị của tôn giáo đóng góp cho nền văn hoá nhân loại, chúng ta mới thấy tôn giáo không phải là chuyện dị đoan, mê tín, làm cho con người đánh mất chính mình, như một số người đang tuyên truyền. Tôn giáo chân thật sẽ đưa ta tìm về được nguồn hiện hữu của mình để đưa tinh thần của ta vươn cao và bay xa đến những vùng đất lạ lùng trong cõi nhân sinh. Rồi khi hiểu được bản chất tình yêu của Kitô giáo và Ba Ngôi Thiên Chúa là giá trị văn hoá cao cả nhất của Công giáo, chúng ta sẽ hiểu mình nên đi theo con đường tâm linh nào trong cuộc lữ hành trần thế.

Câu hỏi

  1. Bạn hãy kể tên những thần linh và xác định xem thần linh nào có thật và thần linh nào do trí tưởng tượng của con người tạo nên.
  2. Bạn đã học được gì về tôn giáo trong các lớp chính trị hay giáo dục công dân? Bạn nghĩ tôn giáo thật sự là gì và mạng lại những giá trị nào?
  3. Bạn biết gì về Thiên Chúa tình yêu của Kitô giáo?
  4. Bạn biết gì về nền văn minh tình yêu của Công giá

 

 

_-_-_

Bài 3
Con đường Giêsu

Nhập đề

Chúng ta đã tìm hiểu những giá trị văn hoá được Kitô giáo, đặc biệt là Công giáo, đóng góp cho dân tộc Việt Nam, cùng với các tôn giáo khác. Những con đường tâm linh này dẫn đưa con người tìm về được với Đấng Linh Thiêng. Trong Kitô giáo, Đấng Linh Thiêng này là Thiên Chúa. Đây là từ viết gọn của “Thiên Địa Chân Chúa”, có nghĩa là Vị Chúa thật sự của trời đất. Ngài là Cha của Đức Giêsu Kitô, Đấng sáng lập ra Kitô giáo.

Mỗi tôn giáo thường có người sáng lập như Phật giáo do Đức Phật Thích Ca, Nho giáo do Đức Khổng Tử, Đạo giáo do Đức Lão Tử, Hồi giáo do Đức Muhammad[82].

Vì thế, trong phạm vi bài này chúng ta sẽ tìm hiểu đôi điều về Đức Giêsu như một nhà văn hoá lớn vì đã mang đến cho nhân loại những giá trị cao cả tuyệt vời.

 

  1. Trả lại công bằng cho Đức Giêsu

Dù Đức Giêsu không đòi công bằng cho mình, như Người đã luôn im lặng trước các toà án khi bị người ta vu cáo[83], nhưng khi viết bài này, chúng ta lại cảm thấy rất bất công nếu giữ im lặng về Người và vô ơn vì những gì Người đã làm cho mình và thế giới.

Đức Giêsu là một con người “nghịch lý”, ngay từ lúc mới sinh được 8 ngày, khi cha mẹ dâng Người trong đền thờ Giêrusalem cho Thiên Chúa, ông già Simêon đã tiên báo: “Trẻ này là dấu hiệu cho người đời chống báng và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra[84]. Khi Đức Giêsu bị bắt giữ do lòng thù ghét của các thượng tế, luật sĩ và dù biết rõ Người vô tội[85], người ta vẫn kết án và đóng đinh Người vào thập giá như một tên tử tội.

Đứng trước những nghịch lý, con người có quyền chọn những quan điểm và hành động khác nhau. Giống như các người Do Thái xưa kia, họ có thể ca tụng, khen ngợi hay chửi rủa, nhục mạ[86], nhưng không có quyền chối bỏ sự thật và bất công. Quả thật, con người cần phải trả sự công bằng cho Đức Giêsu vì họ đã giết Đức Giêsu và chối bỏ những sự thật về Người. Vì thế, Đức Giêsu mới nói cho  quan Philatô hiểu rằng: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi[87].

Chúng tôi đã tìm tiểu sử của Đức Giêsu trong bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam, vì bộ từ điển này được xem là giá trị nhất ở Việt Nam. Đây là một công trình văn hoá khoa học đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao cho Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn tổ chức thực hiện việc biên soạn và xuất bản. Hội đồng này gồm khoảng hơn 300 vị giáo sư và phó giáo sư tiến sĩ đứng đầu các bộ môn khoa học, nhân văn, xã hội, nghệ thuật của Việt Nam, như chúng ta đã thấy nêu tên trong tập I, từ trang 11-22. Sau 18 năm biên soạn, từ 1987-2005, bộ từ điển gồm 4 cuốn khổ lớn, mỗi cuốn hơn 1000 trang, đã lần lượt xuất bản và tập IV hoàn thành năm 2005. Tập I đã được sửa chữa và tái bản năm 2007.

Chúng tôi nghi nhận trong bộ từ điển này có tiểu sử của cả ngàn  nhà khoa học, văn hoá, xã hội, nghệ thuật đã được nêu tên vì đóng góp cho nền văn hoá nhân loại, dù chỉ là những nhân vật tương đối ít nổi tiếng trong ngành nghề nào đó. Về tôn giáo, chúng ta vẫn thấy có tiểu sử của Khổng Tử (tập II, tr.524), Lão Tử (tập II, tr.648), Mạnh Tử (tập II, tr.841), Mặc Tử (tập II, tr.879). Khi nói về các đạo như đạo Phật, Đạo giáo, đạo Do Thái, đạo Cao Đài, đạo Hoà Hảo, đạo Hồi, đạo Jaina… các tác giả biên soạn từ điển vẫn nhắc đến tên người sáng lập đạo.

Nhưng khi nói đến Công giáo, cũng gọi là đạo Thiên Chúa, đạo Gia Tô (tập I, tr.727), đạo Kitô, cũng gọi là đạo Cơ Đốc, (tập I, tr.928) và đạo Chính Thống, cũng gọi là Chính giáo, (tập I, tr.596) là những tôn giáo bắt nguồn từ Đức Giêsu Kitô, các nhà biên soạn từ điển này đã không nói một lời nào về Người! Đây quả là một sự im lặng khó hiểu! Nếu Đức Giêsu hiện nay đang được hàng tỉ người biết đến: 2,4 tỉ người Kitô giáo và 1,5 tỉ người Hồi giáo xem Người là vị tiên tri cao cả[88], thì việc im lặng này quả thật là bất công đối với Đức Giêsu trước những giá trị Người đóng góp cho nhân loại và thế giới.

Ông Gioan, người viết sách Tin Mừng thứ tư, đã nhắc đến việc người ta không biết đến Đức Giêsu, thậm chí chối bỏ Người: “Người đã đến nhà mình, nhưng các gia nhân của Người lại không biết Người. Còn ai biết, thì Người cho họ được quyền làm con cái Thiên Chúa[89].

Chúng ta cũng biết rằng trong bộ từ điển lớn lao này, với khoảng 40 ngàn mục từ, không có lời giải thích cho các từ “tình yêu”, “sự sống”, dù những nhà biên soạn này đang yêu, đang sống và kêu mời người khác hãy “yêu tổ quốc, yêu đồng bào”, “hãy sống xứng danh là người Việt Nam”.

Điều nên làm là chúng ta hãy đối xử công bằng với Đức Giêsu, hãy giúp cho người Việt Nam và các bạn trẻ Việt Nam biết đến Đức Giêsu, vì càng biết về Người, ta càng sống đúng giá trị làm người và làm con cái Thiên Chúa, vì Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa làm người. Càng biết Đức Giêsu, người ta càng muốn sống hào hùng, tươi đẹp, phi thường để giúp cho mình và dân tộc Việt Nam tốt đẹp, vững bền mãi mãi, nhất là trong ước muốn hoà nhập với cộng đồng thế giới như hiện nay qua các hiệp định thương mại mới ký kết gần đây[90].

  1. Đức Giêsu là ai?

2.1. Những cách thức để biết Người

Nếu muốn biết Đức Giêsu là ai, chúng ta có thể đọc trong hàng ngàn cuốn sách viết về Người. Cho đến ngày nay, Thánh Kinh vẫn là cuốn sách được in và đọc nhiều nhất trên thế giới. Đó là cuốn sách viết về Đức Giêsu, dù rằng Đức Giêsu không viết một cuốn sách nào về mình. Ta cũng có thể vào internet, gõ tên Giêsu Nazareth hay Giêsu Kitô, sẽ thấy các bài viết về tiểu sử của Người.

Trong lịch sử cũng không thiếu bài viết xuyên tạc về cuộc đời Đức Giêsu và ta có thể tìm thấy chúng trên internet. Đức Giêsu không thanh minh hay biện hộ cho mình, Người vẫn im lặng vì Người yêu thương tất cả các tác giả ấy và đã chết cho họ[91].

Nhưng nếu muốn biết những nhà khoa học hàng đầu thế giới nói gì về lòng tin của họ đối với Đức Giêsu, ta hãy tìm đọc tiểu sử của những nhà bác học[92] nổi tiếng thế giới như Albert Einstein, Isaac Newton, Galileo Galilei, Charles Robert Darwin, Thomas Edison, Alessandro Giuseppe Antonio Anastasio Volta, Louis Pasteur, Marie Curie, Michael Faraday, Otto Hahn, Alexander Fleming… họ sẽ kể cho ta những cảm nghiệm về Đức Giêsu như là nguồn phát minh của họ.

Nếu thích xem phim, nghe nhạc, ta cũng có thể xem hàng trăm cuốn phim hấp dẫn, nghe hàng ngàn bài hát rất hay về Đức Giêsu, trong đó có cả đĩa nhạc “Đức Giêsu Siêu sao”[93] của các nhóm sáng tác từ năm 1971 đến nay[94]. Các bộ phim nổi tiếng với hàng chục giải Oscar như Quo Vadis[95], Jesus of Nazareth, The Ten Commandments (1956), Ben Hur[96] (1959), King of Kings[97] (1961)…

Nếu thích hội hoạ hay điêu khắc, ta có thể vào các nhà thờ, tu viện, bảo tàng tôn giáo để chiêm ngưỡng những tác phẩm nổi tiếng của các nghệ sĩ bậc thầy thực hiện về Đức Giêsu như Michelangelo, P. Picasso, Vincent van Gogh, Leonardo da Vinci, Salvador Dali… Nhưng nếu muốn biết về Đức Giêsu để đi theo con đường của Người, chúng ta nên theo một lớp học gọi là “giáo lý cho người muốn nhập đạo” hay chuẩn bị tòng giáo, ta sẽ được hướng dẫn kỹ hơn.

Tuy nhiên, tôi muốn chia sẻ với những ai đang muốn tìm hiểu về Đức Giêsu Kitô rằng: những bài học đó giống như bộ luật giao thông phải học khi thi bằng lái xe. Ta không thể chỉ biết luật đi đường, nhưng chính ta phải lên đường, đi vào những con đường, đó mới là điều đáng nói. Đức Giêsu không đưa ra những luật lệ phải giữ một cách cặn kẽ để trở thành tín hữu, nhưng Người chính là “con đường” mà ta phải theo để Người dẫn ta về với Cha của Người là nguồn mọi hiện hữu. Đi vào con đường Giêsu, ta sẽ tìm được sự thật giải phóng và sự sống kỳ diệu để phát huy tối đa những khả năng tinh thần của ta, như Người xác định: “Tôi là con đường, là sự thật và là sự sống”[98].

Còn nếu ai muốn biết Đức Giêsu, muốn học về đạo Công giáo để lập gia đình với người Công giáo, chúng tôi khuyên họ hãy tìm hiểu kỹ lưỡng, đừng vì người tình của mình mà vội vã tin theo. Lý do là vì chuyện hôn nhân không quan trọng bằng việc theo đạo: chúng ta lập gia đình để sống với nhau trong cuộc đời trần thế, còn theo đạo là để sống muôn đời với Thiên Chúa và với muôn loài. Nếu ta theo đạo chỉ để làm vui lòng người tình, đẹp lòng cha mẹ họ hàng, hoặc để cho có đầy đủ lễ nghi cưới xin, việc theo đạo này sẽ không chính đáng, không bền lâu, như người ta vẫn chế diễu:

Sấp mình lạy Chúa Ba Ngôi

Tôi lấy được vợ, tôi thôi nhà thờ!

Giáo hội Công giáo không đòi buộc ai phải theo đạo. Người ta có thể nói với bên Công giáo để xin phép “chuẩn y” cho cuộc hôn nhân của người đó với mình là đủ. Tuy nhiên, nếu ta thật sự muốn biết Đức Giêsu để trở thành một tín hữu, ta phải gặp được chính Đức Giêsu. Những sách báo, phim ảnh, bài học về Đức Giêsu chưa đủ, vì chúng chỉ cung cấp cho ta những dữ liệu (data) chứ không đưa ta vào một sự kiện, một biến cố làm thay đổi cuộc đời. Những cuốn sách, phim ảnh kể về một nhân vật lịch sử nổi tiếng nào đó có thể làm ta say mê, ngưỡng mộ, nhưng hầu như họ đều đã chết và ít ai có thể gặp họ. Còn Đức Giêsu vẫn đang sống và ta có thể gặp được Người. Ta chỉ biết rõ về một người nếu gặp gỡ được người đó, tiếp xúc lâu dài và sống thân mật với người đó, như cha ông ta vẫn thường khuyên: “Thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người có nhân”.

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI xác định: “Làm một Kitô hữu không phải là kết quả của một sự lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao cả, mà là cuộc gặp gỡ với một biến cố, một con người, mà người này mang đến cho cuộc sống của ta một chân trời mới và một hướng đi dứt khoát[99].

Đức Giêsu không chỉ là một nhân vật lịch sử đã đi vào dĩ vãng. Người đang sống và muôn đời hằng sống[100]. Sau khi tự nguyện chết trên thập giá để cứu độ muôn loài, Người đã sống lại, không còn bị giới hạn bởi vật chất, không gian và thời gian, nên Người đang sống để cho bất cứ ai tin vào Người đều có thể cảm nhận được Người, cảm nhận được ân huệ, tình yêu, sức sống thần linh, quyền năng siêu phàm của Người. Đó mới là những giá trị ta cần trong thời đại hôm nay. Chính Người đã nói với những môn đệ tin Người rằng: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế[101]. Rất nhiều người trong suốt dòng lịch sử đã tìm Đức Giêsu và quả thật họ đã gặp được Người.

Vì Đức Giêsu đang sống nên mỗi người đều có thể gặp được Người ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào, không cần hẹn trước. Người có thể mang hình hài của một bác làm vườn như với cô Maria Magdala[102], một khách đồng hành như với hai môn đệ trên đường đi Emmaus[103], một người mua cá buổi sớm khi hiện ra ở biển hồ Tibêria (x. Ga 21,1-6)[104]. Nhưng muốn nhận ra Người, ta cần có đôi chút kinh nghiệm về Người, hiểu biết đôi chút về Người, dù sự hiểu biết đó có thể sai lầm và bị xuyên tạc, giống như Phaolô đã có trước khi gặp gỡ Đức Giêsu trên đường đi Damas để tìm bắt những ai theo Đức Giêsu[105].

Cuối cùng, nếu muốn hiểu sâu xa về Đức Giêsu như người Con của Thiên Chúa, chúng ta cần cầu nguyện, hay đúng hơn, ngỏ lời với Đấng Linh Thiêng rằng mình muốn biết, muốn gặp Đức Giêsu. Chắc chắn Đấng đó sẽ mạc khải rõ ràng cho ta về Con của mình vì Ngài yêu thương ta và rất vui vì điều đó. Đức Giêsu cũng đã nói: “Không ai biết Con, trừ ra Cha, và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và những người mà Con muốn mạc khải cho[106].

Muốn theo một tôn giáo để gặp được Đấng Linh Thiêng, chúng ta cần có đức tin. Đức tin theo định nghĩa là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa linh thiêng với con người phàm tục, hay nói rõ hơn, giữa một Thiên Chúa cụ thể là Đức Giêsu và một con người cụ thể là từng người chúng ta [107]. Đây cũng là một ơn ban vì chính Thiên Chúa đã đi bước trước, đã đến với con người và con người cũng tiến tới bằng nỗ lực của mình để gặp được Ngài. Quả thật, trong cộng đồng Giáo Hội hiện nay, nhiều tín hữu không gặp hay chưa gặp được Đức Giêsu, dù họ đã nhận các bí tích hay vẫn dự lễ cầu kinh. Họ chỉ được nghe nói, nghe giảng về Người.

2.2. Nhiều nguyên nhân khiến tín hữu Công giáo kém hiểu biết về Đức Giêsu[108].

Trước hết, môn học về Đức Giêsu Kitô, gọi là Kitô học, đáng lẽ phải là môn học quan trọng nhất của Kitô giáo, lại bị xem thường, ít được quan tâm và nghiên cứu kỹ lưỡng. Tôi là người dạy môn học này trong nhiều học viện Công giáo và biết khá rõ tình trạng yếu kém này. Thánh Kinh là môn học được coi trọng nhất với khoảng 400 tiết học trong chương trình đào tạo linh mục, tu sĩ, trong khi môn Kitô học chỉ có khoảng 60 đến 90 tiết.

Hơn nữa, do bị phân hoá vì những quan điểm khác nhau giữa các dòng tu về Đức Giêsu Kitô (dòng Tên, dòng Đa Minh, dòng Phan Sinh…), nên các giảng viên không dám đi sâu vào một số vấn đề để tránh chia rẽ. Thí dụ như: Đức Giêsu có thể sai lầm không? Sự hiểu biết của Người có vô tận không? Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo đã phải giải thích rõ điều này[109].

Một nguyên nhân khác cũng giới hạn sự hiểu biết về Đức Giêsu Kitô, đó là do phương pháp nghiên cứu Kitô học. Các nhà thần học kinh viện Công giáo xác định bốn nguồn phải tìm đến để khám phá ra một sự thật về Đức Giêsu: Thánh Kinh, Thánh Truyền, kho tàng giáo huấn của Giáo Hội và luận đề của các nhà thần học Công giáo, đặc biệt là của thánh Thomas d’Aquino.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ nên áp dụng cho các tín điều thần học nói chung. Còn về Đức Giêsu, người ta cần mở rộng các nguồn, nếu muốn hiểu rõ “tính người” của Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Các khoa học tự nhiên như vật lý, hoá học, thiên văn học, nguyên tử học… đều có thể giúp ta hiểu về Đức Giêsu như một con người thuộc trái đất hay vũ trụ này. Các khoa học xã hội nhân văn như lịch sử, địa lý, nhân học, nhân chủng học, tâm lý học, xã hội học… cũng giúp ta khám phá về Đức Giêsu như một con người sống trong cộng đồng nhân loại.

Ví dụ cấu trúc thân xác của Đức Giêsu gồm các thành phần hoá học, nên những lít không khí Người thở, những lít nước Người  uống đều rút ra từ bầu khí quyển này, đều chia sẻ cho toàn thể loài người và vạn vật theo các định luật khoa học, thí dụ như định luật Avogadro. Hoặc cấu trúc tâm lý của Đức Giêsu có những tầng ý thức, tiềm thức, vô thức và siêu thức như thế nào? Đức Giêsu có tính dục như người bình thường không? Đức Giêsu có rung động trước những cô bạn gái của Người không?…

Ta không thể tìm thấy câu trả lời cho các vấn đề này trong Thánh Kinh, Thánh Truyền, Giáo huấn của Giáo hội Công giáo hay luận chứng của các nhà thần học. Tuy nhiên, một khi đã làm người, Đức Giêsu đã hoà nhập vào trần thế này, và đã trở nên một con người như chúng ta, chỉ trừ tội lỗi, nên ta có thể dựa vào những khám phá của các khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn để hiểu biết thêm về Người, ngoài những gì được Giáo Hội xác định.

Chính Thánh Kinh đã quả quyết như thế: “Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các thiên thần, mà là con cháu Abraham. Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị thượng tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Chúa, hầu đền tội cho dân[110]. “Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội[111]. Hiểu được điều này chúng ta sẽ cảm thấy an ủi và hy vọng vì Đức Giêsu cũng là một con người như ta để đưa ta lên tầng cao hơn, giúp ta vượt thắng chính mình để hoà nhập vào Thiên Chúa như Người.

  1. Tiểu sử Đức Giêsu

Chúng ta có thể tóm tắt một vài điểm đáng nhớ trong cuộc đời của Đức Giêsu để tìm ra ý nghĩa cho cuộc đời của mình. Người đã tự nguyện trở thành người, đón nhận tất cả những gì thuộc về con người để chuyển thông cho ta những gì thuộc về Ngôi Lời Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta đều mang tính độc đáo, nhưng tính cách độc đáo của Người không phải làm ta xa cách, ngại ngùng vì thấy Người siêu việt quá, nhưng phải là một điểm khích lệ để ta có thể đạt được như Người.

Những lời tiên báo về Đức Giêsu

Trước hết, Đức Giêsu không phải là một con người đột ngột xuất hiện trong lịch sử, nhưng đã được báo trước từ nhiều thế kỷ trong lịch sử dân tộc Do Thái qua hình ảnh của Đấng Mêsia, có nghĩa là Đấng được Thiên Chúa xức dầu. Trước đây từ này thường được dịch là “Đấng Thiên Sai”, có nghĩa là Đấng được Thiên Chúa sai đến để cứu độ.

Các bản văn Thánh Kinh Cựu Ước trình bày rất rõ Đấng này được xức dầu để làm vua, làm tư tế và làm tiên tri. Làm vua để lập Nước Thiên Chúa, giải phóng dân tộc thoát ách nô lệ. Làm tư tế để dâng lễ vật cho Chúa và cầu khẩn cho dân, chịu đau khổ và chịu chết để đền tội cho dân như một đầy tớ của Thiên Chúa. Làm tiên tri là biết trước những điều Chúa muốn để dạy dỗ lại cho dân chúng. Cuối cùng, Đấng này vừa là con người bình thường như mọi người trong tinh thần khiêm tốn, vừa là con người có mặt từ muôn thuở để đón nhận vinh quang tột đỉnh sau khi hoàn thành nhiệm vụ cứu thế của mình.

Người Do Thái, sau bao thăng trầm kể từ lúc đất nước bị tàn phá bình địa vào năm 70 cho đến ngày nay, vẫn hướng lòng chờ đợi Đấng Mêsia này. Dù rằng những người đồng thời với Đức Giêsu đã xác định Người chính là Đấng Mêsia, khi hoàn thành tất cả những điều tiên báo về Người. Lý do chính để người Do Thái từ chối là vì Đức Giêsu quả quyết mình là Con Thiên Chúa, trong khi người Do Thái chỉ tin một mình Đức Giavê là Thiên Chúa.

Tên Giêsu Kitô

Giêsu là tên riêng, được phiên âm từ gốc tiếng Latinh Jesus, hay tiếng Hy Lạp Jêsous, vì vậy các ngôn ngữ dịch thành Jésus (Pháp), Jesus (Anh), Da Tô (Trung Quốc). Từ Giêsu bắt nguồn từ tiếng Hipri, có nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”. Đây là tên được sứ thần báo cho Đức Maria để đặt tên cho “Con Thiên Chúa làm người”. Danh thánh này nói lên tư cách và sứ mệnh căn bản của Chúa Giêsu “vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”[112].

Kitô là tước hiệu đi kèm với tên Giêsu. Từ này có gốc tiếng Latinh là Christus, hay tiếng Hy Lạp là Christos, vì vậy các ngôn ngữ khác dịch thành Christ (Anh, Pháp), Cơ Đốc (Trung Quốc), chuyển âm thành Ki-ri-xi-tô trong tiếng Việt cổ từ thế kỷ XVII và từ năm 1924 đọc gọn thành Kitô như ngày nay. Từ này tương đương với từ Mêsia trong Thánh Kinh Cựu Ước, có nghĩa là “Đấng được xức dầu” để làm vua, làm tư tế, làm tiên tri, đồng thời diễn tả 3 nhiệm vụ chính của Đức Giêsu.

Cha mẹ Đức Giêsu được thế giới biết đến là thánh Giuse và Đức Maria. Hai người đã đính hôn với nhau. Tuy nhiên, trước khi về chung sống với thánh Giuse, Đức Maria đã mang thai Chúa Giêsu bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Điều này cũng đã được Tiên tri Isaia tiên báo từ 700 năm trước[113] và cũng được dự báo ngay khi con người đầu tiên phạm tội[114]. Với quyền lực vô biên, Thiên Chúa tạo dựng muôn loài từ hư vô, thì chuyện làm cho một trinh nữ mang thai chẳng phải là khó khăn. Điều này không đi ngược với khoa học, nhưng vượt lên trên khoa học, nên cần phải có lòng tin. Nó thuộc lĩnh vực mầu nhiệm giống như nhiều tín điều trong các tôn giáo.

Tuy nhiên, đây là một mầu nhiệm sâu xa mà chúng ta cần tìm hiểu để thấy qua Đức Maria, loài người chúng ta đóng góp phần “tính người” (nhân tính) của mình, và Thiên Chúa Ngôi Con đóng góp tính Thiên Chúa (thiên tính) để hình thành nên Đức Giêsu có hai bản tính: nhân loại và Thiên Chúa. Vì trở thành “con của loài người” (Con Người) nên Thiên Chúa Ngôi Hai mới có thể mang thân xác hữu hình, sinh vào một thời gian và không gian nhất định như mỗi người chúng ta. Đồng thời Người cũng đón nhận những giá trị văn hoá của thời đại và dân tộc như ta, với toàn bộ cuộc sống cụ thể có vui buồn và sướng khổ, thất bại và thành công, sự sống và cái chết.

Thế nhưng Thiên Chúa đã đưa thần tính vĩnh hằng, vô hạn, vô biên vào trong nhân tính đó để biến đổi toàn diện con người. Mầu nhiệm này gọi là “nhập thể” (nhận vào thể xác) và cũng là “nhập thế” (đi vào thế giới) để Thiên Chúa hoà nhập vào vũ trụ vật chất, hoà hợp với mọi người để biến đổi tất cả. Từ nay chúng ta không còn phải bi quan cho rằng đời là bể khổ, cho cuộc sống hiện tại (hiện sinh) của mình là vô nghĩa và phi lý nữa, vì mỗi giây phút của đời ta đã được Đức Giêsu đón nhận và biến đổi rồi.

Thánh Giuse, khi hiểu được Đức Maria mang thai là do Chúa Thánh Thần để thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, qua lời báo mộng của thiên thần (x. Mt 1,18-25), đã sẵn sàng dâng hiến tình yêu của mình với Maria cho Thiên Chúa. Ngài sống cùng một nhà với Mẹ Maria để nuôi dưỡng, bảo vệ, dạy dỗ Đức Giêsu, trở thành người cha trần thế của Đức Giêsu và người chồng muôn thuở của Đức Maria. Tình yêu tuyệt vời của đôi vợ chồng này mãi mãi là biểu tượng trong sáng nhất cho các bạn trẻ thời nay, trước những khuynh hướng sống thác loạn và đòi hỏi của tình dục như một nhu cầu không thể thiếu của con người.

Đức Giêsu sinh ở Bêlem (Bethlehem)[115]. Đây là một thành phố nhỏ bé nằm ở phía Nam, cách thủ đô Giêrusalem khoảng 10km, ở độ cao 775m trên mực nước biển[116], quê hương của vị vua David nổi tiếng. Thánh Giuse phải đến đó khai báo trong dịp tổng kiểm tra dân số toàn quốc, vì ngài thuộc hoàng tộc David.

Là những người nghèo, nên thánh Giuse và Mẹ Maria không thuê được nhà trọ và đành phải đến trú thân trong một hang đá ngoài đồng vắng. Đức Maria đã sinh con tại đây. Bà lấy tã vải bọc con và đặt bé Giêsu vào trong máng cỏ của chiên lừa. Hang đá nơi Chúa giáng sinh[117] ngày nay được trang hoàng lộng lẫy, nhưng thực tế ngày xưa không phải như vậy. Từ đó ta mới cảm nhận được phận nghèo của kiếp người được Con Chúa Trời đón nhận để giúp ta trở thành giàu sang, cao quý như Người.

Thời điểm Đức Giêsu giáng sinh có mấy vị đạo sĩ từ phương Đông tìm đến thủ đô Giêrusalem. Họ là những nhà chiêm tinh đi theo ngôi sao lạ báo hiệu một vị vua mới sinh. Các nhà thiên văn học đã tìm hiểu ngôi sao lạ có thật sự xuất hiện vào thời đó hay chỉ là câu chuyện hoang đường. Ngôi sao đó có thể là ba ngôi sao Thổ, sao Mộc, sao Hoả đã hội tụ gần nhau, tạo thành như một ngôi sao chổi, xuất hiện vào khoảng vài năm trước Công nguyên[118].

Khi các đạo sĩ tiến vào Giêrusalem, ngôi sao đã tắt ngấm, khiến họ phải vào tận hoàng cung để hỏi vua Hêrôđê I: “Vị vua mới sinh hiện đang ở đâu. Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người ở phương Đông nên chúng tôi đến đây bái lạy Người”. Nhà vua và cả thành náo loạn. Vua triệu tập các đại giáo trưởng, các tiến sĩ để hỏi cho biết nơi sinh của vị vua mới và người ta trả lời là ở Bêlem, đúng như lời tiên tri Mikêa báo trước[119].

Các đạo sĩ liền đi Bêlem. Ngôi sao lại hiện ra dẫn đường cho họ đến tận chỗ Hài Nhi Giêsu. Họ dâng những lễ vật để tỏ lòng thần phục: trầm hương tượng trưng cho Thiên Chúa, vàng dành cho vua, mộc dược ám chỉ đến cái chết và việc tẩm liệm xác. Rồi họ từ giã Hài Nhi, mang niềm hy vọng về phương Đông, do đó các giáo hội Chính Thống phương Đông mừng lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày 6 tháng Giêng.

Vua Hêrôđê, sau khi biết tin các đạo sĩ đã đi đường khác trở về xứ sở, đã nổi giận, ra lệnh giết tất cả các bé trai từ 2 tuổi trở xuống trong vùng, hy vọng loại trừ được người sẽ chiếm ngai vàng của mình. Nhưng trước đó thiên thần đã báo mộng để ông Giuse đưa Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria trốn sang Ai Cập và ở lại đó cho tới khi vua Hêrôđê băng hà. Để tránh nguy hiểm cho Hài Nhi khi vua Hêrôđê Con lên ngôi, ông Giuse đã đưa gia đình đến định cư ở thành phố nhỏ Nazareth ở niềm Bắc nước Israel. Vì thế, người ta thường gọi Đức Giêsu là người Nazareth, theo như lời tiên báo từ trước.

Ngày tháng năm sinh của Đức Giêsu

Thế giới Tây Phương trong đế quốc Rôma trước đây lấy cuộc giáng sinh của Đức Giêsu là điểm mốc để phân chia lịch sử thế giới và định vị các biến cố. Do đó, thời gian được chia thành hai thời kỳ: trước Công nguyên (TCN) và Công nguyên. Thí dụ năm 2020, có nghĩa là 2020 năm tính từ cuộc giáng sinh của Đức Giêsu Nazareth.

Cách tính này do ông Dionixius, một nhà lịch sử người Rôma, thực hiện vào năm 533. Tuy nhiên, do căn cứ trên triều đại của các hoàng đế Rôma, ông đã tính sai mất khoảng 4-6 năm. Vì thế, năm sinh thật sự của Đức Giêsu phải đặt sớm hơn. Các nhà sử học sau đó đã nhận ra khuyết điểm này[120]. Nhưng nếu sửa lại tất cả các biến cố của các dân tộc theo thời điểm mới, sẽ rất phức tạp và còn tạo ra nhiều lầm lẫn hơn nữa, nên tất cả đều đồng ý giữ nguyên cách tính cũ.

Vì Đức Giêsu không phải là nhân vật nổi danh từ bé, hay thuộc hoàng tộc, nên người ta chẳng quan tâm đến ngày sinh tháng đẻ của Người. Sau 3 thế kỷ bị coi là tà giáo, năm 313 Hoàng đế Constantinus ra sắc chỉ Milan công nhận chính thức đạo Công giáotrong toàn đế quốc Rôma. Kể từ năm 336 theo lịch Rôma, người ta mừng ngày sinh của Đức Giêsu vào ngày 25 tháng 12, trùng với ngày kính thần Saturn của đế quốc Rôma.

Thời thơ ấu và thanh thiếu niên của Đức Giêsu

Các sử gia không biết gì nhiều về thời thơ ấu và thanh thiếu niên của Đức Giêsu, trừ sự kiện Người đã theo gia đình lên đền thờ Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua khi được 12 tuổi[121]. Xong kỳ lễ, Người ở lại đền thờ mà cha mẹ không hay biết vì tưởng Người về chung với đoàn lữ hành và bà con thân thuộc. Sự kiện này cho ta hiểu về mối tương quan của Người với Chúa Cha: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”[122].

Việc Đức Giêsu tự do đi lang thang trong đám đông như muốn chứng tỏ Người lớn lên trong một không gian cởi mở, có mối quan hệ rộng rãi với nhiều người và hoà mình với tất cả những ai Người gặp gỡ. Người đùa giỡn với bạn trẻ, lắng nghe người lớn và đặt những câu hỏi với họ, cùng đồng hành với họ[123].

Trong suốt thời gian từ đó cho đến tuổi trưởng thành, khi Đức Giêsu khởi sự rao giảng vào khoảng 30 tuổi[124], Đức Giêsu được rèn luyện để thực hiện kế hoạch cứu độ của Chúa Cha. Người học nghề mộc của cha mình là thánh Giuse và thay cha làm thợ mộc vì “thiên hạ vẫn coi Người là con ông Giuse”[125]. Người là con bác thợ mộc”[126] hay đơn giản là “bác thợ mộc”[127], khiến cho người ta không thể tưởng tượng do đâu Người được khôn ngoan và quyền năng như thế: “Ông này lại không phải là con ông Giuse sao?”[128] Nghề mộc lúc đó và thời nay không phải là một nghề có đẳng cấp cao, được xã hội trọng vọng. Đức Giêsu quả thật muốn là người bình thường như mọi người, để ai cũng có thể đến với Người và đi theo “con đường” Người đã đi[129].

Ba năm giảng dạy công khai của Đức Giêsu

Sau những năm tháng sống ẩn dật, Đức Giêsu xuất hiện và hoạt động công khai trong khoảng 3 năm. Người thu nhận các môn đệ và dạy dỗ họ để họ cùng với mình loan báo Tin Mừng cứu độ và tiếp tục công trình này cho muôn dân tộc. Mỗi ngày, vào buổi sáng sớm, sau những giờ phút cầu nguyện, gặp gỡ Chúa Cha, Người dạy bảo dân chúng về Nước Trời qua các dụ ngôn. Giáo thuyết của Người có nhiều điều mới mẻ[130], vượt lên trên những giới luật và truyền thống Do Thái[131]. Người dạy họ về Thiên Chúa là Người Cha hết lòng yêu thương mọi người như con cái, nên mọi người phải yêu thương nhau như anh chị em.

Người giảng dạy như mình có đủ thẩm quyền để giải thích và kiện toàn những điều luật[132] với một quyền lực phi thường[133]. Quyền lực ấy được minh chứng cụ thể bằng các phép lạ Người làm trên vạn vật như dẹp yên bão tố, hoá bánh cá ra nhiều, trên con người như chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, cho kẻ chết sống lại, trên quỷ dữ khi xua đuổi chúng ra khỏi con người[134].

Cái chết của Đức Giêsu

Cả bốn sách Phúc Âm đều kể về cái chết[135]và cuộc sống lại của Đức Giêsu, một số sách khác trong Tân Ước, sử gia Tacitus người Rôma, sách Tamud của người Do Thái… cũng nói đến cái chết này. Vì thế cái chết của Đức Giêsu là một thực tại lịch sử.

Sự kiện xảy ra là: Đức Giêsu Nazareth đã bị quan toàn quyền người Rôma là Phongxiô Philatô (Pontius Philatus) kết án đóng đinh trên thập giá, do áp lực của các thượng tế và kỳ mục người Do Thái, vào thứ Sáu, ngày 7 tháng 4 năm 30, ngày áp lễ Vượt Qua của người Do Thái, 14 tháng Nisan[136]. Giáo hội Công giáo đã giữ truyền thống cử hành ngày Chúa Giêsu chịu chết vào trung tuần tháng Ba Âm lịch, tương ứng với lễ Vượt Qua, nên khác nhau mỗi năm, thay vì cử hành vào đúng ngày Dương lịch.

Lý do Đức Giêsu bị kết án. Người ta muốn quy trách nhiệm việc xử án bất công cho nghị viện Do Thái hoặc quan toàn quyền Rôma. Thực sự chính vì cuộc sống của Đức Giêsu: thái độ của Người đối với lề luật, với ngày Sabbat, với các tội nhân, hành động của Người trong việc trừ quỷ, tha tội, xua đuổi người buôn bán ra khỏi đền thờ Giêrusalem, một số lời dạy của Người có vẻ như chống lại nhà cầm quyền, nên họ muốn tận diệt Đức Giêsu.

Khởi đầu các môn đệ Đức Giêsu hoảng hốt, không hiểu, bởi vì truyền thống Do Thái không nói rõ việc Đấng Mêsia bị chính dân tộc của mình từ chối và giết đi. Sau này cộng đồng Kitô hữu sơ khai mới hiểu được ý nghĩa của thập giá và coi đó là nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa[137]: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Thánh Kinh, rồi Người đã được mai táng và ngày thứ ba đã trỗi dậy đúng như lời Thánh Kinh[138].

Mục đích: Đức Giêsu tự nguyện hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa như của lễ đền tội cho con người:[139]Đây là mình Thầy hiến tế vì anh em…”. Người là tôi tớ Giavê được Tiên tri Isaia báo trước: “Chính Người đã bị đâm vì chúng ta đã phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm…”[140]. Đức Giêsu chết để thiết lập giao ước mới với Thiên Chúa: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu giao ước đổ ra cho muôn người được tha tội[141]. Giao ước hay hợp đồng mới mẻ được Đức Giêsu làm trung gian để một bên là Thiên Chúa tha thứ tội lỗi và đón nhận bên kia là con cái của mình, còn một bên cam kết sẽ tôn thờ, vâng phục và yêu quý Thiên Chúa như những người con thảo hiếu.

Đức Giêsu chết như thế nào? Đức Giêsu là người thế nào thì sẽ chết thể ấy: Người chết như con người, như Đấng Kitô và như Ngôi Lời Thiên Chúa.

Đức Giêsu chết như một con người. Vì là con người, nên khi đối mặt với cái chết, Người cũng kinh hãi, run sợ do bản năng bảo tồn sự sống như bất cứ sinh vật nào, đến nỗi “các giọt mồ hôi pha lẫn máu nhỏ xuống đất” [142] như từng thấy ở môt số tử tội trước khi bị hành quyết. Theo truyền thống Do Thái: chết là hết hy vọng, cắt đứt với nguồn sống, xa cách Thiên Chúa [143]. Hơn nữa, Người còn bị giết chết nhục nhã giữa tuổi thanh xuân [144], với khổ hình dành cho hạng người nô lệ. Tuy nhiên, với tất cả sự tự nguyện và ý thức về tình yêu của Người Con đối với Cha mình, Người cầu xin Cha tha thứ cho những kẻ giết hại mình [145] và tin tưởng đọc lên lời nguyện cuối cùng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha[146].

Đức Giêsu chết như Đấng Kitô. Đấng được xức dầu là hiện thân của những gì Đức Giavê hứa với dân Israel trong suốt dòng lịch sử và Đức Giêsu thực hiện tất cả theo từng chi tiết đã được ghi trong Thánh Kinh.

Người là Mêsia Vua từ việc đội mão gai cho đến bản án ghi trên đầu thập giá: “Giêsu Nazareth Vua dân Do Thái” (INRI: Jesus Nazarenus Rex Judeorum). Ngay cả việc an táng Đức Giêsu trong nấm mộ còn mới [147] và việc liệm xác với mộc dược và trầm hương “chừng 100 cân” [148], vượt quá thói quen táng xác thông thường, đều chứng tỏ tính cách đế vương của Người [149].

Người là Mêsia Tiên tri đã chết như người tôi trung đau khổ của Thiên Chúa vì mang lấy tất cả tội lỗi của toàn thể nhân loại. Người cảm thấy như bị Thiên Chúa thánh thiện xua đuổi, bỏ rơi: “Lạy Thiên Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con?[150]. Thật ra, Thiên Chúa chẳng bao giờ bỏ rơi Con của mình cũng chẳng bỏ con người Ngài đã dựng nên. Tiếng kêu của Đức Giêsu chính là tiếng kêu của Đấng Mêsia thay cho tất cả mọi người đau khổ trước sự ẩn mình của Thiên Chúa. Tiếng kêu khởi đầu của Thánh Vịnh 22 này sẽ kết thúc trong niềm tin tưởng, hy vọng cứu độ và chiến thắng của tình yêu [151].

Người là Mêsia Tư tế đã dâng lễ vật là chính mình Người trên bàn thờ thập giá để chuyển cầu cho muôn dân. Chính khi Người gục đầu trên thập giá, Đức Giêsu Thượng tế đi vào trong cung thánh vĩnh cửu, thì màn trong Đền thờ Giêrusalem bị xé ra làm đôi [152] để từ nay Thiên Chúa mở rộng cửa lòng cho tất cả mọi người. Khi người lính đâm ngọn giáo vào cạnh sườn bên phải, vào thẳng trái tim Đức Giêsu, “tức thì máu cùng nước chảy ra[153], đó là giờ các chiên Vượt Qua bị giết. Người chính là con chiên Vượt Qua thanh khiết và hoàn hảo như Gioan Tẩy Giả giới thiệu lúc khởi đầu [154].

Việc rút thăm chiếc áo dài không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới [155] theo Thánh Vịnh 22,19 và qua thông tin của sử gia Flavius Josephus [156] như muốn nhắc đến phẩm giá thượng tế của Đức Giêsu. Ngay trong giây phút bị chà đạp danh dự đến tột đỉnh, Người vẫn hoàn tất nhiệm vụ tư tế của mình [157].

Đức Giêsu chết như Thiên Chúa. Lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng người Rôma: “Quả thật, ông này là Con Thiên Chúa[158] xác định tính chất cao cả nhất trong cái chết của Đức Giêsu. Thiên Chúa có thể trở thành con người thì cũng có thể chết như con người. Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Người không có gì ở nơi mình để chết cho chúng ta, nếu Người đã không nhận lấy xác phàm phải chết của chúng ta. Như thế, Đấng bất tử có thể chết. Người làm thế là vì muốn ban sự sống cho ta, vì với những gì chúng ta có xưa, chúng ta không thể sống, cũng như với những gì là của Người trước kia, Người không thể chết. Do đó đã có một cuộc trao đổi lạ lùng, trong đó cả 2 bên đều góp phần: phần của ta khiến Người phải chết, còn phần của Người khiến ta được sống [159].

Vì Thiên Chúa là tinh thần tuyệt đối, vượt lên trên không gian và thời gian nên hành động của Thiên Chúa mới có thể lan rộng tới mọi người, mọi vật ở bất cứ đâu và vào bất cứ thời điểm nào. Do đó, cái chết giao hoà với Thiên Chúa của Đức Giêsu mới mang lại ơn cứu độ cho toàn thể loài người và vũ trụ trong mọi thời điểm.

Vì Thiên Chúa là tình yêu vô biên và có quyền năng tuyệt đối nên Ngài có thể làm bất cứ điều gì để diễn tả tình yêu của mình. Đức Giêsu đã muốn chết như một vị Thiên Chúa làm người để diễn tả “tìnhyêu cho đến cùng của Người[160]  và “không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình[161]. Trên thập giá, Thiên Chúa xuất hiện như Đấng hoàn toàn tự do trong tình yêu tuyệt đối của mình. Tình yêu tuyệt đối là trao hiến chính mình một cách hoàn toàn cho người mình yêu.

Cái chết còn nói lên bản chất của thụ tạo và tính liên đới của vũ trụ vạn vật với Ngôi Lời Thiên Chúa, vì tất cả được dựng nên nhờ Người và cho Người. Cái chết của Chúa Giêsu mang chiều kích vũ trụ, nên vạn vật đồng cảm với Người: “Bóng tối bao phủ khắp mặt đất từ giữa trưa cho đến 3 giờ chiều. Khi Người gục đầu tắt thở: đất rung, đá vỡ, mồ mả bật tung và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy[162].

Cuộc sống lại của Đức Giêsu

Chúa Giêsu Phục Sinh là tâm điểm trong lời rao giảng của các tông đồ cũng như của tất cả đời sống tín hữu vì “nếu Đức Kitô không sống lại, lời rao giảng của chúng tôi sẽ vô ích và lòng tin của anh em cũng thật là trống rỗng…[163]. Cuộc sống lại này được chứng thực bằng 2 chứng cứ: ngôi mộ trống và các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh [164].

Ngôi mộ trống

Ở nước Do Thái, người ta không đào huyệt và chôn người chết trong quan tài như ở Việt Nam. Do có nhiều đồi núi nên người ta thường khoét sâu vào trong sườn đồi một hang nhỏ, rộng khoảng 4-5m2, kê một phiến đá phẳng rồi đặt người chết nằm trên phiến đá đó. Mộ có cửa nhỏ để người ta chui vào. Bên trong lòng mộ người ta khoét rộng hơn, cao hơn để có thể đứng tẩm liệm. Người ta tẩm liệm xác chết bằng cách quấn thật nhiều băng vải, trên mặt thì đặt một khăn dài, rồi đổ dầu thơm và mộc dược lên trên để có thể giữ xác không bị thối rữa trong vòng 3-4 ngày. Trong 3 ngày đầu sau cái chết, người thân thường đến mộ để đổ dầu. Từ ngày thứ 4, người ta đóng cửa mộ và trét vữa kín để thân xác tự huỷ, không bốc mùi ra ngoài.

Chúa Giêsu được táng trong một ngôi mộ mới và được tẩm liệm theo nghi thức của một vị quân vương. Bên ngoài có một tảng đá lớn che cửa mộ [165], nhưng mộ chưa đóng kín vì còn trong thời gian tẩm liệm. Sau khi được mai táng, các thượng tế đã xin Philatô niêm phong ngôi mộ Chúa Giêsu và các binh lính của đền thờ canh giữ ngôi mộ hết sức cẩn thận [166].

Tuy nhiên, vào sáng sớm ngày 9/4/30, ngôi mộ chôn táng Đức Giêsu trống rỗng! Bài Tin Mừng cũng tả rõ: tảng đá che cửa mộ đã lăn sang một bên, không còn xác Chúa Giêsu bên trong [167]. Các phụ nữ định đến viếng xác và đổ dầu tẩm liệm đã không thấy xác Đức Giêsu ở trong mộ [168]. Hai môn đệ Phêrô và Gioan được báo tin đã chạy tới ngôi mộ và thấy không còn người lính nào canh gác ở đấy. Các băng vải và khăn che mặt Đức Giêsu đã xếp gọn gàng để riêng ra một nơi [169].

Lời giải thích về ngôi mộ trống

Trước hết, chắc chắn đã xảy ra một sự kiện lạ lùng ở đó, nên mới có chuyện tảng đá lớn che cửa mộ đã lăn sang một bên và đám lính canh không còn túc trực, khiến các phụ nữ và môn đệ đến mộ mà không bị xét hỏi. Thánh Matthêu giải thích: có một cơn động đất dữ dội và thiên thần Chúa đến lăn tảng đá ra và ngồi lên trên, khiến bọn lính canh và các phụ nữ hoảng sợ [170].

Thánh Phêrô, trong bài giảng đầu tiên cho người dân thành Giêrusalem, giải thích ngôi mộ trống rỗng là vì Thiên Chúa đã không muốn cho thân xác Đức Giêsu phải chịu cảnh hư nát trong mồ. Điều này ứng nghiệm những lời báo trước của Thánh Vịnh 16 mà người Do Thái thường đọc: “Thân xác con cũng được nghỉ ngơi trong niềm hy vọng, vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống[171].

Những ghi nhận về việc các dải băng liệm và khăn che mặt Đức Giêsu được xếp gọn gàng để lại trong mộ như muốn chống lại điều bịa đặt vô lý “là các môn đệ đến cướp xác Đức Giêsu”. Nếu thật sự có chuyện cướp xác, họ phải làm thật nhanh và ôm xác chạy trốn thay vì cởi các khăn vải đó ra. Hơn nữa làm sao họ có thể đương đầu với quân lính canh đền thờ và quân đội Rôma.

Chúng ta cũng không muốn nhắc đến các cuộc nghiên cứu khoa học đối với khăn liệm thành Turinô mới được công bố trong tác phẩm Il Mistero della Sindone ngày 29/3/2013 của giáo sư Giulio Fanti và nhà báo Saverio Gaeta ở Ý, để xác định chất liệu vải in hình Chúa Giêsu đúng là thuộc vào thời của Người [172].

Những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh

Đây là những bằng chứng tích cực giúp cho người tín hữu xác tín về sự hiện diện sống động của Đấng Phục Sinh và làm chứng cho Người. Chính vì tình yêu thương vô bờ, Đức Giêsu đã hiện ra rất nhiều lần cho các tông đồ, các môn đệ để giúp họ hiểu được ý nghĩa cuộc sống lại của Người và được chia sẻ sự sống diệu kỳ của Thiên Chúa. Nhờ những khám phá mới của khoa Thánh Kinh, khảo cổ, dân tộc, văn hoá, ngôn ngữ gần đây, nhiều vấn đề liên quan đến những lần hiện ra đã được giải đáp [173].

Chúa Giêsu hiện ra bao nhiêu lần?

Chúng ta có thể nói rằng: Đức Giêsu phục sinh đã hiện ra 14 lần. Thánh Ignatiô Loyola, sáng lập Dòng Tên, đã kể lại những lần hiện ra đó trong tác phẩm “Những Bài Linh Thao” viết vào năm 1544 của ngài [174]. Và chúng tôi đã mạn phép sửa lại cuộc hiện ra lần thứ XII cho hợp với Thánh Kinh [175].

Động lực và mục đích. Chúng ta có thể nói rằng các lần hiện ra này đều biểu lộ lòng thương xót vô bờ và tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa đối với tất cả chúng ta là con cái của Ngài, để chia sẻ cho ta sự sống lạ lùng của Đấng Phục Sinh, đồng thời để ta làm chứng cho Người.

Bản chất. Cuộc sống lại của Chúa Giêsu không phải giống như cuộc hồi sinh của con gái ông Giairô, con trai bà goá thành Naim, anh Ladarô, cậu bé Euticô, bà Tabitha [176]. Người không phải chỉ trở lại cuộc sống tự nhiên, bình thường trong không gian, thời gian với các điều kiện vật chất như trước đây, mà Người sống  cách hoàn toàn mới trong chiều kích của Thiên Chúa hằng sống.

Chúa Giêsu Phục Sinh giới thiệu cho chúng ta một sự sống mới, một sự hiện hữu mới để ta thông phần vào sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa, một Thiên Chúa ở khắp mọi nơi và hiện diện trong mọi thời. Vì thế Đức Giêsu đã hiện ra ở bất nơi nào [177], dù cửa nhà đóng kín [178], vào bất cứ lúc nào [179], cho bất cứ ai, dù là môn đệ [180] hay cả kẻ thù ghét Người, như hiện ra với Phaolô trên đường đi Damas [181].

Sự sống mới mẻ này là khởi đầu cho một cuộc sáng tạo mới: Chúa Giêsu Phục Sinh thổi hơi trên các môn đệ và ban Thánh Thần của Người cho họ [182]. Trong cuộc tạo dựng đầu tiên, Chúa thổi hơi vào khối bùn đất để tạo thành con người sống động, có tinh thần, giống hình ảnh của mình. Với cuộc sống lại, Ngôi Lời Thiên Chúa, là Chúa Giêsu Phục Sinh, cũng thổi Thần Khí của Người trên các môn đệ để tạo dựng những con người mới, cho họ được chia sẻ sự sống vĩnh hằng, sức mạnh vô biên và quyền năng kỳ diệu của Người. Đời sống của các tông đồ, môn đệ, thánh nhân trong suốt 2000 năm qua đã chứng minh điều đó. Như thế, con người không còn bị lệ thuộc vào vật chất, không gian, thời gian và định luật của thể xác, nhưng có thể mở rộng tinh thần ra cho mọi người, mọi vật quanh mình.

Trong cuộc sáng tạo mới này, vật chất được thâu nhận và biến đổi để hoà nhập thành một với tinh thần, rồi tất cả những gì gắn bó với Thân Thể mầu nhiệm của Đấng Phục Sinh đều tồn tại mãi mãi. Vì thế, Chúa Giêsu cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn bị đâm thủng của Người [183], ăn uống trước mặt các ông [184], cho bánh cá hoá nhiều trên bờ biển Galilê [185], cho các môn đệ đánh được nhiều cá [186]. Nhờ đó, tín hữu Công giáo hiểu rằng vật chất từ nay có giá trị vĩnh hằng, nếu mình gắn kết được chúng với Chúa Giêsu bằng lòng tin và tình yêu.

  1. Những giá trị văn hoá Đức Giêsu đem đến cho nhân loại

Trong 2000 năm qua, có hàng ngàn cuốn sách viết về Đức Giêsu, về các giá trị Người đem đến cho những con người cụ thể trong gia đình nhân loại. Mỗi người cảm nhận chúng cách khác nhau, tuỳ theo giá trị, ý nghĩa và hiệu quả mà chúng đem đến cho họ trong cuộc sống. Tuy nhiên, người ta chỉ có thể nhận ra và nhận được những giá trị đó, nếu họ thật sự cần và muốn có chúng. Sau đây, chúng ta nêu lên vài giá trị căn bản để thấy Đức Giêsu là nhà văn hoá lớn như thế nào đối với nhân loại và vũ trụ.

Sự thật toàn diện

Con người khao khát sự thật [187]. Đây là đặc tính riêng của con người có tinh thần. Rất nhiều tôn giáo, hệ tư tưởng, khoa học đã ra đời nhưng chưa thoả mãn khát vọng sự thật nơi con người, như quan Philatô từng hỏi Đức Giêsu: “Sự thật là gì?” [188], bởi vì con người đã sai lạc khi cắt đứt với nguồn sự thật là Thiên Chúa.

Chỉ Đức Giêsu mới dạy ta sự thật đầy đủ và toàn diện về:

– Thiên Chúa là một Người Cha, Cha của Đức Giêsu và cũng là cha của muôn loài. Ngài dựng nên và yêu thương mọi loài thụ tạo như con cái, chứ không phải là một vị thần oai nghiêm, đáng sợ, huỷ diệt những ai xúc phạm đến mình. Thiên Chúa yêu thương đến nỗi đã ban Con Một của mình để cứu độ tất cả [189].

– Tất cả mọi người đều là anh chị em của nhau vì cùng là con cái của Cha Trên Trời [190].

– Vạn vật không phải là thần linh hay sức mạnh huỷ diệt, nhưng là những đứa em được Cha trao cho con người tìm hiểu, chăm sóc, yêu thương.

– Quỷ dữ không phải là thần linh mà con người phải bái lạy vì sợ hãi, nhưng là những thụ tạo nguy hiểm vì luôn cám dỗ con người đi ngược với kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa. Con người cần phải biết phân định thần lành, thần dữ để loại trừ quỷ dữ, tà ma ra khỏi tinh thần mình và cộng đoàn mình, nhờ quyền lực của Đức Giêsu, như Người đã hành động trong suốt 3 năm rao giảng Tin Mừng và giao cho các môn đệ, tông đồ quyền trừ quỷ [191].

Sự sống của chính Thiên Chúa

Con người mơ ước đạt được sự sống kỳ diệu, siêu việt và Đức Giêsu đã minh chứng sự sống này nơi chính mình, qua những lời giảng dạy đầy uy quyền, qua các phép lạ chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, làm cho các người chết sống lại, nhất là qua cái chết và sự sống lại của Người. Người ban cho những ai tin vào Người sự sống vĩnh hằng đó, cho họ kết hợp với mình thành một thân thể nhiệm mầu, có chung một sức sống, một tình yêu, một nguồn lực là chính Thiên Chúa[192]. Chính trong sự sống này, tất cả mọi giá trị khác của con người đều được thăng hoa và thần hoá.

Con đường: Đức Giêsu giúp ta hiểu giá trị của các con đường tâm linh hay tôn giáo trong đời sống để ta tôn trọng và cộng tác với mọi người thành tâm, thiện chí. Người thật là con đường chắc chắn nhất, dẫn con người và toàn thể vũ trụ tìm về được với Thiên Chúa là nguồn hiện hữu của mình, nhờ việc Người là Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành con người Giêsu.

Đây là con đường hai chiều: một chiều đi xuống từ phía Thiên Chúa đến với thụ tạo và một chiều đi lên để nâng thụ tạo thành thần linh, thành Thiên Chúa như Người. “Không ai lên trời được, ngoại trừ con người, Đấng từ trời xuống” [193]. Mỗi người đều có thể tìm được con đường sự thật và sự sống này, nếu biết lắng nghe tiếng lương tâm mình [194] và bước theo Đức Giêsu.

Cuộc cách mạng của Đức Giêsu. Đức Giêsu là một nhà cách mạng, hiểu theo nghĩa trọn vẹn nhất của từ “cách mạng là cuộc biến đổi xã hội, chính trị lớn và căn bản, thực hiện bằng việc lật đổ một chế độ xã hội lỗi thời, lập nên một xã hội mới, tiến bộ” [195]. Người đã thay đổi tận gốc thân phận con người: từ thụ tạo thành tạo hoá, từ nô lệ cho quỷ dữ, tà ma và bản năng thành người tự do, được sự thật giải phóng toàn diện, từ những con người xa lạ, khác biệt thành anh chị em gần gũi của nhau. Cuộc cách mạng này không làm cho ai đổ máu, nhưng Người đã tự nguyện để mình bị giết và đổ máu mình trên thập giá để hoà giải muôn loài với Chúa Cha và hoà giải muôn loài với nhau. Nhờ đó đem lại tự do, bình an, hạnh phúc cho tất cả.

ĐGH Phanxicô đã nói rằng: “Các cuộc cách mạng trong lịch sử đã thay đổi các hệ thống chính trị và kinh tế, nhưng không có cuộc cách mạng nào thật sự đã thay đổi tâm hồn con người. Cách mạng thật sự, cuộc cách mạng triệt để làm thay đổi đời sống do Đức Giêsu Kitô đem đến qua sự phục sinh của Người”. ĐGH Bênêđictô XVI cũng đã nói về cuộc cách mạng này rằng: “Đó là cuộc chuyển biến vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại”.

“Ta hãy suy nghĩ về điều này: đó là một cuộc cách mạng thật sự. Chúng ta là những nhà cách mạng, và hơn nữa còn là những nhà cách mạng của cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử, vì ta đã tiếp nhận đường lối của cuộc biến hình siêu việt nhất trong lịch sử nhân loại. Ngày nay và trong thời đại này, các Kitô hữu phải là các nhà cách mạng, nếu không, họ không phải là Kitô hữu” [196]. Nếu chúng ta muốn thật sự thay đổi xã hội và thế giới, hãy đi theo Chúa Giêsu, Người sẽ không làm ta thất vọng!

Sự cứu độ

Tuy nhiên, công cuộc cứu độ do Đức Giêsu thực hiện mới là giá trị cao cả nhất mà Người đem lại cho loài người và vũ trụ; đồng thời nó cũng bao gồm tất cả các giá trị khác mà chúng ta mới kể được đôi nét trên đây.

Cứu, có nghĩa là trợ giúp. Độ, có nghĩa là đưa từ chỗ này sang chỗ kia. Cứu độ theo quan niệm của đạo Phật là cứu giúp cho thoát khỏi bể khổ [197]. Cứu độ theo Kitô giáo, là sự giải thoát, chữa lành của Thiên Chúa, đưa tín hữu đến đời sống mới trong ân huệ nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Ngày nay, Hội Thánh Công giáo đang cộng tác với Chúa Thánh Thần để hoàn tất trọn vẹn ý định của Thiên Chúa, là Đấng đã đặt Chúa Kitô làm nguyên lý cứu độ cho cả thế giới [198].

Để cứu độ, Thiên Chúa đã lập nên một kế hoạch, nghĩa là sắp đặt một chương trình và Ngài vận hành lịch sử từng bước theo chương trình đó để gặp gỡ, ban ơn và cứu rỗi con người cũng như vũ trụ [199]. Kế hoạch này đi từ công trình sáng tạo thế giới, xuyên qua lịch sử dân Israel xưa, đến việc Con Thiên Chúa làm người thành Đức Giêsu Nazareth. Rồi Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng, tự nguyện đón nhận cái chết để đền tội cho muôn loài và hoà giải muôn loài với Thiên Chúa. Sau đó Người sống lại để làm chứng cho sự giải thoát đã thành công và lên trời để chứng tỏ cùng đích của sự cứu độ là “đưa muôn loài thụ tạo đến sự hợp nhất trọn vẹn với Thiên Chúa Ba Ngôi diễm phúc”[200], chờ ngày Thiên Chúa thực hiện trời mới, đất mới viên mãn trong Đức Giêsu.

Nhiều người chúng ta đã biết câu chuyện Adam Eva ăn trái cấm ở vườn Địa Đàng, rồi bị Thiên Chúa phạt khiến loài người mất đi ơn lành của Đấng Tạo Hoá, phải đau khổ, bệnh tật, chết chóc[201]. Đoạn Thánh Kinh này chỉ muốn diễn tả con người kiêu căng, muốn trở thành Thiên Chúa, nên đã phản bội và bất tuân mệnh lệnh của Ngài. Thiên Chúa không nhỏ nhen đến độ phạt con người vì ăn một vài trái cây, mà là con người, qua hành động ăn trái cây, muốn tự ý cắt đứt với nguồn sống vĩnh hằng, nguồn hiện hữu vô biên, nên đương nhiên phải chết và mất hết những ân huệ của Ngài. Nhưng vì Thiên Chúa là tình yêu, nên trước khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã lên kế hoạch cứu độ [202].

Con người, do tinh thần bị suy thoái, nên không hiểu được tội lỗi của mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa nặng nề như thế nào. Cũng một câu nói tiêu cực, nếu ta nói với người bạn ngang hàng, sự xúc phạm có thể được tha thứ nhờ hai bên thông cảm và trực tiếp xin lỗi nhau. Nhưng nếu lời này xúc phạm đến người có địa vị cao như thủ tướng, chủ tịch nước, tổng thống, nhà vua… tội sẽ trở nên trầm trọng và ta không thể xin lỗi trực tiếp, mà cần phải có người trung gian để hoà giải. Người trung gian này phải biết cả hai bên, có mối quan hệ mật thiết với cả hai bên.

Hành động tội lỗi của con người xúc phạm đến Thiên Chúa tuyệt đối cao cả, tốt lành vô hạn nên cũng mang tính cách nặng nề vô cùng, không thể tha thứ, đền bù, vì con người chỉ là loài thụ tạo hữu hạn, thấp hèn. Con người, dù ý thức về tội lỗi và hết lòng sám hối, cũng không thể tự mình xin lỗi và giải hoà với Thiên Chúa. Nhiều tôn giáo đã cử hành nghi lễ sám hối, đền tội, nhưng không thể hoàn toàn xoá bỏ được tội lỗi của con người, vì những nghi thức đó chưa xứng đáng và ngang tầm với Thiên Chúa.

Vì thế, Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người để làm Đấng Trung Gian hoà giải Thiên Chúa với con người. Vì là con người, Đức Giêsu đã tự nguyện vâng lời cho đến chết trên thập giá, Người mới thay mặt tất cả để xin lỗi Chúa Cha và Chúa cha đã nhận lời. Vì là Thiên Chúa, nên hành động cứu độ của Người mới có giá trị  tuyệt đối, vô biên cho mọi loài trong mọi thời đại.

Người cũng cứu độ toàn thể vũ trụ cùng với con người nhờ đón nhận thể xác là kết tinh của vật chất gồm các thành phần của vũ trụ này. Trong cuộc đời trần thế của Đức Giêsu, chúng ta thấy vũ trụ gắn bó với Người khi Người sinh ra [203], đồng cảm khi Người hấp hối trên thập giá [204], khi Người trút hơi thở cuối cùng [205], khi Người sống lại [206].

Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo cũng như văn kiện Giáo Huấn mô tả ơn cứu độ trong hằng trăm số khác nhau, nhưng ta chỉ tìm được định nghĩa trọn vẹn của ơn cứu độ trong số 38 của cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo: “Ơn cứu độ theo Công giáo là được chia sẻ sự sống kỳ diệu của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, được kết hợp vĩnh viễn vào sự sống siêu việt của Chúa Cha và được hưởng niềm vui bất tận với biết bao ơn phúc của Chúa Thánh Thần”.

Như thế, ơn cứu độ theo Công giáo không phải là một tình trạng sống sau khi chết mà chúng ta gọi là thiên đàng, nhưng được thực hiện ngay ở đời này và đạt tới mức viên mãn ở đời sau. Đó cũng không phải là một ân huệ được chúng ta đón nhận cách thụ động sau khi chết, nhưng là một tình trạng sống cần phải tích cực thể hiện ngay trong cuộc đời trần thế này, mà chúng ta vẫn gọi là việc xây dựng Nước Trời [207] hay vương quốc của Thiên Chúa [208].

Lời kết

Tìm hiểu đôi chút về Đức Giêsu Kitô, chúng ta thấy Người khác hẳn những nhà sáng lập tôn giáo khác. Người không phải chỉ là người dẫn đường, giới thiệu con đường tâm linh dẫn tới sự cứu độ toàn diện, nhưng Người đã trở thành chính con đường dẫn đến sự thật giải phóng và sự sống vĩnh hằng bằng cả cuộc đời   mình. Đi theo Đức Giêsu chúng ta thật sự sẽ trở thành những nhà hoạt động cho cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử loài người, trở thành người xây dựng nền văn hoá cao đẹp nhất cho toàn thể vũ trụ.

 

 Câu hỏi

  1. Bạn biết gì về Đức Giêsu Kitô?
  2. Bạn theo đạo Công giáo để làm gì? Để đạt được gì?
  3. Bạn có thắc mắc hay có điều gì khó hiểu về Đức Giêsu?
  4. Bạn cảm nhận được Đức Giêsu đang sống với bạn như thế nào?
  5. Bạn thường nghĩ đến giá trị nào được Đức Giêsu đem lại cho bạn hay cho thế giới?
  6. Bạn có muốn cùng Đức Giêsu làm cách mạng không? Cuộc cách mạng đó là gì?

 

_-_-_

Bài 4

Thở được tinh hoa của đất trời

 Lời mở

Trong đời sống thường ngày, chúng ta thường quan tâm đến ăn, ít chú ý đến uống và hầu như chẳng để ý đến thở. Nhiều người thở rất yếu nên sức khoẻ kém cỏi, mang nhiều bệnh tật. Trong kinh nghiệm tiếp xúc với hơn 10.000 bệnh nhân, tôi thấy 95% thở không đủ khi đo hơi thở cho họ. Nếu hiểu được tầm quan trọng của khí trong đời sống tự nhiên cũng như siêu nhiên, ta mới sống khoẻ mạnh, tài giỏi, xinh đẹp vì thở dồi dào được khí sạch của trái đất và trở thành kỳ diệu, phi thường, siêu việt vì thở được khí thiêng của Trời cao.

  1. Tầm quan trọng của khí thở tự nhiên

Nhiều người chưa hiểu khí cần thiết và quan trọng như thế nào cho sự sống, nên chỉ quan tâm đến việc ăn uống và bỏ qua việc thở. Một ngày không ăn là họ cảm thấy đói cồn cào, tay chân rã rời, như mất hết sức sống. Nhưng thật ra, lương thực là loại nhu cầu thấp nhất so với nước uống và khí thở. Người ta có thể nhịn ăn tối đa khoảng 30-40 ngày, nhịn uống khoảng 3-4 ngày và nhịn thở tối đa khoảng 4 phút nhờ 1 lít không khí luôn được dự trữ trong buồng phổi. Mỗi ngày người lớn trung bình cần 1,5kg lương thực, 3-4 lít nước và tối thiểu 10.000 lít không khí.

Để có thể sống được, 75 ngàn tỉ tế bào trong cơ thể con người cần được liên tục cung cấp oxy từ khí quyển bên ngoài vào trong cơ thể và thải khí carbonic ra. Nhờ có khí oxy, tế bào sẽ chuyển hoá hay đốt các chất dinh dưỡng mà máu đưa tới thành năng lượng và khí carbonic sinh ra trong quá trình này sẽ được thải ra ngoài [209]. Dòng máu đen đầy khí carbonic không còn ích lợi cho sự sống đó phải được quả tim chuyển sang buồng phổi để đỏ trở lại nhờ nhận được oxy. Trong vòng ¼ giây, máu đen tràn vào các túi chứa khí, gọi là phế nang của phổi. Có khoảng 500 triệu túi, tạo ra một bề mặt có diện tích khoảng 70m2 để việc trao đổi khí được diễn ra thật nhanh chóng.

Khi hô hấp bình thường, có khoảng 500ml khí lưu thông vào và ra khỏi phổi. Tuy nhiên, người ta có thể gia tăng lượng khí hít thở trong khi vận động nhờ tập thở. Lượng khí tối đa mà hai lá phổi có khả năng giữ lại bên trong là 5.800ml, nhưng có khoảng 1000ml gọi là khí cặn, luôn được giữ lại trong phổi sau mỗi nhịp thở, để phòng trường hợp khẩn cấp do thiếu khí, ngạt hơi [210].

Hệ thần kinh, với bộ não và tuỷ sống, tiếp nhận thông tin từ tất cả các bộ phận của cơ thể và đáp lại bằng các chỉ thị đến mọi mô và cơ quan. Não có hai nguồn chính nuôi dưỡng và thải các chất cặn bã là dòng máu và dịch não tuỷ [211].

Đặc biệt bộ não với khoảng 100 tỉ tế bào thần kinh gọi là neuron, tuy chỉ to bằng nắm tay, nhưng cần một lượng khí tối thiểu chiếm khoảng 1/5 lượng khí của toàn thân, nghĩa là khoảng 2.000 lít không khí một ngày. Vì thế khi bộ não được nuôi dưỡng đầy đủ bằng máu và khí oxy trong máu, hệ thống thần kinh sẽ phát đầy đủ các lệnh cho mọi cơ quan hoạt động và sức khoẻ con người được bảo vệ và phát triển.

Hơn nữa, các thông tin càng hướng đến phần cao của não,  chúng càng tiến gần tới sự nhận biết có ý thức của ta: các chức năng cao nhất về thần kinh xảy ra trong vỏ não: các ý nghĩ, tưởng tượng, học hỏi, cảm xúc và ra quyết định có ý thức.

Như thế, nếu con người tăng cường hệ hô hấp để có nhiều oxy trong máu, người ta sẽ tăng cường được các chức năng của hệ thần kinh: ý thức dồi dào hơn, cảm xúc mãnh liệt hơn, ý chí mạnh mẽ hơn, học hành làm việc hiệu quả hơn. Đây là lý do chúng ta cần tập thở cho đúng, cho tốt để tăng cường chất lượng sống tự nhiên.

  1. Tầm quan trọng của khí thở siêu nhiên

Khi hiểu được tầm quan trọng của khí thở đối với sự sống tự nhiên, ta có thể suy diễn và hiểu được phần nào tầm quan trọng của khí siêu nhiên đối với đời sống tinh thần của từng người. Cuộc đời hào hùng của Nguyễn Công Trứ [212] như mời gọi ta thở được linh khí của trời đất qua bài thơ Kẻ Sĩ của ông:

Khí hạo nhiên chí đại chí cương

So chính khí đã đầy trong trời đất”.

Người Việt chúng ta đã từng biết đến “linh khí” là khí thiêng của trời đất, núi sông, biết đến “dũng khí”, “hào khí”, “chính khí” của những con người có chí khí mạnh mẽ, dám đương đầu với những khó khăn, nguy hiểm. “Khí hạo nhiên” được Nguyễn Công Trứ nhắc đến là thứ khí phách, năng lực tinh thần, phẩm cách cao quý nhất, không gì so sánh được của con người. Khí phách đó nhân hậu, cương trực mà những nhà Nho, kẻ sĩ luôn phải gìn giữ trong đời sống.

Nhiều người theo Phật giáo và Lão giáo còn hiểu rằng “khí” không phải là không khí ta thở, nhưng là thứ năng lượng sống thuần khiết nhất của trời đất, của vũ trụ gọi là “khí tiên thiên” mà con người có thể thu nhận được, hoà hợp với “khí hậu thiên” do ta tập luyện được qua khí công (công phu luyện khí) được lưu chuyển khắp cơ thể ta. Những hiểu biết này giúp ta dễ hiểu hơn về Chúa Thánh Thần được gọi là Thần Khí của Kitô giáo.

Từ “Thần Khí” xuất phát từ chữ Ruah trong tiếng Do Thái, và có nghĩa đầu tiên là hơi thở, không khí, gió [213]. Chúa Thánh Thần là hơi thở của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng vũ trụ và con người [214]. Ngài là nguồn gốc của sự hiện hữu và sự sống của mọi loài thụ tạo [215].

Ngài là hồng ân cao quý nhất mà Chúa Giêsu Phục Sinh ban cho các môn đệ khi thổi hơi trên họ để họ có quyền tha tội như Thiên Chúa: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần…”. Chúa Thánh Thần chính là “làn gió mạnh mẽ ùa vào đầy nhà nơi các môn đệ đang tụ họp[216] để biến đổi họ thành con người mới đầy ơn lành và quyền năng. Cuối cùng, Ngài chính là Ngôi Ba Thiên Chúa, đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con.

Giáo Hội là thân thể nhiệm mầu của Đức Giêsu Kitô, có chung sự sống của Chúa Giêsu, nên cũng thở cùng một Thần Khí với Người. Chúa Thánh Thần chính là khí thiêng của Trời, được ban cho ta thở và biến đổi ta thành con cái Thiên Chúa như Chúa Giêsu [217].

Khi thở hít được linh khí ấy, ta mới hoà nhập thành một với Chúa Giêsu, trở thành chi thể sống động trong thân thể mầu nhiệm của Người. Thánh Phaolô đã nhắc nhở rằng: “Tất cả chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể, tất cả chúng ta được đầy tràn một Thần Khí duy nhất[218]. Có thở được Thần Khí ấy ta mới phát huy sự sống kỳ diệu, tràn đầy sự thật, niềm vui, bình an của Thiên Chúa để tiếp tục công trình cứu độ của Chúa Kitô. Đó là “sứ mệnh phối hợp của Chúa Con và Chúa Chúa Thánh Thần”[219], đồng thời cũng là sứ mệnh của Hội Thánh “như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em[220].

Chúng ta phải thú nhận rằng: nhiều tín hữu Công giáo chưa ý thức tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần và chưa thở được Thần Khí. Trong một vài thế kỷ đầu, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ và môn đệ khiến họ hăng say rao giảng Tin Mừng và phát huy các ân sủng kỳ diệu của Ngài. Nhưng sau đó, Giáo hội Công giáo rơi vào tình trạng quên lãng sự hiện diện sống động của Ngài và đánh mất bí quyết thở Thần Khí do các tông đồ truyền lại. Họ rất thụ động trong việc thở khí thiêng. Thần Khí mà họ nhận được khi chịu bí tích Rửa Tội hay Thêm Sức chỉ lưu lại rất ít giúp họ sống yếu ớt, thoi thóp chứ không phải dồi dào sung mãn với đủ loại ơn đoàn sủng, hiện sủng, đặc sủng của Thánh Thần như các ơn nói tiên tri, phục vụ, chữa bệnh, trừ tà, thông thạo các ngôn ngữ, khoa học…

Chúng ta cần phải tập thở Thần Khí và làm sống lại sự hiện diện lạ lùng của Chúa Thánh Thần, thì mới giúp cho con người thời nay cảm nghiệm được ơn cứu độ của Chúa Giêsu và tin theo Người.

  1. Tình trạng phân hoá và chia rẽ vì thiếu Thần khí

Thiên Chúa Tạo Hoá dựng nên muôn loài muôn vật và cho mỗi loài có những đặc tính riêng để diễn tả sự tốt lành, đẹp đẽ vô cùng phong phú của Ngài. Tất cả giống như một khu vườn có trăm hoa đua nở với vẻ đẹp, màu sắc, hương thơm khác nhau.

Đặc biệt Ngài dựng nên con người theo hình ảnh và giống như Ngài, ban cho họ tinh thần tự do để họ làm thành một gia đình nhân loại duy nhất với những con người khác nhau về màu da, tiếng nói, chủng tộc, văn hoá, tôn giáo cũng như khác biệt về tư tưởng, cảm xúc, mơ ước, hành động…Câu chuyện tháp Babel [221] cho thấy con người không thích nghi với sự đa dạng này”.

Hơn nữa, khi con người cắt đứt sự hoà hợp với Thiên Chúa, không còn tin yêu và vâng phục Ngài để chiều theo những tham vọng, dục vọng, thì con người đã tạo nên sự chia rẽ trong chính tâm hồn mình và lan rộng ra ngoài cộng đồng xã hội. Tình trạng phân hoá và chia rẽ xảy ra khắp nơi trên thế giới, ăn sâu vào từng cộng đồng, từng gia đình, gây nên những hậu quả tai hại và nghiêm trọng. Đúng ra, “con người chúng ta nên chấp nhận một số khác biệt nhất định vì sự đa dạng này được xem là sự phong phú” chứ không phải dẫn đến tình trạng phân hoá, đối kháng và xung đột [222].

Những cuộc chiến tranh xảy ra liên miên trong suốt dòng lịch sử nhân loại do những xung đột về giai cấp, tôn giáo, ý thức hệ, quyền lợi kinh tế đã làm cho con người đau khổ, chết chóc, dù người thắng kẻ thua đều biết rằng mình chẳng mang được những của chiếm đoạt vào cõi vĩnh hằng. Chính cộng đồng Kitô hữu cũng bị chia thành những Giáo hội Công giáo, Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo. Trong nội bộ Công giáo cũng thấy sự chia rẽ giữa các giáo phận, giáo xứ, hội đoàn, tổ chức…

  1. Thần Khí quy tụ và hợp nhất

Như thế, gia đình nhân loại cũng như cộng đồng môn đệ Chúa Giêsu đang rất cần Chúa Thánh Thần quy tụ và hợp nhất “vì Thiên Chúa sai Thần Khí của Con Ngài đến, Thần Khí là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, là khởi điểm quy tụ và là nguyên lý hợp nhất của toàn thể Giáo Hội cũng như của tất cả và từng người tín hữu” [223].

Thiên Chúa quy tụ muôn dân tộc với những tiếng nói khác nhau, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần trên các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, khi Ngài hiện xuống và đốt lên ngọn lửa tình yêu trong lòng họ[224] .

Như thế là nhân loại đã vượt qua sự phân hoá và chia rẽ do những khác biệt từ câu chuyện tháp Babel để quy tụ thành một Giáo Hội của Chúa Kitô. “Giáo Hội quy tụ trong Chúa Thánh Thần tất cả mọi người của mọi quốc gia, chủng tộc hay văn hoá. Giáo Hội trở thành dấu chỉ của tình huynh đệ, nhân tố tạo điều kiện và củng cố cho cuộc đối thoại chân thành” [225].

Chúa Thánh Thần còn đi xa hơn nữa để quy tụ tất cả những người tin vào Đức Giêsu trở thành một thân thể duy nhất, nhiệm mầu. Dù là Do Thái hay Hy Lạp, tự do hay nô lệ, giàu hay nghèo, nam hay nữ, học thức hay ít học… tất cả chúng ta trở thành một thân thể duy nhất trong Đức Giêsu Kitô [226]. Người đã quy tụ chúng ta khi Người thổi Thần Khí của Người trên chúng ta.

Thánh Thần ấy sẽ làm cho chúng ta nên thánh như Thiên Chúa là Đấng thánh. Thánh Thần ấy sẽ biến đổi chúng ta thành thần linh như Thiên Chúa là tinh thần, để chúng ta có khả năng vô biên, vô tận như Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha[227]. Quyền tha tội là quyền của riêng Thiên Chúa, thế mà chúng ta có khả năng ấy vì chúng ta trở thành Thiên Chúa như Người. Chúng ta có thể làm được những phép lạ, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, để giúp cho mọi người cảm nghiệm được ơn cứu độ, bình an, hạnh phúc.

Tuy nhiên, Giáo Hội chỉ thực hiện được công trình quy tụ và hợp nhất này nếu mỗi Kitô hữu chúng ta gặp được Đức Giêsu Phục Sinh và đón nhận được làn khí kỳ diệu của Người thổi trên chúng ta. Chỉ Thần Khí ấy mới có thể biến đổi dòng máu đen tội lỗi của ta thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Chúa Giêsu, như khí oxy ta hít vào buồng phổi để chuyển hoá dòng máu đen tự nhiên của mình. Vậy ta phải thở hít Thần Khí hợp nhất ấy như thế nào?

  1. Bài học thở từ thực tế đời sống

Để phát triển con người toàn diện, chúng ta phải tập thở cả khí tự nhiên lẫn siêu nhiên cách dài, nhẹ, êm, sâu và bảo vệ bầu khí quyển trong sạch cho mọi người, mọi vật quanh ta.

5.1. Bầu khí trong lành

Bầu khí quyển hiện nay đang bị ô nhiễm và tàn phá nặng nề bởi sự vô tâm và lòng tham của con người. Cần phải trồng lại những cánh rừng vì 1 mẫu cây xanh cung cấp 16 tấn oxy hằng năm cho ta thở. Cần phải bớt việc dùng hoá chất trên ruộng đồng và thay thế bằng các loại phân xanh, phân hữu cơ; giảm bớt việc tiêu thụ dầu mỏ cho các xe chuyên chở, máy móc, nông cụ bằng việc sử dụng những nguồn năng lượng khác như điện  năng, điện mặt trời; bỏ hẳn việc hút thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ cho buồng phổi con người. Giữ vệ sinh chung trong khu xóm với thùng rác đậy kín, giảm bớt các loại khí độc hại như CO2, NO2, chất CFC làm thủng tầng ozon.

Bầu khí quyển tinh thần còn bị ô nhiễm trầm trọng hơn vì các phương tiện truyền thông đại chúng như sách báo, phim ảnh, đài phát thanh, truyền hình, internet và các mạng xã hội đang tự do phổ biến đủ loại quan điểm sai lạc, vô thần, phim ảnh đồi truỵ, ma quái, bạo lực, học thuyết gây chia rẽ, thù hận, nhân danh tự do tuyệt đối của con người. Vì thế, chúng ta phải bảo vệ bộ thần kinh trung ương không bị nhiễm độc bằng cách chỉ nghĩ những điều tốt đẹp, nói những lời chân thành và làm những việc chính đáng để cổ vũ tình yêu thương, liên đới với người khác.

5.2. Tập thở tự nhiên

Với một hơi thở, không khí được kéo vào trong các phế nang của phổi qua đường hô hấp. Nó di chuyển từ mũi hoặc miệng, qua yết hầu, qua thanh quản và vào khí quản. Trong suốt hành trình dài này, không khí được làm ấm lên bằng thân nhiệt và lọc bỏ các vật thể nếu có. Không khí đã qua sử dụng sẽ đi trở ngược lại con đường đó. Vì nó đi qua thanh quản nên có thể được sử dụng để phát ra âm thanh.

Dòng khí ta hít vào gồm oxy chiếm 20,9%, nitơ 78,6%, nước 0,4%, các khí khác 0,06% và carbonic 0,04%. Khối lượng khí carbonic thải ra cũng tương đương khí hít vào. Nitơ chiếm tỉ lệ lớn nhất, nhưng ở áp suất bình thường, nó rất ít hoà tan trong máu người, nên có thể đi vào và ra khỏi cơ thể ta cách vô hại[228].

Chúng ta nên hít khí bằng mũi và thở ra bằng miệng. Nhiều người tập Yoga được yêu cầu tập thở ra bằng mũi. Tuy nhiên, theo cấu trúc tự nhiên của cơ thể, khi hít vào bằng mũi, dòng khí được toả ra trong khoang mũi nhờ 3 chỗ lồi ra gọi là xoăn, sẽ được làm ấm và làm ẩm từ từ, các lông mũi cũng cản các hạt bụi bẩn. Các hạt bụi nhỏ hơn, như bụi than, sẽ nằm lại dọc theo khí quản. Chất nhầy và các sợi lông rung sẽ dần đẩy chúng ra ngoài. Các tiểu thử trong khói thuốc lá có thể đi sâu hơn, đến được các phế nang và làm tổn thương phế nang, giảm diện tích bề mặt trao đổi khí. Khi thở ra, khí carbonic đang ở nhiệt độ cơ thể, cũng không có hạt bụi, nên không cần qua khoang mũi. Thở ra bằng miệng sẽ nhanh hơn và dễ dàng hơn.

Nhiều người tập khí công được yêu cầu thở theo 4 thì: nạp khí (hít khí vào), vận khí  (nín thở dẫn hơi vào đan điền), xả khí (thở ra hết và thót bụng lại), bế khí (ngưng thở khi bụng trống rỗng). Nhiều cách thở của các môn phái như Hartha Yoga, Thiền Tông, Zen, phương pháp Dưỡng sinh, hoặc các phái võ thuật như Aikido, Vovinam, Thiếu Lâm… cũng được tập luyện theo 3 thì hay 4 thì trên đây, kèm thêm cách ngồi, cách đứng khác nhau [229].

Thật ra, người tín hữu Kitô giáo có thể tự do tập luyện theo các phương pháp ấy, miễn là không bị ảnh hưởng bởi các lý thuyết sai lạc của tôn giáo đi kèm theo cách thở. Chúng tôi cổ vũ một phương pháp thở 2 thì theo cấu trúc tự nhiên của cơ thể, vì nghĩ rằng càng tôn trọng cấu trúc tự nhiên, ta càng có sức khoẻ ổn định và an lành.

Một điểm cần lưu ý, là khi ngủ đêm chúng ta cần thở nhiều vì số lần thở khi ngủ đêm thường thấp hơn ban ngày khoảng ¼, nghĩa là thở khoảng 12 lần/phút thay vì 16 lần/phút. Ta nên nằm thẳng, đừng ôm gối, hai tay xuôi theo thân người để thở khí dễ dàng, giấc ngủ sẽ sâu hơn và thần kinh thư giãn tốt hơn. Tình trạng thiếu khí oxy khi ngủ thường dẫn đến giấc ngủ chập chờn, mơ hoảng do những dữ liệu của bộ nhớ hỗn độn hoà trộn với nhau, có khi dẫn đến ảo giác, ảo thanh, nói mê, khối nặng đè ở ngực, khiến ta tưởng lầm là bị bóng đè, ma ám.

Chúng ta có thể tập những động tác thở để tăng khối lượng khí trong phổi bằng những bài tập thể dục vẫn thường tập trong các trường học trước đây.

Chúng ta có thể tập những động tác thở để tăng khối lượng khí trong phổi như sau:

Giãn lồng ngực theo chiều ngang: người đứng thẳng, chân giang rộng khoảng 20cm

B1: vừa giang 2 tay rộng theo chiều ngang vừa hít mạnh vào, cơ bụng phình ra.

B2: khép 2 tay vào giữa ngực và thở mạnh ra, thót bụng lại.

Giãn lồng ngực theo chiều dọc: người đứng thẳng, giang chân rộng 20cm

B1: bước 1 chân lên trước, hít mạnh vào bằng mũi, giơ 2 tay cao trên đầu, ngửa người ra sau, lồng ngực giãn ra theo chiều dọc.

B2: từ từ cúi người xuống, thở ra bằng miệng, cho đến khi 2 bàn tay chạm vào đầu gối. Chân rút về ngang với chân kia.

B3: bước chân khác lên và làm các động tác giống B1 và B2.

Mỗi lần có thể tập khoảng 5 phút, ta sẽ thấy khối lượng khí tăng trong mỗi hơi thở hằng ngày.

5.3. Tập thở siêu nhiên

Từ nhiều ngàn năm qua, các triết gia Hy Lạp, Latinh đã biết đến khí như một thành phần cơ bản cấu tạo nên vũ trụ và muốn thở được linh khí của trời đất. Các nhà đạo học Đông Phương cũng mong ước được như vậy. Nhiều đạo sĩ, thiền sư ngồi thiền và vận khí để mong được giác ngộ như Đức Phật Thích Ca. Nhiều võ sĩ các môn phái tập khí công để mong đả thông kinh mạch, khai mở được “sinh tử huyền quan” và có sức mạnh vô biên. Tất cả đều là những mơ ước muốn được thần hoá của con người.

Người Kitô hữu chúng ta được mời gọi gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu Kitô để biến đổi thành “con người mới[230]trong một Thần Khí duy nhất[231]với muôn vàn ơn phúc của Chúa Thánh Thần[232]. Khi thở được Thần Khí của Đức Giêsu, dòng máu đen tội lỗi của ta sẽ được biến đổi thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Người. Lúc đó là ta được “thần hoá”, trở thành người con thật sự của Chúa Cha và có thể phát huy những ân huệ kỳ diệu của Chúa Thánh Thần để “hoàn thành kế hoạch yêu thương mà Chúa Cha đã định từ trước muôn đời trong Đức Kitô[233].

Lịch sử cứu độ của Giáo hội Công giáo chứng thực giấc mơ thần hoá này đã thể hiện trong đời sống của nhiều thánh nhân và ngay trong đời thường của các tín hữu. Họ không cần phải đi tìm các bí quyết vận công, luyện khí của những vị cao tăng trong rặng núi Himalaya được kể trong những câu chuyện tưởng tượng như Hành trình về Phương Đông, Đường mây qua Xứ tuyết, hay trong cuốn sách Bàn tay Ánh sáng của Ts. Barbara Ann Brennan [234] mà nhiều người học nhân điện say mê tập luyện.

Thánh Phaolô nói rất nhiều về Thần Khí trong các thư của ngài. Ngài mời gọi chúng ta “hãy sống theo Thần Khí[235], “hãy để cho Thần Khí hướng dẫn[236], “hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước[237] thì chúng ta sẽ hưởng được “hoa quả của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ[238]. Nhất là khi hiểu được Chúa Thánh Thần là tình yêu nối kết Chúa Cha, Chúa Con và chúng ta lại với nhau, chúng ta sẽ cố gắng thực hiện mọi việc vì tình yêu. Mỗi lần hành động như thế là một lần ta thở được khí thiêng của Trời.

Để cụ thể hơn, chúng tôi thử đề nghị một cách thở siêu nhiên kết hợp với thở tự nhiên, nhất là dành cho những ai đang bị bệnh tật về thể lý cũng như về tinh thần. Nhiều bệnh nhân đã được chữa lành nhờ cách thở này:

Chúng ta dành chừng 5 phút, ngồi ở nơi làm việc hoặc nằm trên giường trước khi ngủ trưa hay ngủ đêm. Khi hít vào bằng mũi khí tự nhiên thì tinh thần ta cũng cần mở ra để hít khí siêu nhiên. Làn khí tình yêu, sức mạnh, bình an, ân sủng này tràn vào hồn ta, toả khắp người ta. Vừa hít khí vào từ từ bằng mũi, ta vừa nói thầm với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin ban Thần Khí cho con”. Khi thở ra, thể xác ta thải ra khí carbonic, tinh thần ta cũng đẩy những uế khí, tà khí ra khỏi tâm trí mình. Tà khí đó là những tư tưởng tiêu cực, hình ảnh dâm ô, cảm xúc buồn phiền, thất vọng, ghen tương, sợ hãi… Tâm trí ta lúc đó hoàn toàn trống rỗng để chỉ còn Thần Khí hiện diện. Vừa thở ra từ từ bằng miệng, ta vừa nói thầm: “Lạy Chúa, xin đuổi tà khí ra khỏi con[239]. Chúng ta sẽ cảm nhận được tâm hồn mình thanh thản và tràn đầy ơn lành của Chúa Thánh Thần.

Lời kết

Bài học “Thở được tinh hoa của đất trời” này đối với chúng tôi là một trong những kinh nghiệm sống quan trọng nhất. Mỗi người  chúng ta phải tập để nâng cao dung lượng khí tự nhiên và siêu nhiên trong đời sống hằng ngày, nếu ta muốn sống dồi dào và trọn vẹn là một con người và là con Chúa.

 

Câu hỏi gợi ý:

  1. Dung tích thở của bạn đo được bao nhiêu? Bạn tập thở như thế nào để tăng cường khí thở tự nhiên của bạn? [240]
  2. Bạn thở khí thiêng theo phương pháp nào? Hiệu quả ra sao?
  3. Bạn biết gì về Thần Khí của tín hữu Công giáo?
  4. Bạn biết gì về phong trào Thánh Linh của anh em Tin Lành và Công giáo?
  5. Bạn cầu nguyện với Chúa Thánh Thần như thế nào trước mỗi công việc?

 

[1]x. Liên Hợp Quốc, Báo cáo Triển vọng dân số thế giới 2019: Những điểm nổi bật, Internet, 19/6/2019.

[2] Con người là gì? x. CĐ.Vat. II, Hiến chếMục vụGaudium et Spes, số 10,12.

[3]x. Gaudium et Spes, số 3.

[4]x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt 2013, in lần thứ năm, NXB Đà Nẵng-Vietlex, mục từ Người, tr.899.

[5]x. Hội đồng Quốc gia Biên soạn, Từ điển Bách khoa Việt Nam, NXB Từ điển Bách khoa, q.1, mục từ Con người, tr.706.

[6]x. Nguyễn Đình Diễn, Từ điển Công giáo Anh-Việt, NXB Đồng Nai, 2014, mục từ Man, tr.1226.

[7]x. HĐGMVN, Từ điển Công giáo, NXB Tôn Giáo, 2019, mục từ Con người, tr.161.

[8]x. Tóm lược HTXHCG, số 105-123; Gaudium et Spes, số 12; Evangelium vitae, số 34; GLHTCG, số 27-49 và mục từ Con người, tr.909.

[9]x. Từ điển Tiếng Việt 2013, mục từ Khoa học, tr.648.

[10]x. Wikipedia, Học thuyếtDarwin, Internet, 6/3/2019.

[11]x. Wikipedia, Các bài về Big Bang – Vụ nổ lớn, Internet, 2/5/2019.

[12]x. Bs Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, 2015, tr.12-13.

[13]x. Alice Roberts, Atlas, tr.14-15.

[14]x. Alice Roberts, Atlas, tr.16.

[15]x. Alice Roberts, Atlas, tr. 18.

[16]x. Alice Roberts, Atlas, tr.18.

[17]x. Alice Roberts, Atlas, tr.20-22.

[18]x. Alice Roberts, Atlas, tr.300.

[19]x. Alice Roberts, Atlas, tr.305.

[20]x. Alice Roberts, Atlas, tr.306.

[21]x. Hệ thống đo lường những hoạt động của bộ não do các nhà bác học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ, NASA, phát minh khoảng năm 1995 để chữa trị cho các nhà du hành vũ trụ, dựa trên phương pháp phản hồi thần kinh (neurofeedback). Hiện nay hệ thống này nổi tiếng thế giới. Chúng tôi cũng đang áp dụng để chữa trị cho các trẻ tự kỷ và những người rối loạn tâm thần tại Việt Nam.

[22]x. Anthony Nguyễn Ngọc Sơn, Sứ điệp Loài Hoa (Messages from Flowers), NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2008, tr.47.

[23]x. Wikipedia, Lịch sử thế giới, Internet.

[24]x. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Từ điển Phật học, NXB Phân viện Nghiên cứu Phật học, 1992, q.1, mục từ Luân hồi, Lục đạo, Lục thú, tr.766, 774, 789.

[25]x. Đấng được Thiên Chúa sai đến cứu độ trần gian. Từ Messia của Do Thái giáo đồng nghĩa với từ Đấng Kitô, Đấng Christ của Thiên Chúa giáo, nghĩa là Đấng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong.

[26]5G là thế hệ tiếp theo của công nghệ truyền thông di động sau thế hệ 4G, hoạt động ở các băng tần 28, 38, và 60 GHz. Theo các nhà phát minh, mạng 5G sẽ có tốc độ nhanh hơn khoảng 100 lần so với mạng 4G hiện nay, giúp mở ra nhiều khả năng mới và hấp dẫn. (x. Wikipedia, bài 5G, Internet).

[27]Tiếng Anh là Artificial Intelligence – AI.

[28]x. Thuyết Tiến hoá của Darwin – Đã đến lúc phải chấm dứt sự lừa dối vĩ đại, Youtube, 1/1/2018; 9 lý do chứng minh Thuyết Tiến hoá của Darwin sai, Youtube, 14/10/2018; …

[29]x. Tổng Thống Putin và tín đồ Chính Thống giáo đón Giáng sinh ở Nga, ngày 7/1/2020. Bản tin trên Internet ngày 7/1/2010. Thông tin trên mạng quốc tế về việc đưa Chính Thống giáo vào hiến pháp Nga, ngày 3/3/2020.

[30]x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, 2014, tr.355-358.

[31]x. Tóm lượcHTXHCG, số 89.

[32]x. Tóm lượcHTXHCG, số 87-95.

[33]x. Từ điển Tiếng Việt 2013, mục từ Học thuyết, tr.587.

[34]x. Tóm lượcHTXHCG, số 96.

[35]x. Tóm lượcHTXHCG, số 7.

[36]x. Tóm lượcHTXHCG, số 13.

[37]x. Lời giới thiệu cuốn Docat của ĐGH Phanxicô, ngày 6/11/2015.

[38]x. Tóm lượcHTXHCG, số 130.

[39] x. Tóm lượcHTXHCG, số 16.

[40]x. Wikipedia, bài Tôn giáo, Internet;

[41]x. Wikipedia, bài: Tôn giáo, Internet.

[42]x. Cổng thông tin điện tử Chính phủ, bài: Công bố kết quả chính thức Tổng Điều tra Dân số 2019, ngày 19/12/2019.

[43]x. Ts Nguyễn Văn Dũng, Vài nét về thực trạng tôn giáo ở Hoa Kỳ, www.btgcp.gov.vn, ngày 20/5/2020.

[44]x. Theo Vatican News, ngày 25/3/2020; trang web Hội đồng Giám mục Việt Nam, mục Tin Giáo hội Hoàn vũ, ngày 5/5/2020.

[45]x. www.bbc.com, mạng internet, Google.com, Bài Putin và đạo Chính Thống Nga, ngày 3/3/2020.

[46]x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Đức Kitô hằng sống (Christus Vivit), số 40.

[47]x. Lm. Nguyễn Ngọc Sơn, Bài phát biểu tại Hội thảo Quốc tế do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức tại Đồ Sơn, TP. Hải Phòng, từ 11-12/11/2013, với chủ đề: Thực trạng việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam. Hội thảo gồm đại biểu các nước: Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Lào và Việt Nam.

[48]  x. http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130809/xay-dung-con-nguoi-van-hoa-la-kem-nhat.aspx.

[49] x. http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130809/xay-dung-con-nguoi-van-hoa-la-kem-nhat.aspx.

[50] x.Lê Văn Chưởng, Cơ sở Văn hoá Việt Nam, NXB Trẻ, 1999, tr.24.

[51]x. Lm. Nguyễn Ngọc Sơn, Bài Có nên quan tâm đến yếu tố tôn giáo trong hoạt động doanh nghiệp ở Việt Nam không? Hội thảo Quốc tế tại Đồ Sơn, Hải Phòng, 11-12/11/2013.

[52]x. Từ điển Bách khoa Việt Nam, q.4, mục từ Tôn giáo, tr.485.

[53]x. Từ điển tiếng Việt 2013, mục từ Tôn giáo, tr.1301.

[54]x. Từ điển Công giáo, 2019, mục từ Tôn giáo, tr.914.

[55]x. Từ điển Công giáo, 2019, mục từ Công giáo, tr.178; Giáo lý Hội Thánh Công giáo (GLHTCG), số 868.

[56]x. Bài Tứ Pháp trong vai trò chấn hưng văn hóa Đại Việt, Giác Ngộ Online.

[57]x. Wikipedia: Bài Các thần linh của Ấn Độ giáo, Các thần linh của Ai Cập; Tôn giáo, Internet.

[58]x. Tôn giáo.

[59]x. Wikipedia: 12 vị thần trên núi Olympus; Bài Tôn giáo, Internet.

[60]x. Wikipedia, Bài Tôn giáo, Internet.

[61] x. Tóm lược HTXHCG, số 130; Docat, câu 53.

[62]x. Giáo hoàng Học viện Piô X, Điển ngữ Thần học Thánh Kinh, mục từ Thiên Chúa, Tập IV, tr.119-136.

[63]x. St 1; Ga 1,1.

[64]X. El, Elohim: Xh 3,6; 6,7; Is 41,10; 43,3; 1V 18,21.

[65]x. Xh 3,14.

[66] x. Xh 3,1-15; 33,18-23; 34, 1-7.

[67]x. Am 4,2; Os 11,9; Is 6,3; Am,7; Lc 20,3…

[68]x. 1V 17,1; 1Sm 17,26,36

[69]x. Is 14,12-15.

[70]x. St 3,1-24.

[71]x. Rm 8,20-22.

[72]x. Docat, chương 1.

[73] Giáo hội Công giáo xác nhận điều này trong các văn kiện của Công đồng Vaticanô II, như Hiến chế Lumen Gentium, số 16; Hiến chế Gaudium et Spes, số 22; SL Ad Gentes, số 7; TN Nostra Aetate, số 2; và trong sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2609.

[74] x.Mc, 9,38-39

[75]x. Thánh Justinô, Apologia I, 46; Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, tr.247.

[76]x. Mt 28,19; Ga 7,38-39; 14,15-16.26; 15,26; 16,13-15; 20,22-13; Cv 2,1-11; Rm 15,6; 2Cr 11,31; Ep 1,3…

[77]x 1Ga 4,8.16.

[78]x. Đnl 6,5; Mt 22,37.

[79]Ga 4,6.

[80]Ga 15,12-13.

[81]x. Gaudium et Spes, số 38.

[82] x. Phật giáo do Đức Phật Thích Ca (Siddartha Gautama) (566-480 TCN), Nho giáo do Đức Khổng Tử (551-497 TCN), Đạo giáo do Đức Lão Tử (571-471 TCN), Hồi giáo do Đức Muhammad (570-632), Wikipedia, Tôn giáo, Internet.

[83] x. Ga 19,9; Lc 23,9; Mt 26; 63;27,12-14.

[84]x. Lc 2,34-35.

[85]x. Ga 19,4.

[86]x. Mt 27,39-44.

[87]x. Ga 18,37.

[88]x. Kinh Qu’ran, chương 2, đoạn 11, câu 87.

[89]x. Ga 1,11-12.

[90]Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), viết tắt từ tiếng Anh của Free Trade Agreement, là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Hai hiệp định được ký kết ngày 30/6/2019.

[91] Thí dụ: bài của Charlie Nguyễn: Một góc nhìn về huyền thoại Thiên Chúa Giáng Sinh, 24/12/2019, trên trang web Reds.vn có cả cờ đỏ, sao vàng của Việt Nam.

[92]x. Những nhà khoa học tài ba nhất thế giới, Khoahoc.tv.

[93]Đức Giêsu Siêu Sao (Jesus Superstar) là một vở opera rock,được sáng tác năm 1970, với âm nhạc của Andrew Lloyd Webber và lời của Tim Rice. Đây là một album nhạc kịch rock trước khi ra mắt trên sân khấu Broadway vào năm 1971.

[94]Jesus Superstar 2020 do Tim Minchin tải lên trên mạng www.youtube.com, ngày 13/4/2020, trong dịch bệnh Covid-19 “Stay home”.

[95]Quo Vadis là tiểu thuyết thành công bậc nhất của Henryk Sienkiewicz, người Ba Lan, sáng tác năm 1895, giúp ông giành giải Nobel Văn học năm 1905. Tiểu thuyết được chuyển thành phim nhiều lần. Năm 1951, hãng phim MGM của Mỹ đạt 8 giải Oscar cho phim này.

[96]Ben Hur là phim sử thi của Mỹ sản xuất năm 1959 do William Wyler đạo diễn. Phim đã đoạt kỷ lục 11 giải Oscar.

[97]King of Kings là bộ phim sử thi Kinh Thánh Mỹ năm 1961 được thực hiện bởi Samuel Bronston Productions và được phân phối bởi Metro-Goldwyn-Mayer (MGM).

[98]Ga 14,6.

[99] x. ĐGH Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas Est (Thiên Chúa là Tình yêu), ngày 25/12/2005, số 1.

[100] x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Christus Visit (Đức Giêsu hằng sống), ngày 25/3/2019, số 1; số 124-129.

[101]x. Mt 28,20.

[102]x. Ga 20,11-18.

[103]x. Lc 24,13-35; Mc 16,12-13.

[104] x. Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, “Các lần hiện ra của Đức Giêsu”, tr.222-231.

[105]x. Cv 9,1-9.

[106]x. Mt 11,27; Lc 10,22.

[107] x. GLHTCG, số 2563, 2567, 2591.

[108] x. Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, tr.188-193.

[109] x. GLHTCG, số 474-477.

[110]x. Dt 2,16-17.

[111]x. Dt 4,15.

[112] x. Mt 1,21; Lc 2,21; Cv 4,10-12; GLHTCG, số 430.

[113]x. Is 7,14.

[114]x. St 3,2.

[115]x. Lc 2,4.

[116] x. Wikipedia, bài Bethlehem, internet.

[117]x. Wikipedia, bài Bethlehem, internet.

[118]x. Hiện tượng này được nhà thiên văn học Johannes Kepler tìm ra. Ba ngôi sao này hội tụ từ tháng 5 đến tháng 12 năm 7 TCN và có thể tạo thành ngôi sao lạ cho các đạo sĩ Đông phương. Chu kỳ hiện tượng này khoảng 805 năm.

[119]x. Mk 5,1.

[120] x. Lm. Phan Tấn Thành, bài Chúa Giêsu sinh ra vào năm nào?,www. daminh.net,

[121] x. Lc 2,41-50.

[122] x. Lc 2,49; ĐGH Phanxicô, Tông huấn Đức Kitô đang sống, số 27-28.

[123] x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Đức Kitô đang sống, số 29-30.

[124] x. Lc 3,28. Tuổi lập thân: “Tam thập nhi lập”

[125] x. Lc3,23.

[126] x. Mt 13,55.

[127] x. Mc 6,3.

[128] x. Lc 4,22; ĐGH Phanxicô, Tông huấn Đức Kitô đang sống, số 28.

[129] x. 1Ga 2,6.

[130]x. Mc 1,27; 11,18.

[131]x. Mt 15,1-9.

[132]x. Mt 5,17.

[133]x. Mt 13,54.

[134]x. Mt 4,23-25; Lc 6, 17-19; Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, tr. 96-198. 202-205.

[135]x. Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, tr.207-216.

[136]x. Mt 27,45-54; Mc 15,33-39; Lc 23,44-48; Ga 19,31.

[137]x. Cv 2,23; 4,28; Pl 2,8.

[138]1Cr 15,3-4.

[139]x. 1Cr 11,24; Lc 22,19…

[140]x. Is 52,5-10.

[141]x. Mt 26,28; Mc 14,22-25; Lc 22,19-20; 1Cr 11,23-25

[142]x. Lc 22,44

[143]x. Tv 6,6; 88,11-13; Is 38,18…

[144]x. Is 53,2-3.

[145]x. Lc 23,34.

[146]Lc 23,46: Tv 31,6.

[147]x. Mt 27,60; Lc 23,53; Ga 19,41.

[148]x. Ga 19,39-40.

[149]x. ĐGH. Bênêđictô, Đức Giêsu thành Nazareth, tập II, chương 8.

[150]Mt 27,46; Mc 15,34.

[151]x. ĐGH. Bênêđictô XVI, Đức Giêsu thành Nazareth, tập II, chương 8.

[152]x. Lc 23,45.

[153]Ga 19,34.

[154]x. Ga 1,29.

[155]x. Ga 19,23-24.

[156]x. Ant. Iud. III, 7, 4.

[157]x. Đức GH. Bênêđictô, Đức Giêsu thành Nazareth, tập II, chương 8.

[158]x. Mt 27,54.

[159]x. T. Augustinô, Bài Đọc II, thứ Hai Tuần Thánh, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

[160]Ga 13,1.

[161]Ga 15,13.

[162]x. Mt 27,45.51-52; Mc 15,33; Lc 23,44-55.

[163] 1Cr 15,14-19.

[164]x.Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, tr.217-235.

[165] x. Mt 27,60; Lc 23,58; Ga 1,19,41.

[166] x. Mt 27,62-66.

[167] x. Ga 20,1-2.

[168]x. Mt 28,1-7; Mc 16,1-7; Lc24,1-7.

[169] x. Ga 20,7.

[170] x. Mt 28,1-4.

[171] x. Cv 2,26-28.

[172] x. Báo Thanh Niên, bài Rửa oan cho vải liệm Turin, ngày 3/4/2013, trang 10B.

[173]x. Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, tr.229-231.

[174] x. Bản dịch của Lm. Đinh Văn Trung S.J, từ số 299 đến 312.

[175]x. Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, tr.223. 227.

[176]Hồi sinh của con gái ông Giairô  (x. Mc 5,22-43), con trai bà goá thành Naim (x. Lc 7,11-17), anh Ladarô (x. Ga 11,1-41), cậu bé Euticô (x. Cv 20,9-12), bà Tabitha (x. Cv 9,36-41).

[177]x. Ga 19, 1-18; Lc 24,13-35; Mt 28,16-20…

[178]x. Ga,19-23.

[179]x. Cv 8,4-40

[180]x. Mc 16,1-7; 1Cr 15,6

[181]x. Ga 20,19-23.

[182]x. 1Cr 15,8-10.

[183]x. Ga 20, 19-29.

[184]x. Lc, 2441-43.

[185]x. Ga 21, 21,9.

[186]x. Ga 21,1-8.

[187] x. Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, bài “Con đường sự thật giải thoát ta”, tr.255-264.

[188] x. Ga 18,37-38.

[189]x. Ga 3,16.

[190]x. Mt6, 7-14.

[191]x. Mc 16,17; Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, bài “Cuộc chiến đầu thiêng liêng”, tr.106-116.

[192] x. Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, bài “Con đường sự sống thần hoá ta”, tr.264-272.

[193]Ga 3,13.

[194]x. Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, bài “Đạo là con đường Giêsu”, tr.245-254.

[195] x.Từ điển tiếng Việt 2013, mục từ Cách mạng, tr.141.

[196]x. ĐGH Phanxicô, Huấn từ ngày 17/6/2013; Docat, mục từ Chương trình hành động, tr.277-278; Cách mạng tình yêu và công lý, tr.11.

[197] x.Từ điển tiếng Việt 2013, mục từ Cứu độ, tr.318.

[198] x. CĐ. Vat. II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, số 17; Từ điển Công giáo, 2019, mục từ ƠnCứu độ, tr.197.

[199]x. Docat, chương I: “Kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa tình yêu”, tr.15-32.

[200]x. GLHTCG, số 260.

[201]x. St 3,1-24.

[202]x. St 3,15.

[203]x. Mt 2, 1-10.

[204]x. Mt 27,45

[205]x. Mt 27,51-53.

[206]x. Mt 28,2.

[207] “Nước Trời” là từ Chúa Giêsu dùng trong Tin Mừng theo thánh Matthêu, trong khi 3 bản văn Tin Mừng theo thánh Marcô, Luca và Gioan dùng từ “Nước Thiên Chúa”. Từ “Trời” dễ khiến người tín hữu hiểu lầm là nước ở trên trời hay nước thiên đàng sau khi chết, nhưng từ “Trời” là do người Do Thái tránh gọi tên Thiên Chúa. Ta cần hiểu đó là nước hay vương quốc của những giá trị được Đức Giêsu muốn ta thể hiện trong cuộc sống: sự thật, sự sống, tình yêu, công bằng, hoà bình, ân huệ của Thánh Thần….

[208]ĐGH Phanxicô xác định: “Nhờ Đức Giêsu Kitô, vương quốc của Thiên Chúa đã thật sự khởi đầu ở thế gian”, x. Docat, số 21.

[209]x. Gs Phạm Đình Lựu, Sinh lý học Y khoa, tập I, NXB Y học, 2011, tr.196.

[210]x. Alice Roberts, Atlas,tr.330.

[211]x. Alice Roberts, Atlas,tr.302-303.

[212]x. Nguyễn Công Trứ (1778-1858) vừa là nhà chính trị, kinh tế, quân sự, nổi bật với việc khai hoang lập ấp, quai đê lấn biển, tạo thành  một vùng đất rộng lớn ở hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình) làm quan tới chức thượng thư, tổng đốc nhưng cũng nhiều lần bị cách chức làm dân, làm lính.

[213]x. GLHTCG, số 691.

[214] (x. St 1,2; 2,7; Tv 33,6; 104,30; Gv 3,20-21; Xh 37,10)

[215]x. GLHTCG, số 703.

[216] x. Cv 2,1-11.

[217]x. Gl 4,6

[218] x. 2Cr 12,37.12.13.

[219]x. GLHTCG, số 689-690, 727.

[220]x. GLHTCG, số 730.

[221] x. St 11,1-9.

[222]x. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Mater et Magistra, số 157; Docat, số 235.

[223]x. CĐ.Vat II, Hiến chế Lumen Gentium, số 13.

[224] x. Cv 2,1-11.

[225] x. CĐ.Vat II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 92.

[226] x. 1Cr 12,3-13; Ga 3,28.

[227] Ga 20,22-23.

[228]x. Alice Roberts, Atlas, tr.324.

[229]x. Các mục về Khí công trong các sách hay trên internet.

[230]Ep 2,5.

[231]Ep 2,18.

[232]Ep 1,3.

[233]x. Ep 1,9.

[234]x. Blair T. Spalding, Life and Teaching of the masters of the Far East-Hành trình về Phương Đông, Nguyên Phong dịch; Lama Anagarika Govinda, The way of the White Clouds-Đường Mây qua Xứ Tuyết, Nguyên Phong dịch; Barbara Ann Brennan, Hands of light-Bàn tay Ánh sáng, Lê Trọng Bổng dịch, NXB Văn hoá Thông tin, 1996.

[235] Gl 5,16.

[236] Gl 5,18.

[237] Gl 5,25.

[238] Gl 5,22.

[239]x.  Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, tr.173-175; Bạn là Lời Cứu độ, tái bản lần IV, NXB Tôn Giáo, 2017, tr.30-31.

[240] Có nhiều phương pháp và dụng cụ để do dung lượng khí thở trong mỗi quốc gia như Voldyne 2500 Volumetric Exerciser của Teleflex Medical ở Hoa Kỳ, AirLife của CareFusion được nhiều nước sử dụng. Chúng tôi xin giới thiệu dụng cụ AirLife 001902A như một ví dụ cụ thể. Khi đo dung lượng khí thở, ta cần nhớ mấy điểm sau đây:

1.Vệ sinh đầu ống thở bằng bông tẩm cồn 900.

  1. Ngậm ống thở và hít vào từ từ bằng miệng với 1 hơi dài tối đa.
  2. Vừa hít vào vừa quan sát bông trong ống đo đẩy lên tới vạch nào.
  3. Ngắt hơi ở điểm nào thì đó là mức đo khí thở tại điểm đó (xem số dung lượng ghi trên ống đo).
  4. So sánh với Bảng Dung lượng Dự đoán Khí thở để xem mình thở có đủ không.
  5. Vệ sinh đầu ống thở bằng bông tẩm cồn 900 để người khác sử dụng.

 

BẢNG DUNG LƯỢNG DỰ ĐOÁN KHÍ THỞ

Bảng dành cho nữ

          Chiều cao

 

Tuổi

1,47 1,52 1,57 1,62 1,67 1,72 1,77 1,82 1,87
20 1900 2100 2300 2500 2700 2900 3100 3300 3500
25 1850 2050 2250 2450 2650 2850 3050 3250 3450
30 1800 2000 2200 2400 2600 2800 3000 3200 3400
35 1750 1950 2150 2350 2550 2750 2950 3150 3350
40 1700 1900 2100 2300 2500 2700 2900 3100 3300
45 1650 1850 2050 2250 2450 2650 2850 3050 3250
50 1600 1800 2000 2200 2400 2600 2800 3000 3200
55 1550 1750 1950 2150 2350 2550 2750 2950 3150
60 1500 1700 1900 2100 2300 2500 2700 2900 3100
65 1450 1650 1850 2050 2250 2450 2650 2850 3050
70 1400 1600 1800 2000 2200 2400 2600 2800 3000
75 1350 1550 1750 1950 2150 2350 2550 2750 2950
80 1300 1500 1700 1900 2100 2300 2500 2700 2900

 

Bảng dành cho nam

          Chiều cao

 

Tuổi

1,47 1,52 1,57 1,62 1,67 1,72 1,77 1,82 1,87 1,92 1,97
20 2000 2200 2400 2600 2800 3000 3200 3400 3600 3800 4000
25 1950 2150 2350 2550 2750 2950 3150 3350 3550 3750 3950
30 1900 2100 2300 2500 2700 2900 3100 3300 3500 3700 3900
35 1800 2000 2200 2400 2600 2800 3000 3200 3400 3600 3800
40 1750 1950 2150 2350 2550 2750 2950 3150 3350 3550 3750
45 1700 1900 2100 2300 2500 2700 2900 3100 3300 3500 3700
50 1650 1850 2050 2250 2450 2650 2850 3050 3250 3450 3650
55 1550 1750 7950 2150 2350 2550 2750 2950 3150 3350 3550
60 1500 1700 1900 2100 2300 2500 2700 2900 3100 3300 3500
65 1400 1600 1800 2000 2200 2400 2600 2800 3000 3200 3400
70 1350 1550 1750 1950 2150 2350 2550 2750 2950 3150 3350
75 1300 1500 1700 1900 2100 2300 2500 2700 2900 3100 3300
80 1250 1450 1650 1850 2050 2250 2450 2650 2850 3050 3250

 

(Bảng Dung lượng Dự đoán Khí thở do G.Polgar và V. Promadhat công bố trên tạp chí của Hiệp hội Thân ngực Mỹ, th. 9/1979, bộ 122, số 3)

 

 

 

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2024. All Rights Reserved.