Suy niệm Lời Chúa Lễ Thánh Gia Năm B
CÔNG CHÍNH

“Khi hai ông bà đã hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền,
thì trở về thành của mình là Nadarét, miền Galilê.
Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh,
đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”.

(Lc 2,39-40)

Sống công chính, dù ở thời nào, đều được coi trọng và đánh giá cao. Một đời sống đức tin vững vàng, dù trải qua muôn vàn thử thách như ông bà Abraham và Sara, được Thiên Chúa kể là công chính (St 15,6). Một đời sống ngay lành, đêm ngày ăn chay cầu nguyện trong sự trông chờ Đấng cứu độ, cũng được kể là công chính và sùng đạo. Tất cả những phẩm chất này đều có thể gặp thấy nơi Thánh Gia.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1:

Thiên Chúa hứa ban cho ông Abraham một dòng dõi phát xuất từ người con do chính ông sinh ra. Ông đã tin vào lời Thiên Chúa hứa nên Người kể ông là người công chính: sự công chính do lòng tin.

Thiên Chúa thực hiện công trình cứu độ qua việc tuyển chọn ông Abraham và từ đôi tay trắng, Chúa hứa ban cho ông một phần thưởng lớn lao (x. St 15,1). Thật vậy, khi được Thiên Chúa gọi mời, ông Abraham không có những yếu tố cơ bản và quan trọng của một gia đình được Thiên Chúa chúc phúc theo quan niệm của người Do thái: không con cái, không dòng dõi, không người kế thừa (x. St 15,2-3). Vậy mà ông vẫn ra đi theo lệnh của Thiên Chúa, dựa trên lời hứa của Người về một người thừa kế do ông sinh ra và một dòng dõi đông như sao trời, không thể đếm nổi (x. St 15,4-5).

Cuộc ra đi của ông Abraham cho thấy sức mạnh lòng tin của ông Abraham và sự trung tín của Thiên Chúa trong việc thực hiện lời hứa. Thật vậy, ông Abraham hoàn toàn tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa, dù ông không hề có bất kỳ dấu chỉ chắc chắn nào. Dẫu vậy, ông vẫn tin Thiên Chúa nên ông được Thiên Chúa kể là người công chính (x. St 15,6). Sự công chính của ông không vì ông đã lập được công trạng gì, nhưng nhờ thái độ tín thác mà ông được Thiên Chúa đáp lại bằng sự trung tín với lời đã hứa. Lời hứa của Thiên Chúa là một bảo đảm chắc chắn cho niềm hy vọng và lòng tin của ông: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Hr 11,1).

Đức tin của ông Abraham là nền tảng quan trọng để Thiên Chúa thực hiện lời hứa khi Người viếng thăm bà Sara như đã phán, và làm cho bà như đã hứa, để bà sinh cho ông Abraham một người con trai khi ông đã già (x. St 21,1-2). Gia đình ông Abraham được Thiên Chúa chúc phúc, dòng dõi của ông có người thừa kế, phần thưởng lớn lao được trao cho ông theo như lời hứa của Thiên Chúa.

2. Bài đọc 2:

Đoạn thư Hípri là một bài ca về đức tin của ông Abraham và bà Sara, đáp lại bằng sự trung tín thực hiện lời hứa của Thiên Chúa.

Tác giả ba lần nhấn mạnh đức tin của ông Abraham và bà Sara. Thật vậy, nhờ đức tin mà ông Abraham đã vâng theo tiếng Thiên Chúa gọi mà ra đi đến một vùng đất mới và hoàn toàn xa lạ. Dù ông không biết mình đi đâu, chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng ông tin rằng Thiên Chúa sẽ định liệu cho ông một vùng đất và một dòng dõi làm gia nghiệp lâu dài (x. Hr 11,8). Hơn nữa, nhờ đức tin, ông Abraham sẵn sàng hiến tế người con một theo lệnh của Thiên Chúa. Đứng trước thử thách của đức tin và sự toan tính theo lý lẽ của con người, ông Abraham chọn vâng theo lệnh của Thiên Chúa, dù ông không thể hiểu được ý của Người. Sau nữa, nhờ đức tin, bà Sara đã mang thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao. Điều tưởng như không thể đối với con người thì Thiên Chúa đã làm cho bà vì bà đã tin vào lời hứa của Người là Đấng hằng trung tín (x. Hr 11,11).

Đáp lại đức tin của ông Abraham và bà Sara, Thiên Chúa ban cho ông bà một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển, không tài nào đếm được (x. Hr 11,12). Trong bối cảnh mà người ta quan niệm người công chính mới được ban cho đàn con nối dõi (x. Cn 20,7), còn sự hiếm muộn là điều tủi nhục (x. Lc 1,25), và không có con nối dõi là một sự tuyệt tự vì bị Thiên Chúa chúc dữ (x. G 15,34), thì ơn phúc về một đứa con trai trong tuổi già và một dòng dõi đông đúc quả là lớn lao vô cùng. Thiên Chúa có thể làm cho một người kể như đã chết rồi mà vẫn sinh ra một dòng dõi (x. Hr 11,12), một Thiên Chúa mà ông Abraham tin là “có quyền năng làm cho người chết trỗi dậy” (Hr 11,19). Thiên Chúa có thể làm cho sự sống vọt lên từ trong sự chết, làm cho cây già nua cằn cỗi sinh hoa trái, cho người son sẻ có con nối dõi. Quyền năng của Thiên Chúa đáp trả lòng tin của con người thật kỳ diệu biết bao.

3. Bài Tin Mừng

Sự kiện Đức Maria và thánh Giuse mang con trẻ Giêsu lên Đền Thờ Giêrusalem để chu toàn những gì luật định và những gì xảy ra xung quanh sự kiện đó cho thấy hai cái nhìn khác nhau về vai trò của Thánh Gia trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Đối với Đức Maria và thánh Giuse, Chúa Giêsu là một đứa con được sinh ra trong gia đình Do thái như bao nhiêu đứa trẻ khác nên cần thực hiện tất cả những gì lề luật qui định (x. Lc 2,22-24.27.39): Được dâng vào Đền Thờ như một biểu tượng vì mọi con trai đầu lòng đều là thánh, dành riêng cho Chúa (x. Lc 1,35; Xh 13,2.12), và cũng cần phải chuộc lại (x. Xh 13,13.15); cũng như việc thanh tẩy người mẹ (x. Lv 12,2-5) và dâng của lễ như những người nghèo (x. Lc 2,24; Lv 12,6-8). Sau mọi nghi lễ, Đức Maria và thánh Giuse trở về và sống âm thầm tại làng Nadarét, nuôi dạy Hài Nhi Giêsu lớn lên vững mạnh, đầy khôn ngoan và được ân nghĩa cùng Thiên Chúa (x. Lc 2,39-40). Thánh Gia thật là một gia đình bình thường, tuân giữ những gì luật dạy, và chăm sóc, nuôi dưỡng con như bao gia đình Do thái đạo hạnh.

Trái lại, đối với những người công chính và sùng đạo như ông Simêon và bà Anna, Hài Nhi Giêsu không chỉ là con ông bà Giuse và Maria bình thường, mà là Đấng Kitô của Đức Chúa, là Đấng cứu độ của muôn dân, là niềm an ủi và vinh quang của dân Israel và là ánh sáng cho dân ngoại (x. Lc 2,26-32). Hơn nữa, Người còn là duyên cớ cho nhiều người ngã xuống hay đứng lên, là dấu hiệu cho người đời chống báng (x. Lc 2,34). Người cũng là Đấng mà ông bà Simêon và Anna đã mong mỏi chờ đợi bấy lâu: Người là dấu chỉ của ơn cứu độ cho muôn dân, là dấu chỉ đáng để ông bà cảm tạ và chúc tụng Thiên Chúa (x. Lc 2,28.38).

Thêm vào đó, Đức Maria không chỉ là một bà mẹ bình thường sống cuộc đời bình lặng, mà ngày kia sẽ chịu một nỗi đau lớn lao như lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn, để những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra (x. Lc 2,35). Lời ngôn sứ của ông Simêon và bà Anna vừa cho thấy sứ mạng lớn lao của Thánh Gia, vừa báo trước những sóng gió và thách đố mà các thành viên của Thánh Gia phải trải qua để hoàn tất những gì mà Thiên Chúa đã định liệu.

Thánh Gia vừa bình thường, giản dị, gần gũi như bao nhiêu gia đình nhân loại, nhưng cũng vừa vĩ đại và cao cả vì đã trung thành đi theo đường lối nhiệm mầu của Thiên Chúa giữa lòng cuộc sống nhân sinh với bao thách đố và khó khăn. Qua Thánh Gia, Thiên Chúa cho thấy Người có thể làm những điều cao cả cho nhân loại nhờ sự cộng tác khiêm tốn và âm thầm của những con người bình thường.

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2024. All Rights Reserved.