ĐƯỢC GỌI LÀM MÔN ĐỆ CHÚA
“Hãy đến mà xem” (Ga 1,39)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Các bài đọc hôm nay nhấn mạnh về ơn kêu gọi một số người đặc biệt để theo sát Chúa và chuyên lo việc Chúa. Chúa đã gọi các ngôn sứ làm sứ giả của lời Chúa, hoặc gọi các môn đệ bước theo và ở lại với Ngôi Lời, rồi ra đi loan báo Tin Mừng. Ngày nay Chúa vẫn gọi chúng ta cộng tác phần mình mỗi người một cách với Chúa và Hội Thánh để làm chứng cho Chúa.
1. Bài đọc I: 1Sm 3,3b-10.19
Bài đọc I thuật về ơn gọi của Samuel, thuộc thể loại ơn gọi ngôn sứ (x. Is 6; Gr 1,4-10; Ed 1,1-3,16). Cuộc kêu gọi này được đặt trong bối cảnh tương phản rõ nét giữa gia đình Êli và gia đình bà Anna. Tư tế Êli sống trong Nhà Chúa, nhưng hai con của ông lại làm nhiều điều xấu trước nhan Đức Chúa: khinh thường lễ phẩm dâng Đức Chúa và coi thường người ta. Ngược lại, bà Anna là một thường dân hết mực kính sợ Chúa. Bà hiếm muộn nên đã khẩn cầu Chúa và Chúa đã ban cho bà một con trai. Bà đã dâng Samuel cho Đức Chúa và cậu ta “càng lớn lên và đẹp lòng cả Đức Chúa lẫn người ta”.
Đức Chúa quyết định chọn gọi Samuel để thay thế dòng dõi Êli, vốn đã ra hư hỏng. Samuel nghe tiếng gọi nhưng cậu không nhận ra Ai đang gọi mình. Ba lần Đức Chúa gọi cậu, nhưng cậu lầm tưởng là tư tế Êli gọi mình. Cậu Samuel đã đến hỏi tư tế Êli và được ông chỉ cho cậu biết cách phải đáp lời ra sao trước tiếng gọi mầu nhiệm ấy (x. 3,9).
Nhờ sự hướng dẫn của tư tế Êli, sau đó Samuel đã thưa như lời tư tế Êli dạy: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (3,10). Samuel đã nhận ra Chúa gọi mình. Từ đó, Đức Chúa hằng ở bên Samuel và Lời Chúa đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc đời Samuel, trở thành kim chỉ nam hướng dẫn ông, và qua ông, hướng dẫn dân Chúa, như lời Kinh Thánh nói: “Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu” (3,19).
Chúa vẫn gọi ta bằng nhiều cách, nhưng có khi ta không nhận ra tiếng Người. Vì thế, ta cần chạy đến với những người khôn ngoan mà Chúa lại chọn họ làm người hướng dẫn, dù có khi người đó bất xứng trước mặt người đời như trường hợp tư tế Êli, để họ giúp ta nhận tiếng Chúa và biết cách đáp lại tiếng Người gọi ta.
2. Bài đọc II: 1Cr 6,13c-15a.17-20
Bài đọc II trích thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrintô nói đến ơn gọi làm kitô hữu, đó là đời sống mới trong Đức Kitô, kitô hữu được kết hợp không chỉ với Đức Kitô, mà với cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Dựa vào nền tảng này, trong đoạn trích 1Cr 6,13c-15a.17-20, thánh Phaolô bàn đến ý nghĩa cao quí của thân xác chúng ta, và qua đó, ngài kêu gọi tín hữu Côrintô sống sao cho xứng hợp với thân xác của mình.
Thánh Phaolô nêu một loạt các xác tín của ngài về ý nghĩa của thân xác chúng ta:
1) Thân xác của chúng ta có Thiên Chúa làm chủ (x. c14), thân xác sẽ được Người làm cho ,sống lại như chính Người đã cho Đức Kitô sống lại (x. c14);
2) Thân xác chúng ta là phần thân thể của Đức Kitô (x. c15), một khi được kết hợp với Chúa thì nên một tinh thần với Người (x. c.17);
3) Thân xác chúng ta là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (x. c19).
Ơn gọi liên quan đến lối sống. Do ơn gọi, thân xác chúng ta trở nên cao quí như vậy trước mắt Thiên Chúa, được kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa, nên chúng ta phải sống sao cho xứng hợp: thân xác không phải để gian dâm (x. c14.18), không phải để nên một thân xác với kỹ nữ (x. c. 16), nhưng để phụng sự (x. c.14) và tôn vinh Thiên Chúa (x. c. 20).
3. Bài Tin Mừng: Ga 1,35-42
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe thuật lại ơn gọi làm môn đệ, bao gồm các khía cạnh: tìm gặp – đến xem – ở lại – làm chứng. Trình thuật về việc Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ trong Gioan khác với các trình thuật trong Tin Mừng Nhất Lãm (x. Mt Mt 4,18-22; Mc 1,16-20). Trong Tin Mừng Nhất Lãm, các môn đệ được Đức Giêsu kêu gọi trực tiếp, khi họ đang làm công việc thường nhật. Theo Tin Mừng Gioan, các môn đệ đến với Đức Giêsu không phải bằng lời kêu gọi trực tiếp, nhưng qua một trung gian, đó là qua lời chứng của ông Gioan, và trong lúc họ đi tìm cho mình một vị thầy để theo.
Trong ơn gọi làm môn đệ, có thể việc tìm kiếm một người thầy khởi đi từ thao thức của chính các ông, và ngay cả việc đến với thầy Giêsu có thể qua lời chứng/ giới thiệu của người khác. Tuy nhiên, bao trùm lên tất cả, ơn gọi làm môn đệ Đức Giêsu lại xuất phát từ chính Đức Giêsu. Tin Mừng Gioan diễn tả điều này khi mô tả việc Đức Giêsu chủ động “quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: ‘Các anh tìm gì thế ?’” (Ga 1,38). Sau này, Tin Mừng Gioan xác định rõ hơn khi Đức Giêsu nói: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16).
Một điểm khác cần nhấn mạnh trong hành trình ơn gọi làm môn đệ là “Hãy đến và sẽ thấy”. Chủ đề “đến” với Đức Giêsu được diễn tả xuyên suốt trong toàn bộ Tin Mừng Gioan như là một hành vi đức tin (Ga 3,21; 5,40; 6,35.37.45; 7,37…). Tương tự, việc “xem thấy” Đức Giêsu cũng là một chủ đề lớn trong Tin Mừng này. Trong Ga 5,40; 6,40.47, Đức Giêsu hứa ban sự sống đời đời cho: những ai đến với Người, những ai tìm kiếm Người, và những ai tin vào Người. Đó là ba cách thế khác nhau để diễn tả cùng một tình trạng duy nhất là trở thành môn đệ Đức Giêsu.
Tin Mừng Gioan và các Tin Mừng Nhất Lãm đều nói về “đi theo Đức Giêsu”, đó là thuật ngữ đặc biệt để diễn tả ơn gọi “làm môn đệ”. Trước hết là đi theo hành trình địa lý: Họ đi theo Đức Giêsu đến bất cứ nơi nào Người đến, cụ thể là hành trình từ Galilê đến Giêrusalem. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai đi theo Đức Giêsu trên hành trình này đều là người môn đệ. Quan trọng hơn là đi theo hành trình tinh thần: nghĩa là người môn đệ học cho biết và làm theo gương mẫu của Thầy. Họ cần theo “đường lối Tin Mừng” và đi trên “con đường Giêsu”, vì Người chính là con đường, nhất là đi theo Thầy trên con đường Thập Giá tiến vào Giêrusalem để đem ơn cứu độ cho mọi người.
Tin Mừng Gioan cũng đề cập tới việc “đi theo” nhưng lại nhấn mạnh một chiều kích quan trọng khác trong hành trình làm môn đệ Đức Giêsu là “ở lại” với hoặc trong Người. Gioan rất chú trọng đến hành động này qua việc dùng động từ “ở lại/ μένω” nhiều hơn các Tin Mừng khác gộp lại (Mt: 3 lần; Mc: 2 lần; Lc: 6 lần; Ga: 33 lần). Bước đầu tiên là “ở lại với”, có nghĩa là một tương quan về mặt thể lý, nhưng sau đó tiến tới một sự kết hợp và hiệp thông sâu sắc cho tới mức “ở lại trong” nhau về mặt tinh thần. Nhờ việc “ở lại trong” Đức Giêsu nên các môn đệ được đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Cuối cùng, sau khi đã trở thành môn đệ của Đức Giêsu, một điều quan trọng trong ơn gọi này là lại ra đi “làm chứng/ giới thiệu” người khác thành môn đệ của Người. Ra đi làm chứng hay loan báo Tin Mừng là sứ vụ chung của tất cả các môn đệ, và là cách tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu.
Như vậy, có thể tóm kết ơn gọi làm môn đệ Đức Giêsu như sau: “đi theo Đức Giêsu”, được diễn tả qua một tiến trình “đến với Đức Giêsu” để “xem thấy Người”. Sau đó, “ở lại với” và “ở lại trong” Đức Giêsu” và “ra đi làm chứng” về Người để khiến cho người khác cũng trở thành môn đệ của Người. Mô hình này được áp dụng cho ơn gọi làm môn đệ Đức Giêsu theo nghĩa chặt, nhưng cũng áp dụng cho mỗi người chúng ta. Nước Trời viên mãn đang đến, đồng lúa chín vàng đang trải ra trước mắt, nhiều con chiên đang cần được quy tụ về một ràn. Hội Thánh thuộc mọi thời, mọi thế hệ đang được thúc đẩy ra đi làm chứng/ ra đi Loan báo Tin Mừng để cho người khác có cơ hội đón nhận ơn cứu độ. Đó là một lời mời gọi nhưng cũng là một mệnh lệnh liên quan đến bản chất của Hội Thánh, vì “bản chất của Hội Thánh/ kitô hữu là loan báo Tin Mừng” (x. Ad Gentes, số 2).
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Nơi cuộc đời của Samuel, Thiên Chúa không để cho Lời nào của Người ra vô hiệu. Còn nơi cuộc đời tôi thì sao, Lời Chúa được gieo vào lòng tôi có tìm được mảnh đất màu mỡ để lớn lên, để sinh hoa kết trái ? Tôi có sẵn sàng lắng nghe tiếng Chúa và đáp lại Lời Người ? Làm sao để Lời Chúa cũng không trở nên vô hiệu nơi cuộc đời tôi ?
2. Ơn gọi của người kitô hữu là sống thiết thân với Chúa mỗi ngày, đến mức được kết hợp mật thiết với Ba Ngôi Thiên Chúa. Ơn gọi ấy mời gọi và đòi buộc chúng ta sống chiều kích thánh thiêng trong con người toàn diện, kể cả nơi thân xác. Bằng cách nào để tôi tránh xa những cám dỗ có thể khiến cho thân xác tôi dễ dàng ra ô uế ?
3. “Đến với Đức Giêsu” để “thấy Người”, sau đó, “ở lại với” và “ở lại trong” Đức Giêsu rồi “ra đi làm chứng” về Người để khiến cho người khác cũng trở thành môn đệ của Người cũng là lời mời gọi của Chúa Giêsu cho từng người chúng ta hôm nay. Tôi có sẵn sàng đến với Chúa, ở lại để biết Chúa và kết hợp với Chúa ? Tôi có đủ can đảm làm chứng về Chúa Giêsu hay giới thiệu Chúa Giêsu cho tha nhân trong môi trường sống hiện nay ?
4. Đức Thánh Cha Phanxicô, trong sứ điệp về Ngày thế giới Ơn gọi 3/5/2020, đã nói: “Đi đúng hướng không phải là điều chúng ta tự mình có thể làm được, cũng không chỉ tùy thuộc vào con đường chúng ta đã chọn. Với tư cách cá nhân đơn độc, những quyết định của ta không đủ khả năng tìm ra được sự hoàn hảo trong cuộc sống”. Để đi đúng hướng ơn gọi, người ấy cần biết dựa vào Chúa và cần theo sự hướng dẫn của những người trung gian của Chúa. Ơn gọi là một ân huệ nên người ấy cần trân trọng đón nhận và đáp trả với lòng “biết ơn”.