Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật II Mùa Chay Năm B
HIẾN DÂNG CON YÊU DẤU

(St 22, 1-2. 9a. 10-13. 15-18; Rm 8, 31b-34; Mc 9, 1-9)

Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng:
“Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”
 (Mc 9,7)

I. CÁC BÀI ĐỌC:

Hiến dâng, trao ban hay cho đi thường đi kèm với sự hy sinh, mất mát, thiệt thòi. Hiến dâng những gì quý giá nhất lại càng đòi hỏi hy sinh nhiều hơn. Tuy nhiên, các bài đọc lời Chúa hôm nay lại nhìn việc hiến dâng như là hành động của sự tín thác và vâng phục Thiên Chúa, để rồi được nhận lại từ Người muôn vàn phúc lộc. Xét cho cùng, sự hiến dâng của con người là sự biểu lộ lòng tin để rồi nhận lại phúc lộc đã được nhân lên gấp bội.

1. Bài đọc 1:

Thái độ mau mắn dâng con yêu dấu của ông Ápraham đã mở ra cho ông, dòng dõi ông và cho lịch sử cứu độ của Thiên Chúa một tương lai dư tràn phúc lành từ Thiên Chúa.

Trước hết, đối với ông Ápraham, đứa con yêu dấu Isaác chính là niềm hy vọng cho tương lai dòng dõi của ông. Vì thế, khi vâng lệnh Thiên Chúa hiến dâng đứa con duy nhất, đứa con mà khó khăn lắm ông mới có được vào lúc tuổi đã cao, đứa con thừa tự, ông Ápraham hoàn toàn đặt tương lai của dòng tộc vào trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Ông không đòi Thiên Chúa chiều theo ý của ông mà để Người thực hiện chương trình của Người trên cuộc đời ông.

Sau nữa, đối với Thiên Chúa, hành động dâng hiến hoàn toàn và vâng phục trọn vẹn, là bằng chứng của một lòng tin son sắt của ông Ápraham, một lòng tin xứng đáng nhận phúc lành của Người. Thêm vào đó, phúc lành của Thiên Chúa vượt xa điều mà ông Ápraham mong ước: đó là một dòng dõi nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển, một dòng dõi chiến thắng kẻ thù và qua dòng dõi đó mà mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như thế (x. St 22,17-18).

Những tưởng việc dâng con yêu dấu là sự hy sinh của con người cho Thiên Chúa, nhưng cuối cùng lại là chương trình chúc phúc của Thiên Chúa cho con người. Vâng phục thánh ý Thiên Chúa, sẵn sàng dâng hiến hoàn toàn và để Người hành động trong cuộc đời mình là khởi đầu của muôn phúc lành Thiên Chúa ban cho những ai tín thác nơi Người.

2. Bài đọc 2:

Thánh Phaolô ca tụng tình yêu cao cả mà Thiên Chúa dành cho con người khi hiến dâng chính Con Một vì con người.

Thứ nhất, Thiên Chúa yêu con người đến nỗi trao ban chính Con Một (x. Ga 3,16), Đấng đã chết, sống lại và hằng ở bên hữu Thiên Chúa để chuyển cầu cho con người (Rm 8,34). Đến như Con Một của Người, Thiên Chúa cũng trao ban; Người chẳng còn tiếc gì, chẳng còn giữ lại gì, nhưng trao ban cho con người tất cả.

Thứ hai, khi ban Con Một cho con người, Thiên Chúa muốn bênh đỡ và bảo vệ con người trước mọi lời buộc tội và kết án. Qua cái chết của Đức Giêsu, Con yêu dấu của Người, Thiên Chúa tha thứ mọi lỗi lầm cho con người. Nếu Thiên Chúa không buộc tội và kết án, thì đó là sự bảo đảm rằng con người được yêu thương và tha thứ.

Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người thôi thúc Người trao ban tất cả, ngay cả Con Một yêu dấu; tình yêu và sự tha thứ của Người thay cho lời buộc tội và kết án. Có tình yêu của Thiên Chúa, có sự hiến dâng Con Một yêu dấu của Người, có sự tha thứ và lời chuyển cầu của Đức Giêsu Kitô, con người thật chẳng còn thiếu gì nữa, chẳng còn lo sợ gì nữa.

3. Bài Tin Mừng:

Tin Mừng Máccô thuật lại cuộc biến hình của Chúa Giêsu, qua đó hé lộ nguồn gốc và sứ mạng dâng hiến trọn vẹn của Người, đi từ thập giá để đến vinh quang.

Trước hết, diện mạo và y phục của Chúa Giêsu biến đổi nhằm mặc khải về vinh quang thần tính của Người. Đồng thời, tiếng từ đám mây “đây là Con Ta yêu dấu” là lời mặc khải rõ ràng và công khai về nguồn gốc của Chúa Giêsu: Người là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Người không chỉ là một con người giữa lòng nhân loại; Người còn là Con Thiên Chúa được trao ban cho con người.

Sau nữa, con đường đến vinh quang của Con Thiên Chúa là con đường trải qua thập giá. Quả vậy, hai ông Môsê và Êlia đàm đạo “về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (Lc 9,31), còn Chúa Giêsu thì căn dặn các môn đệ đừng “kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại” (Mc 9,9). Chỉ khi trải qua “cuộc xuất hành” trên thập giá và từ cõi chết sống lại, Chúa Giêsu mới mặc lấy diện mạo vinh quang đích thực của Con Một Thiên Chúa, mà cuộc biến hình là một dấu chỉ tiên trưng.

Vinh quang chói lọi của Con Thiên Chúa mà các môn đệ chứng kiến phần nào trên núi chỉ được tỏ lộ cách trọn vẹn qua thập giá. Đó cũng là con đường mà những ai tin vào Thiên Chúa phải “vâng nghe lời Người” mà bước theo. Bước theo Con yêu dấu của Thiên Chúa không chỉ là dựng lều ở trên núi để hưởng kiến vinh quang chói lọi của Người mà còn là xuống núi để đồng hành với phận người mong manh, cho đến khi Người “từ cõi chết sống lại” đem lại hy vọng sự sống cho nhân loại.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Khi dâng đứa con duy nhất cho Thiên Chúa theo lệnh của Người, ông Ápraham hoàn toàn đặt niềm tin tưởng và phó thác cả tương lai dòng tộc trong tay Thiên Chúa. Đáp lại, khởi đi từ đứa con yêu dấu của ông Ápraham, Thiên Chúa ban cho ông một dòng dõi đông đúc như lời Người đã hứa. Sự tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa và vâng theo thánh ý Người, mở ra những cơ hội mới và tương lai vững bền cho con người. Trao cuộc đời mình vào tay Thiên Chúa, người Kitô hữu nắm chắc phần phúc vĩnh cửu.

2/ Khi trao ban cho con người đứa Con Một, Đấng chết, sống lại và hằng ở bên hữu Thiên Chúa để chuyển cầu cho con người, Thiên Chúa đã yêu thương mà cho đi tất cả. Được Thiên Chúa yêu thương, bảo vệ và thứ tha, con người không còn lo sợ điều gì. Những ai tín thác vào tình thương của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu, sẽ tìm được sự an bình và hạnh phúc đích thực.

3/ Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ về thần tính của Người là Con yêu dấu của Chúa Cha, nhưng các ông không thể ở mãi trên núi mà chiêm ngắm, vì con đường vinh quang của Con Thiên Chúa phải trải qua đau khổ và cái chết. Để được chia sẻ vinh quang của Con Thiên Chúa, các môn đệ cũng cần “vâng nghe lời Người” mà bước đi trên con đường yêu thương và hiến dâng. Hiến dâng, nhất là hiến dâng chính chính, đòi hỏi sự hy sinh và cả mất mát, nhưng chính tình thương làm cho mọi mất mát và hy sinh hoá thành niềm vui và phúc lành.

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2024. All Rights Reserved.