Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật IV Mùa Chay

TIN CẬY VÀO TÌNH YÊU CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA

(2Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21)

 

“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai
tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” 
(Ga 3,16)

Mùa Chay là “Mùa tím của sám hối”, của hãm mình và hy sinh, nên tím mang nét buồn bã u sầu. Tuy nhiên, Công Giáo không phải là đạo của bi quan, u sầu. Mùa Chay còn là mùa của hy vọng. Hy vọng được ơn cứu thoát, hướng đến ngày Chúa cứu chuộc chúng ta. Vì thế, Chúa Nhật hôm nay trong Mùa Tím nhưng mang màu hồng của niềm vui: Niềm vui đón nhận tình thương cứu độ của Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô.

1. Bài đọc 1: 2Sb 36,14-16.19-23

Sách Sử Biên Niên được xem là cuốn sách ghi vắn tắt lịch sử thánh của dân Chúa. Bài đọc II trích 2Sb 36,14-16.19-23 thuộc chương cuối của Sách Sử Biên Niên. Đoạn sách này nằm trong phần nói về lịch sử của vương quốc Giuđa, từ thời Salômon băng hà đến thời lưu đày ở Babylon (chương 10-36), đặc biệt nằm trong phần nói về cuộc canh tân toàn diện đời sống dân Giuđa (chương 28-36). Đoạn này được xem là bản tóm lược lịch sử dân Chúa ở vương quốc phía Nam/ Giuđa, vì bất tín và sa đọa nên dân bị trừng phạt bằng cuộc xâm chiếm của dân ngoại và phải đi lưu đày ở Babylon, nhưng kết thúc trong viễn ảnh được phục hồi.

Vào cuối thời quân chủ, trong vương quốc Giuđa, tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung, bắt chước những sự ghê tởm của các dân ngoại và làm dơ bẩn Đền Thờ Chúa (x. c. 14). Dù dân bất trung, nhưng Thiên Chúa vẫn không bỏ mặc họ, vì Người hằng thương xót nên Người không ngừng gửi các sứ giả đến cảnh tỉnh họ (x. c. 15). Thế nhưng, dân Chúa không chịu hoán cải mà trở về với Người. Họ còn nhạo báng các sứ giả và tiên tri, coi thường lời Chúa, nên Người đã giáng cơn thịnh nộ lên dân Người (x. c.16). Hình phạt như là một điều cần thiết để họ nhận ra tội lỗi của mình mà ăn năn. Vì thế, Thiên Chúa đã để họ rơi vào tay quân ngoại bang, khiến Đền Thờ, thành Giêrusalem, và các lâu đài dinh thự bị thiêu hủy (x. c. 19). Ai còn sống sót lại bị đưa đi lưu đày, sống kiếp nô lệ ở Babylon (x. c. 20). Đó như một liều thuốc cực mạnh Thiên Chúa dùng để chữa trị căn bệnh “bất trung” trầm kha của dân, khiến họ biết lỗi mà quay trở về hầu được cứu.

Thiên Chúa đã tỏ lòng xót thương dân Người khi họ biết lỗi mình và ăn năn. Người đã tác động vào tâm hồn vua Cyrô (nước Ba-tư) để vua này cho dân Israel được hồi hương. Họ trở về trong hân hoan để tái thiết Đền Thờ, phục hồi đời sống tôn giáo và tái lập tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Thiên Chúa dìu dắt nâng niu dân, nhưng có khi đánh phạt rồi lại xót thương. Thiên Chúa làm mọi cách miễn sao dân thay đổi đời sống để hưởng ơn cứu độ Người ban, vì Người không muốn một ai phải hư mất.

2. Bài đọc 2: Ep 2,4-10    

Bài đọc II trích thư thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Êphêsô, tiếp nối tư tưởng của Bài đọc I, và đó cũng là các điểm chính yếu trong cứu độ học theo tư tưởng Thần học Phaolô:

Trước hết, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng từ bi (xót thương): Người đã yêu thương chúng ta đến nỗi ngay cả khi tội lỗi làm cho chúng ta phải chết, thì Người đã làm cho chúng ta cùng sống lại trong Ðức Kitô và cùng ngự trị trên Nước Trời với Đức Giêsu Kitô (x. cc. 5-6). Kế đến, Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Giêsu Kitô (x. c. 7). Thêm vào đó, chúng ta được cứu độ nhờ ân sủng của Thiên Chúa và nhờ đức tin của chúng ta, chứ không phải do việc chúng ta làm.

Đây là giáo lý về cứu độ học của Phaolô: được cứu độ, được công chính hóa là ân sủng Thiên Chúa ban cách nhưng không cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Chúng ta đón nhận ân sủng bằng việc tin Đức Giêsu là Đấng Kitô, Cứu Chúa của chúng ta (x. Gl 2,16), và đáp lại ân sủng đó bằng việc thực thi bác ái, vì “đức tin hành động bằng đức ái” (Gl 5,6).

3. Bài Tin Mừng: Ga 3,14-21

Đoạn Tin Mừng hôm nay trích từ phần cuối của cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và ông Nicôđêmô (Ga 3,1-21). Trong cuộc đối thoại đó, Đức Giêsu đã khẳng định: “Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” (c. 4) và “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (c. 5). Khi nghe như thế, ông Nicôđêmô thắc mắc: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được” (c. 9). Theo cách nhìn của loài người thì không thể xảy ra, nhưng dựa vào Tình thương cứu độ của Thiên Chúa thì có thể, điều căn bản là con người cần phải “sinh lại” để đổi mới đời sống hầu xứng đáng đón nhận ơn cứu độ Chúa ban.

Về phía Thiên Chúa, “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (c. 16). Đây là “sứ điệp Tin mừng” cốt lõi trong Tin mừng Gioan. Tình yêu của Thiên Chúa vượt qua hận thù để tha thứ, vượt lên trên cái chết để phục hồi sự sống và cho con người được sống muôn đời. Cách thế cứu độ của Thiên Chúa cũng khác với cách suy nghĩ của loài người: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời” (cc. 14-15).

Câu chuyện này được trích trong bối cảnh sa mạc Sinai. Tại đó, dân bất trung, bất tín với Đức Chúa nên đã kêu trách và xúc phạm đến Người. Do đó, Đức Chúa đã để cho rắn độc hại dân. Nhờ đó, họ đã biết tội lỗi mình mà ăn năn, xin tha thứ. Đức Chúa đã cứu họ, bằng cách truyền cho ông Môsê làm một con rắn đồng và treo lên cây cột, để những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống (x. Ds 21, 5-9).

Con rắn là thứ gây ra chết chóc, nhưng Đức Chúa đã dùng biểu tượng của sự chết chóc đó để cứu. Sự cứu thoát không đến từ con rắn, nhưng đến từ Đấng đã truyền treo con rắn lên, và nhờ vào lòng tin của con người vào Đấng có quyền cho dân được sống. Thập giá cũng thế. Thập giá là biểu tượng của sự chết, là biểu tượng mà người Do-thái coi là ô nhục và dân Hy-lạp coi là điên rồ, nhưng ơn cứu độ lại đến từ Đấng trao ban Người Con, và nhờ Người Con là “Con Người” (một trong các tước hiệu của Đấng Cứu Thế) được treo lên đó để chết thay mọi người. Hễ ai tin vào Con Người, tin Người có quyền năng cứu thoát và tin vào tình thương của Thiên Chúa thì sẽ được cứu độ.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1. Thiên Chúa đã luôn sai sứ giả đến với họ, vì Người thương xót dân Người và đền thờ của Người,… sau hết, cơn thịnh nộ của Chúa đã đổ lên dân NgườiThiên Chúa tìm mọi cách để cứu chúng ta. Ngay cả khi dùng đau khổ hoạn nạn để cảnh tỉnh chúng ta, thì Người đánh phạt rồi lại xót thương, với mục đích giúp chúng ta nhận biết tội lỗi mình, ăn năn trở về với Chúa để được cứu. Chúa không muốn ai trong chúng ta hư mất, nhưng muốn mọi người được sống đời đời. Có khi nào tôi luôn kêu trách Chúa mà không than trách bản thân vì tội lỗi của mình?

2. Bởi ân sủng Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin. Chúng ta được cứu độ là nhờ ân sủng vô biên của Thiên Chúa, và chúng ta đáp lại bằng đức tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô. Để đáp lại ân sủng nhưng không của Chúa, chúng ta phải thể hiện đức tin đó ra bằng hành động bác ái, như Thánh Phaolô nói: “đức tin hành động bằng đức ái” (Gl 5,6) và thánh Giacôbê nhấn mạnh: “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17).

Trong Sứ Điệp Mùa Chay 2021, ĐGH Phanxicô nhắc chúng ta: “Tình yêu vui mừng khi thấy người khác lớn lên. Vì vậy nó đau khổ khi người khác đau khổ, cô đơn, bệnh tật, vô gia cư, bị khinh thường hoặc thiếu thốn. Tình yêu là bước nhảy vọt của con tim, đưa chúng ta ra khỏi chính mình và tạo nên mối liên kết chia sẻ và hiệp thông.” Ngài cũng nói thêm: “Sống Mùa Chay với tình yêu nghĩa là quan tâm tới những người đau khổ hay cảm thấy bị bỏ rơi và sợ hãi vì đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh tương lai vô cùng bất ổn, hãy ghi nhớ lời Chúa nói với tôi tớ Người: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về” (Is 43,1) để với tình bác ái, chúng ta biết trao tặng những lời nói làm vững dạ an lòng và giúp người khác nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương họ như những người con.”

Tôi có để cho tinh thần bác ái đổi mới cách nhìn để tôi có thể nhận ra phẩm giá, nét đặc trưng của từng anh chị em và tôn trọng họ, cũng như góp phần chung tay giúp đỡ người đau khổ, cô đơn, bệnh tật, vô gia cư, bị khinh thường hoặc thiếu thốn?

3. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời”. Thiên Chúa yêu và tìm mọi cách để cứu con người, miễn sao con người tin vào Con Một Chúa. Sứ Điệp Mùa Chay 2021 viết: “Trong suốt mùa sám hối này, chúng ta hãy làm mới lại đức tin của chúng ta, kín múc “nước hằng sống” của niềm hy vọng, và mở lòng đón nhận tình yêu Chúa là Đấng đã làm cho chúng ta trở nên anh chị em trong Chúa Kitô,” và “Đức tin mời gọi chúng ta chấp nhận sự thật và làm chứng cho sự thật trước Thiên Chúa và trước toàn thể anh chị em mình.” Tôi có sẵn sàng làm chứng rằng Chúa yêu tôi và tôi tin vào Chúa qua cách hành xử của mình trong lối sống hằng ngày?

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2025. All Rights Reserved.