Những bước chân của Thánh Giuse

Tin Mừng không viết nhiều về Thánh Giuse, nhưng những gì viết về Ngài thì đều là “những lên đường, những hành trình, những bước đi”

Hành trình cuộc đời của Thánh Giuse luôn gắn liền với Chúa Giêsu và Đức Maria, nên những bước chân của Thánh Giuse là những bước đi theo Chúa và Đức Mẹ, để bảo vệ, phục vụ Thánh gia là gia đình của Thiên Chúa, gia đình có Ngôi Lời Thiên Chúa hiện diện và hoạt động.

Thánh Mátthêu ngay chương một đã nói đến chuyện Thánh Giuse bất đắc dĩ định tâm bỏ Đức Mẹ bằng kín đáo “ra đi ” (Mt 1,19), không một lời giã biệt, cũng chẳng cần được giải thích, phân trần, khi Đức Mẹ có thai “trước khi hai ông bà về chung sống” (Mt 1,18). Nhưng toan tính “ra đi” lần thứ nhất này đã không thành, vì sứ thần Chúa đã hướng dẫn bước chân Thánh Giuse “trở về nhà”, khi hiện đến báo mộng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria, vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20).

Lần lên đường thứ hai được thánh Luca ghi lại cũng không nằm trong kế hoạch của Thánh Giuse, nhưng xảy ra bất ngờ, hoàn toàn ngoài ý muốn khi Đức Mẹ đã đến ngày sinh con, mà lệnh của hoàng đế Auguttô “truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ” vừa khẩn cấp ban hành. “Thế là Thánh Giuse cùng Đức Maria với “bụng mang dạ chửa” phải từ thành Nadarét, miền Galilê đi lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê”, vì Ngài thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít (Lc 2,1.4). Đến Bêlem, hai ông bà “không tìm được chỗ trong nhà trọ”, nên đã đi ra cánh đồng và sinh con trong chuồng chiên cừu thiếu thốn mọi sự, chỉ duy nhất một máng cỏ được dùng làm nôi cho Con Thiên Chúa.

Những bước đi từ Nadarét đến Bêlem, rồi từ Bêlem ra chuồng chiên cừu đã không nằm trong chương trình, và dự tính của Thánh Giuse, bởi Ngài đã chu đáo chuẩn bị mái ấm Nadarét cho Đức Mẹ sinh Con Trẻ có tên là Emmanuen, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, mà sứ thần Chúa đã báo trước cho Ngài (x. Mt 1,23), nên đôi chân các Ngài đã không còn được bước đi trên hành trình của con người, nhưng trên đường của Thiên Chúa khi Thiên Chúa thay đổi và hướng dẫn những bước chân ấy đến những nơi hoàn toàn xa lạ theo như ý muốn mầu nhiệm của Ngài.

Lần thứ ba có lẽ là cuộc ra đi bi hùng, nguy hiểm hơn cả, vì là cuộc chạy trốn để bảo toàn tính mạng của Hài Nhi Giêsu khi vua Hêrôđê phát lệnh truy lùng và tàn sát “vua dân Do Thái mới sinh ra” (x. Mt 2,2). Vừa được sứ thần báo mộng, Thánh Giuse “liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (Mt 2,14). Và lần này cũng như những lần trước, vẫn là những bước chân vội vã, bất ngờ, không hề được chuẩn bị, dự liệu. Lên đường lần thứ tư được Tin Mừng kể lại là bước chân hồi hương sau những ngày tị nạn trên “đất khách quê người”. Lần này cũng thật bất ngờ, và cũng chỉ được sứ thần báo mộng : “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi” (Mt 2,20).

Chuyến đi thứ năm là hành trình lên Giêrusalem dâng Hài Nhi Giêsu cho Thiên Chúa theo như Luật định. Lần đi này được xem như không có gì trắc trở, vì mọi sự được nằm trong kế họach, nếu không có lời tiên tri sắc như dao làm nát gan, đứt ruột Thánh Giuse của cụ già Simêon về Con Trẻ Giêsu và mẹ Người: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,34-35).

Lần cuối cùng nhắc đến Thánh Giuse, Tin Mừng Luca cũng không bỏ quên những bước chân. Nhưng lần này là những bước chân “tìm con” nặng trĩu lo buồn: buồn vì để lạc mất con, lo vì không biết con mình ở đâu, đói khát thế nào… Mặc cảm thiếu trách nhiệm khi cả hai “ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm” (Lc 2,44-45) càng thiêu đốt, xé nát tâm can hai ông bà.

Đi theo Thánh Giuse trên những bước chân của Ngài, chúng ta thấy cuộc đời Ngài gắn liền với những lần ra đi, trở về, như những lần “ra đi, trở về” theo tiếng gọi của Giavê Thiên Chúa đã làm nên hành trình đức tin của những Ápraham, Ixaác, Giacóp, Môsê, các ngôn sứ trong Cựu Ước … và của các tông đồ, môn đệ Đức Giêsu trong Tân Ước.

Bước đi như người công chính

Người công chính là người luôn sẵn sàng đáp trả đúng lúc, đúng nơi lời mời gọi của Thiên Chúa, như Thánh Giuse trên suốt hành trình dương thế nhiều thách đố, gian truân, nhiều trái ý, nghịch lòng, nhiều nhọc nhằn, vất vả, nhiều thử thách, nguy hiểm, và trong mọi tình huống, Ngài đã luôn đặt mình sẵn sàng trước Thánh Ý và tuyệt đối vâng phục Lời Thiên Chúa dạy. Nhờ tinh thần sẵn sàng của người công chính nơi Ngài mà mọi chương trình của Thiên Chúa có trên Ngài đã được thể hiện “đúng nơi, đúng lúc” như ý muốn thánh thiện của Thiên Chúa.

Tin Mừng cho chúng ta biết: là người khôn ngoan, có trách nhiệm, Thánh Giuse luôn suy nghĩ, tính toán thế nào để Đức Mẹ và Chúa Giêsu được bảo vệ an toàn, được chăm sóc chu đáo, được nuôi nấng đầy đủ, được hạnh phúc, yên ấm.

Song Tin Mừng cũng cho chúng ta thấy: hầu hết những kế hoạch, chương trình được Thánh Giuse cẩn thận chuẩn bị, sắp xếp kỹ lưỡng đều đã không được thực hiện như ý Ngài muốn, nhưng bất ngờ bị đảo lộn, hủy bỏ ở giờ chót, thay vào là những bước đi mới, những hành trình đến những địa chỉ hoàn toàn xa lạ, những tình huống, biến cố, công việc không hề được nghĩ trước, nhưng tất cả được thực hiện một cách khác: khác với ý của con người, khác để theo Thánh Ý Thiên Chúa, khác để phù hợp với Lời Hứa của Thiên Chúa, khác để mọi việc xảy ra “đúng nơi, đúng lúc” như kế hoạch mầu nhiệm đã có từ đời đời của Thiên Chúa.

Và Thánh Giuse đã đón nhận tất cả những “cái khác” được Thiên Chúa truyền dạy và hướng dẫn thực hiện với tâm tình và thái độ của người công chính, đó là sẵn sàng vâng phục và làm theo Thánh Ý.

Bước đi như người tôi tớ trung thành

Lòng trung thành của người tôi tớ trước hết phải được xây trên nền tảng tự do, nên quan niệm tôi tớ là người không còn tự do là một quan niệm sai lầm và nguy hại, bởi không có tự do, sẽ không có tình yêu, mà trung thành là hoa trái của lòng yêu mến, nên sẽ không có tôi tớ trung thành mà ghét bỏ ông chủ, cũng không có tôi tớ bị tước đọat hết tự do mà trung thành.

Thánh Giuse là người tôi tớ tự do của Thiên Chúa. Bằng chứng là Ngài đã tự mình toan tính bỏ Đức Mẹ mà ra đi cách kín đáo, vì không muốn “làm lớn chuyện” sợ ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của Đức Mẹ, nhưng khi được biết sự thật qua sứ thần Chúa, Ngài đã tự nguyện thay đổi toàn bộ: đã bỏ ngay ý riêng với kế hoạch bỏ Đức Mẹ, vì yêu mến Thiên Chúa và mau mắn thực hiện Thánh Ý là đón Đức Mẹ về nhà mình với tất cả tự do của người tôi tớ trung thành.

Như thế, tôi tớ trung thành là người tự nguyện từ bỏ quyền làm chủ đời mình, như “ông Ápraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11,8); là người tự nguyện ký thác những bước chân đời mình cho Thiên Chúa và để được hướng dẫn bởi Thiên Chúa; là người tự nguyện buông lỏng đời mình theo dòng nước Thánh Ý, như Đức Giêsu đã quả quyết: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34); là người tự nguyện phó thác cuộc đời như đoàn chiên tin tưởng, ký thác mạng sống mình cho chủ chăn, vì biết “chủ chăn nhân lành sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11), và Ngài “sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh” (Kh 7,17).

Vì tự do yêu mến, tự do đón nhận Thánh Ý, tự do từ bỏ quyền làm chủ, tự do để Thiên Chúa dẫn đi, tự do phó thác vào tình thương quan phòng của Chúa là Mục Tử (x .Tv 23), Thánh Giuse đã không bỏ cuộc dù hành trình nhiều gian khó, không tuyệt vọng dù đường dài nhiều chông gai, nhưng bình an bước đi dưới ánh sáng yêu thương của Thiên Chúa, mà không nghi nan, sợ hãi, vì tin: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính, vì danh dự của Người… ” (Tv 22,1-3). Đây mới đích thực là tinh thần của người tôi tớ trung thành, vì với tự do và trong tình yêu, chúng ta mới thực sự trở thành người tôi trung của Thiên Chúa, như Thánh Giuse.

Quả thực, người tôi tớ trung thành trên hết và trước hết phải là người yêu mến, tin tưởng và phó thác vào ông chủ, vì chỉ như thế, người tôi tớ mới có thể sẵn sàng làm theo ý chủ, vui vẻ phục vụ chủ, sống chết với chủ, như Thánh Giuse trung thành làm theo Thánh Ý Chúa, phụng sự Chúa và chết sống với Chúa.

Lạy Thánh Cả Giuse, xin nắm tay chúng con đi theo Ngài trên hành trình làm người, làm con Chúa, bởi đường đời trăm ngả, ngàn lối, và đầy cạm bẫy, chông gai. Nếu không được tình cha của Thánh Cả soi lối chỉ đường, cầm tay dẫn dắt, chúng con sẽ khó có thể bước đi bằng đôi chân của người công chính và người tôi tớ trung thành, để gặp được Thiên Chúa, gặp được anh em là đích tới bình an của hành trình dương thế chúng con phải đạt.”

Nắng Tím

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2025. All Rights Reserved.