Suy Niệm Lời Chúa – Chúa Nhật VII Phục Sinh  – Lễ Chúa Thăng Thiên

SỨ VỤ CỦA KITÔ HỮU: ĐƯỢC SAI ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG

(Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mc 16,15-20)

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ,
loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”
(Mc 16,15)

Các bài đọc hôm Lời Chúa hôm nay đề cập đến biến cố Đức Giêsu Kitô thăng thiên (lên Trời) nhưng sứ điệp lại nhấn mạnh đến việc sai đi loan báo Tin Mừng (truyền giáo). Đó là cách các Tông Đồ tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu. Nhờ đó, các Tông Đồ cùng với những ai đón nhận sứ điệp Tin Mừng sẽ được chung phần vinh quang của Đức Giêsu Kitô trong Nước Trời.

Bài đọc I(Cv 1,1-11):

Cv 1,1-11 với Lc 24,50-53 (của cùng một tác giả Luca) là hai đoạn văn Tân Ước minh nhiên trình thuật biến cố Đức Giêsu Kitô thăng thiên. Dầu vậy, bản văn Cv nhấn mạnh đến lệnh truyền “Loan báo Tin Mừng”. Đây là một sứ vụ tiếp nối chương trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Vì chủ đích này, ngay những câu đầu tiên, Sách Công vụ Tông Đồ đã tóm lược nội dung Tin Mừng theo Thánh Luca, đó là “tường thuật tất cả những việc Đức Giêsu làm và những điều Người dạy, kể từ đầu cho đến ngày Người được rước lên trời” (Cv 1,1-2a) mà các Tông Đồ đã tận mắt thấy tai nghe. Biến cố Đức Giêsu Kitô thăng thiên kết thúc giai đoạn “Công bố Tin Mừng” của Đức Giêsu từ Galilêa đến Giêrusalem; đồng thời mở ra một giai đoạn mới là “Loan báo Tin Mừng” của các Tông Đồ từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất.

Đức Giêsu đã được nhận Chúa Thánh Thần trong biến cố chịu Phép Rửa và để Người tác động trong suốt sứ vụ của mình thế nào, thì lúc này “anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em” để dưới tác động của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ được sai đi làm chứng nhân cho Đức Giêsu Kitô “tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa, Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”.

Biến cố lên Trời của Đức Kitô làm cho tâm trí các Tông Đồ “hướng về trời”, nhưng phải được thực hiện bằng việc “trở lại mặt đất” để loan báo Tin Mừng. Nhờ thế, một ngày nào đó, Đấng vừa lên trời vinh hiển mà các Tông Đồ vừa chiêm ngưỡng lại đến trong vinh quang để đón các ông và những kẻ tin cùng lên trời.

Bài đọc 2(Ep 1,17-23):

Đức Giêsu Kitô thăng thiên là bảo chứng cho niềm hy vọng và là gia nghiệp cho những ai ra đi loan báo Tin Mừng, và cho cả những kẻ đón nhận Tin Mừng. Qua sự kiện này, quyền lực vô biên Thiên Chúa được biểu dương nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chịu khổ nạn, chịu chết, đã phục sinh và nay lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa, qua việc tôn vinh Người làm Chúa trên mọi quyền lực thần thiêng.

Khi được siêu thăng, Đức Giêsu Kitô có quyền năng trên tất cả mọi sự và được đặt làm Đầu của Hội Thánh. Là thân thể có Đức Giêsu Kitô là Đầu, Hội Thánh chính là sự viên mãn của Người. Đồng thời, vì Hội Thánh vừa là chứng nhân của các sự kiện liên quan đến cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu, vừa được chia sẻ quyền năng của Người nên có sứ mạng loan báo Tin Mừng để làm cho tất cả mọi người được viên mãn trong Đấng vừa được siêu thăng.

Bài Tin Mừng(Mc 16,15-20):

Loan báo Tin Mừng là mệnh lệnh cuối cùng mà Đức Giêsu Kitô truyền cho các Tông Đồ trước khi thăng thiên. Vì thế, sứ vụ này rất quan trọng. Đức Giêsu Kitô truyền dạy: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loại thọ tạo” (Mc 16,15). Lệnh truyền này khiến các môn đệ phải “đi ra” loan báo Tin Mừng (truyền giáo), hầu đem lại ơn cứu độ cho người đón nhận, chỉ cần họ chịu Phép Rửa và tin vào Đức Giêsu Kitô.

Đến lượt những người tin này lại trở thành những sứ giả tiếp tục ra đi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Họ sẽ được Đức Giêsu cùng hành động bằng việc được chia sẻ quyền năng của Người để thi hành sứ vụ, chẳng hạn: trừ quỷ, nói tiếng lạ, cầm được rắn, uống nhằm thuốc độc cũng chẳng sao, chữa bệnh…

Riêng các Tông Đồ, chính lúc Đức Giêsu Kitô kết thúc sứ vụ của Người ở trần gian, các ông lại bắt đầu sứ vụ của mình bằng cách đi khắp nơi loan báo Tin Mừng. Khi làm như vậy, các Tông Đồ tiếp nối sứ vụ cứu độ mọi người của Đức Giêsu Kitô, và vì thế “có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,20).

GỢI Ý SUY NIỆM:

  1. “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđê, Sammari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Đức Giêsu Kitô thăng thiên nhưng Ngài truyền cho các Tông Đồ, tức là Hội Thánh tiếp nối công cuộc cứu chuộc của Người cho đến mọi miền trên trái đất. Thi hành lệnh truyền này là sứ vụ cốt yếu làm nổi bật căn tính của Hội Thánh và cũng là của mỗi Kitô hữu. Sự sống còn của Hội Thánh tùy thuộc vào sứ vụ này. Trong năm canh tân đời sống giáo xứ và các cộng đoàn tu trì, phải chăng là mỗi giáo xứ, mỗi dòng tu, mỗi đoàn thể và nhất là mỗi Kitô hữu phải trở nên chứng nhân trung thành của Đức Kitô, nghĩa là đem Tin Mừng đến mọi người mọi nơi? Sứ vụ này bắt đầu từ “Giêrusalem”, phải chăng đó là bắt đầu từ môi trường mình đang sống, qua những lời nói và gương sáng trong đời sống hằng ngày, rồi sau đó lan tỏa sang môi trường rộng hơn, và cuối cùng “đến tận cùng trái đất”?
  2. Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy”(Cv 1,8). Nếu các Tông Đồ đã được Đức Giêsu tuyển chọn nhờ Thánh Thần (Cv 1,2) thì cũng sẽ nhờ Thánh Thần để sai đi loan báo Tin Mừng và làm Phép Rửa (Cv 1,5.8). Việc loan báo Tin Mừng là sứ vụ của Hội Thánh nhưng do tác động của Chúa Thánh Thần và có Đức Giêsu Kitô cùng hoạt động. Phải chăng khi thực hiện sứ vụ truyền giáo, mỗi Kitô hữu chúng ta cần hành động theo sự tác động khôn ngoan của Chúa Thánh Thần? Chúng ta có ý thức rằng mặc dù Đức Giêsu đã lên Trời nhưng Ngài vẫn đang “cùng hoạt động” với mỗi Kitô hữu dưới thế đang thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, và Người sẽ dùng các “dấu lạ” để xác nhận công việc truyền giáo này của Hội Thánh (Mc 16,20)?
  3. Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời?”(Cv 1,11). Thánh lễ hôm nay nhắc nhở chúng ta hướng lòng về trời, nơi mà Đức Giêsu đã lên để chuẩn bị và sẽ lại đến để đón chúng ta. Tuy nhiên, các Kitô hữu không thể cứ đứng đó “nhìn trời” mà chờ, nhưng muốn về trời thì trước hết phải “ra đi” sống đời chứng nhân trước đã, nghĩa là “ra đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), nhất là đến với những người bị dạt ra ở “vùng ngoại ô” của cuộc sống. Phải chăng điều Chúa muốn là một Hội Thánh “nhập thế” hay “vào đời”? Đó là điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô thao thức trong Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng: “Tôi muốn có một Hội Thánh bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Hội Thánh bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục” (số 49).
  4. Có nhiều cách thế để loan báo Tin Mừng, nhưng các phương tiện truyền thông xã hội đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Tân Phúc Âm hóa ngày hôm nay. Do đó, Hội Thánh hoàn vũ đã chọn lễ Thăng Thiên hằng năm làm Ngày Quốc tế về Truyền thông để loan báo Tin Mừng. Cũng vậy, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã lấy ngày này làm ngày Truyền Thông của Hội Thánh Việt Nam (quyết định trong Hội nghị kỳ I-2009 tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, Vũng Tàu). Các hình thức truyền thông đều có thể được sử dụng làm phương tiện tốt để loan báo Tin Mừng. Dựa theo tinh thần đó, mỗi Giáo xứ hay tổ chức Dòng tu, mỗi Cộng đoàn hay Nhóm…  có nên tìm cách sử dụng cách hợp lý những phương tiện truyền thông xã hội như một bản tin, một tập san của giáo xứ; sách vở, CD hay VCD được phát hành; hoặc là mạng internet, trang web, facebook… như là những phương thế mới để loan báo Tin Mừng cho con người thời nay hay không?

 

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2025. All Rights Reserved.