Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

ĐƯỢC SAI ĐI LÀM CHỨNG

(Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23)

Chúa Giêsu Phục Sinh nói với các môn đệ:
“Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy,
thì Thầy cũng sai anh em.”
Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo:
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”
. (Ga 20,21)

Thánh Thần được ban xuống trên các môn đệ mở ra một khởi đầu mới trong sứ vụ làm chứng của cộng đoàn các môn đệ thời sơ khai. Lãnh nhận Thánh Thần, được đi loan báo và làm chứng về mầu nhiệm Phục Sinh, là căn tính và lẽ sống của Giáo Hội mọi thời.

Bài đọc 1:

Sau khi Chúa Giêsu về trời, nhóm môn đệ đồng tâm nhất trí họp nhau trong khung cảnh cầu nguyện (x. Cv 1,14.24), chờ lãnh nhận “quyền năng từ trên cao ban xuống” (Lc 24,49) là “phép rửa trong Thánh Thần” như lời Chúa Giêsu Phục Sinh đã hứa (Cv 1,5). Chính trong cuộc họp mặt vào ngày lễ Ngũ Tuần đó mà các môn đệ đã nhận được ơn Thánh Thần, làm các ông can đảm làm chứng.

Trước hết, Thánh Thần là ơn sức mạnh giúp các môn đệ can đảm. Quả vậy, dấu chỉ của Thánh Thần là tiếng động từ trời như tiếng gió mạnh, ùa vào đầy cả căn nhà (x. Cv 2,2). Sức mạnh của Thánh Thần xâm chiếm tâm hồn các môn đệ, xua tan sự nhát đảm và sợ hãi đang giày vò lòng các ông. Và chính “sức mạnh của Thánh Thần” sẽ biến các môn đệ thành những chứng nhân nhiệt thành cho Người. Sau này, khi loan báo về Chúa Giêsu Phục Sinh, các môn đệ luôn xác tín về vai trò của Thánh Thần: “Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người” (Cv 5,32).

Sau nữa, Thánh Thần ban cho các môn đệ khả năng dùng ngôn ngữ để loan báo về Chúa Kitô Phục Sinh. Thật vậy, khi các môn đệ “được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,4). Dấu chỉ nhận ra Thánh Thần là những hình giống như “lưỡi lửa” (Cv 2,3) và tác động rõ ràng nhất của Thánh Thần trên các môn đệ là khả năng liên quan đến ngôn ngữ. Nhờ ơn Thánh Thần, các môn đệ loan báo cho những người nghe, bất luận họ là ai, thuộc quốc gia, dân tộc hay ngôn ngữ nào, giúp họ hiểu và nhận ra những kỳ công của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô (x. Cv 2,11). Bởi sứ mạng làm chứng không chỉ giới hạn tại Giêrusalem, Giuđê hay Samari mà vươn đến tận cùng trái đất (x. Cv 1,8).

 Bài đọc 2:

Trong bối cảnh cộng đoàn Côrintô đang có những chia rẽ (1 Cr 11,18) và việc lạm dụng những ân huệ Thánh Thần theo kiểu những lễ hội ngoại giáo, gây ra những xáo trộn trong cộng đoàn (1 Cr 12,2-3), thánh Phaolô nhấn mạnh vai trò hiệp nhất của Thánh Thần.

Thánh Phaolô khẳng định rằng dù có nhiều đặc sủng, nhưng chỉ có một Thần Khí; dù có nhiều công việc phục vụ nhưng chỉ có một Đức Kitô; dù có nhiều hoạt động khác nhau nhưng chỉ có một Thiên Chúa (1 Cr 12,4-6). Thần Khí là tác động liên kết và hiệp nhất. Quả vậy, Thần Khí được ban nơi mỗi người khác nhau, nhưng đều hướng đến lợi ích chung của cộng đoàn (1 Cr 12,7). Tuy Thần Khí tỏ ra nơi mỗi người dưới những hình thức khác nhau, bằng những ân huệ khác nhau để phục vụ cho những nhu cầu khác nhau, nhưng tất cả đều nhằm phục vụ cho lợi ích chung của cộng đoàn là sự hiệp nhất. Như thế, dấu chỉ để nhận biết những ân huệ của Thánh Thần, xem chúng có xuất phát từ Thần Khí thật hay không, là sự hiệp nhất mà những ân huệ đó mang lại cho cộng đoàn.

Thật vậy, thánh Phaolô dùng hình ảnh của thân thể để cho thấy sự hiệp nhất mà Thần Khí mang lại (1 Cr 12,12-13). Dù người ta có khác nhau về chủng tộc, địa vị xã hội hay giai cấp, một khi chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí, thì đều được hiệp nhất với nhau như các chi thể trong cùng một thân thể. Các bộ phận trong thân thể dù khác nhau về hình dáng, kích thước, chức năng, nhưng được liên kết và hiệp nhất với nhau trong cùng một thân thể. Đức Kitô cũng vậy: bản thân Người là nguyên lý thống nhất, làm cho các Kitô hữu được hợp nhất nên một (1 Cr 12,12).

Bài Tin Mừng:

Trong lúc các môn đệ đang hoang mang, lo sợ, Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra, ban bình an (Ga 20,19.21), củng cố niềm tin và mang lại cho các ông niềm vui vì được thấy Chúa (Ga 20,20). Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là việc Chúa Phục Sinh ban Thánh Thần cho các môn đệ và sai các ông đi làm chứng cho Người.

Chúa Kitô Phục Sinh ban Thánh Thần cho các môn đệ. Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, hai tác giả Mátthêu và Máccô không hề nói đến vai trò của Thánh Thần khi Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ đi; còn theo Tin Mừng Luca thì Chúa Giêsu chỉ nhắc các môn đệ hãy chờ “quyền năng từ trời cao ban xuống”, Đấng mà Người “sẽ gởi” (Lc 24,49). Như thế, tác giả Luca chỉ muốn loan báo ở cuối Tin Mừng về quyền năng từ trên cao, để rồi trình bày cách rõ hơn trong sách Công Vụ Tông Đồ về quyền năng và hoạt động của Thánh Thần (x. Cv 1,4-5.8; 2,1-11). Trái lại, Tin Mừng Gioan nối kết vai trò của Thánh Thần với sứ mạng được sai đi của các môn đệ (Ga 20,21-22). Chính Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ ra đi và ban Thánh Thần cho các ông (Ga 20,23). “Lãnh nhận ơn Thánh Thần” và “được sai đi” gắn liền với nhau cách mật thiết.

Quả vậy, sứ mạng làm chứng của các môn đệ phát xuất từ biến cố phục sinh (x. Mt 28,18-20; Mc 16,15-18.20; Lc 24,46-48; Cv 1,7-8). Sứ mạng này là một diễn tiến liên tục với sứ mạng của Đức Giêsu bắt nguồn từ Chúa Cha: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21; x. Ga 17,18). Tin Mừng Gioan nhắc đi nhắc lại nhiều lần việc Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến thế gian (5,23-24.30; 6,38-39; 7,29; 8,18.29.42; 11,42.44-45; …), nhưng đây là lần duy nhất Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ đi, theo cùng một cách thức như Người đã được Chúa Cha sai đi. Như thế, theo cái nhìn của Tin Mừng thứ tư, biến cố phục sinh là mốc điểm quan trọng của sứ mạng “được sai đi”, sứ mạng gắn liền với ơn Thánh Thần.

GỢI Ý SUY NIỆM:

1/ Sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật biến cố xảy ra trong ngày lễ Ngũ Tuần khi Thánh Thần được ban cho các môn đệ, nhờ đó họ can đảm và có khả năng ngôn ngữ để mạnh dạn rao giảng về Chúa Kitô Phục Sinh cho những người thuộc các quốc gia, dân tộc hay ngôn ngữ khác nhau. Qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức, khi các Kitô hữu nhận được ơn Thánh Thần, họ cũng được trao cho sứ mạng làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh. Một khi nhận được “lưỡi lửa” từ Thánh Thần, các môn đệ mọi thời được thôi thúc “nói” về Chúa Kitô cách xác tín, hăng say và can đảm.

2/ Trong bối cảnh cộng đoàn đang có những sự chia rẽ, thư thứ nhất của thánh Phaolô gởi các tín hữu Côrintô nhấn mạnh vai trò hiệp nhất của Thánh Thần. Dù Thánh Thần ban cho mỗi người những ân huệ khác nhau để phục vụ cho những nhu cầu khác nhau, nhưng tất cả đều nhằm mang lại lợi ích chung của cộng đoàn là sự hiệp nhất. Và dù người ta có khác nhau về chủng tộc, địa vị xã hội hay giai cấp, một khi chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí, thì đều được hiệp nhất với nhau như các chi thể trong cùng một thân thể. Tất cả những ai chịu phép rửa trong cùng một Thánh Thần đều đòi buộc phải hiệp nhất với nhau vì lợi ích của cộng đoàn là thân thể mà Đức Kitô là đầu.

3/ Tin Mừng thứ tư liên kết việc Chúa Giêsu ban Thánh Thần cho các môn đệ và việc Người sai các ông ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Thánh Thần được ban cho các môn đệ để các ông được sai đi thực thi sứ mạng làm chứng. Chúa Cha sai Chúa Con đến thế gian thế nào, thì với ơn Thánh Thần, các môn đệ cũng được Chúa Con sai đến với muôn dân như vậy. Khi nhận được ơn Thánh Thần từ Đấng Phục Sinh, các Kitô hữu cũng đồng thời được Người sai đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh; loan báo không chỉ bằng lời nói mà trên hết là bằng cuộc sống chứng nhân giữa đời.

 

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2025. All Rights Reserved.