CHÚA NHẬT LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ – NĂM B

LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ

Giao Ước mới của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa

“Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.
Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,22.24)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Các bài đọc trong ngày lễ hôm nay đề cập tới Giao Ước giữa Thiên Chúa và con người. Giao Ước này được khởi đầu trong lịch sử cứu độ của Dân Do Thái và được hiện thực cách trọn vẹn trong Đức Giêsu Kitô.

    1. Bài đọc I (Xh 24,3-8)

Nói về giao ước giữa dân Israel và Thiên Chúa sau khi họ được Thiên Chúa giải thoát khỏi Ai Cập (Xh 19,1). Dân chúng đã tụ tập dưới chân núi Sinai và Môsê, sau khi lên núi để đàm đạo với Thiên Chúa, đã truyền đạt tất cả những lời và mọi điều luật của Thiên Chúa cho dân chúng. Môsê đã lập bàn thờ và xung quanh bàn thờ ông dựng 12 trụ đá. Sau khi đã hoàn tất việc chuẩn bị, ông thi hành nghi thức giao ước bằng việc lấy máu chiên bò rảy trên bàn thờ và trên dân chúng. Với Giao ước này Thiên Chúa trở nên Thiên Chúa của dân Israel, Người là Đấng chăm sóc, hướng dẫn và bảo vệ họ; phần họ trở nên dân của Thiên Chúa; họ tuyên hứa sẽ tuân giữ tất cả những gì Đức Chúa phán.

Máu là biểu tượng của sự sống. Vì thế, giao ước tại Sinai được thiết lập thành một sự hiệp nhất thâm sâu giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Thế nhưng, trong hành trình lịch sử của mình, dân Do Thái đã nhiều lần vi phạm những gì đã cam kết với Thiên Chúa trong Giao ước Sinai.

Giao Ước mới mà trong thư gởi tín hữu Do Thái và Tin Mừng Marcô nói tới là giao ước không còn dùng những nghi thức bên ngoài hay dùng máu chiên bò làm biểu tượng của giao ước. Giao ước mới là chính thịt và máu của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.

    1. Bài đọc II (Dt 9,11-15)

Tác giả thư Do Thái nhận biết hiến tế của Đức Giêsu có giá trị duy nhất và cao cả nhất của Giao Ước mới. “Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Ngài vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta”. Dân Do Thái vào dịp đầu năm mới, họ cử hành lễ Yom Kippur, ngày lễ xá tội, trong đó họ ăn chay, cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và cử hành các nghi thức hiến tế máu các vật hi tế. Đỉnh điểm của lễ Yom Kippur đó là vị thượng tế rảy máu các con vật hiến tế lên hòm bia giao ước. Hành vi nói lên sự tái lập lại mối tương giao sống còn giữa Thiên Chúa và dân Ngài.
Của lễ xá tội độc nhất và hữu hiệu nhất là hi tế của Đức Giêsu: “máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy” so với máu của chiên bò, bởi vì “Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống”.

    1. Tin Mừng (Mc 14,12-16.22-26)

Chúa Giêsu đã thiết lập Giao Ước mới trong bữa ăn Vượt Qua, trong những giây phút cuối cùng của Ngài trước khi chịu cuộc thương khó. Trong khi dùng bữa với các môn đệ, Chúa Giêsu đã cầm lấy bánh và rượu, dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và nói: “Đây là mình Thầy và đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn dân”. Qua lời của Chúa Giêsu chúng ta hiểu rằng Ngài thiết lập Giao Ước mới bằng chính hi tế của cuộc sống Ngài vì muôn người. Ngài đã không tìm kiếm một vật hiến tế nào để thay thế, mà Ngài lấy sự đau khổ, sự hiến dâng chính bản thân để làm của lễ Giao Ước. Giao Ước mới này được dành cho “muôn người”, chứ không dành riêng cho một dân tộc nào.

II. GỢI Ý SUY NIỆM:

    1. Đức Giêsu đã thiết lập Giao Ước mới, giao ước của tình yêu qua sự hiến dâng chính bản thân mình làm của lễ cứu chuộc con người. Giáo hội vẫn nhắc nhớ và hiện thực hóa giao ước này trong Bí tích Thánh Thể, như lời Ngài đã truyền dạy: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Chúng ta có thái độ và tâm tình thế nào đối với Bí tích Thánh Thể? Chúng ta có thực sự ý thức sâu xa về ý nghĩa và tầm quan trọng của Giao Ước tình yêu trong Bí tích Thánh Thể cho đời sống thiêng liêng của chúng ta không? Là những người được chính Đức Kitô cứu chuộc bằng chính mình và máu của Ngài, chúng ta hãy yêu mến và để cho hiến tế tình yêu này nuôi sống đời sống của chúng ta.
    2. Chúng ta được Đức Giêsu nuôi dưỡng bằng chính thân thể Ngài, thế nhưng đôi khi chúng ta có thái độ thờ ơ hay không cảm nhận được quà tặng cao quí này. Dường như ngày hôm nay, chúng ta đến tham dự Bí tích Thánh Thể thì nhiều, nhưng chúng ta lại không chuẩn bị tâm hồn hay ao ước để lãnh nhận của ăn thiêng liêng là Mình và Máu Đức Kitô. Chứng “biếng ăn thiêng liêng” sẽ làm cho chúng ta èo ọt về đời sống thiêng liêng. Hãy siêng năng chạy đến với bí tích tình yêu này. Chúng ta được mời tới tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể. Chúng ta được mời đến để dùng bữa chứ không đến để nhìn “thực đơn” mà thôi.
    3. Bí tích Thánh Thể là bí tích của tình yêu, của sự trao ban mà không tính toán. Lãnh nhận sức sống tình yêu này, chúng ta được mời gọi trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” trong đời sống trao ban và yêu thương. Hãy để cho Mình và Máu của Đức Kitô thấm nhập vào chính thân thể và đời sống của chúng ta.

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2024. All Rights Reserved.