CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM B

ĐƯỢC SAI ĐI LÀM CHỨNG CHO CHÚA
(Am 7,12-15; Ep 1,3-14; Mc 6,7-13)

 “Đức Giêsu gọi nhóm Mười Hai và bắt đầu sai đi; các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối” (Mc 6,7.12a)

CÁC BÀI ĐỌC

Các bài đọc hôm nay nhấn mạnh đến sứ vụ làm chứng cho Chúa (truyền giáo). Về nguồn gốc, sứ vụ này là một ơn gọi, vì được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đi. Về mục đích, sứ vụ này nhắm đến việc rao giảng về chương trình cứu độ của Thiên Chúa bằng lời nói và hành động để kêu gọi người ta ăn năn sám hối để được đón nhận ơn cứu thoát.

  1. Bài đọc I (Am 7,12-15):

Bài đọc I cho thấy người làm chứng cho Chúa qua sứ vụ ngôn sứ không phụ thuộc vào một miền đất nhất định nào đó, và sứ vụ đó không phải do ý muốn hay nỗ lực cá nhân, nhưng do Thiên Chúa tuyển chọn.

Về hoàn cảnh lịch sử, sau khi vua Salômon qua đời (năm 931 Tcn), mười hai chi tộc Israel phân chia: 2 chi tộc trung thành với vương triều Đavít lập thành vương quốc Giuđa ở phía Nam; 10 chi tộc còn lại tách ra thiết lập vương quốc Israel ở phía Bắc.

Ngôn sứ Amốt xuất thân từ vương quốc Giuđa, nhưng được Thiên Chúa sai đi thi hành sứ vụ ở vương quốc Israel. Vị ngôn sứ loan báo lời Chúa với dân chúng đang sống trong cảnh thanh bình và thịnh vượng, xét về bên ngoài. Tuy nhiên, xã hội đầy dẫy những bất công ở bên trong, người giàu có và quyền thế đàn áp bóc lột dân nghèo trong xứ. Bên cạnh đó, ngôn sứ Amốt còn lên án mạnh mẽ việc thực hành tôn giáo mà thiếu đời sống luân lý lành mạnh. Thêm vào đó, khi thấy hiểm họa xâm lăng của các đạo quân Átsua, ông đã tiên báo rằng vua Giơrôbôam sẽ bị ám sát và Israel sẽ bị đi lưu đày, nhằm cảnh báo vua và dân để giúp họ hồi tâm, thay đổi lối sống mà trở lại cùng Thiên Chúa để được cứu thoát.

Sứ vụ của vị ngôn sứ gặp nhiều khó khăn. Vì trung thành loan báo sứ điệp của Thiên Chúa, nên ngôn sứ Amốt bị dân chúng ghét bỏ, vị tư tế Amátgia ở Đền thờ Bết Ên đã trục xuất ông về vương quốc Giuđa. Tuy nhiên, ngôn sứ Amốt đã nhất quyết ở lại Israel để thi hành sứ vụ của mình, vì ông ý thức được rằng sứ vụ đó không xuất phát từ bản thân nhưng từ Thiên Chúa. Ông tự nhận “tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ” (Am 7,14), nhưng “chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi và đã truyền cho tôi ‘Hãy đi tuyên sấm cho Israel’” (Am 7,15). Do đó, ông sẽ không từ bỏ sứ vụ đó bao lâu sứ điệp của Thiên Chúa chưa được thực hiện.

  1. Bài đọc II (Ep 1,3-14):

Bài đọc II là một bài thánh ca tạ ơn theo cách thức cầu nguyện truyền thống của Do Thái, có nội dung chính mang tính Kitô học, nói về vai trò trung tâm của Đức Kitô trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi; đồng thời, đó cũng là một bài mặc khải về ý định cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người.

Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn chúng ta từ trước cả khi tạo thành vũ trụ, đã thi ân giáng phúc, cho hưởng ân huệ của Thánh Thần để chúng ta được trở nên tinh tuyền thánh thiện, được làm nghĩa tử, và nhờ Máu Đức Kitô đổ ra, chúng ta được cứu chuộc và thứ tha tội lỗi, và quy tụ muôn loài dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô.

Nhưng làm sao để con người nhận ra ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa và vai trò của Đức Kitô trong chương trình cứu độ của Người, nếu không nhờ vào việc làm chứng của các tông đồ. Quả thật, các tông đồ là “những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô” và “ngợi khen vinh quang của Người” (Ep 1,12), và đến lượt ra đi làm chứng để “trong Đức Kitô, cả anh em nữa, anh em đã được nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em” và “một khi đã tin như thế, anh em được đóng ấn Thánh Thần” (Ep 1,13a).

  1. Bài Tin Mừng (Mc 6,7-13):

Bài Tin Mừng hôm nay nói về sứ vụ của Nhóm Mười Hai, tức các tông đồ. Đoạn Tin Mừng được chia làm hai phần chính: Đức Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi loan báo Tin Mừng (Mc 6,7-11) và các ông thi hành sứ vụ đó (Mc 6,12-13). Quả thật, Đức Giêsu đã lập Nhóm Mười Hai với mục đích: để các ông ở với Người và để sai các ông đi rao giảng (Mc 3,14). Như thế, sau khi “đã ở với Người”, các ông được sai đi làm chứng để tiếp tục sứ vụ của Người.

Đức Giêsu sai các tông đồ đi từng hai người một để nói lên rằng chứng của các ông về Đức Giêsu là chứng thật vì theo quy định của Lề Luật, một lời chứng chỉ có giá trị nếu có hai nhân chứng trở lên (x. Đnl 17,6; 19,15; Ds 35,30; Mt 18,16; Ga 8,16-17). Hơn nữa, đi từng hai người một không chỉ để an toàn và giúp đỡ nhau, nhưng quan trọng hơn là để biểu lộ tinh thần hiệp nhất và nói lên việc làm chứng cho Tin Mừng này mang chiều kích cộng đoàn.

Gắn liền với việc sai đi rao giảng, Đức Giêsu ban cho các tông đồ quyền trên các thần ô uế, tức trừ quỉ (Mc 6,7). Điều đó muốn nói lên rằng các cách thế căn bản được thể hiện trong sứ vụ làm chứng của các ông là loan báo Tin Mừng và chữa lành cả thể lý: bệnh tật; lẫn tinh thần: trừ quỉ (Mc 3,14-15; 6,7.12-13). Đây cũng chính là sứ vụ của Đức Giêsu (Mc 1,14-15; 1,21-27; 1,39). Như thế, các tông đồ là người tiếp tục sứ vụ của chính Thầy mình. Quả thật, Đức Giêsu chia sẻ sứ vụ đó cho các tông đồ là những kẻ đã nghe lời Người và chứng kiến việc Người làm, nghĩa là đã được “huấn luyện” với Người.

Sứ điệp mà các tông đồ rao giảng là “kêu gọi người ta ăn năn sám hối” (Mc 7,12) và dĩ nhiên là vì “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”. Đó cũng chính là sứ điệp mà Đức Giêsu đã loan báo lúc bắt đầu sứ vụ rao giảng của Người (Mc 1,14-15). Sứ điệp Tin Mừng này đòi hỏi sự canh tân nơi người nghe, hầu có thể đón nhận ơn cứu thoát.

Lệnh truyền không được mang gì đi đường (Mc 7,8-9) nói lên tính cấp bách của sứ vụ loan báo Tin Mừng và sự tin tưởng ký thác hoàn toàn cho Thiên Chúa quan phòng khi thi hành sứ vụ đó. Như thế, cuộc đời tông đồ là một cuộc lữ hành. Hành trang vật chất các ông mang theo không là gì khác hơn ngoài những gì tối cần cho một lữ khách: một cây gậy, một áo choàng và đôi dép, không cần mang theo lương thực, bao bị, tiền giắt lưng và đi từ nhà nay qua nhà khác, làng này qua làng khác. Nếu không, các ông lại lo tìm kiếm những phương tiện mà quên đi mục đích. Như thế, người tông đồ không cần mang theo và cũng chẳng cần sở hữu gì cả ngoài Sứ điệp Tin Mừng.

GỢI Ý MỤC VỤ

  1. Làm chứng cho Chúa, loan báo Tin Mừng hay truyền giáo là những cách nói khác nhau về cùng một sứ vụ của Giáo Hội và của mỗi Kitô hữu. Quả thật sứ vụ này là căn tính của Giáo Hội. Sự sống còn của Giáo Hội tùy thuộc vào sứ vụ này. Chúng ta ý thức được điều đó qua việc mỗi khi tham dự Thánh lễ, trước khi ra về, mọi người được cầu chúc và mời gọi: “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an.” Như thế, Thánh Lễ chưa kết thúc mà còn kéo dài suốt cả ngày và đi vào trong cuộc sống. Nói cách khác, đây là mời gọi đi loan báo Tin Mừng. Sau khi đã tham dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể trong Thánh lễ thì đến lượt người Kitô hữu được mời gọi đem Lời Chúa, đem Đức Kitô đến cho người khác trong môi trường sống thường nhật của mình. Đó chính là đi làm chứng cho Đức Kitô giữa lòng đời.
  2. Tuy nhiên, không phải mọi người nghe đều đón nhận Sứ Điệp Tin Mừng mà người Kitô hữu loan báo. Hệ luận là trong khi hành sứ vụ, không phải lúc nào các sứ giả cũng được người ta tiếp nhận vui vẻ, nhiều khi còn bị người ta chống đối và xua đuổi như trường hợp tiên tri Amốt. Tuy nhiên, dù gặp khó khăn đi chăng nữa, người môn đệ của Đức Giêsu luôn luôn xác tín với sứ vụ của mình, vì biết rằng sứ vụ đó không do ý muốn của bản thân hay của người nào khác mà do ý muốn của Thiên Chúa.
  3. Người Kitô hữu hôm nay có cùng một sứ vụ của các tông đồ xưa kia, đó là được Đức Giêsu sai đi để tiếp tục sứ vụ của Người: rao giảng Tin Mừng và đẩy lui sự dữ. Làm chứng bằng lời nói là một khía cạnh của sứ vụ tông đồ, nhưng khía cạnh này phải được đi đôi với việc làm chứng bằng hành động trong chính đời sống mình. Sứ giả Tin Mừng không chỉ nói suông nhưng còn có bổn phận đổi mới đời sống cho dân chúng, cả về mặt tinh thần lẫn mặt vật chất. Trước hết, cần lo cho người dân “ăn năn sám hối” nghĩa là thay đổi lối sống tinh thần, hướng tới một đời sống luân lý lành mạnh, làm lành lánh dữ, đẩy lui những tệ nạn, và hướng đến một nền văn minh tình thương xuất phát từ tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô. Kế đến, khi điều kiện cho phép, cần cố gắng giúp họ cải thiện đời sống vật chất qua việc giáo dục, hướng nghiệp và chăm lo sức khỏe cho cộng đồng, vì chính Đức Giêsu và các tông đồ cũng chữa lành bệnh tật thể lý cho dân chúng trong lúc rao giảng.
  4. Một nguyên tắc nghe rất cũ nhưng luôn mới, đó là “mình không thể đem đến cho người khác điều mình không có”. Do đó, trước khi đi loan báo Tin Mừng, người sứ giả phải được đào tạo. Các tông đồ xưa, trước khi được Đức Giêsu sai đi, họ đã “ở với Người” (Mc 3,14). Qua việc “ở với Đức Giêsu” này họ đã được huấn luyện để trở thành người môn đệ, đã được nghe lời, thấy việc và nhất là kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu trong Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến. Người Kitô hữu cũng thế, cần phải được đào tạo các khía cạnh của đời sống Kitô hữu và thấm nhuần lối sống Tin Mừng. Có như thế, người Kitô hữu mới có thể đem đến cho người khác điều mình đã tin, đã hy vọng, đã yêu mến và nhất là đã sống.
Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2024. All Rights Reserved.