Chúa Nhật XX Thường Niên Năm B

LỄ ĐỨC MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI
(Kh 11,19a; 12,1-6a.10ab; 1Cor 15,20-27; Lc 1,39-56)
ĐỨC MARIA, CON NGƯỜI CỦA THIÊN CHÚA VÀ CỦA SỨ VỤ
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1,49)

CÁC BÀI ĐỌC

  1. Bài đọc I – Kh 11,19a;12,16a.10ab

Trong bài đọc thứ nhất, phụng vụ đã muốn vay mượn một số hình ảnh được mô tả trong sách Khải huyền để trình bày về khuôn mặt của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu và cũng là khuôn mặt kiểu mẫu của Giáo hội.

Hình ảnh I – Hòm bia Giao ước: hình ảnh này làm gợi nhớ đến hai bia đá ghi khắc mười điều răn, như tóm tắt những gì là cốt yếu mà Thiên Chúa muốn, qua Môsê, gởi đến cho dân của Người hầu giúp họ có thể trung tín với giao ước trong tư cách là dân đối với Thiên Chúa là Chúa của họ. Trong kinh cầu Đức Bà, ý tưởng này cũng được lập lại khi giáo hội dạy các tín hữu kêu cầu sự phù giúp của Đức Maria dưới tước hiệu: ‘Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa vậy.’

Hình ảnh II: Người phụ nữ đang đối diện với một con mãng xà trong bối cảnh mà một dấu chỉ vĩ đại đang được vén mở cho mọi người.

Người phụ nữ được mô tả với diện mạo bên ngoài có một không hai: mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao – ba chi tiết ấy muốn cho thấy đây chỉ có thể là một phụ nữ thuộc về thiên giới, người của Thiên Chúa. Nếu hình ảnh này được vay mượn để trình bày về Đức Maria, cũng chỉ vì qua Đức Maria người ta nhận ra khuôn  mặt của Giáo hội, hiền thê của Đức Kitô, một hiền thê ‘xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền’ (Ep 5,27).

Người phụ nữ này được mô tả ở trong tình trạng ‘có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con.’ Đối với Đức Maria, Mẹ không chỉ đau đớn và gặp bao khó khăn trong biến cố nhập thể và giáng sinh của Ngôi Lời, nhưng sự đau đớn và nỗi khó khăn nơi Đức Maria, khuôn mặt đại diện của Giáo hội, còn kéo dài mãi khi Mẹ vẫn tiếp tục cưu mang mọi Kitô hữu,  như những đứa con trong đức tin, giúp chúng được sinh ra và lớn lên giữa những sóng gió ba đào luôn bủa vây bởi ‘con mãng xà’ của mọi thời đại.

Người phụ nữ ấy còn được mô tả như người phụ nữ của sa mạc khi sách Khải huyền kể: ‘Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc; tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở’ (12,6a). Sa mạc tự thân mang nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng nếu là nơi được Thiên Chúa dọn sẵn, chắc chắn muốn diễn tả một sự bảo vệ, sự chở che cách đặc biệt từ Thiên Chúa cho người vừa hoàn tất một sứ vụ được uỷ thác đầy khó khăn.

Ba nét mô tả chính yếu trên của sách Khải huyền được hiểu về Đức Maria, không chỉ trong tư cách cá nhân của Mẹ, nhưng nhất là vì Mẹ là hình ảnh đại diện của Giáo hội, hiền thê của Chúa Kitô.

  1. Bài đọc II – 1Cor 15,20-27

Nếu bài đọc I muốn nhấn mạnh đến khuôn mặt của Đức Maria, qua hình ảnh người phụ nữ, đã hoàn tất sứ mạng được Thiên Chúa uỷ thác, là cưu mang và sinh hạ Chúa Kitô, cũng như thân thể mầu nhiệm của Người là các Kitô hữu, thì bài học II lại khởi đi từ chính Chúa Kitô, người đầu tiên đã được trỗi dậy từ cõi chết, mở ra niềm hy vọng được phục sinh cho toàn thể nhân loại, trong đó có cả Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu.

Vì nếu liên đới với Adam mà toàn thể nhân loại đều phải chịu chung án tử bởi tội bất phục tùng của nguyên tổ là sự chết, thì cũng chính sự liên đới với Đức Kitô là Đầu, mà cả Đức Maria lẫn mọi Kitô hữu, trong tư cách là chi thể, đều được thông phần vào vinh quang phục sinh của Người. Hơn thế, tất cả cũng đều được chung chia chiến thắng của Đức Kitô trên sự chết và thống trị mang tính chung cuộc trên muôn loài của Người.

Như thế, lời xin vâng của Đức Maria không chỉ diễn tả sự ưng thuận cộng tác của Mẹ vào công trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa, mà lời xin vâng ấy còn làm cho Mẹ, nhân loại đầu tiên được hưởng nhờ hoa trái, là ơn cứu độ, từ chính người Con mà Mẹ đã cưu mang và hạ sinh.

  1. Bài Tin Mừng – Lc 1,39-56

Nếu bài đọc I vén mở cho thấy một người phụ nữ của sứ vụ, thì bài tin mừng càng làm rõ nét hơn ý tưởng này nơi cuộc thăm viếng bà Elizabet của Đức Maria.

Từ cuộc viếng thăm của một người mẹ dành cho một người mẹ, Tin mừng Luca còn cài lồng vào đó một cuộc thăm viếng khác, cuộc thăm viếng của một người con dành cho một người con; cuộc thăm viếng của một Đấng vừa là Con Thiên Chúa vừa là con con người dành cho một người con của con người, Gioan Tẩy giả.

Nội dung cuộc viếng thăm ấy không chất chứa những lời lẽ mang tính xã giao, những lời thăm hỏi, chúc mừng nhau. Trái lại, cuộc viếng thăm ấy thấm đẫm những tâm tình cảm tạ, ngợi khen và tán tụng Thiên Chúa.

Một vài ý tưởng được rút ra từ cuộc gặp gỡ này:

Đây là cuộc hạnh ngộ của những con người được chúc phúc.

Đã bắt đầu thời Thiên Chúa viếng thăm và cứu chuộc dân Người.

Thiên Chúa thực hiện những công cuộc cao cả nơi những kẻ khiêm nhường bé mọn,

Thiên Chúa là Đấng hằng thương xót kẻ kính sợ Người,

Người dẹp tan kẻ kiêu căng, hạ bệ người quyền thế,

Người cho kẻ nghèo được đầy dư, còn kẻ giàu bị đuổi về tay trắng,

Người trung tín với giao ước mãi muôn đời.

Qua cuộc gặp gỡ với bà Elizabet, sứ vụ mà Đức Maria đã thực hiện là nói về Chúa và nói với Chúa bằng những tâm tình cảm tạ, tri ân, tuyên xưng được Thánh Thần linh hứng.

GỢI Ý SUY NIỆM

  1. Qua hình ảnh của người phụ nữ ‘mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao’ trong bài đọc I, chúng ta nhận ra khuôn mặt của một Đức Maria, người của Thiên Chúa, người thuộc về Thiên Chúa. Ý niệm ‘Tôi của Thiên Chúa’ và ý niệm ‘Tôi thuộc về Thiên Chúa’ hẳn phải là xác tín nền tảng cho mỗi Kitô hữu để có đức tin và sống đức tin.
  2. Hình ảnh người phụ nữ ‘có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con’ gợi lên cho chúng ta khuôn mặt của một Đức Maria của sứ vụ. Một sứ vụ thật quan trọng kèm theo không ít những khó khăn và gian khổ. Thuật ngữ ‘Kitô hữu’ sẽ chỉ là một danh xưng vô nghĩa nếu không phải là một Kitô hữu của sứ vụ. Và mỗi Kitô hữu cũng cần xác tín về cái giá phải trả là những khó khăn, đau khổ khi thi hành sứ vụ được uỷ thác trong từng hoàn cảnh sống của mình.
  3. Qua câu chuyện thăm viếng của Đức Maria với bà Elizabet, khuôn mặt của Thiên Chúa từng bước được chấm phá rõ nét hơn qua những tâm tình, những cảm nghiệm, những xác tín được Chúa Thánh Thần linh hứng. Sứ vụ của người Kitô hữu, dù dưới bất cứ một dạng thức nào, cũng chỉ là những cơ hội để khuôn mặt của Thiên Chúa được chiếu tỏa, được rạng rỡ hơn qua những trải nghiệm thiêng liêng vẫn được Thánh Thần linh hứng cho mỗi người đang thi hành sứ vụ.

 

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2024. All Rights Reserved.