TIN LÀ NỀN TẢNG CỦA SỰ CHỌN LỰA THEO CHÚA
Chúng con sẽ đi theo ai?
Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68)
Gs 24,1-2a.15-17.18b; Ep 5,21-32; Ga 6,61-70
CÁC BÀI ĐỌC
- Bài đọc I: Gs 24,1-2a.15-17.18b
Trong Ngũ Thư, ông Môsê đã được Thiên Chúa tuyển chọn để đưa dân Israel ra khỏi Ai cập mà tiến về miền Đất Hứa. Thế nhưng, do dân cứng lòng và ông Môsê với vai trò thủ lãnh cũng phải chịu trách nhiệm, nên ông và đoàn dân phải lang thang trong sa mạc suốt 40 năm. Ông chỉ dẫn dân đến núi Môáp, bên bờ sông Giôđan, biên giới của Đất Hứa.
Kế thừa sứ mạng từ ông Môsê, ông Giôsuê có vai trò dẫn dân vượt qua sông Giôđan vào Đất Hứa. Ông hướng dẫn các chi tộc từng bước sở hữu các phần đất mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã hứa ban cho Abraham, Isaac và Giacóp, tổ phụ của họ. Sau khi đã phân chia lãnh thổ cho từng chi tộc, dân bắt đầu ổn định cuộc sống, nhưng lại bị cám dỗ thờ các thần của các dân địa phương mà quên mất Đức Chúa. Trước bối cảnh đó, ông Giôsuê tổ chức đại hội tại Sikhem như là dịp để nhắc dân nhớ lại bao lần Đức Chúa đã ra tay can thiệp nhằm giúp cho họ có được tất cả những gì như họ đang có.
Lúc này, toàn dân tuyên xưng công khai: “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác! Vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi”. Biến cố này cùng với lời tuyên xưng đã trở nên hình ảnh và công thức áp dụng nhiều lần trong tương lai, khi dân Israel sẽ được mời gọi tuyên xưng một cách trang trọng niềm tin của mình vào Đức Chúa. Đây cũng là hình ảnh tiên trưng về việc tuyên xưng đức tin của Dân Thánh trong thời Tân Ước.
- Bài đọc II: Ep 5,21-32
Kính Thánh Cựu Ước thường dùng kinh nghiệm loại suy về tình yêu nồng thắm của đôi lứa hay vợ chồng để diễn tả một tương quan tình yêu hỗ tương giữa Đức Chúa và Dân Người. Các ngôn sứ như Isaia (Is 5,1-7), Giêrêmia (Gr 2,2tt.32) và Êdêkiel (Ed 16; 23) đều lấy hình ảnh hôn nhân để diễn tả tương quan giao ước giữa Đức Chúa và dân Isarel. Ngôn sứ Hôsê đã ví việc Israel thờ lạy ngẫu tượng Baal với hành vi ngoại tình của bà vợ của ông là Gôme (Hs 1‒3). Sách Diễm Ca còn ẩn dụ Thiên Chúa là “người yêu/ chàng” và Dân Chúa là “người được yêu/ nàng”. Tiếp nối truyền thống Cựu Ước, các văn phẩm Tân Ước vẫn tiếp tục dùng hình ảnh tình yêu nam nữ và hôn nhân để diễn tả tương quan tình yêu giữa Thiên Chúa hoặc của Đức Kitô với Hội Thánh hoặc với Kitô hữu (x. Mt 9,15; 35,1-13; Ga 3,29; 1Cr 11,2; Ep 5,23-32; Kh 19,7tt; 21,9tt).
Bài đọc II dựa trên kinh nghiệm này, khi lấy tương quan tình yêu hôn nhân để diễn tả tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Trên nền tảng của tình yêu giữa Đức Kitô và Hội thánh, thánh Phaolô đã chỉ ra những nguyên tắc giúp cho các cặp vợ chồng có thể trung tín với chọn lựa của mình và tin tưởng lẫn nhau: “Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ”. Khái niệm “tùng phục trong mọi sự” này của người vợ chỉ có thể hiểu được khi khái niệm liên quan tới người chồng được thỏa mãn: “Người chồng hãy yêu thương vợ mình như Đức Kitô yêu thương Hội thánh, và phó mình vì Hội thánh”.
Tương quan hỗ tương với quyền lợi kèm theo bổn phận “vợ phục tùng chồng” và “chồng yêu thương vợ” chính là bí quyết giúp cho vợ chồng nên một với nhau như chính sự nên một trong tình yêu giữa Đức Kitô và Hội thánh.
- Bài Tin Mừng:Ga 6,61-70
Mạc khải của Chúa Giêsu về “Thịt Ta là của ăn và Máu Ta là của uống” đã bị dân chúng khước từ vì hiểu sai ý nghĩa. Không chỉ với dân chúng bình thường, mạc khải này đã gây cớ vấp phạm cho “nhiều môn đệ”. Họ chỉ khai trí để suy luận mà không chịu mở lòng để đón nhận lời mạc khải, nên họ quyết định bỏ Chúa Giêsu. Cảnh tượng “Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa” khiến chúng ta đau lòng.
Trong bối cảnh ấy, Chúa Giêsu hướng nhìn Nhóm Mười Hai ít ỏi còn lại, Người muốn mời gọi các ông thực hiện một cuộc chọn lựa cho con đường trước mắt để hướng tới tương lai khởi đi từ việc tuyên xưng niềm tin, cho dù Người cũng biết rằng có lẽ các ông chưa hiểu rõ điều mà Chúa vừa mạc khải.
Phêrô đã đại diện cho Nhóm Mười Hai để tuyên tín. Các ông đã quyết định ở lại với Chúa Giêsu vì xác tín mạnh mẽ rằng: Người chính là Đấng Kitô Con Thiên Chúa và chỉ nơi Người “mới có những lời đem lại sự sống đời đời”.
GỢI Ý SUY NỆM
- Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác,…chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa. Sau khi đã được Ông Giôsuê phân chia đất đai theo từng chi tộc, và khi cuộc sống của dân Israel đã dần đi vào ổn định thì dường như là niềm tin của họ vào Thiên Chúa lại trở nên yếu kém, lung lay. Đại hội Sikhem là dịp để mỗi người Israel xác tín lại sự quan phòng yêu thương, cánh tay dìu dắt, bảo vệ và bênh đỡ của Thiên Chúa trên chính cuộc đời của mỗi người cũng như của cả dân tộc. Điều đó đã giúp họ một lần nữa chọn lựa lại Chúa mãi là Thiên Chúa của họ. Nhìn lại quá khứ để củng cố niềm tin nhằm đi đến việc chọn lựa Thiên Chúa vẫn luôn là một hành trình cho mỗi người Kitô hữu hôm nay trên con đường theo Chúa.
- Như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ chồng cũng phải tùng phục nhau trong mọi sự như vậy.Chọn lựa Thiên Chúa đã là một điều khó, nhưng để trung tín với chọn lựa đó còn khó khăn hơn nhiều. Đối với thánh Phaolô, nếu mỗi người tín hữu thành Êphêsô biết nỗ lực trung tín với chọn lựa sống đời lứa đôi của mình, đó chính là cơ hội giúp họ diễn tả sự trung tín với niềm tin của mình vào Chúa qua việc chọn lựa Người. Phục tùng Chúa và yêu thương nhau mỗi ngày qua từng biến cố của cuộc sống, chính là dấu hiệu chứng minh sự chọn lựa quyết liệt Thiên Chúa của mỗi môn đệ, là những người đang thực sự muốn bước theo Chúa Giêsu.
- Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai.Một khi người ta không hiểu, thì người ta không thể chấp nhận và như thế dễ dàng đi tới chỗ chối từ. Đó chính là thái độ rất con người của “nhiều môn đệ” sau khi nghe Chúa Giêsu mạc khải về “Thịt Ta là của ăn và Máu Ta là của uống”. Đối với những người này, đơn giản chỉ vì không hiểu nên không muốn chọn lựa, nên quyết định rời bỏ Thầy mình, Người mà các ông đã theo đuổi một thời gian dài ngắn khác nhau. Trong khi Nhóm Mười Hai, có lẽ cũng không hiểu như bao môn đệ khác, nhưng đã quyết định chọn lựa ở lại với Thầy mình vì nhận ra nơi con người ấy hình ảnh của một Con Thiên Chúa, Nguồn mạch phát sinh sự sống đời đời. Không hiểu nhưng vẫn muốn chọn lựa, đó chính là thái độ của đức tin. Kinh nghiệm sống đức tin đó cũng hết sức gần gũi với mỗi Kitô hữu khi phải đối diện với những điều chưa hiểu, không hiểu hoặc chưa thể giải mã hết được mọi ý nghĩa của nó. Đại dịch covid đang diễn ra có thể gây cớ vấp phạm cho nhiều người. Đừng vì chưa hiểu được ý nghĩa của nó mà chúng ta vội trách Chúa và thậm chí xa Chúa. Đó vẫn là một dấu chỉ thời đại cần được chúng ta giải mã trong đức tin.