Chúa Nhật XXIV Thường Niên – Năm B

Đấng Kitô – Tôi trung của Thiên Chúa
“Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29)

(Is 50,5-9a; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35)

CÁC BÀI ĐỌC

  1. Bài đọc 1:

Đoạn sách ngôn sứ Isaia trích từ bài ca thứ ba về người Tôi Trung (Is 50,4-11). Bài ca làm nổi bật những phẩm chất của người Tôi Trung. Dù bị địch thủ chống đối và đe dọa, người Tôi Trung vẫn giữ được lòng trung thành với Thiên Chúa vì ý thức rằng Ngài vẫn luôn ở với mình trong hoàn cảnh nào.

Trước hết, người Tôi Trung chấp nhận để Thiên Chúa can thiệp hành động nơi cuộc đời mình. Thiên Chúa đã mở miệng người Tôi Trung để biết nói năng mà an ủi những người rã rời, kiệt sức thế nào (c. 4a), thì cũng chính Thiên Chúa mở tai người Tôi Trung để biết lắng nghe giáo huấn của Ngài (cc 4b-5a). Dù Thiên Chúa can thiệp vào hai giác quan quan trọng của người Tôi Trung để thi hành sứ vụ của Thiên Chúa, một sứ vụ tiềm ẩn nhiều thử thách, nhưng người Tôi Trung hoàn toàn đón nhận mà chẳng hề kêu ca hay phản kháng (c. 5b). Quả vậy, người Tôi Trung là người để cho Thiên Chúa chiếm hữu và hành động trên đời mình.

Sau nữa, người Tôi Trung đón nhận tất cả những gì xảy đến trong đời mình với tâm tình phó thác hoàn toàn trong tay Thiên Chúa. Người Tôi Trung chấp nhận nhiều hành động sỉ nhục khác nhau cách thanh thản lạ thường và đáng kinh ngạc, chỉ với một xác tín cơ bản và sâu xa rằng “có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi” (Is 50,7). Ơn phù trợ của Thiên Chúa là động lực và là sức mạnh giúp người Tôi Trung can đảm đón nhận mọi thiệt thòi xảy đến trong đời mình.

Cuối cùng, dù bị tố cáo, kiện tụng, người Tôi Trung không hề lo sợ vì xác tín rằng Thiên Chúa luôn ở với mình để bảo vệ mình. Công lý của người Tôi Trung hoàn toàn nằm trong tay Thiên Chúa. Một khi được Thiên Chúa, Đấng luôn ở kề bên, kể là công chính thì người Tôi Trung không những không sợ bất cứ người nào kiện tụng gì nữa, mà còn thách thức bất kỳ ai muốn kiện tụng mình: “Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?” (Is 50,9).

  1. Bài đọc 2:

Bối cảnh cộng đoàn Giacôbê cho thấy có sự bất bình đẳng, kỳ thị giữa các Kitô hữu khi họ đến dự các buổi hội họp cộng đoàn. Tại đó xảy ra sự đối xử thiên vị giữa người giàu và người nghèo, trong đó người ta trọng người giàu mà coi thường người nghèo (Gc 2,1-4). Tác giả thư Giacôbê nhân sự kiện đó mà trình bày về cách sống đức tin: đức tin sống và đức tin chết.

Đức tin sống là đức tin đi kèm với hành động. Một đức tin hành động vừa đem lại lợi ích cho tha nhân, vừa là phương tiện cứu độ dành cho người thực hành (Gc 2,14). Hành động của đức tin, theo cái nhìn của tác giả thư Giacôbê, là việc làm bác ái, nhất là đối với những người kém may mắn.

Trái lại, một đời sống đức tin mà thiếu việc thực hành bác ái đối với tha nhân là những người đang cần sự trợ giúp, thì đức tin đó chẳng có ích gì cả (cc.15-16). Một đức tin như thế bị coi như đức tin chết (c. 17). Đức tin đó không thể mang lại ơn cứu độ (c. 14).

Người ta chỉ có thể đo lường được đức tin thông qua hành động, cụ thể là hành động bác ái đối với những người đang cần sự giúp đỡ. Một đức tin không có hành động thật khó để biện minh (c. 18). Vì thế, đức tin và hành động luôn phải song hành.

  1. Bài Tin Mừng:

Đoạn Tin Mừng Máccô hôm nay như là bản lề, đánh dấu nửa chặng đường sứ vụ của Chúa Giêsu cùng với các môn đệ, trong đó các môn đệ buộc phải bày tỏ nhận thức của các ngài về căn tính của Đức Giêsu: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,29a). Vậy, Đức Giêsu thật sự là ai trong nhận thức của các môn đệ?

Trước hết, câu trả lời của Phêrô, đại diện cho các môn đệ, cho thấy nhận thức của các ông không giống với nhận thức của đám đông dân chúng. Trong mắt các ông, Chúa Giêsu không phải là Gioan Tẩy Giả, cũng không phải là Êlia hay một ngôn sứ nào đó, tức những người được xem như sứ giả của Thiên Chúa đến để loan báo về một Đấng Mêsia sẽ đến. Câu tuyên tín của Phêrô, “Thầy là Đấng Kitô” (8,29) xác quyết Chúa Giêsu không phải là sứ giả dọn đường mà chính là Đấng Mêsia được Thiên Chúa sai đến. Đây thật là lời xác quyết chính xác về vai trò thật sự của Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, phản ứng của Phêrô sau khi nghe Chúa Giêsu hé lộ sứ mạng thật sự của Đấng Mêsia cho thấy lúc này các môn đệ chưa hiểu đúng về vai trò của Đấng Kitô (8,32). Các ông chỉ nhận thức và chờ đợi một Đấng Kitô mang tính chính trị, có nhiệm vụ giải phóng dân tộc và giành lại nền độc lập từ tay ngoại bang. Đấng Kitô phải là Đấng dùng quyền năng để khuất phục kẻ thù và mang lại sự tự do và thịnh vượng cho dân tộc.

Sau nữa, ngay từ khi bước vào sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã phải trải qua cơn cám dỗ của Satan trong hoang địa về căn tính và sứ mạng của Người (1,12). Giờ đây, việc Phêrô kéo riêng ra và can ngăn Người thực hiện sứ mạng của mình gợi nhớ lại hình ảnh cám dỗ của Satan (8,33). Thay vì làm một môn đệ đi theo Đức Giêsu (Mc 1,17.20; 8,34), Phêrô lại đóng vai trò của Satan, kẻ cám dỗ Đức Giêsu đi vào con đường khác với thánh ý của Thiên Chúa dành cho Người.

Vậy, Đấng Kitô là ai? Đó là Đấng được Thiên Chúa xức dầu, được sai đi để thi hành thánh ý Chúa Cha, trong đó có cả việc chấp nhận đau khổ và cái chết. Đấng Kitô như thế mới thật sự là Tôi Trung của Thiên Chúa. Một Đấng Kitô không qua khổ giá và cái chết thì không phải là Đấng Kitô theo ý định của Thiên Chúa. Đó chỉ là một Đấng Kitô theo ý của loài người (8,33b).

GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Bài ca thứ ba trong sách ngôn sứ Isaia ca ngợi những phẩm chất nổi bật của người Tôi Trung của Thiên Chúa: Đó là người để cho Chúa hành động trên đời mình, đón nhận tất cả những nghịch cảnh xảy đến trong đời mình với niềm xác tín rằng Chúa là Đấng hằng ở bên để bênh vực và phù hộ. Tôi có muốn trở thành người tôi trung của Chúa? Tôi có sẵn sàng để Chúa dùng tôi để thực hiện ý định của Ngài? Tôi có trung thành với Chúa dù bất cứ chuyện gì xảy đến trong đời tôi? Tôi có tin rằng Chúa là Đấng hằng ở bên tôi, để bênh vực và che chở tôi?

2/ Đoạn thư Giacôbê đề cao một đức tin sống thể hiện ra nơi hành động bác ái, nhất là đối với những người kém may mắn, bị coi thường, loại trừ. Tôi đang sống đức tin thế nào? Một đức tin sống động thể hiện qua hành động bác ái đối với tha nhân, hay một đức tin cằn cỗi, khô khan, đang chết dần vì thiếu tình thương?

3/ Đứng trước câu hỏi về căn tính của Thầy, dù Phêrô, đại diện các môn đệ, đã tuyên tín về tư cách Mêsia của Đức Giêsu, nhưng nhận thức của các ông về Người chỉ mang tính nhân loại. Đức Kitô là người Tôi Trung được Thiên Chúa xức dầu và sai đi để thực thi thánh ý Ngài. Còn tôi, tôi biết gì về Đức Giêsu? Người là ai đối với tôi? Danh hiệu “Đấng Kitô” có ý nghĩa gì đối với đời tôi? Tôi có muốn trở thành tôi trung của Thiên Chúa để được Ngài tấn phong và sai đi để thực hiện thánh ý Ngài?

 

 

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2024. All Rights Reserved.