CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN B
(Kn 2,12.17-22; Gc 3,16-4,3; Mc 9,29-36)
CÁI GIÁ PHẢI TRẢ CHO SỐNG TƯ CÁCH NGƯỜI CÔNG CHÍNH
“Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời. Họ sẽ giết chết Người” (Mc 9,31)
Các bài đọc hôm nay cho thấy cái giá mà người công chính phải trả trước mặt người đời. Điều này không có gì khó hiểu, vì chính Đức Giêsu là Đấng công chính của Thiên Chúa mà cũng phải chịu đau khổ và chết. Vậy dựa vào đâu để người công chính có thể vượt qua những thử thách gian nan đó? Nhìn vào gương các Thánh Tử đạo Việt Nam, câu trả lời là tín thác và tựa nương vào Thiên Chúa và noi gương Đức Giêsu, cũng như nghĩ về hạnh phúc ngàn đời mai hậu mà thôi.
CÁC BÀI ĐỌC
- Bài đọc I (Kn 2,12.17-22):
Tác giả sách Khôn Ngoan cho thấy bốn hành động mà quân gian ác tự xem là đầy “khôn ngoan” khi đối xử với người công chính, đó là:
– Vây bắt người công chính vì những người này không những chẳng làm gì có ích cho họ, mà còn chống đối việc họ làm, khiển trách họ lỗi luật và tố cáo họ vô kỷ luật.
– Xem xét điều người công chính nói có thật hay không, những gì sẽ xảy đến cho những người này và chung cuộc đời sống của họ sẽ ra sao.
– Nhục mạ và làm khổ người công chính để đo sự hiền lành và tính nhẫn nại của họ.
– Kết án người công chính phải chết cách nhục nhã để xem Thiên Chúa có đến cứu họ không.
Qua đó, tác giả sách khôn ngoan giúp độc giả nhận ra được những nét tương phản mang tính đặc thù của người công chính, đó là:
– Không thỏa hiệp với những hành động của kẻ gian ác.
– Tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa.
– Nỗ lực rèn luyện các nhân đức.
– Phó thác hoàn toàn cho sự quan phòng của Thiên Chúa.
Đây là chìa khóa để người công chính vượt qua thử thách gian lao để giữ vững đức tin của mình, như các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã làm gương cho chúng ta.
- Bài đọc II (Gc 3,16-4,3):
Cuộc đời công chính, trong cái nhìn của Thánh Giacôbê, chỉ được ban tặng cho những ai nỗ lực xây dựng hòa bình. Người xây dựng hòa bình đó cũng là một đối tượng được chúc phúc trong Tám Mối Phúc Thật mà Đức Giêsu đã công bố (Mt 5,9), và hòa bình cũng chính là hoa trái tất yếu của Đức khôn ngoan Chúa ban cho con người, được biểu hiện rõ nét qua những đặc tính: “thanh khiết, hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị cũng chẳng giả hình”.
Khi người ta không còn sống công chính và thiếu vắng hòa bình thì điều gì sẽ xảy ra? Thánh Giacôbê minh định rõ: sự hỗn độn, mọi tệ đoan, mọi xung đột là hậu quả tất yếu của cuộc nổi loạn vì những nhu cầu của khoái lạc đã không được đáp ứng. Từ đó thánh nhân đã chỉ ra lý do tại sao những lời cầu của chúng ta đã không được đoái nhận: là vì đó là những gì xuất phát từ tà ý, với ước mong hưởng lạc thú ở đời này.
- Bài Tin Mừng (Mc 9,29-36):
Trước đây, khi sắp tiến vào Giêrusalem, ông Phêrô đã tuyên tín “Thầy là Đấng Kitô”. Dù tuyên xưng như vậy, nhưng lúc này các môn đệ chưa hiểu đúng về vai trò của Đấng Kitô, vì các ông vẫn mang nếp nghĩ và nhãn quan xã hội: Đức Giêsu sẽ trở thành Đấng Kitô được xức dầu làm vua huy hoàng ở Giêrusalem, nên các ông cản lối, không cho Người đi trên con đường khổ giá. Cản lối bởi vì nếu Thầy đi trên con đường này, chắc chắn các ông sẽ bị liên lụy và thiệt thòi. Trong bối cảnh như thế, Đức Giêsu đã loan báo cuộc thương khó và phục sinh lần thứ I (x. Mc 8,27-35). Qua đó, Đức Giêsu cho biết Người là Tôi Trung, là người đến để phục vụ, nghĩa là hy sinh mạng sống mình để cho người khác được sống dồi dào.
Để mặc khải cho họ cách tiệm tiến về điều này, Đức Giêsu loan báo lại lần thứ II, như được thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay, về cuộc thương khó và phục sinh mà Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại.” Lần loan báo này giúp các môn đệ biết đến thân phận của người công chính. Những nỗ lực trong việc rao giảng Tin Mừng, làm phép lạ, trừ quỷ của Đức Giêsu đã không được mọi người đón nhận, thậm chí bị kết án. Lý do là Đức Giêsu đến để thi hành Thánh ý Chúa Cha (Mc 14,46), không đến để làm theo ý của loài người. Giáo huấn và việc làm của Đức Giêsu đã đụng chạm đến nhiều người, nhất là giới lãnh đạo Do thái, nên đã nhiều lần họ tìm cách giết hại Đức Giêsu. Vì thế, cái chết mà Đức Giêsu sẽ phải chịu tại Giêrusalem là hậu quả tất yếu cho thân phận của người công chính như lời Thánh Vịnh 53,5 trong bài đáp ca: “Phường kiêu ngạo nổi lên chống đối, bọn hung tàn tìm hại mạng sống con, chúng không kể gì đến Thiên Chúa”.
Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi tham dự mầu nhiệm Thập Giá của Đức Giêsu. Mầu nhiệm này xem ra nghịch lý theo quan niệm của người đời. Tuy nhiên, nếu chúng ta tin vào và bước theo Đức Giêsu thì cuối con đường khổ nạn và chết là phục sinh khi vượt qua.
GỢI Ý SUY NIỆM:
- “Phường vô đạo lên tiếng nói: Ta gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta,…”. Đời nào cũng thế, luôn có sự tương phản giữa lối sống của kẻ gian ác và người công chính. Nhiều khi sự tương phản ấy dường như lại nghiêng về phía những kẻ gian ác. Điều ấy sẽ khiến cho người công chính bị thiệt thòi, mất mát, thậm chí phải trả giá đến mức hy sinh bản thân để trung tín với tư cách người công chính của mình. Trong bối cảnh của một xã hội vàng thau lẫn lộn, những giá trị phi đạo đức lại được nhiều người đồng tình và rập khuôn vào lối sống hằng ngày của mình, thì lời mời gọi sống thân phận người công chính liệu có còn trở nên hấp dẫn đối với chúng ta?
- “Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.” Lời thánh Giacôbê là một lý giải rõ nét nguyên nhân của sự nghèo nàn, của những lời cầu đã không được nhận lời nơi đời sống của mỗi người Kitô hữu, thiếu tinh thần kiến tạo hòa bình và mang tà ý. Phải chăng một lời cầu xin hữu hiệu khi có một ý hướng ngay lành, để kiến tạo một cuộc sống hòa bình hạnh phúc cho bản thân và cho mọi người?
- “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Đức Giêsu đã vui lòng chịu khổ nạn và chết như một cái giá phải trả cho việc sống đúng tư cách của một người công chính. Chúng ta đã tin Đức Giêsu là Đấng Kitô – Đấng sẽ đem lại cho chúng ta ơn cứu độ và vinh quang muôn đời, thì chúng ta cũng cần sẵn sàng tiến bước trên nẻo đường Giêsu đã đi, đó là con đường Thập Giá. Tuy nhiên, chúng ta có tin rằng đích đến của con đường đầy gian lao đó không phải là đau khổ và sự chết, mà là cuộc sống vĩnh cửu và hạnh phúc muôn đời cho bản thân và cũng góp phần đem lại ơn cứu độ cho tha nhân, như các Thánh Tử đạo Việt Nam đã xác tín để giữ vững đức tin trong thử thách?