CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG – NĂM C

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG – NĂM C
ĐỨNG VỮNG TRƯỚC MẶT CON NGƯỜI

“Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).

(Gr 33,14-16; 1 Tx 3,12 – 4,2; Lc 21,25-28.34-36)

CÁC BÀI ĐỌC:

Giữa những bộn bề của cuộc sống, con người dễ bị cuốn vào vòng xoáy của những lo lắng, tranh đấu đến độ nhiều khi thấy mình kiệt sức. Lời Chúa lại nhắc nhớ con người về những mong manh của vũ trụ, đất trời và con người trong cuộc sống trần thế này; đồng thời, hướng con người về “trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2 Pr 3,13).

  1. Bài đọc 1:

Giữa những nhiễu nhương của thời cuộc, đất nước bị đế quốc Babylon đe doạ xâm chiếm, ngôn sứ Giêrêmia loan báo về một ngày Thiên Chúa sẽ thực hiện điều tốt lành khi cho xuất hiện một Đấng Công Chính, Đấng cai trị theo lẽ công bình chính trực và đem lại nền hoà bình cho dân Israel.

Đứng trước những cuộc xâm lăng của các đế quốc mà trước mắt là đế quốc Babylon, các vua Giuđa, theo cái nhìn của ngôn sứ Giêrêmia, không cai trị đất nước theo đường lối của Thiên Chúa. Vì thế, Thiên Chúa an ủi dân bằng lời sấm ngôn về một vị vua tương lai phát xuất từ dòng dõi Đavít. Đặc điểm của vị vua này là “sẽ trị nước theo lẽ công minh chính trực”, nghĩa là đi theo đường lối công minh và ngay thẳng của Thiên Chúa vì danh hiệu của Người là “Đấng Công Chính”.

Thật vậy, nhờ đường lối cai trị trong công minh chính trực của vua tương lai mà đất nước Giuđa sẽ được cứu thoát và dân thành Giêrusalem sẽ được an cư lạc nghiệp. Rồi người ta sẽ nhận biết rằng Thiên Chúa là Đấng trung tín với lời hứa của Người, bởi vì Người là Đấng Công Chính; đồng thời họ đặt tên cho thành là: “Thiên Chúa là sự công chính của chúng ta”. Tên tượng trưng của thành Giêrusalem cũng là tên của Thiên Chúa, của vị vua tương lai, ngụ ý nói đến một thời đại hoàn toàn tốt đẹp trong đó dân Chúa được thống nhất dưới vương quyền của Vua Công Chính.

“Sẽ đến những ngày” (33,14), tất cả những lời hứa của Thiên Chúa sẽ được thực hiện. “Trong những ngày ấy”, “vào thời đó” (x. 33,15.16), đất nước sẽ được thái bình dưới sự cai trị của Vua Công Chính. Ngày đó là ngày nào? Thời đó ra sao? Vua đó là vua nào? Sự xuất hiện của Vua Giêsu trong thời Tân Ước sẽ hoàn tất cách đầy đủ và viên mãn những sấm ngôn của Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Giêrêmia.

  1. Bài đọc 2:

Thánh Phaolô phái ông Timôthê đi thăm cộng đoàn Thêxalônica; và khi trở về, ông đã báo lại cho thánh nhân tình hình của cộng đoàn. Trước những tin tức tốt lành về đời sống đức tin của các tín hữu tại Thêxalônica, thánh Phaolô dâng lời tạ ơn Chúa và viết thư khích lệ họ tiếp tục sống trong trong đức tin, tình bác ái và sự thánh thiện.

Thật vậy, trong khi chờ ngày Đức Kitô quang lâm, thánh Phaolô xin Chúa chúc lành cho tình thương giữa ngài với các tín hữu Thêxalônica, giữa các thành viên trong cộng đoàn đối với nhau và đối với mọi người “ngày càng thêm đậm đà thắm thiết”. Đồng thời, thánh nhân xin Chúa cho họ được kiên vững trong đức tin và ngày càng trở nên thánh thiện.

Như thế, đối với thánh Phaolô, cách thức xứng hợp để đợi chờ ngày Chúa Giêsu trở lại, để không có gì đáng chê trách trước nhan Thiên Chúa, là nuôi dưỡng đời sống đức tin, sống tình bác ái huynh đệ và ngày càng trở nên thánh thiện. Đó là những điều mà ngài đã dạy cho các tín hữu Thêxalônica và họ cũng đang sống như vậy, nên ngài khích lệ họ hãy tiếp tục và tấn tới nhiều hơn nữa.

  1. Bài Tin Mừng:

Đoạn Tin Mừng Luca tiên báo về ngày quang lâm qua những dấu chỉ của trời đất. Những biến đổi của vũ trụ gây ra sự sợ hãi cho muôn dân, nhưng lại là niềm hy vọng về ơn cứu chuộc cho những ai trung tín, tỉnh thức và cầu nguyện chờ mong Chúa lại đến.

Trước hết, bằng lối văn khải huyền, tác giả Luca mô tả sự biến động lớn lao của các tinh tú, các quyền lực trên trời và của thời tiết dưới đất; những biến động gây nên sự hoang mang, sợ hãi, khiếp đảm của muôn dân trên mặt đất vì họ không hiểu chuyện gì sắp giáng xuống địa cầu. Nhưng đối với những người tin thì đó là những dấu chỉ của ngày Con Người đến trong quyền lực và vinh quang. Ngày đó, những ai tin vào Đức Kitô có thể đứng thẳng và ngẩng đầu chờ Đấng Cứu Độ đến ân thưởng.

Sau nữa, ngày ấy sẽ đến bất ngờ như “một chiếc lưới bất thần chụp xuống trên đầu”, sẽ “ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất” (x. Lc 21,34-35), nên chỉ những ai sống tinh thần tỉnh thức và cầu nguyện, mới đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người (x Lc 21,36). Ngày Thiên Chúa quang lâm sẽ là ngày ân thưởng cho những ai sẵn sàng chờ đón Người và không để lòng ra nặng nề vì những toan tính sự đời.

Chúa Kitô sẽ trở lại vào một ngày không ai ngờ. Những dấu chỉ nơi trời đất, thiên nhiên làm cho muôn dân hoang mang, sợ hãi, nhưng đối với những ai tin tưởng, luôn tỉnh thức và cầu nguyện, không để cho lòng trí bị ngủ mê trong thế sự, thì đó là ngày ân thưởng, ngày họ có thể đứng thẳng và ngẩng đầu để nghênh đón Chúa.

GỢI Ý SUY NIỆM:

1/ Giữa những biến động của thời cuộc đất nước trước sự xâm lăng của các đế quốc, dân Chúa lo lắng, hoang mang, thì ngôn sứ Giêrêmia tiên báo về sự xuất hiện của một Đấng Công Chính phát xuất từ dòng dõi vua Đavít, Đấng sẽ trị nước theo lẽ công minh chính trực, mang lại sự thịnh vượng và an bình cho dân cư Giêrusalem. Thiên Chúa đã hiện thực hoá lời hứa này nơi Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đến mang “bình an cho loài người Chúa thương” (x. Lc 2,14). Những ai đi trong đường lối công minh chính trực sẽ gặp được Đấng Công Chính và sẽ được hưởng sự thịnh vượng và an bình mà Vua Công Chính mang đến cho tâm hồn họ.

2/ Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu Thêxalônica rằng cách thức xứng hợp để đợi chờ ngày Chúa Giêsu trở lại, để không có gì đáng chê trách trước nhan Thiên Chúa, là nuôi dưỡng đời sống đức tin, sống tình bác ái huynh đệ và ngày càng trở nên thánh thiện. Lời của thánh nhân xưa vẫn mang tính thời sự cho các kitô hữu thời nay. Củng cố đời sống đức tin, nuôi dưỡng tình bác ái huynh đệ và hướng đến đời sống thánh thiện là con đường mà các kitô hữu được mời gọi bước vào trong khi đón chờ Đức Kitô quang lâm.

3/ Bằng lối văn khải huyền, tác giả Luca tiên báo ngày Chúa quang lâm qua các dấu chỉ của vũ trụ, trời đất, thiên nhiên. Đối với những ai chưa sẵn sàng, thì đó sẽ là ngày hoang mang, sợ hãi; còn đối với những ai đang tỉnh thức, sẵn sàng, thì đó là ngày của niềm vui hội ngộ, ngày hân hoan đứng thẳng và ngẩng cao đầu nghênh đón Chúa trở lại. Cuộc sống với nhiều áp lực và bận rộn để lo cho cuộc sống đời này dễ làm cho các kitô hữu không thiết tha, thậm chí quên lãng ngày Chúa trở lại. Sự mong manh của phận người trước chiến tranh, hận thù, bệnh tật, nghèo đói, thiên tai… là những dấu chỉ nhắc nhớ các kitô hữu về sự tỉnh thức và sẵn sàng cho ngày cuối cùng, ngày Chúa trở lại trong vinh quang.

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2025. All Rights Reserved.