Chúa Nhật II Thường Niên Năm C

TIỆC CƯỚI GIỮA THIÊN CHÚA VỚI CON NGƯỜI

“Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê” (Ga 2,1)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Is 62,1-5)

Đoạn trích hôm nay nằm trong bối cảnh dân Do Thái trở về từ chốn lưu đày. Mặc dù trước những phế phẩm hoang tàn của thành thánh Giêrusalem, vị ngôn sứ vẫn thể hiện sự lạc quan, vui mừng và đầy hy vọng. Isaia nhìn thấy và loan báo điều sắp xảy đến mà Thiên Chúa chỉ dành riêng cho Sion, đó là Giêrusalem sẽ chiếu tỏa ánh sáng, như hừng đông sau đêm tối, như đuốc sáng làm tan chảy bóng đêm, và muôn dân muôn nước sẽ quy tụ về nhờ ánh sáng chiếu tỏa này. Chúng ta cũng sẽ nghe thấy điều tương tự trong phần thánh vịnh đáp ca được đọc hôm nay.

Nhưng hơn hết tất cả, vị ngôn sứ còn thấy Thiên Chúa làm mới lại mối tương quan với dân Người: với ngọc miện và triều thiên vương giả, Giêrusalem sẽ bày tỏ vinh quang vị Vua của mình. Thêm nữa, Thiên Chúa, một khi đã tìm thấy niềm vui nơi thành thánh mà Người thiết lập, Người sẽ phong nó làm hiền thê của Người. Người sẽ ban cho nó một cái tên mới là “Ái khanh lòng Ta hỡi”, là “Duyên thắm chỉ hồng”. (Trong Thánh Kinh, việc đặt một cái tên mới cho ai đó luôn có nghĩa là thực hiện một cuộc biến đổi tận căn).

Mạc khải về mối tương quan thân mật phu thê này của Thiên Chúa với dân Người, được biểu trưng qua thành thánh Giêrusalem, là một điều thật kinh ngạc và tuyệt vời cho con người, bởi lẽ, Giêrusalem, vì sự bất trung của mình với Thiên Chúa, một thời bị xem là “đồ bị ruồng bỏ”, là gái không chồng, là “phận bạc duyên đơn”, thì nay, nhờ lòng khoan dung và sủng ái của Thiên Chúa, đã trở thành người nữ được kết duyên, là hiền thê của Thiên Chúa.

2. Bài đọc II (1Cr 12,4-11)

Đặc sủng là ơn ban nhưng không của Thiên Chúa cho con người để phục vụ Giáo hội. Thế nhưng tại Côrintô đã xảy ra tình trạng lộn xộn vì lý do này. Thay vì dùng các ơn ban để vì lợi ích của cộng đoàn, thì các tín hữu ở đây đã tranh đua, so bì hơn kém vì những ơn ban này.

Vì thế, bài đọc II trích từ thư Côrintô giúp chúng ta hiểu rõ hơn về đời sống của Giáo hội, của mỗi cộng đoàn tín hữu, về sự giàu có cũng như nghèo nàn của mình.

Sự giàu có: đó là sự phong phú và đa dạng của các ơn ban của Thánh Thần, xuất phát từ một Thiên Chúa duy nhất là Cha chúng ta, nhờ Đức Kitô. Những ơn ban này nhắm trước hết là làm tăng trưởng đức tin, củng cố đời sống Kitô hữu trong cộng đoàn, và đồng thời, cũng nhắm tới sự thiện ích của từng tín hữu.

Không ai thiếu vắng ơn ban này. Nhưng nếu có tình trạng tranh đua, chia rẽ, bất đồng trong cộng đoàn, đó là do ta sử dụng không tốt những ơn ban. Như thế, cách gián tiếp, chúng ta làm nghèo nàn Giáo hội!

Vì thế, những lời của thánh Phaolô nhắc nhớ và mời gọi mỗi chúng ta biết chân nhận giá trị những ơn ban của Thánh Thần trong đời sống mỗi người. Những ơn này được ban không nhắm vào mục đích nào khác, ngoài việc phục vụ cho cộng đoàn và nối kết tình huynh đệ.

3. Bài Tin Mừng (Ga 2,1-12)

Như bao đoạn Tin Mừng Gioan khác, tiệc cưới Cana mang đậm những nét biểu trưng.

Trước hết, chúng ta tìm thấy nơi đây nhiều chi tiết rất thú vị: Thiên Chúa chân nhận giá trị đời sống phu thê và của bữa tiệc cưới; ta còn thấy vai trò chuyển cầu rất quan trọng của Đức Maria trước những nhu cầu của con người; ta còn thấy uy lực của Chúa Kitô, sự rộng lòng quảng đại của Người khi thi ân giáng phúc cho con người, và thời khắc Chúa chọn khi can thiệp vào các sự kiện; tất cả đều nhắm đến đức tin.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải tiến một bước xa hơn.

Tiệc cưới nhân loại nơi có Đức Giêsu hiện diện, là điểm xuất phát chủ đề: Đức Giêsu, phu quân của nhân loại. Tiệc cưới giữa Người với Giáo hội sẽ xảy ra khi “đến giờ” của Người, nghĩa là lúc trên thập giá, Đức Giêsu dâng hiến chính mình cho Giáo hội. Đó cũng là lúc mà “người nữ” Maria trở thành Mẹ của một nhân loại mới.

Vì thế, những chum nước bằng đá, biểu trưng cho nghi thức thanh tẩy Do Thái, đã bị vượt qua, và được thay thế bằng “rượu mới”, biểu trưng cho ơn ban Thánh Thần trong Giao ước mới.

Với phép lạ tại tiệc cưới Cana, vinh quang Đức Kitô đã tỏ hiện, và không chỉ các tông đồ, mà ngay cả những người ngoại cũng nhìn thấy và tin vào Người.

Câu nói của người chủ tiệc “còn ông, ông lại giữ rượu ngon mãi tới bây giờ” thể hiện một ý nghĩa mới. Cần phải đợi đến “giờ” của Đức Kitô khi Người được tôn vinh, để rượu mới, là Thánh Thần Chúa, được ban cho nhân loại.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. Không phải do bởi sự tín trung, hay bởi sáng kiến của dân Do Thái mà Thiên Chúa thiết lập giao ước Phu Thê với con người. Nhưng đây là do bởi tình yêu nhưng không, lòng quảng đại của Thiên Chúa cũng như từ ý định yêu thương của Người. Người muốn đến với chúng ta bằng một giao kết tình yêu hôn nhân, không phải để ràng buộc chúng ta trong bộ khung luật lệ, nhưng chính yếu là để yêu và được yêu nhiều hơn trong một bộ khung mới là tình yêu. Tôi cảm nghiệm điều gì trước mối tình của Thiên Chúa?

2. Đã có một thời trong Giáo hội, các ơn ban được xem như chỉ dành riêng cho một số người, một số phẩm trật nhất định. Đoạn trích thư Côrintô đã khẳng định cho chúng ta điều ngược lại. Tất cả mọi người họp thành một cộng đoàn, một thân thể, một Giáo hội là Hiền thê của Chúa. Vì thế mọi chi thể đều lãnh nhận được những ơn ban từ Thiên Chúa, tuy có khác nhau trong vai trò của từng người. Vậy với tôi, đâu là những ơn ban mà Thiên Chúa đã yêu thương dành cho tôi? Đâu là những ơn ban mà Thiên Chúa đã yêu thương dành cho những người anh chị em của tôi?

3. Nhờ rượu mới, nhờ sự hiện diện của Đức Maria, và nhất là nhờ Đức Giêsu, bữa tiệc cưới con người, từ sự u sầu vì hết rượu và có nguy cơ thiếu vắng niềm vui, giờ đã trở thành bữa tiệc đầy niềm vui hoan lạc. Vậy trong năm đồng hành với những gia đình gặp khó khăn, hình ảnh biểu trưng của tiệc cưới Cana có thể là một ý hướng mục vụ cho mỗi người chúng ta?

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2024. All Rights Reserved.