Chúa Nhật I Mùa Chay Năm C

TIN VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ
“Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi
và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Lc 4,8) 

(Đnl 26,4-10; Rm 10,8-13; Lc 4,1-13)

Mùa Chay là thời gian thuận tiện để các Kitô hữu đặt trọng tâm đời sống vào việc sám hối, thể hiện qua việc cầu nguyện, ăn chay, và bố thí. Đó là ba tập tục đạo đức truyền thống tạo nên thế “chân kiềng” vững chắc giúp tín hữu sống các chiều kích của đời sống Kitô giáo. 

Các bài đọc Chúa Nhật I hôm nay đề cập tới niềm tin vào Thiên Chúa. Niềm tin này được dân Do thái cảm nghiệm cách sâu sắc trong lịch sử qua những can thiệp cụ thể của Người. Sự can thiệp quan trọng nhất của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại đó là ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa tự ngàn xưa. Lời hứa ấy được thực hiện qua Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Về phía nhân loại, ai tin vào Người sẽ được ơn cứu độ. Đức tin đóng vai trò rất quan trọng, và Mùa Chay là mùa chúng ta bước đi trong sa mạc để thanh luyện đức tin vào Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô và cũng là mùa để đức tin của chúng ta được đơm hoa kết trái trong đời sống.

CÁC BÀI ĐỌC

  1. BÀI ĐỌC I(Đnl26,4-10) 

Bài đọc I trích sách Đệ Nhị Luật kêu gọi Dân Do thái biểu lộ lòng biết ơn Thiên Chúa qua việc dâng lên Người các sản phẩm đầu mùa; bởi vì chính Người là Đấng giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai cập và cũng là Đấng đã ban cho họ Đất Hứa, là “đất tràn trề sữa và mật”. Ở đất Ai cập, người Do thái bị áp bức và Thiên Chúa đã lắng nghe tiếng kêu van của họ: “Người Ai cập đã ngược đãi, hành hạ chúng tôi và đặt ách nô lệ lên vai chúng tôi. Bấy giờ chúng tôi đã kêu lên cùng Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông chúng tôi; Người đã nghe tiếng chúng tôi”. Biến cố giải thoát khỏi ách nô lệ Ai cập là dấu chỉ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho dân Do thái. Thiên Chúa là Đấng trung tín với lời đã hứa, và người sẽ giải thoát những ai tin tưởng vào Người. Dân Do thái cảm nhận tình yêu và lòng thương xót này của Thiên Chúa và nhận ra những hồng ân mà bây giờ họ đang được hưởng trong Đất Hứa là do Thiên Chúa ban. Họ đáp trả lại những hồng ân đó bằng những của lễ đầu mùa như là lòng tri ân Thiên Chúa. 

  1. BÀI ĐỌC II(Rm10,8-13) 

Người Do thái nghĩ rằng tuân giữ Lề Luật là được cứu độ. Phaolô lại cho thấy con người không thể đạt được sự công chính nhờ tuân giữ Lề Luật, nhưng Lề Luật báo trước sự công chính hóa nhờ Đức Kitô trong sách Đnl 30,12-14 (x. Rm 10,6-8). Người ta có thể đạt được sự công chính nhờ đức tin. Quả thật, đức tin đem lại ơn cứu độ cho tất cả mọi người: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ”. Đây là điều mà thánh Phaolô nhắn nhủ các tín hữu, dù họ là Hy lạp, Do thái hay một dân tộc nào khác: “Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát”. Tin vào quyền năng của Thiên Chúa và sống niềm tin của mình bằng cả con người thì sẽ được đón nhận ơn cứu độ mà Thiên Chúa hứa ban. 

Về phía Thiên Chúa, để cứu độ con người, Thiên Chúa đã ban Con Một của Người cho nhân loại, và Người Con đó đã đến gánh lấy tội của con người bằng hiến tế trên thập giá. Về phía nhân loại, để đạt tới ơn cứu độ, con người cần phải đón nhận và tin vào Đức Giêsu Kitô. 

  1. BÀI TIN MỪNG(Lc4,1-13) 

Đoạn văn này thường được đặt tựa “Đức Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc” để đưa ra những bài học áp dụng cụ thể về ăn chay, vượt qua cám dỗ trong Mùa Chay. Đoạn văn này không quan tâm nhiều đến việc quỷ dữ có thể cám dỗ Đức Giêsu phạm loại tội nào, hay phải đương đầu với những thứ cám dỗ nào, cho bằng phác thảo ra một chân dung Đức Giêsu là Con Thiên Chúa làm người: “Người không phải là Ðấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, chỉ trừ tội lỗi” (Hr 4,15). Quả thật, Đức Giêsu đã trải qua những cung bậc của cuộc sống con người và nhất là đã sống kinh nghiệm của chính dân Israel. Tuy nhiên, trong khi dân Israel chịu thử thách trong sa mạc, họ đã sa ngã; ngược lại, Đức Giêsu cũng đã chịu thử thách trong sa mạc nhưng Người đã vượt qua vì luôn luôn tín thác vào Thiên Chúa. 

Về bối cảnh, trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng, Đức Giêsu được Thánh Thần dẫn vào trong hoang địa 40 ngày và chịu ma quỷ cám dỗ. Con số 40 gợi nhớ đến kinh nghiệm của ông Môsê và ông Êlia đến Núi Thánh để gặp gỡ Thiên Chúa. Con số 40 cũng gợi nhớ đến biến cố dân Dothái bước đi trong sa mạc 40 năm để tiến về Đất Hứa. Trong hành trình này họ chịu nhiều thử thách để niềm tin được thanh luyện. Sau 40 ngày ăn chay, Đức Giêsu thấy đói và ma quỷ đã lợi dụng cơ hội này để cám dỗ Người trong ba khía cạnh, được diễn tả bằng ba cơn cám dỗ: 

– Trong cơn cám dỗ thứ nhất, ma quỷ đã dùng chính tước hiệu “Con Thiên Chúa” để cám dỗ Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi”. Ma quỷ muốn Đức Giêsu dùng chính quyền năng như là “Con Thiên Chúa” để làm những phép lạ đem lại lợi ích cho cá nhân Người. Tuy nhiên, Người đến trần gian không phải cho riêng mình, mà để thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha và vì kế hoạch cứu độ con người: “Nhưng đừng theo ý con, mà là ý của Cha được thành sự” (Lc 22,42). 

– Trong cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ chỉ cho Đức Giêsu thấy vinh hoa thế gian và nói: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông”. Trong lời cám dỗ này, chúng ta thấy một sự lừa lọc của ma quỷ khi tự cho rằng nó có quyền trên vũ trụ này; nhưng thực sự chỉ có một mình Thiên Chúa mới có quyền này và Đức Giêsu đến thế gian để thống trị vũ trụ bằng tình yêu và sự thật. Đức Giêsu đã khẳng định chân lý: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. 

– Trong cám dỗ thứ ba, ma quỷ dùng đoạn Tv 91,11-12: “bởi chưng Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá”, để xúi giục Đức Giêsu gieo mình trên nóc Đền Thờ xuống. Đây là mưu mô cám dỗ của ma quỷ với mục đích để ép buộc Thiên Chúa thực hiện ý đồ của mình vì sự phô trương cá nhân. Nhưng Đức Giêsu trả lời: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Với các câu trả lời của Đức Giêsu cho thấy rằng Người luôn tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, tin vào quyền năng của Thiên Chúa và củng cố sự hiệp nhất với Thiên Chúa.

GỢI Ý SUY NIEM:

  1. “Bấy giờ chúng tôi đã kêu lên cùng Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông chúng tôi; Người đã nghe tiếng chúng tôi”.Dân Do thái đã cảm nghiệm được sự can thiệp đầy lòng thương xót của Thiên Chúa trong đời sống của họ và họ đáp trả bằng việc dâng của lễ đầu mùa lên Người như tỏ lòng biết ơn. Trong cuộc sống tôi nhận được nhiều hồng ân của Thiên Chúa, nhờ vào tình yêu và của Người. Vậy, tôi đã quảng đại đáp trả lòng thương xót của Thiên Chúa chưa? Tôi đã biết sống “thương xót như Chúa Cha”?  Đâu là những hành động cụ thể mà tôi thể hiện lòng tri ân Thiên Chúa trong cuộc sống? 
  2. Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ”.Tôi có thực sự sống những điều mà tôi tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô? Tôi có thực sự sống tín thác vào Người khi vui, lúc buồn, cũng như khi gặp nguy khó? Tôi có cảm nghiệm Đức Giêsu như là chỗ nương tựa cho đời tôi? 
  3. Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.Tôi có đặt Thiên Chúa ở vị trí quan trọng và tối thượng trong cuộc sống của tôi? Hay tôi còn có nhiều vị thần khác đang chi phối cuộc sống tôi? Tôi có thi hành thánh ý Thiên Chúa hay chỉ dựa vào Thiên Chúa để thực hiện những mục tiêu trần thế của tôi? 
  4. Ăn chay, nghĩa là học cách thay đổi thái độ của chúng ta đối với người khác và tất cả mọi thụ tạo, tránh xa cám dỗ “nuốt chửng” tất cả mọi thứ hầu thỏa mãn thói tham lam của chúng ta, và sẵn sàng chịu hy sinh vì tình yêu, là điều có thể lấp đầy sự trống rỗng nơi tâm hồn mỗi người chúng ta. Cầu nguyệndạy chúng ta từ bỏ việc tôn thờ ngẫu tượng cũng như sự kiêu căng của bản ngã, và đồng thời thừa nhận nhu cầu của chúng ta đối với Thiên Chúa và Lòng thương xót của Ngài. Bố thí là việc mà nhờ đó chúng ta thoát khỏi sự điên rồ của việc chỉ lo tích trữ tất cả mọi thứ cho bản thân với niềm tin viển vông rằng chúng ta có thể đảm bảo một tương lai vốn chẳng hề thuộc về chúng ta.” (ĐGH Phanxicô, Sứ Điệp Mùa Chay 2019, số 2). Trong Mùa Chay Thánh năm nay, tôi thực hành ba việc đạo đức này theo thói quen hay theo tinh thần của Hội Thánh? 
Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2025. All Rights Reserved.