Chúa Nhật II Mùa Chay Năm C

DUNG MẠO ĐỨC KITÔ – DUNG MẠO NGƯỜI TÍN HỮU

“Dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà”(Lc 9,29) 

(St 15,5-12.17-18; Pl 3,17-4,1; Lc 9,28b-36) 

CÁC BÀI ĐỌC

 1. Bài đọc I  (St 15,5-12.17-18)

Với Abram, giai đoạn đầu tiên của nhiệm cục cứu độ được trình bày cho chúng ta. Ông là tổ phụ dân Israel, đã nhận từ nơi Thiên Chúa một lời hứa kép, đó là một dòng dõi và một miền đất.

Lời hứa về dòng dõi là một quà tặng nhưng không. Trong bối cảnh trước đó, Abram đã kêu cầu với Thiên Chúa: “con ra đi mà không có con cái” (c.2). Vì lý do này, Abram đã rất tin tưởng vào lời hứa và thái độ đó đã làm cho ông nên công chính trước mặt Thiên Chúa.

Với lời hứa sở hữu một miền đất, Abram đã xin một dấu chỉ: “làm sao mà biết là con sẽ được đất này làm sở hữu?” (c.8). Và Thiên Chúa đã trả lời ông với một nghi thức giao ước cổ xưa. Với một lò nghi ngút khói và một ngọn đuốc cháy rực đi qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi, giao ước đã được lập. Giao ước này mang tính một bên, xuất phát từ ý định của Thiên Chúa, là một quà tặng nhưng không, và chỉ có Thiên Chúa mới có thể cởi bỏ.

Quà tặng nhưng không từ Thiên Chúa: một dòng dõi con cháu, một miền đất được hứa ban, hy lễ chiên bò, sự hiện diện vô hình của Thiên Chúa, tất cả những yếu tố này chúng ta tìm thấy trong Giao ước mới của Đức Kitô, và đây là hình ảnh tiên khởi.

2. Bài đọc II (Pl 3,17-4,1)

Mầu nhiệm Chúa Kitô trình bày cho chúng ta:

– Một Đức Kitô chịu đóng đinh, được mặc lấy vinh quang và uy quyền (bộ ba: tử nạn, phục sinh và thăng thiên);

– Một Đức Kitô đã cứu chuộc nhân loại cách nhưng không, đối nghịch với suy nghĩ của những “thù địch” của thập giá Đức Kitô. Đây là một nhóm các Kitô hữu trong cộng đoàn Philipphê. Cách nói “Chúa họ thờ là cái bụng” không nhắm đến việc ham mê ăn uống hay tính dục, nhưng ám chỉ những người chỉ biết đặt để niềm tin vào các giới răn thực hành của truyền thống, như việc cắt bì, kiêng ăn một số thức ăn, và ăn chay. Đây là điều đáng hổ thẹn chứ không phải vinh quang như họ nghĩ, và vì thế chúng được xem là “những sự thế gian”;

– Một Đức Kitô định cho chúng ta được chia sẻ vinh quang của Người. Chính Người sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta (sự kiện Hiển dung là một thể hiện về thân xác vinh quang của Đức Kitô), và chúng ta là những “công dân” Nước Trời.

Sẽ là sai lầm đối với những người chỉ biết cúi mặt xuống đất và xem đó như là chốn vĩnh cửu của đời mình. Thật ra trong thế giới này, cũng như Abram, chúng ta như là những khách lữ hành trong sa mạc.

Chính vì thế, noi gương thánh Phaolô có nghĩa đơn giản là đặt để niềm tin vào Đức Kitô và những giá trị thuộc thượng giới, với xác tín là chỉ duy nơi Người chúng ta được cứu độ.

3. Bài Tin Mừng (Lc 9,28b-36)

Quang cảnh Chúa Hiển Dung chứa đựng nhiều ý nghĩa và thường chúng ta thấy một số điểm sau:

– một sự tỏ bày trước vinh quang của Đức Kitô trước khi thực hiện cuộc xuất hành lên Giêrusalem. Dung mạo Đức Giêsu “bỗng đổi khác” như dung mạo của Đấng Phục sinh mà cần phải có thời gian để được nhận thấy.

– một sự khích lệ và đỡ nâng cho niềm tin của các môn đệ: Chính ba môn đệ này cũng chứng kiến đau khổ của Đức Giêsu trong vườn cây dầu sau này (x. Mt 26,37). Cả hai trường hợp các ông đều ngủ. Sức nặng của vinh quang cũng như khổ đau đã đè nặng các ông, tuy nhiên, đây cũng là chức năng của người tông đồ trong Giáo hội: nhìn thấy Đức Kitô Phục sinh.

– một sự chuẩn nhận bản tính của Đức Giêsu và sứ mạng của vị Ngôn sứ: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!”.

Sâu xa hơn, chúng ta còn thấy những điểm khác:

– Đức Giêsu như là người thừa kế toàn bộ gia sản Cựu ước: sự hiện diện của Môsê (Lề luật) và của Êlia (Ngôn sứ). Đức Giêsu là “Con”, là dòng dõi được hứa ban cho Ápraham.

– Đức Giêsu như là vị Tôi Tớ (x. Isaia đệ nhị), là “Đấng Thánh của Israel” bị “người đời khinh chê” (Is 49,7). Duy chỉ có Tin Mừng Luca sử dụng thuật ngữ “người được tuyển chọn” từ Bài ca thứ hai Người Tôi tớ, trong lúc Hiển dung và khi trên thập giá (x. Lc 23,35).

– Trong hành trình chuẩn bị Lễ Phục sinh mới. Môsê và Êlia nói về sự “xuất hành ” của các ngài (đã khởi hành); “núi”, mây che phủ, cùng với nỗi sợ hãi, nhắc nhớ về biến cố Sinai. Lều mà Phêrô xin được dựng gợi lại hình ảnh trong sa mạc.

– Sự thân mật với Chúa, mà sau đó được biến chuyển thành lời cầu nguyện. Thật ra, Đức Giêsu đã mang theo các môn đệ lên núi để “cầu nguyện”.

GỢI Ý SUY NIỆM 

1. Không phải được tuyển chọn, nhưng Abram được Chúa chọn gọi giữa muôn người theo ý định và tình thương nhưng không của Người.

Tin tưởng vào Chúa, vào tình thương và lời hứa của Người, Abram trở thành khuôn mẫu của mọi người chúng ta về một niềm tin kiên vững và phó thác. Cũng như Abram, tôi có xác tín và nhận ra rằng tôi cũng chắc chắn được Thiên Chúa yêu thương chọn gọi và đặt để trong một kế hoạch yêu thương của Người?

2. Hành trình Mùa Chay hướng về tâm tình mừng lễ Vượt qua với cuộc vinh thắng của Đức Kitô. Lắng đọng trong tâm hồn và suy nghĩ về những giá trị mà tôi đang sống, tôi thấy những giá trị này có phản ánh thập giá Đức Kitô và Nước Trời không? Có điều gì tôi cần phải ‘xuất hành’ và ‘vượt qua’?

3. Trước khi chịu khổ hình thập giá, Đức Giêsu đã tỏ lộ chân dung vinh quang của Người cho các môn đệ, để củng cố niềm tin của các ông và giúp các ông vượt qua những gian nan thử thách. Chắc chắn đây cũng là cách thức mà Chúa cũng thực hiện nơi mỗi người chúng ta. Vậy trong những hoàn cảnh khó khăn, thập giá của đời mình, tôi có nhận ra dung mạo vinh quang của Chúa, cuộc vinh thắng của Người, cũng như niềm hy vọng về đức tin của tôi? 

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2025. All Rights Reserved.