Chúa Nhật IV Mùa Chay Năm C

TÌNH THƯƠNG THA THỨ CỦA THIÊN CHÚA

 “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy.
Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để”
  (Lc 15, 20)

(Gs 5, 9a. 10-12; 2 Cr 5, 17-21; Lc 15, 1-3. 11-32)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1

Đoạn sách Gs 5, 9-12 đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng từ giai đoạn hành trình trong sa mạc qua giai đoạn chinh phục Đất Hứa. Đứng trước cửa ngõ vào đất Canaan, Thiên Chúa truyền lệnh cho dân Israel thực hiện nghi thức cắt bì, mừng lễ Vượt Qua và dùng sản phẩm địa phương thay cho Manna.

Trước hết, trước khi bước vào cuộc chiến đấu khốc liệt để chiếm lấy Đất Hứa, Thiên Chúa truyền lệnh cho dân Israel thực hiện nghi thức cắt bì để nhắc nhớ họ về giao ước mà Thiên Chúa ký kết với tổ phụ họ là Ápraham (x. St 17, 9-14). Nếu dân trung thành giữ giao ước đã ký kết với Thiên Chúa, thì Người sẽ luôn trung tín bảo vệ dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Sức mạnh chở che của Thiên Chúa cùng với sức mạnh từ sự đoàn kết của các nam nhân khi cùng đón nhận phép cắt bì tạo nên sức mạnh cho cuộc chiến đấu.

Sau nữa, tiếp nối sau phép cắt bì, dân Israel cử hành lễ Vượt Qua. Nếu cắt bì là dấu chỉ khởi đầu của giao ước, thì lễ Vượt Qua là dấu chỉ tiếp nối của giao ước. Quả vậy, lễ Vượt Qua nhắc nhớ dân về cuộc giải thoát vĩ đại mà Thiên Chúa đã thực hiện; trong thời khắc nguy nan nhất, Thiên Chúa đã vượt qua trước cửa nhà dân Israel nhưng lại đánh phạt các con đầu lòng Ai Cập để cứu họ khỏi cảnh nô lệ. Cuộc chiến thắng này là dấu chỉ rõ ràng việc Thiên Chúa giữ lời đã giao ước với các tổ phụ. Giờ đây, họ lại cử hành lễ này như một mong ước về một cuộc chiến thắng mà Thiên Chúa sẽ ban cho họ tại đất Canaan như Thiên Chúa đã làm xưa kia tại Ai Cập.

Cuối cùng, dân Israel không còn nhận được Manna nữa; thay vào đó họ dùng sản phẩm địa phương vùng Giêricô. Đây là dấu chỉ rõ ràng biểu thị sự chuyển đổi từ giai đoạn sa mạc qua giai đoạn tiến vào Đất Hứa. Giai đoạn Thiên Chúa can thiệp cách đặc biệt để nuôi sống dân Chúa trong sa mạc đã qua rồi. Một giai đoạn mới được mở ra cho dân Chúa. Giờ đây họ có thể bắt đầu dùng sản phẩm địa phương. Lời hứa của Thiên Chúa về một vùng Đất Hứa đang được hiện thực hóa và ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Thiên Chúa luôn trung thành với giao ước mà Người đã ký kết với dân Chúa. Nếu dân trung thành tuân giữ những điều họ đã ký kết với Thiên Chúa, Người sẽ từng bước thực hiện lời Người hứa từ ngàn xưa.

2. Bài đọc 2

Đoạn trích từ thư 2 Cr 5, 16-21 mô tả một hoàn cảnh mới, một giai đoạn mới. Vì Đức Kitô, Đấng đã chết cho mọi người (5, 15), nên những ai ở trong Người, đều là thụ tạo mới (5, 17), khi người ta được hòa giải với Thiên Chúa.

Trước hết, sự đổi mới đến từ Thiên Chúa, Đấng “đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người” (5, 18). Quả vậy, sáng kiến hòa giải bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng “không còn chấp tội nhân loại nữa” (5, 19). Thiên Chúa không những không chấp tội của nhân loại, ngay cả khi tội lỗi đó đã dẫn đến cái chết của Đức Giêsu, mà còn dùng chính cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, để tha thứ tội lỗi cho nhân loại, và cho nhân loại được hòa giải với Người.

Thiên Chúa đâu cần hòa giải với nhân loại; chính nhân loại mới cần hòa giải với Người. Nhưng Thiên Chúa lại đi bước trước trong việc bày tỏ tình thương tha thứ của Người ngay “khi chúng ta còn là những người tội lỗi” (Rm 5,8), “khi chúng ta còn thù nghịch với Người” (Rm 5, 10) để nhân loại được hòa giải với Người (5,18). Thật vậy, Thiên Chúa không lấy oán báo oán theo kiểu thế gian, nhưng dùng tình thương để hóa giải tội lỗi và ban sự sống mới.

Sau nữa, việc hòa giải với Thiên Chúa được thực hiện thông qua thừa tác vụ của “chúng tôi”, vì theo thánh Phaolô, Thiên Chúa đã “trao cho chúng tôi chức vụ hòa giải” (5, 18) và “giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải” (5, 19). Điều này có nghĩa là việc việc hòa giải không phải dành riêng cho thánh Phaolô trong tư cách cá nhân mà là cho thừa tác vụ của Giáo hội. Hơn nữa, dù được trao cho thừa tác vụ hòa giải nhưng Giáo hội không phải là tác nhân của việc hòa giải nhưng chỉ công bố sự hòa giải mà Thiên Chúa đã thực hiện nhờ cái chết của Đức Giêsu. Như thế, thừa tác vụ hòa giải của Giáo hội là “nhân danh Đức Kitô” mà “nài xin” nhân loại “hãy làm hoà với Thiên Chúa” (5, 20).

3. Bài Tin Mừng

Dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” được thánh Luca thuật lại trong bối cảnh có những người tội lỗi đến với Chúa Giêsu để nghe Người giảng, trong khi những người Pharisêu và các kinh sư lại phản đối việc Người tiếp đón và ăn uống với những người bị xem là “phường tội lỗi” (15, 1-3). Dụ ngôn này là câu trả lời cho sự phản bội và những vấn nạn họ đặt ra.

Tình thương và lòng nhân hậu vô bờ của người cha. Tình thương của người cha đối với đứa con hư hỏng thật quá lớn lao. Ông không hề thắc mắc hay gây khó khăn khi đứa con thứ đòi chia của cải. Ông không trách móc khi người con thứ bỏ nhà đi hoang và tiêu xài hết phần của cải được chia. Ông vẫn hằng chờ đợi và trông ngóng đứa con hư trở về đến nỗi khi cậu còn ở đàng xa thì ông đã trông thấy, chạnh lòng thương và chạy ra đón con. Những việc ông làm liên tiếp sau đó như “ôm cổ”, “hôn lấy hôn để”, “mặc áo đẹp”, “xỏ nhẫn”, “xỏ dép”, và “giết bê béo mở tiệc ăn mừng” đều thể hiện tình thương và sự tha thứ hoàn toàn vô điều kiện mà ông dành cho đứa con hư trở về vì đối với ông đó là đứa con “đã chết mà nay sống lại”.

Sự trở về miễn cưỡng của người con thứ. Người con thứ đòi chia gia tài, rồi từ bỏ cha đi ăn chơi mà không hề suy nghĩ cho tình cảm và sự lo lắng của cha. Anh ta chỉ trở về khi đã tiêu hết tiền bạc, không công ăn việc làm, không lương thực dằn bụng. Anh không trở về vì thương cha già ở nhà, nhưng chỉ mong cha chấp nhận mình như người làm công để có cái ăn. Sự trở về của anh chỉ như một sự chọn lựa để không phải chết đói. Dẫu muộn màng và miễn cưỡng, sự trở về của người con thứ vẫn luôn có giá trị và đáng vui mừng đối với người cha. Người cha không quan tâm vì sao anh trở về, vì đối với ông, sự trở về của người con, dù với lý do gì, đều rất đáng được hoan nghênh và đáng để mừng vui. Người con thứ đi hoang đánh mất phẩm giá làm con và tự thấy mình không xứng đáng là con, nhưng khi anh trở về, người cha không mảy may do dự phục hồi trọn vẹn tư cách làm con của anh.

Sự dửng dưng, lạnh lùng và vô cảm của người con cả. Người con cả là người chăm chỉ làm việc, sống đàng hoàng, ngoan ngoãn và chưa bao giờ làm gì trái lệnh cha. Dù tuân phục cha cách trọn vẹn, người con cả chỉ thấy mình như người làm việc để “hầu hạ” một người cha keo kiệt. Một đàng, anh tỏ ra hẹp hòi, ích kỷ, đối với người em hư hỏng đến nỗi không còn coi đó là em mình, đàng khác, anh không nhận ra tấm lòng rộng lượng của người cha. Anh quên mất rằng trong tư cách là một người con thì “tất cả những gì của cha đều là của con”. Tuy anh ở trong nhà, nhưng lại tự đánh mất phẩm giá và quyền lợi làm con. Anh ở bên cha nhưng lại không cảm nhận được tình cha. Anh tự cho mình là người tốt lành, có tư cách đoán xét người em hư hỏng, nhưng chính anh lại quá hẹp hòi để mở lòng ra với tình cha, tình anh em.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG

1/ Lời hứa từ xa xưa của Thiên Chúa về một vùng Đất Hứa nay sắp thành hiện thực. Trước khi bước vào cuộc chinh phục đất Canaan, dân Israel cử hành nghi lễ nhắc nhớ về giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân qua việc thực hiện việc cắt bì, và mừng lễ Vượt Qua. Thiên Chúa vẫn luôn trung thành với giao ước, dẫn dân vào Đất Hứa, nếu dân đi trong đường lối của Người. Tôi có thường nhắc nhớ mình về những gì tôi đã cam kết với Người? Tôi có đang giữ những điều khoản của giao ước mà tôi ký kết với Người?

2/ Đối với thánh Phaolô, Thiên Chúa đi bước trước trong việc hoà giải nhân loại với Thiên Chúa. Qua Đức Kitô và nhờ cái chết của Người, Thiên Chúa không còn chấp tội con người. Việc hoà giải với Thiên Chúa được giao cho thừa tác vụ của Giáo hội. Chính Giáo hội, thừa hành thừa tác vụ được trao cho mình, công bố lời hoà giải. Thiên Chúa mời gọi tôi hoà giải với Người, tôi có mở lòng ra với Người? Tôi có sẵn sàng, thông qua thừa tác vụ của Giáo hội, thực hiện việc hoà giải với Thiên Chúa?

3/ Dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” là câu trả lời thoả đáng cho những vấn nạn mà những người Pharisêu và các kinh sư đặt ra. Trước hết, tình thương của Thiên Chúa vượt lên trên những bất toàn tội lỗi của con người. Sau nữa, Thiên Chúa sẵn sàng chờ đợi con người trở về để tha thứ tất cả dù con người bất toàn, tội lỗi đến đâu. Cuối cùng, thật đáng trách cho những ai tự cho mình là công chính mà không nhận ra tình Chúa và hẹp hòi xét đoán anh em mình. Tôi có nhận ra tình thương mà Thiên Chúa vẫn luôn dành cho tôi? Tôi có nhận thấy mình là tội nhân cần trở về để xin Thiên Chúa thứ tha? Tôi có tự coi mình là tốt lành, công chính mà không cần đến tình thương của Chúa và hẹp hòi, khắt khe với anh em?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Cha rất nhân từ luôn yêu thương hết thảy mọi người, sẵn sàng tha thứ và ban tặng sự sống đời đời cho những ai thành tâm sám hối. Ý thức thân phận tội lỗi của mình và tin tưởng vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa, cộng đoàn chúng ta hãy tha thiết dâng lời cầu xin.

1. Hội Thánh có sứ vụ giới thiệu cho con người một Thiên Chúa từ bi nhân hậu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các chủ chăn trong Hội Thánh trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước, luôn tận tình phục vụ mọi người với tấm lòng bao dung quảng đại.

2. Lối sống ích kỷ và hưởng thụ đang gặm nhấm và làm băng hoại nhiều tâm hồn. Chúng ta cùng cầu xin cho những người có trách nhiệm luôn quan tâm đến việc giáo dục ý thức cộng đồng và tinh thần vị tha cho mọi lứa tuổi cũng như trong mọi môi trường.

3. Lòng bao dung nhân từ của Thiên Chúa phủ lấp mọi lỗi lầm của con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu biết tận dụng cơ hội của mùa Chay thánh này, để quay về với Chúa qua bí tích Hòa Giải và có những quyết tâm sửa đổi đời sống cách triệt để.

4. Hạnh phúc đích thực là được sống trong tình thương của Thiên Chúa và anh chị em. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn đoàn kết yêu thương nhau, biết chia sẻ nâng đỡ và giúp nhau đạt được niềm vui ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban tặng.

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2025. All Rights Reserved.