Chúa nhật 3 Phục Sinh năm C

CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU
“Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan
bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu”
(Cv 5,41) (Cv 5,27b-32.40b-41; Kh 5,11-14; Ga 21, 1-19)

Biến cố Đức Giêsu Phục sinh đã làm thay đổi cuộc sống của các Tông Đồ. Nếu trước kia các vị sống hời hợt và run sợ thì nay lại nhiệt tình và mạnh dạn ra đi loan truyền những gì đã nghe và làm chứng những gì đã thấy từ Đức Giêsu. Ngay cả bắt bớ, tù đày, cái chết cũng không thể lay chuyển niềm tin và làm lung lạc sứ vụ của các Tông Đồ. Giờ đây họ là những chứng nhân cho tình yêu của Đức Giêsu và cho niềm hy vọng phục sinh.

I. LỜI CHÚA

1. BÀI ĐỌC I (Cv 5,27b-32.40b-41)

Cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi đang bị bách hại. Tông Đồ cả Phêrô và các Tông Đồ bị bắt và bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng, bởi vì các ông rao giảng và dấn thân làm chứng về Đức Giêsu, người Nadarét, là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, đã chết mà nay đã sống lại. Vì có nhiều người tin theo, nên các vị thượng tế ngăn cấm: “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi”. Dù vậy, các Tông Đồ đã không tỏ chút sợ hãi gì trước những lời cấm đoán và bắt bớ. Ngược lại các ông càng mạnh dạn làm chứng về Đức Giêsu Kitô: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. Đức Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy… Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người”.

Không ai có thể bắt các Tông Đồ im lặng trước biến cố phục sinh vinh hiển của Đức Giêsu, Đấng mà chính họ đã theo, ở với, cùng chia sẻ cuộc sống, và họ đã gặp lại Người sau phục sinh. Các Tông Đồ đã biểu lộ niềm tin và tình yêu dành cho Đức Giêsu bằng việc vui vẻ chấp nhận mọi đau khổ vì Người: “Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu”.

2. BÀI ĐỌC II (Kh 5,11-14)

Bài đọc trích sách Khải Huyền hôm nay nói về Con Chiên Vô Tì Tích là chính Chúa Giêsu Kitô. Cần lưu ý: trong Kinh Thánh, danh từ “cừu/ πρόβατον” (sheep) được sử dụng để ám chỉ “các tín hữu” nói chung (vd: Tv 78,52; 79,13; Ga 10,11.15; 21,16.17); còn danh từ “chiên/ ἀρνίον” (lamb) chỉ một lần được áp dụng cho các Kitô hữu (Ga 21,15), còn tất cả 28 lần còn lại được tìm thấy trong sách Khải Huyền là tước hiệu ám chỉ về Đức Giêsu Kitô được tôn vinh (và thêm một lần ở Kh 13,11: Con Thú,…có hai sừng giống như một con chiên).

Đức Giêsu là Con Chiên đã chấp nhận trở nên của lễ dâng lên cho Thiên Chúa qua việc hiến dâng cả mạng sống để cứu chuộc nhân loại. Sau đó, Người đã sống lại hiển vinh và xứng đáng lãnh nhận mọi uy quyền, vinh quang trên toàn thể vũ trụ. “Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc”.

Việc đám đông thuộc mọi thành phần tung hô, cùng với bốn Sinh Vật thưa “Amen” và các Kỳ Mục phủ phục xuống thờ lạy Con Chiên là Đức Giêsu gợi lên sự liên tưởng đến việc tôn kính dành cho các hoàng đế Rôma thời đó. Lúc này, đám đông dâng những lời và thực hiện hành vi tôn kính này lên Thiên Chúa và Con Chiên thay cho các hoàng đế Rôma. Điều này phản ánh viễn tượng của Gioan về cuộc xung đột giữa quyền lực của Thiên Chúa với quyền lực của Xêda, là thế lực đang bách hại Kitô giáo. Cuối cùng, vương quyền của Thiên Chúa sẽ chiến thắng qua cuộc phục sinh và tôn vinh của Đức Giêsu. Tất cả vũ trụ đều ca ngợi Đức Giêsu, vì chính hiến tế của Đức Giêsu trên thập giá đã thay đổi tình trạng của con người và vũ trụ, khi Người giải thoát con người và thế giới khỏi quyền lực của ma quỷ, tội lỗi và thế lực sự dữ.

3. BÀI TIN MỪNG (Ga 21,1-19)

Bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay nói về việc Đức Giêsu Phục Sinh tỏ mình ra với các Tông Đồ trong hoàn cảnh sinh hoạt thường ngày của họ. Các ông đi đánh cá suốt đêm ở hồ Galilê, nhưng chẳng bắt được gì. Khi trời hừng sáng, Đức Giêsu đứng trên bờ biển, nhưng các Tông Đồ không nhận ra Người. Đức Giêsu ra lệnh cho các ông thả lưới và họ đã có một mẻ cá đầy. Đây là dấu lạ đầu tiên để tỏ lộ quyền năng và vinh quang của Đức Giêsu kể từ  khi Người sống lại. Thiên Chúa cũng tỏ lộ vinh quang của Người trong điều kiện và hoàn cảnh bình thường của đời sống thường ngày của chúng ta. Vấn đề quan trọng là chúng ta hãy biết mau mắn lắng nghe lệnh truyền của Thiên Chúa, có đọc được dấu lạ để nhận ra Đức Giêsu Kitô phục sinh đang hiện diện bên chúng ta trong cuộc sống hằng ngày hay không.

Có một điểm đặc biệt trong đoạn Tin Mừng hôm nay, đó là trong lúc Đức Giêsu đang dùng bữa với các Tông Đồ, Người đã hỏi Phêrô ba lần: “Này Simôn, con Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” (các động từ diễn tả cắc sác thái khác nhau của tình yêu). Sau khi Phêrô đáp trả ba lần rằng ông thương mến Người, Đức Giêsu trao sứ vụ chăn dắt đàn chiên cho Phêrô, dù trước kia ông đã chối Chúa ba lần. Tình yêu hiện tại phủ lấp mọi lỗi lầm quá khứ. Điều mà Đức Giêsu mong đợi nơi các Tông Đồ đó là tình yêu dành cho Người. Nếu có tình yêu này thì các Tông Đồ mới xứng đáng lãnh nhận sứ vụ coi sóc đàn chiên, và chỉ nhờ tình yêu thì các ông mới vượt qua được các khó khăn thử thách mà chu toàn sứ vụ. Không thể nào chăn dắt đàn chiên bằng quyền lực, nhưng chỉ có tình yêu mới thúc đẩy các tông đồ dấn thân phục vụ đoàn chiên, mới mang được mùi chiên vào mình.

II. GỢI Ý SUY NIÊM

1. “Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu”. Các Tông Đồ đã xem những đau khổ họ chịu vì danh Đức Giêsu là niềm vinh dự lớn lao, nên họ đã xác tín và dấn thân cho việc rao giảng về Đức Giêsu phục sinh. Tôi có can đảm và hăng say loan báo Đức Giêsu cho người khác? Đời sống của tôi có là lời chứng về Đức Giêsu Phục sinh? Trong cuộc sống thường nhật, giữa bao cám dỗ của tiền tài và danh vọng, giữa bao áp lực của xã hội và người đời, tôi có dám sống theo các đòi hỏi của Tin Mừng, tôi có dám vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm?

2. “Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc”. Đức Giêsu lãnh nhận tất cả mọi vinh quang và danh dự, do hiến tế của Người trên thập giá vì yêu chúng ta. Tôi có yêu mến và cảm nghiệm tình yêu của Đức Giêsu? Tôi có biết kết hiệp những vui buồn của đời sống tôi với những đau khổ của Đức Giêsu để được hưởng vinh quang với Người? Tôi có tôn kính Đức Giêsu, Con Chiên đã bị giết vì tôi, hơn mọi quyền lực của thế gian?

3. “Này Simôn, con Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” Đây cũng là câu hỏi mà Đức Giêsu dành cho tôi: Con có yêu mến Thầy không? Tôi phải thể hiện lòng yêu mến Đức Giêsu như thế nào trong đời sống? Đức Giêsu luôn yêu thương tôi và trên thập giá, Người đã thốt lên: “Ta khát”. Tôi có nhận ra Người vẫn khát khao tình yêu của tôi đối với Người và đối với anh chị em xung quanh? Tôi có động lòng trắc ẩn trước những nổi khổ đau của người bất hạnh, trái tim tôi có rung cảm để thúc đẩy đôi tay hành động một điều gì đó cụ thể trước những khó khăn của người nghèo đang sống quanh tôi?

3. Trước nhiều đau khổ của thời đại chúng ta, xin Thiên Chúa của sự sống đừng để chúng ta thờ ơ và lạnh lùng. Xin Người làm cho chúng ta trở nên những người xây những cây cầu, chứ không phải những bức tường. Đó huấn dụ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Sứ điệp Phục Sinh 2019. Lãnh nhận ơn Phục sinh, chúng ta có nỗ lực trở thành những cầu nối giữa Thiên Chúa và con người và giữa tha nhân với nhau? Hay vô tình trở thành những bức tường ngăn cản mọi tương quan?

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2025. All Rights Reserved.