CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH – C
(Cv 13,14.43-52; Kh 7,9.14b-17; Ga 10,27-30)
ĐỨC GIÊSU – VỊ MỤC TỬ BẢO VỆ ĐÀN CHIÊN
“Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10,28)
Chúa Nhật này cũng được gọi là Chúa Nhật người Mục tử Nhân lành. Đây là hình ảnh nổi bật trong Tin Mừng Gioan cũng như trong bài đọc II trích từ sách Khải huyền. Còn trong bài đọc I trích từ sách Công vụ Tông đồ, Tin Mừng được rao giảng cho muôn dân nước, là những người mà chúng ta có thể thấy trong thị kiến sách Khải huyền. Để trở thành đàn chiên của những kẻ được tuyển chọn, cần thiết phải biết lắng nghe tiếng của vị Mục tử.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Cv 13,14.43-52)
Đoạn trích này rất quan trọng về khía cạnh lịch sử. Đây là khởi sự lần truyền giáo đầu tiên của thánh Phaolô và ngay tức khắc nó phác họa cách thức rao giảng của ngài. Trước hết là hội đường, nơi ngài đặt niềm tin tưởng của mình đối với dân Do Thái. Nhưng trước sự chối từ của họ, ngài hướng về phía dân ngoại. Và vì thế, chính nơi đây đã định hình ơn gọi đặc thù của thánh Phaolô (x. 9,15; 18,6; 28,28).
Đoạn trích cũng quan trọng về khía cạnh thần học. Sự khai mở Tin Mừng ra cho dân ngoại là một chủ đề nổi bật trong sách Công vụ Tông đồ, vốn đã được chuẩn bị trước trong Tin Mừng Luca.
Khi nói người “miền Giuđê”, chúng ta phải hiểu họ vừa là người có gốc tích miền Giuđê, vừa là người thuộc nhóm những người do bởi chức vụ hay do bởi sự thuyết phục mà chống lại Đức Kitô và các tông đồ. Sự đối nghịch này đã làm cho sự tương đồng giữa Đức Giêsu với các tông đồ thêm mạnh mẽ.
2. Bài đọc II (Kh 7,9.14b-17)
Đoạn trích Khải huyền hôm nay thuật lại những điều xảy ra khi Con Chiên mở ấn thứ sáu trong tổng số bảy ấn niêm phong của cuốn sách. Lập tức Gioan thấy một đoàn người đông vô số không đếm nổi, thuộc mọi chi tộc, ngôn ngữ và mọi dân. Tất cả đứng trước ngai Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh và trên tay cầm cành lá thiên tuế, lần lượt tượng trưng cho niềm vui, sự tinh khiết, vô tội, và là dấu chỉ của sự vinh thắng.
Những người này là ai? Đó là những kẻ đã chịu bách hại, và đã hiến dâng mạng sống mình để làm chứng cho đức tin vào Chúa Kitô, như Con Chiên đã thực hiện. Đối với người đời, họ là những kẻ thất bại, nhưng với Thiên Chúa, họ là những kẻ chiến thắng. Họ “sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa”, vì chính Con Chiên, như là vị Mục tử, “sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ”.
Ở đây ta thấy một hình ảnh rất lạ, đó là Đức Giêsu Kitô được xem vừa là Con Chiên, nhưng cũng vừa là Mục tử. Điều đó có nghĩa Người có vai trò vừa chăn dắt, hướng dẫn, vừa như Con Chiên, bị làm thịt và hiến mình vì tình yêu cho nhân loai.
Những thị kiến này được viết ra với mục đích khuyến khích các Kitô hữu một mực trung thành trong đức tin của mình khi bị bách hại thời Hoàng đế La mã Đamitiano khoảng năm 81-96 sCN.
3. Bài Tin Mừng (Ga 10,27-30)
Mỗi khi nói đến vị Mục tử nhân lành, điều đầu tiên chúng ta thường hay nghĩ tới, đó là hình ảnh của người chăn chiên với vòng tay yêu thương ôm ấp những con chiên bé nhỏ, đau ốm, bệnh tật, hay với những con chiên lạc đàn, xa cách, thì người ân cần vác trên vai đưa về đàn. Cách hiểu này thật đúng khi chúng ta liên hệ đến dụ ngôn con chiên lạc trong Tin Mừng Luca (Lc 15,4-8).
Thế nhưng, hình ảnh vị Mục tử Nhân lành mà thánh Gioan trình bày cho chúng ta hôm nay lại không liên quan mấy đến hình ảnh vị Mục tử nhân lành và hiền dịu này của Luca. Ở đây, Đức Giêsu không được trình bày như một vị chăn chiên dịu dàng, nhân hậu, nhưng là một người mạnh mẽ, cứng rắn, sẵn sàng chiến đấu với các băng đảng trộm cướp, hay với những dã thú hung tàn, như một hình ảnh của Đavít năm xưa: “34 Đa-vít thưa với vua Sa-un: “Tôi tớ ngài là người chăn chiên dê cho cha. Khi sư tử hay gấu đến tha đi một con chiên trong bầy gia súc, 35 thì con ra đuổi theo nó, đánh nó và giật con chiên khỏi mõm nó. Nó mà chồm lên con, thì con nắm lấy râu nó, đánh cho nó chết.” (1Sm 17,34-35). Vì thế, Đức Giêsu là vị Mục Tử nhân lành, bởi vì Người không ngại chiến đấu và thậm chí còn hiến dâng cả mạng sống mình cho đàn chiên (x. Ga 10,11).
Thêm nữa, lời khẳng định bảo vệ, săn sóc, gìn giữ đàn chiên, và ban cho chúng sự sống đời đời (c.28) không tùy thuộc sự xứng đáng của đàn chiên, nhưng là do bởi chính sáng kiến và tình yêu của vị Mục tử. Đây là một lời loan báo, một Tin Mừng trọng đại dành cho nhân loại về lòng yêu thương của Thiên Chúa từ biến cố Vượt Qua mà mỗi Kitô hữu phải có nhiệm vụ loan truyền.
Làm sao trở thành đàn chiên theo bước chân của vị Mục tử Giêsu? Điều kiện quan trọng, đó là biết nghe tiếng của vị Mục tử, đó là Lời Chúa, là Tin Mừng, là thông điệp của các vị mục tử hay qua các biến cố luôn vang vọng trong cuộc sống của chúng ta: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (c.27).
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất (Cv 13,17). Thiên Chúa đã dùng thánh Phaolô như là một công cụ đắc lực để mang Tin Mừng đến cho muôn dân, và nhờ đó, biết bao người đã đón nhận hồng ân đức tin. Chúa Nhật vị Mục tử Nhân lành, ngày cầu nguyện cho ơn gọi, qua mẫu gương của thánh Phaolô, tôi có thao thức gì trong ơn gọi của mình trước lệnh truyền ra đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân trong bối cảnh thế giới hôm nay?
2. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ (Kh 7,17). Thế giới hiện nay vẫn còn biết bao cảnh khốn cùng trên thân phận của con người. Tuy vậy, Thiên Chúa vẫn hứa ban thưởng cho những người công chính, khi bị bách hại hay chịu nhiều khổ đau ở đời này. Chúa Nhật vị Mục tử Nhân lành, tôi có thao thức gì trước nỗi khổ đau của những anh chị em tôi, để cùng với Chúa Giêsu, mang niềm hy vọng và ủi an đến cho con người?
3. Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10,28). Đức Giêsu, vừa là vị Mục tử chăn giữ và bảo vệ đàn chiên, vừa là Con Chiên hiến mình vì đồng loại. Chúa Nhật vị Mục tử Nhân lành, tôi cảm nghiệm điều gì về tình Chúa với con người, với tôi, và tôi có muốn trở thành một vị mục tử nhân hiền như Chúa, để cùng với Người chăn dắt đàn chiên hôm nay?