Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi năm C

CÔNG TRÌNH CỨU ĐỘ CỦA BA NGÔI

(Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15)

“Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,14-15).

I. CÁC BÀI ĐỌC

Một cách tiệm tiến, từ Cựu Ước bước sang Tân Ước, đạt tới tột đỉnh nơi cái chết, sự sống lại và lên trời của Chúa Kitô nhưng chỉ có thể đạt tới sự thành toàn viên mãn nhờ Chúa Thánh Thần, công trình cứu độ là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng của Ba Ngôi Thiên Chúa.

1. Bài đọc 1

Đoạn sách Châm Ngôn là một bài thơ nói về nguồn gốc, vị thế và vai trò của Đức Khôn Ngoan trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

Trước hết, về nguồn gốc, Đức Khôn Ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, được sinh ra từ đời đời, trước khi có mọi loài thọ tạo (x. Cn 8,22-26). Thật vậy, Đức Khôn Ngoan được kể như “tác phẩm đầu tay” của Thiên Chúa, phát xuất từ chính Thiên Chúa; hằng hiện diện cùng Thiên Chúa và tham gia vào công cuộc sáng tạo của Ngài như “tay thợ cả” (Cn 8,30a). Sau này, tác giả Tin Mừng thứ tư như muốn đồng hoá Đức Khôn Ngoan với Ngôi Lời, Đấng “vẫn hướng về Thiên Chúa” và là Đấng mà nhờ Người muôn vật được tạo thành (x. Ga 1,2-3).

Sau nữa, về vị thế, Đức Khôn Ngoan được sách Châm Ngôn mô tả như một ngôi vị. Đức Khôn Ngoan không còn là một phẩm tính của Thiên Chúa, mà là một ngôi vị khác biệt và độc lập với Thiên Chúa. Tuy phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng Đức Khôn Ngoan lại được Thiên Chúa sinh ra và có thể hành động độc lập như một ngôi vị với những phẩm tính riêng biệt. Sau này, Tin Mừng thứ tư mô tả Ngôi Lời với các phẩm tính trổi vượt như “ánh sáng” và “sự sống” (x. Ga 1,4.9), “ân sủng” và “sự thật” (x. Ga 1,14.17).

Cuối cùng, về vai trò, Đức Khôn Ngoan là nguồn vui của Thiên Chúa; Người vui đùa bên Thiên Chúa và là niềm vui của Ngài. Người cũng “vui chơi trên mặt đất và đùa vui với con cái loài người” (Cn 8,31). Như vậy, Đức Khôn Ngoan vừa vui đùa với Thiên Chúa, vừa đùa vui với con người; vừa là niềm vui của Thiên Chúa, vừa đem lại cho con người niềm vui. Sau này, tác giả Tin Mừng thứ tư xác định Chúa Giêsu chính là Đấng đem lại niềm vui trọn vẹn cho các môn đệ của Người (x. Ga 15,11; 16,22.24).

2. Bài đọc 2

Đoạn thư Rôma nói đến tình trạng của người được công chính hoá nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô.

Nhờ tin vào Đức Giêsu mà con người được công chính hoá, nghĩa là nhờ cái chết của Đức Giêsu mà được thanh tẩy khỏi tội lỗi và nhờ sự phục sinh của Người mà được sống trong tình trạng ân sủng của Thiên Chúa, được giao hoà cùng Thiên Chúa và được bình an với Ngài. Thật thế, bao lâu người tín hữu sống trong tình trạng ân sủng, bấy lâu họ thoát khỏi sự kìm toả của tội lỗi, được hưởng tự do của con cái Thiên Chúa và sống trong bình an với Ngài.

Hơn nữa, khi được công chính hoá nhờ đức tin, người tín hữu không những được hưởng ân sủng của Thiên Chúa trong hiện tại mà còn có hy vọng được hưởng vinh quang của Ngài vào thời cánh chung. Quả vậy, nhờ tin nên khi gặp gian truân thì biết chịu đựng và nhờ chịu đựng mà sinh ra lòng trung kiên; đồng thời khi sống trung kiên, người tín hữu phát triển lòng trông cậy. Như thế, nhờ đức tin, người tín hữu biết sống lòng cậy trông.

Sau cùng, lòng trông cậy giúp người tín hữu không thất vọng, vì Thánh Thần đổ tràn tình yêu vào lòng những ai cậy trông vào Thiên Chúa. Hay nói cách khác, những ai trông cậy vào Thiên Chúa đều được Thánh Thần đổ tràn tình yêu của Ngài vào lòng họ. Như thế, Thánh Thần là bảo chứng tình yêu của Thiên Chúa cho những ai tin tưởng và cậy trông vào Ngài.

Thiên Chúa ban cho con người được công chính hoá, nghĩa là được sống trong ân sủng của Ngài, nhờ cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu. Đồng thời, Thiên Chúa lại tuôn đổ tình yêu của Ngài xuống tâm hồn những ai tin tưởng, cậy trông vào Ngài nhờ ơn Thánh Thần. Như vậy, Thiên Chúa thực hiện công việc thánh hoá con người nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Thánh Thần.

3. Bài Tin Mừng

Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ để giúp các ông hiểu và đón nhận tất cả mặc khải về công trình cứu độ của Thiên Chúa, điều mà lúc này các ông chưa thể lãnh hội cách trọn vẹn được.

Thánh Thần là thần khí sự thật có nhiệm vụ dẫn các môn đệ đến “sự thật toàn vẹn”. Trong mầu nhiệm nhập thể, Chúa Kitô đã mặc khải cho các môn đệ về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, nhưng trong giới hạn của mình, các môn đệ vẫn chưa thể lãnh hội trọn vẹn. Vì thế, Thánh Thần, Đấng thấu suốt ý định cứu độ của Thiên Chúa, sẽ tiếp tục hướng dẫn các môn đệ đến “sự thật toàn vẹn”, nghĩa là giúp các ông hiểu toàn bộ công trình cứu độ của Thiên Chúa như được hoàn tất nơi Chúa Kitô.

Như thế, Thánh Thần không tự mình mặc khải thêm điều gì, nhưng chỉ làm sáng tỏ những gì đã được thực hiện nhờ và qua Chúa Kitô. Thánh Thần không tự mình nói điều gì, nhưng chỉ truyền lại cho các môn đệ những gì Ngài nghe được từ Chúa Giêsu. Khi làm như thế, Thánh Thần tôn vinh Chúa Giêsu. Quả vậy, vai trò của Thánh Thần còn là tôn vinh Chúa Giêsu bằng cách loan báo những gì phát xuất từ Chúa Giêsu, cũng có nghĩa là những gì phát xuất từ chính Chúa Cha, vì “tất cả những gì Chúa Cha có đều là của Thầy”.

Cứu độ là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi: Thiên Chúa đưa ra sáng kiến cứu độ. Chúa Giêsu nhập thể làm người để thực hiện công trình cứu độ đó. Dù công trình cứu độ đã hoàn tất nơi cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, nhưng con người vẫn chưa thể hiểu thấu và lãnh hội được đầy đủ. Chúa Thánh Thần đến để tiếp tục hướng dẫn con người đến chân lý toàn vẹn, nghĩa là hiểu biết và đón nhận ân sủng cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua và nhờ Chúa Kitô.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG

1/ Sách Châm Ngôn diễn tả Đức Khôn Ngoan như một ngôi vị, tuy phát xuất từ Thiên Chúa và được Ngài sinh ra trước mọi loài mọi vật, nhưng lại có vai trò như “người thợ cả” trong công trình tạo dựng của Ngài. Như thế, bài thơ trong sách Châm Ngôn là một mặc khải ban đầu về Ngôi Lời Thiên Chúa mà sau này tác giả Tin Mừng thứ tư sẽ trình bày cách sống động và đầy đủ (x. Ga 1,1-5.9-14.16-18). Đối với các Kitô hữu, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đã được mặc khải tiềm tàng trong Cựu Ước để dần dần được sáng tỏ nơi mặc khải của chính Đức Giêsu trong Tân Ước.

2/ Thánh Phaolô cho thấy vai trò của Ba Ngôi trong công trình cứu độ con người: Thiên Chúa ban cho con người được công chính hoá, nghĩa là được sống trong ân sủng của Ngài, nhờ cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu. Đồng thời, Thiên Chúa lại tuôn đổ tình yêu của Ngài xuống tâm hồn những ai tin tưởng, cậy trông vào Ngài nhờ ơn Thánh Thần. Như vậy, Thiên Chúa thực hiện công việc thánh hoá con người nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Thánh Thần. Các tín hữu cần xác tín về vai trò quan trọng của Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày của mình.

3/ Bài Tin Mừng làm nổi bật giai đoạn chuyển giao từ Chúa Giêsu sang Chúa Thánh Thần, qua đó cho thấy, toàn bộ chương trình cứu độ là công việc của Ba Ngôi Thiên Chúa: Thiên Chúa là khởi phát của sáng kiến cứu độ; Chúa Giêsu thực hiện qua mầu nhiệm nhập thể; Chúa Thánh Thần đưa công trình cứu độ đến mức thành toàn viên mãn cho con người. Người Kitô hữu sống tâm tình cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi về ơn cứu độ diệu kỳ mà Thiên Chúa thực hiện nhờ Chúa Giêsu, trong Chúa Thánh Thần.

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2024. All Rights Reserved.