Chúa Nhật XX Thường Niên Năm C

Gr 38:4-6,8-10; Dt 12:1-4; Lc 12:49-53

ĐAU KHỔ VÀ CHIA RẼ: CÁI GIÁ CỦA VIỆC THEO CHÚA

“Thầy không đến để mang hòa bình, nhưng là sự chia rẽ” (Mt 12,51)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Gr 38:4-6,8-10)

Lời loan báo của ngôn sứ Giêrêmia trong chương 37 về việc các nước sẽ bao vây và tấn công Giêrusalem đã khiến ông bị nhà vua giam giữ. Dù trong cảnh tù đày, ngôn sứ Giêrêmia vẫn mạnh dạn loan báo lời của Chúa về số phận của Giuđa: ngày tận cùng đã đến, những ai rời bỏ thành phố có thể được sống sót, ở lại là đối diện với cái chết. Ngôn sứ không đưa ra một hi vọng giải thoát nào, hơn nữa còn công bố rằng chính Thiên Chúa trao Giuđa vào tay của đế quốc Babylon. Những lời tiên báo này bị coi là của kẻ phản bội vì làm nhụt lòng những người đang bảo vệ thành phố. Các thủ lãnh đã xin Vua Sêđêcia tiêu diệt ngôn sứ để ông không làm nản lòng dân chúng.

Bài đọc I hôm nay cho thấy cách phản ứng của nhà vua và các lãnh đạo trước sứ điệp của Thiên Chúa: họ không đáp lại sứ điệp vì nó không theo ý của họ, dù rằng họ vẫn một mực tìm kiếm lời của Chúa qua việc thỉnh vấn ngôn sứ. Thiên Chúa vẫn lập đi lập lại, cho dân của Người những cơ hội để được giải thoát, nhưng như cha ông họ từ xa xưa, họ luôn cứng lòng và từ chối nghe lời Thiên Chúa. Chỉ có ngôn sứ Giêrêmia là luôn trung thành với sứ vụ dù đối mặt những đe dọa nguy hiểm. Chỉ có lòng trung thành với Thiên Chúa và vâng lời Người mới có thể đem lại bình an giải thoát.

2. Bài đọc II (Dt 12:1-4)

Tác giả thư Do thái mời gọi mọi người hãy kiên vững trong cuộc chạy đua đức tin mà khởi đầu và đích điểm là Đức Giêsu. Chúng ta không đơn độc trên hành trình đức tin, nhưng ngược lại, chúng ta đã có những anh hùng đức tin là những thế hệ cha ông của mình. Nếu như các ngài đã kiên vững thì chúng ta cũng muốn như các ngài, là trung thành trong hành trình của mình. Để được như thế chúng ta cần cởi bỏ những chướng ngại ngăn trở chúng ta để tiến tới trong cuộc đua của mình.

Cuộc đua nào cũng có mồ hôi và nước mắt nhưng chúng ta có Đức Giêsu là Đấng đã chịu đau khổ và vượt trên những khó khăn, những khinh dể sỉ nhục. Chính Người và các vị tử đạo đã một lòng trung thành trước những đau khổ lớn lao. Người dạy chúng ta hướng đến đích điểm, không để mình bị xao xuyến bởi những ý nghĩ của người đời, nhưng bền lòng tin tưởng vào Thiên Chúa Cha.

3. Bài Tin Mừng (Lc 12:49-53)

Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay tiếp tục chủ đề của bài Chúa nhật trước. Nếu như trong Chúa nhật trước, sự trở về bất ngờ của ông chủ là hình ảnh của việc Chúa trở lại bất ngờ, trong đoạn Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến mục đích của việc Người đến. Những lời công bố của Chúa Giêsu có lẽ khá khó hiểu và làm cho chúng ta ít nhiều bị sốc. Sứ vụ của Người được các thiên thần chúc tụng trong ngày Giáng Sinh: “bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2,14), hay được giới thiệu khi khởi đầu sứ vụ là “Tin Mừng cho người nghèo” (Lc 4,18; 7,22), nhưng giờ đây Người lại tuyên bố những điều có vẻ trái ngược: nào là lửa bùng lên và thiêu đốt, nào là chiến tranh, nào là chia rẽ, chống đối.

Thật ra, không có sự trái ngược hay bất nhất trong sứ vụ của Chúa Giêsu, Người vẫn là Đấng mang hòa bình, mang tin vui, nhưng sứ vụ trần thế của Người còn có những khía cạnh khác. Trước hết, Người công khai tuyên bố, sứ vụ của Người là xét xử. Người đã dùng hình ảnh “ném lửa vào thế gian” để nói đến sự xét xử như trong Lc 3,9: lửa thiêu đốt những cành nho không sinh hoa trái. Lửa đã được nói đến trong Cựu Ước như cách thức để thanh tẩy, phân định và xét xử.

Kế tiếp, Người xem sứ vụ của mình như một “phép rửa”, và phép rửa này chính Người sẽ chịu. Có thể hiểu Chúa Giêsu đang ám chỉ những đau khổ mà Người đang gặp và sẽ phải trải qua. Đây không phải là một tai ương hay định mệnh, nhưng chính là chương trình Thiên Chúa Cha muốn và Chúa Giêsu cũng sẵn sàng đón nhận để hoàn tất. Chúng ta cũng có thể liên kết phép rửa này với phép rửa được ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu: chính Chúa Giêsu sẽ làm phép rửa không phải bằng nước, nhưng là bằng Thánh Thần và lửa (x. Lc 3,16). Qua phép rửa này Người sẽ xét xử muôn dân.

Cuối cùng, Chúa Giêsu xác định là kết quả của sứ vụ của Người sẽ là sự chia rẽ bất hòa, thậm chí là chia rẽ ngay trong chính những mối liên hệ được cho là bền vững nhất, đó là các mối liên hệ của gia đình. Hòa bình chắc chắn là mục đích của sứ vụ của Chúa Giêsu như thánh sử Luca đã loan báo trong Tin Mừng của ngài. Sứ vụ của Chúa Giêsu sẽ hoàn tất vào thời sau hết, khi mà sẽ có những cuộc thanh tẩy xét xử trước khi hòa bình viên mãn ngự trị. Chính Người trở thành điểm chia rẽ con người, giữa những người chọn theo Người và những người chối từ Người. Chấp nhận giáo lý của Chúa Giêsu, trung thành với Thiên Chúa đòi phải có sự từ bỏ tận gốc và thay đổi sâu xa, nghĩa là những mối liên hệ thường ngày theo huyết thống sẽ bị thay bởi những giá trị mới, giá trị dựa trên mối liên hệ với chính Chúa Giêsu. Lời tiên báo của cụ già Simêon cũng đã nói trước về sự chia rẽ Người mang đến.

II GỢI Ý SUY NIÊM:

1. Lắng nghe và đón nhận ý Chúa vẫn luôn là một lời mời gọi mỗi ngày đối với chúng ta. Tôi có đón nhận ý Chúa khi trái ý tôi, khi tôi phải đau khổ?

2. Chọn yêu Chúa Giêsu và theo Người đôi khi tách chúng ta ra khỏi bạn bè, anh em. Chúng ta có chuẩn bị mình để sẵn sàng cho những đòi hỏi của Tin Mừng chưa?

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2025. All Rights Reserved.