Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm C

LO CHO TƯƠNG LAI

“Ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo” (Lc 16,8)

Am 8,4-7; 1Tm 2,1-8; Lc 16,1-13

Lời Chúa nhắc chúng ta hãy khôn ngoan để nhận thấy rằng cuộc sống mai hậu được sống hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa mới là điều đáng quan tâm và quan trọng đối với chúng ta. Cần biết tiên liệu để định hướng lối sống hiện tại của chúng ta về cuộc sống đời đời.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Am 8,4-7)

Ngôn Sứ Amốt lên án sự bất công xã hội của vương quốc Israel-phía Bắc. Dân chúng, nhất là các vị lãnh đạo chỉ lo cho cuộc sống hiện tại mà quên mất tương lai ở trong tay Chúa và quên cả luật Chúa. Họ đã sử dụng các ngày lễ để buôn bán kiếm lời. Họ gian lận trong đo lường khi làm nhỏ lại cái đấu và làm nặng thêm quả cân. Họ khai thác sức lao động và bóc lột người nghèo.

Bối cảnh thực tế của xã hội Israel lúc đó được vị Ngôn Sứ mô tả rõ trong sấm ngôn: “Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm. Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ. Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ, cả lúa nát gạo mục ta cũng đem ra bán”. Đức Chúa sẽ không quên và chẳng dung thứ cho các hành vi bất công của họ: “Đức Chúa đã lấy thánh danh mà thề rằng: Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng”.

Thiên Chúa là Đấng giàu tình thương dành cho những ai sống trong ân nghĩa Chúa và với những kẻ lỗi lầm biết thống hối ăn năn, nhưng rất mực công minh để phán xét mọi thái độ và hành vi của con người. Vì thế, chúng ta đừng lạm dụng tình thương của Thiên Chúa, nhưng hãy cố gắng sống ngay thẳng trước Thiên Chúa và người khác; đừng vun quén hiện tại bằng mọi cách hay mọi giá nhưng nghĩ tới cuộc sống tương lai ở trong tay Chúa.

2. Bài đọc II (1Tm 2,1-8)

Trong thư gửi ông Timôthê, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta về tâm tình cầu nguyện: 

Trước hết, thánh Phao lô khuyên “ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn”. Như vậy, lời cầu nguyện mang nhiều tâm tình, chứ không chỉ để cầu xin mà thôi.

– Kế đến, “cầu nguyện ở bất cứ nơi nào”, nghĩa là mọi nơi mọi lúc, chứ không chỉ ở trong nhà thờ trong các giờ kinh lễ.

– Bên cạnh, cần có “tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc”, nghĩa là phải có sự giao hòa với Chúa và tha nhân thì lời cầu nguyện của chúng ta mới xứng đáng dâng lên Chúa và được Chúa nhận lời.

– Ngoài ra, cần cầu nguyện “cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền”. Như vậy lời cầu nguyện của các Kitô hữu mang tính liên đới với hết mọi người và cho mọi người, vì Thiên Chúa “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.

– Cuối cùng, vì một nguồn gốc và mang tính liên đới nên khi cầu nguyện cho một ai đó thì mình cũng được hưởng hệ quả. Khi cầu nguyện cho “vua chúa và tất cả những người cầm quyền cũng là “để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh”.

Như vậy, lời cầu nguyện mang tính cánh chung, đó là hướng tất cả sự khác biệt về trong mối hiệp nhất, hướng đời này về sự cứu độ ở đời sau, trong một Thiên Chúa duy nhất, qua một trung gian Đức Kitô Giêsu, Ðấng tự hiến làm giá chuộc mọi người.

3. Bài Tin Mừng (Lc 16,1-13)

Đức Giêsu kể về câu chuyện người quản gia bất lương và khôn ngoan. Dụ ngôn này gây khó hiểu cho chúng ta, vì Chúa khen ngợi người quản gia bất lương. Tuy nhiên, đây chỉ là một dụ ngôn, qua đó, Đức Giêsu không khen ngợi hành vi bất lương, nhưng khen ngợi việc người ấy biết tiên liệu cho cuộc sống tương lai.

Cần lưu ý đến bối cảnh văn hóa và xã hội của Israel thời đó. Trong cách quản lý của người Do-thái, người quản gia không hưởng lương hay tiền công, nhưng có quyền được hưởng phần trăm doanh thu, nghĩa là được hưởng một phần lợi tức của tài sản mà mình đã làm lợi cho chủ, kể cả các khoản ông đã cho vay nợ để lấy lời cho chủ.

Người quản gia trong dụ ngôn đã có điều gì đó không đẹp lòng chủ. Người quản gia dự đoán trước ông sẽ bị đuổi việc nên đã hành động cách khôn khéo để mình có thể có được một tương lai tốt nhất. Ông đã tìm cách dàn xếp, điều chỉnh số nợ cho các con nợ của chủ mình, bởi vì ông hy vọng rằng việc làm của ông sẽ được những con nợ biết ơn mà đón tiếp ông khi ông bị mất việc. Thực ra, trong trường hợp này, hành vi này không tốt nhưng không lỗi công bằng, vì ông chỉ ghi bớt phần đáng ra ông được hưởng phần trăm theo hiểu ngầm, mà ông đã không hưởng trước đó.

Chắc chắn Đức Giêsu không đề cao sự gian dối bất lương, nhưng khen ngợi sự khôn khéo biết tiên liệu của người quản gia này. Người dùng dụ ngôn này để kêu mời những ai bước theo Người hãy trở nên khôn ngoan, biết nghĩ đến tương lai để có hành động đúng đắn trong hiện tại. Cần khôn khéo lo lắng và tiên liệu cho đời sống lâu dài mai hậu của chúng ta. Từ đó, biết cư xử phải lẽ ở cuộc sống hiện tại, và đầu tư vào tương lai. Đó là cách thức khôn khéo để chúng ta xây dựng cuộc sống đời sau.

Hơn nữa, Đức Giêsu kêu mời các môn đệ Người biết sử dụng của cải đời này để tìm kiếm những giá trị thiêng liêng, dùng của cải đời tạm để đầu tư cho gia nghiệp đời đời. Sự giàu có và tiền bạc luôn là cám dỗ và nguy cơ hủy diệt con người. Vì thế, Đức Giêsu gọi “tiền của là bất chính” là vậy. Hãy cẩn thận và sử dụng tiền của để phục vụ cho những giá trị cao cả và siêu nhiên. Đừng làm tôi tớ cho tiền của, vì nó sẽ khiến chúng ta đánh mất và hủy diệt chính bản thân mình. Cần chọn lựa Thiên Chúa là đối tượng và đích điểm mà chúng ta hướng tới, và lấy cuộc sống đời đời là gia nghiệp vĩnh cửu. Không thể bắt cá hai tay, như lời Đức Giêsu dạy: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”

II. GỢI Ý SUY NIÊM:

1. “Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm. Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ. Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ, cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán”. Tôi có sống ngay thẳng, công bằng trong công việc, buôn bán, giao tiếp, tương quan với những người khác? Hãy nhớ rằng Thiên Chúa xét xử chúng ta dựa trên sự công bằng và tình thương của chúng ta trong đời sống?

2. “Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh”. Tôi có thực sự cầu nguyện cho người khác, ngay cả những người làm tôi đau khổ? Tôi có dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì những người mà Thiên Chúa đặt để bên cạnh tôi? Tôi có nhận ra rằng lời cầu nguyện của tôi cho người khác cũng góp phần làm cho đời sống tôi thêm hạnh phúc?

3. “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”. Tôi có chọn lựa Thiên Chúa như là đích điểm duy nhất trong cuộc đời tôi? Tôi có thái độ như thế nào đối với tiền của? Tôi có thanh thoát trước những cám dỗ của tiền bạc? Tôi có sống đạo nửa vời, nửa nạc nửa mỡ, để được danh tiếng về tinh thần nhưng được danh lợi về vật chất?

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2025. All Rights Reserved.