Chúa Nhật XXIX Thường Niên Năm C

CHỦ ĐỀ: CẦU NGUYỆN KHÔNG NGỪNG

Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn,
ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? (Lc 18,7)

Xh 17,8-13; 2Tm 3,14-4,2; Lc 18,1-8

Cầu nguyện là hơi thở của đời sống Kitô hữu và là phương cách diễn đạt niềm tín thác vào Thiên Chúa. Đức tin của chúng ta sẽ lớn lên và mạnh mẽ tùy thuộc vào đời sống cầu nguyện. Đồng thời, cầu nguyện cũng đóng vai trò rất lớn trong sứ vụ của Hội Thánh. Hãy để sứ điệp Lời Chúa hôm nay thúc đẩy chúng ta ý thức ý nghĩa của việc cầu nguyện và cầu nguyện không ngừng.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Xh 17,8-13)

Sứ điệp mà đoạn sách Xuất Hành hôm nay muốn nhắc tới là cầu nguyện thật cần thiết và hữu hiệu. Bối cảnh ở đây là trong khi toàn dân Israel trực diện giao chiến với người Amalec, thì Môsê lên núi, giơ tay lên trời để cầu nguyện cho dân chúng. Theo ngôn ngữ của Kinh Thánh, núi là nơi Thiên Chúa ngự. Vì thế, Môsê lên núi để gặp gỡ và cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa. Theo cách của người Dothái cầu nguyện, Môsê giơ tay lên cao để hướng lòng về Thiên Chúa và cũng là hành vi cầu xin sự trợ giúp của Người. Mỗi khi Môsê giơ tay lên, thì con cái Israel thắng trận: “Khi ông Môsê giơ tay lên, thì Israel thắng; còn khi ông hạ tay xuống, thì Amalec chiếm ưu thế”. Như thế, cuộc chiến thắng của con cái Israel không phải do binh hùng, tướng mạnh hay có vũ khí tối tân hơn quân địch, nhưng do sự trợ giúp của Thiên Chúa qua lời cầu nguyện của ông Môsê. Có thế cầu nguyện là sức mạnh tạo nên sự chiến thắng của con cái Israel. Đó là quyền năng của lời cầu nguyện.

2. Bài đọc II (2Tm 3,14-4,2)

Thánh Phaolô mời gọi ông Timôthêô, và qua đó mời gọi mỗi người chúng ta, hãy vững tin trong những gì mà chúng ta đã học hỏi và đã tin, nhất là đối với ơn cứu độ mà chúng ta đã lãnh nhận được từ Đức Giêsu, như được trình bày trong Kinh Thánh. Kinh Thánh là mặc khải ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con người và cũng là nơi để con người có thể tiếp cận với thánh ý Chúa: “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính”. Đáp lại quà tặng đó từ Thiên Chúa, chúng ta hãy trở nên những chứng nhân của Lời Chúa: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ”.

Trong ngày lễ Khánh Nhật Truyền Giáo hôm nay, những lời trên thật là ý nghĩa. Bản chất của mỗi Kitô hữu là truyền giáo. Nếu chúng ta đã kết nối được với Chúa và nhận được ân huệ từ Chúa thì cần nỗ lực lan tỏa tinh thần Chúa đến người khác.

3. Bài Tin Mừng (Lc 18,1-8)

Đức Giêsu mời gọi các môn đệ cầu nguyện luôn mãi. Quả thực, cầu nguyện là yếu tố nền tảng cho đời sống đức tin, cho mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Để minh họa cho sự cần thiết của cầu nguyện, Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn đề cao tinh thần kiên nhẫn trong lúc cầu nguyện. Dụ ngôn xoay quanh hai nhân vật: ông quan tòa và bà góa. Ông quan tòa này có một đời sống không tốt đẹp trong tương quan với Thiên Chúa và người khác: “Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì”. Cuộc sống của ông chẳng có điều gì tích cực cả. Trong thành của ông quan tòa này, có một bà góa bị đàn áp bởi những bất công. Bà đến với ông nhiều lần để xin được xét xử: “Đối phương tôi hại tôi, xin Người minh xét cho”. Nhưng ông quan tòa này chẳng đếm xỉa gì tới lời cầu xin của bà. Bà góa này đã không buông xuôi, bà vẫn kiên nhẫn gõ cửa nhà ông để xin được minh xét. Sự kiên trì của bà đã thay đổi thái độ của quan tòa. Ông đã phải xét xử cho bà vì sự kiên trì và quấy rầy của bà. Trước đó, bài Tin Mừng đã cho biết ông quan tòa này không tốt lành gì, nhưng nay phải thay đổi thái độ để đáp ứng lời cầu xin của bà, là minh xử cho bà góa nghèo. Được như thế là do sự kiên nhẫn nài nỉ thỉnh cầu của bà. Ông là người xấu mà còn làm như thế, huống chi Thiên Chúa tốt lành lại chẳng lắng nghe lời cầu xin của con cái Người: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ”. Đây là sứ điệp mà Đức Giêsu muốn nhắn gửi cho các môn đệ: cầu nguyện không ngừng trong tinh thần kiên nhẫn.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. “Khi nào Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng thế; còn khi ông hạ tay xuống, thì Amalec thắng thế”. Tôi có cảm thấy tầm quan trọng và cần thiết của việc cầu nguyện? Tôi có thường xuyên cầu nguyện với Thiên Chúa? Tôi có ý thức “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên?” hay “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là luống công?”

2. “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện”. Tôi có thường xuyên đọc, suy niệm Lời Chúa để hiểu và để sống? Tôi có nỗ lực tuyên xưng mình là người Công giáo và thể hiện điều đó ra đời sống hằng ngày? Trong tháng Mười Đặc Biệt dành cho việc Truyền Giáo này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc chúng ta trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo 2019, rằng: Được Rửa Tội và Được Sai Đi, Hội Thánh Chúa Kitô thi hành sứ mạng trong thế giới. Cử hành tháng này sẽ giúp chúng ta trước hết tái khám phá chiều kích truyền giáo của lòng tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô… Truyền giáo không phải là chuyện chiêu dụ người ta vào đạo, nhưng là một kho báu để cho tặng, truyền thông và công bố… Công bố rằng Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi bằng cách nhận biết chân lý và trải nghiệm lòng thương xót của Người.

3. “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?” Tôi có nhẫn nại, kiên trì cầu nguyện với Thiên Chúa? Tôi có biết dâng lên Thiên Chúa tất cả mọi hoàn cảnh vui buồn của đời sống? Khi cầu xin mãi mà chưa được điều mình xin, tôi có oán trách hay xa Chúa để đi cầu cứu một thế lực khác hay không? Trong Tháng truyền giáo này, chúng ta nhớ tới đời sống hy sinh cầu nguyện đóng vai trò của rất lớn cho sứ vụ của Hội Thánh. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu mà chúng ta mừng lễ vào ngày mồng một của tháng Mười này là một mẫu gương điển hình. Dù chỉ ở trong Đan viện kín, nhưng với lời cầu nguyện, thánh nữ đã giúp cho nhiều người nhận biết Chúa, đến nỗi Hội Thánh đã đặt ngài làm bổn mạng của các xứ truyền giáo.

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2024. All Rights Reserved.