THIÊN CHÚA ỦI AN VÀ BÊNH VỰC KẺ NGHÈO HÈN KHIÊM HẠ
“Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13)
Hc 35,12-14.16-18; 2 Tm 4,6-8.16-18; Lc 18,9-14
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Hc 35,12-14.16-18)
– Thiên Chúa lắng nghe lời kêu xin của kẻ nghèo hèn (cc. 12-14.16). Đây là một chủ đề căn bản trong Cựu ước. Người không đón nhận những hy lễ được dâng kèm với những bất công xã hội. Vì thế, việc dâng lên Thiên Chúa những hy lễ với mục đích mong Người không giáng phạt vì những điều này là một sai lầm, bởi chính Thiên Chúa là Đấng công minh, chính trực, không thiên vị ai. Nếu thiên vị, thì Người thiên vị với kẻ nghèo hèn và bị áp bức. Nhưng đây không thể gọi là thiên vị, mà là công lý tối thượng của Thiên Chúa.
– Người nghèo kiên trì trong lời cầu nguyện (cc. 17-18). Chính sự nghèo khổ đã mang lại cho con người sức mạnh và lòng kiên nhẫn nài xin Thiên Chúa. Lời cầu khẩn đầy niềm tin và hy vọng có thể mang dáng dấp của sự phản kháng và ước mong thực thi công lý. Vì thế, “họ sẽ không rời đi bao lâu Đấng Tối Cao chưa đoái nhìn, chưa xét xử cho người chính trực và thi hành công lý” (c.18). Bao lâu chúng ta còn kiên trì cầu nguyện xin ơn giải thoát khỏi bất công, khi đó chúng ta còn biết tránh xa việc bắt tay với nó; ngược lại, bất hạnh thay nếu chúng ta không còn biết kêu van trước những bất công của cuộc đời!
2. Bài đọc II (2 Tm 4,6-8.16-18)
Bức thư này có thể được gọi là chúc thư thiêng liêng của vị Tông đồ, bởi ngài viết trong những lúc cuối đời của mình. Đặc biệt, trong phần biện bạch của đoạn trích hôm nay, là phần cuối của bức thư, thánh Phaolô đã nói về cái chết gần kề của ngài (c. 6), để an ủi Timôthê, và khuyến khích ông cùng bắt chước ngài, và thánh nhân khẳng định rằng mình “đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp”, và đang “chờ đợi vòng hoa” vinh quang mà Thiên Chúa dành cho những kẻ yêu mến Người. Bên cạnh đó, thánh nhân cũng thổ lộ về tình trạng cô độc, bị bỏ rơi của mình (c. 16), nhưng Thiên Chúa luôn ở bên cạnh nâng đỡ ngài (c. 17). Có thể nói, trong kinh nghiệm của thánh nhân, buồn sầu, khổ đau, ngục tù rồi sẽ qua đi, điều thiết yếu là sự ủi an, nâng đỡ vô cùng lớn lao của Thiên Chúa trong lúc gian truân.
3. Bài Tin Mừng (Lc 18,9-14)
Dụ ngôn này của thánh Luca có thể được hiểu ở hai khía cạnh:
Một lời giáo huấn về cầu nguyện
Người Pharisêu tạ ơn Chúa, và điều này thật tốt đẹp. Nhưng ông ta so sánh mình với những người khác và tỏ thái độ khinh chê, xem thường người thu thuế đang bên cạnh ông. Trong lời cầu nguyện, ông đề cao bản thân, và đây là thái độ cầu nguyện không chuẩn mực. Còn người thu thuế chân thành nhìn nhận tội lỗi của mình, và mở lòng ra trước Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể tha thứ tội lỗi cho con người.
Một lời giáo huấn về sự công chính
Đây là chủ đề trọng tâm, được đặt ngay lúc khởi đầu dụ ngôn, nhắm đến “một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác”.
Người Pharisêu, với lời cầu nguyện của mình, trở nên một đại diện tiêu biểu cho những hạng người này, trong khi người thu thuế tỏ ra một hình ảnh trái ngược hoàn toàn.
Kết thúc dụ ngôn, chúng ta không nghe nói lời cầu xin của ai được nhậm lời, mà chỉ biết rằng người thu thuế ra về được nên công chính, còn người Pharisêu thì không. Thực ra, do bởi tình trạng của mình, người thu thuế không thể bước vào thế giới được cho là chính trực, chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm cho anh ta nên công chính cách nhưng không.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Bất công xã hội luôn là một vấn đề nhức nhối, ngay cả từ thời Cựu ước. Sách Huấn ca đọc được tình trạng này trong cuộc sống, và chỉ ra rằng Thiên Chúa là Đấng công minh, chính trực. Người sẽ không bỏ qua tội lỗi của người gian ác, và trả lại sự công bình cho người bị áp bức, cô thế cô thân. Cuộc sống của tôi hôm nay đôi lúc cũng trải qua những hoàn cảnh tương tự. Vây tôi có biết tín thác vào Chúa và lời hứa của Người để cùng với những người cùng khổ, luôn tìm được sự che chở và ủi an nơi Đấng mà tôi tin?
2. Thánh Phaolô Tông đồ trong chúc thư thiêng liêng, đã chia sẻ kinh nghiệm về hành trình đức tin của mình, trong đó, ngài đã bộc bạch những thời khắc khó khăn, cô độc của đời mình trong sứ vụ tông đồ; tuy vậy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngài tin rằng tất cả rồi cũng sẽ qua, điều còn lại là sự yêu thương che chở vô cùng lớn lao của Thiên Chúa. Từ kinh nghiệm quý báu của thánh nhân, tôi có xác tín rằng dẫu khi tôi thành công hay thất bại, dẫu lúc tôi vững mạng hay yếu đuối, Thiên Chúa vẫn bên cạnh yêu thương và chở che tôi?
3. Dụ ngôn về người Pharisêu và anh thu thuế tội lỗi là một bài học về cách thức cầu nguyện và ý niệm về sự công chính. Từ hai hình ảnh đó, tôi sẽ rút ra được điều gì cho tôi trong mối tương quan thân tình với Chúa và với anh chị em của tôi?