Chúa Nhật XXXI Thường Niên Năm C

TÌNH THƯƠNG VÀ LÒNG BAO DUNG CỦA THIÊN CHÚA

“Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10)

Kn 11,22 – 12,2; 2 Tx 1,11 – 2,2; Lc 19,1-10

Thiên Chúa là Đấng sáng tạo quyền năng: “Một lời CHÚA phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33,6). Và quyền năng của Ngài được biểu lộ cách tỏ tường hơn cả khi Ngài thương xót và thứ tha (x. Sách Lễ Rôma, Lời nguyện nhập lễ Chúa nhật XXVI Thường Niên). Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho thấy một Thiên Chúa sáng tạo quyền năng nhưng lại rất giàu tình thương và lòng bao dung như thế.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1:

Đoạn sách Khôn Ngoan là một bài ca tuyệt đẹp về Thiên Chúa: Ngài là Đấng sáng tạo, yêu thương và khoan dung với tất cả mọi loài mà Ngài đã dựng nên.

Trước hết, Thiên Chúa là Đấng sáng tạo. Ngài ban cho muôn vật muôn loài sinh khí bất diệt của Ngài (x. Kn 12,1), để chúng được sống và được hiện hữu theo như ý Ngài muốn (x. Kn 11,25). Dù trước Thánh Nhan Chúa, toàn thể vũ trụ chỉ như hạt cát trên bàn cân, tựa giọt sương rơi trên mặt đất (Kn 11,22), nhưng không có loài nào tồn tại ngoài ý định của Ngài. Quả vậy, Thiên Chúa không chỉ sáng tạo muôn vật muôn loài mà còn chăm sóc, duy trì để chúng hiện hữu trong sự quan phòng của Ngài.

Sau nữa, Thiên Chúa là Đấng yêu thương. Ngài yêu thương hết mọi loài hiện hữu, không ghét bỏ bất cứ loài nào, vì nếu ghét loài nào thì Ngài đã chẳng dựng nên (x. Kn 11,24). Như vậy, bất cứ loài nào, dù nhỏ bé và ít quan trọng đến mấy, đều được Thiên Chúa yêu thương. Tình thương đó không loại trừ bất kỳ ai, không phân biệt đối xử với loài nào, nhưng đón nhận tất cả, ôm lấy mọi loài và quan tâm đến mọi vật.

Cuối cùng, Thiên Chúa là Đấng khoan dung. Ngài yêu sự sống, xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa. Thiên Chúa yêu sự sống nên không muốn bất cứ loài nào vì lỗi phạm mà phải chết. Vì thế, Ngài “nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người,để họ còn ăn năn hối cải” (Kn 11,23b). Ngài kiên nhẫn chờ đợi những ai lỗi phạm và sửa dạy từ từ, cảnh cáo và nhắc nhở, để người ta từ bỏ điều ác mà tin vào Chúa (x. Kn 12,2).

Tóm lại, qua công trình sáng tạo, Thiên Chúa biểu lộ tình yêu đối với muôn vật muôn loài. Tình yêu của Ngài loại trừ khả năng Ngài ghét bỏ bất cứ loài nào Ngài đã sáng tạo. Vì thế, khi con người phạm tội, Thiên Chúa vì lòng khoan dung mà tha thiết chờ mong họ ăn năn hối cải mà được sống.

2. Bài đọc 2:

Tác giả lá thư cầu nguyện cho các tín hữu Thêxalônica sống xứng đáng với ơn gọi Kitô hữu; đồng thời, căn dặn họ đừng hoảng sợ trước những thông tin về ngày Chúa quang lâm.

Trước hết, tác giả cầu nguyện cho các tín hữu Thêxalônica: Xin Chúa giúp họ sống xứng đáng với ơn gọi là Kitô hữu; đồng thời, xin Chúa hoàn tất những điều tốt đẹp mà họ làm vì lòng tin. Thật vậy, mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh, nghĩa là nên giống Thiên Chúa là Đấng Thánh. Ơn gọi nên thánh đó còn đòi buộc các Kitô hữu làm những việc lành, dưới sự thúc đẩy của lòng tin. Chính lòng tin được thể hiện qua những việc lành mới thật là lòng tin sống động (x. 1 Tx 1,3; Gc 2,14-17.26). Đời sống đức tin của người tín hữu được nuôi dưỡng bằng những việc lành thánh chính là cách để Đức Giêsu được tôn vinh và các tín hữu cũng được tôn vinh nơi Người.

Sau nữa, tác giả đưa ra những chỉ dẫn cho các tín hữu về ngày Chúa quang lâm. Đứng trước những tin đồn về ngày quang lâm, tác giả khuyên nhủ các tín hữu đừng để cho tinh thần dao động và hoảng sợ. Thật vậy, thánh Phaolô đã từng nói đến ngày quang lâm (x. 1 Tx 4,15-18) trong đó mọi người sẽ được biến đổi (x. 1 Cr 15,51). Đó không phải là ngày gây nên sự lo lắng, hoảng sợ cho các tín hữu; trái lại, đó là ngày an ủi (x. Tt 2,13; 2 Tm 4,8) dành cho những ai sống trung tín với Thiên Chúa theo ơn gọi nên thánh (x. 2 Tx 1,11).

Tóm lại, ngày quang lâm không phải là ngày đáng sợ nếu các Kitô hữu sống đúng với ơn gọi nên thánh trong bậc sống của mình và thể hiện đức tin bằng những việc làm lành thánh.

3. Bài Tin Mừng:

Bài Tin Mừng cho thấy hành trình ông Giakêu đi tìm kiếm điều ông hằng khát khao và cuối cùng ông đã gặp được Đức Giêsu là Đấng đang tìm kiếm để cứu ông.

Trước hết, ông Giakêu “tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai” (Lc 19,3). Có lẽ ông đã được nghe biết về Chúa Giêsu như là một người có nhiều cảm tình với những người thu thuế (x. Lc 15,1), nhưng việc ông muốn gặp Chúa Giêsu không chỉ vì một sự tò mò bên ngoài mà là sự khao khát tìm kiếm điều gì đó sâu xa hơn. Vì vóc dáng ông thấp bé nên  ông bị đám đông cản trở; vì ông bị xem là hạng tội lỗi nên bị đám đông loại trừ, ngăn cản ông đến gần Chúa Giêsu. Dẫu vậy, vì khát khao không chỉ muốn “thấy” Chúa mà còn muốn khám phá “Người là ai”, ông chấp nhận đánh mất lòng kiêu hãnh và thể diện (x. Lc 19,4) để được Chúa đoái nhìn (x. Lc 19,5). Và khi được Chúa Giêsu nhìn đến, ông không chỉ mau mắn đón tiếp Người, mà còn đón tiếp với tất cả niềm hân hoan, vui sướng (x. Lc 19,6) của một người gần kề ơn cứu độ (x. Lc 19,9).

Sau nữa, dù ông Giakêu được mô tả như người tìm cách để gặp Chúa Giêsu, nhưng chính Chúa Giêsu mới là người thấu tỏ mong ước gặp gỡ của ông; Người biết rõ nơi ông đang ở (trên cây sung) và chủ động đến ngay chỗ đó để cho ông được nhìn thấy Người (x. Lc 19,5). Người biết rõ ông là ai (gọi đích danh ông là Giakêu), biết ông đang khao khát điều gì nên chủ động đề nghị ở lại nhà ông. Tất cả những hành động này của Chúa Giêsu cho thấy vai trò chủ động của Người trong việc dẫn dắt ông Giakêu đến ơn cứu độ.

Cuối cùng, cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã làm ông Giakêu thay đổi, nhất là thái độ dứt khoát đối với của cải. Ông đã quyết định chọn một cách sống mới và hành động bác ái của ông là hoa trái của cách sống mới này. Dù ơn cứu độ là một ân ban của Thiên Chúa, nhưng không phải không có những điều kiện. Một trong những điều kiện đó là thái độ đối với của cải. Nếu ông Giakêu trở nên giàu có do sự chiếm đoạt bất chính bằng nghề thu thuế, thì việc ông chia phân nửa của cải cho người nghèo và đền gấp bốn cho những người ông đã chiếm đoạt làm cho ông không còn nằm trong số những người giàu có nữa mà thuộc vào số những người nghèo, những người biết cậy dựa vào Thiên Chúa hơn là của cải.

Tóm lại, câu chuyện về ơn cứu độ của ông Giakêu là một hành trình “tìm kiếm” và “tìm thấy”. Từ đầu câu chuyện ông được mô tả như một người tìm kiếm cho biết Chúa Giêsu là ai, nhưng khi câu chuyện kết thúc, ta mới vỡ lẽ rằng chính Chúa Giêsu mới là người đi tìm và cứu ông. Dù ông Giakêu là người muốn thấy và tìm cách vượt qua những trở ngại để được thấy Chúa Giêsu, nhưng Chúa Giêsu mới là người biết ông đang ở đâu, đang khao khát điều gì và chủ động cho ông được gặp Người; cuộc gặp gỡ đã biến đổi đời ông. Thánh Luca trình bày ông Giakêu như một người “tìm kiếm”, nhưng Chúa Giêsu mới là người “tìm thấy” và cứu độ ông. Đó chính là sứ mạng của Chúa Giêsu, Đấng đi “tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).

II. GỢI Ý SUY NIỆM:

1/ Đoạn sách Khôn Ngoan cho thấy một mặc khải quan trọng và tuyệt đẹp về Thiên Chúa: Ngài không chỉ là Đấng sáng tạo quyền năng, mà còn là Đấng đầy yêu thương đối với muôn loài muôn vật. Và vì tình thương, Ngài tỏ ra khoan dung với những người có lỗi và chờ đợi họ sám hối để ban ơn thứ tha. Nếu mỗi Kitô hữu chúng ta thấu hiểu được nỗi lòng của một Thiên Chúa sáng tạo, yêu thương và khoan dung như thế, hẳn chúng ta sẽ quyết tâm sống sao để không phụ lòng Ngài.

2/ Đối với tác giả thư thứ hai gởi các tín hữu Thêxalônica, hoang mang hay lo sợ không phải là thái độ đúng đắn trong lúc chờ đợi ngày Chúa quang lâm. Dù Chúa đến lúc nào đi nữa thì điều cần thiết là sống đúng ơn gọi của người Kitô hữu, nghĩa là sống trung tín với Thiên Chúa và thể hiện đức tin bằng những việc lành. Đó là cách thức xứng hợp để tôn vinh Chúa Giêsu và được Người tôn vinh trong ngày Người đến lần thứ hai.

3/ Ông Giakêu khát khao tìm kiếm Chúa. Ông vượt qua những trở ngại không chỉ để được nhìn thấy Chúa Giêsu cho thoả trí tò mò, mà quan trọng hơn là để khám phá Người là ai. Hơn nữa, cuộc gặp gỡ giữa ông và Chúa Giêsu nằm trong kế hoạch của Đấng đến để tìm và cứu những gì đã mất. Chính cuộc gặp gỡ đó đã làm thay đổi hoàn toàn con người của ông Giakêu, từ một người làm giàu bất chính thành một người dám từ bỏ của cải vì Chúa và vì tha nhân, từ một kẻ tội lỗi bị người ta bị ghét bỏ, loại trừ, thành người được Chúa Giêsu đón vào trong cộng đoàn những người được cứu độ. Bất cứ ai tìm kiếm Thiên Chúa với lòng khát khao ơn cứu độ cũng sẽ gặp được Đức Giêsu là Đấng cứu độ muôn người, Đấng đến để tìm kiếm và cứu những gì đã mất.

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2025. All Rights Reserved.