Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm A

CANH THỨC CHỜ ĐỢI CHÚA

(Is 2,1-5; Rm 13,11-14; Mt 24,37-44)

“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24,42)

Chúa Giêsu đã đến qua mầu nhiệm nhập thể và Người sẽ lại đến qua mầu nhiệm quang lâm. Mùa Vọng nhắc nhớ các tín hữu về ngày Chúa nhập thể làm người; đồng thời hướng họ đến sự đợi chờ ngày Chúa đến trong vinh quang. Các bài đọc lời Chúa hôm nay cho thấy người tín hữu phải chờ đợi ngày Chúa đến với tâm tình nào.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1:

Ngôn sứ Isaia đệ nhất loan báo một thời hòa bình vĩnh cửu trong tương lai, trong đó muôn dân nước sẽ tập hợp đến núi Nhà Đức Chúa. Và nhờ sự phân xử của Chúa mà muôn dân được hưởng thái bình.

Ngôn sứ mở ra một quang cảnh phổ quát của ơn cứu độ trong tương lai, trong đó muôn dân nước sẽ tập hợp về núi Nhà Đức Chúa. Dù Đức Chúa là “Thiên Chúa của Giacóp”, nhưng “dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi” (x. Is 2,2-3). Không chỉ dân riêng được Chúa tuyển chọn mới có quyền đến thờ lạy Thiên Chúa trên núi thánh tại Giêrusalem, mà tất cả mọi dân nước đều được mời gọi đến phụng thờ Thiên Chúa, vì nhà của Chúa là nhà cầu nguyện của muôn dân (x. Is 56,6-8). Đồng thời, từ Giêrusalem, Thiên Chúa sẽ dạy người ta về đường lối của Người và nhờ sống theo đường lối của Chúa, người ta mới có hoà bình đích thật.

Quả vậy, thánh luật của Chúa là tiêu chuẩn mà Người sẽ dùng để làm trọng tài phân xử cho các dân tộc. Thánh luật của Người dựa trên nền tảng “chính trực công minh” và lòng “yêu thương nồng nhiệt” (x. Is 9,6), nên sự phân xử của Người vừa dựa trên sự công bằng, đúng đắn, nghiêm minh, vừa dựa trên tình thương nồng nàn. Sự công minh và tình thương của Thiên Chúa thôi thúc người ta đi theo đường lối của Người và nhờ giữ thánh luật của Chúa mà người ta sẽ sống với nhau trong cảnh thái bình (Is 2,4; x. 11,6-9). Như thế, nền hoà bình thật sự của các quốc gia không đặt nền tảng trên các loại vũ khí hay nghề chinh chiến mà trên nền tảng thánh luật của Chúa.

Dù là “nhà Giacóp”, dân riêng của Chúa, hay bất cứ dân nước nào, nếu đi trong ánh sáng của thánh luật Chúa, trên nền tảng “công minh chính trực” và “lòng thương”, thì sẽ tìm được nền hoà bình đích thật.

2. Bài đọc 2:

Đặt trong viễn tượng cánh chung, thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu Rôma hãy tỉnh thức, bằng cách sống đạo đức, thánh thiện theo khuôn mẫu Đức Kitô.

Trước hết, thánh Phaolô nói về “ngày Thiên Chúa cứu độ đã gần hơn trước kia”. Ngày cứu độ đã bắt đầu khi Đức Kitô chết và sống lại, nhưng ơn cứu độ chỉ được hoàn tất trọn vẹn khi Người trở lại trong ngày quang lâm. Trong khi chờ đón ngày Đức Kitô trở lại (x. 1 Tx 3,12; 1 Cr 1,8), người tín hữu được mời gọi sống tỉnh thức. Đây là lời mời gọi cấp bách vì thời gian đang qua đi, “đêm sắp tàn, ngày gần đến” (Rm 13,12) nhưng không ai biết chắc lúc nào Người sẽ đến trong vinh quang (Mt 24,42; 25,13) để xét xử kẻ sống và kẻ chết (Kinh Tin Kính).

Sau nữa, tác giả thư Rôma hối thúc các tín hữu hãy “loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu” (Rm 13,12). Thật vậy, một trong những cách tỉnh thức là đứng về phía sự sáng, dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa (x. Ep 6,10-11), “mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ” (1 Tx 5,8), mà sống cuộc đời công chính (x. Rm 6,13). Sự công chính là thứ vũ khí của ánh sáng, giúp chiến đấu chống lại những gì là đen tối trong lòng con người và trong thế giới này.

Cuối cùng, các Kitô hữu được mời gọi “mặc lấy Chúa Kitô” (Rm 13,14). Qua Bí tích Rửa tội, các tín hữu thuộc về Chúa Kitô, được kết hợp với Người và trở nên giống hình ảnh của Người. Như thế, mặc lấy Đức Kitô là trở nên giống như Người, hoạ lại đời sống của Người, nghĩa là không chiều theo bản tính tự nhiên mà ăn uống quá độ, chơi bời dâm đãng hay cãi cọ ghen tương (Rm 13,13). Trái lại, các tín hữu được thúc đẩy sống đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày, nghĩa là sống ngay thẳng, thánh thiện.

3. Bài Tin Mừng:

Tác giả Tin Mừng Mátthêu dùng hình ảnh trong Cựu Ước nhằm cho thấy tính cách bất ngờ của ngày “Con Người quang lâm” và mời gọi độc giả “hãy canh thức” vì “chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

Trước hết, Chúa Giêsu dùng biến cố trong Cựu Ước để cho thấy tính cách bất ngờ của ngày Chúa Giêsu trở lại. Thật vậy, trong khi thiên hạ vẫn đang mải mê “ăn uống, cưới vợ, lấy chồng”, không hay biết ngày ông Nôê và gia đình vào tàu vì tin vào lời của Thiên Chúa, thì nước hồng thuỷ ập tới bất ngờ và tiêu diệt tất cả (x. St 6,13-22). Thiên Chúa đã từng tiêu diệt những kẻ sống trong tội lỗi cách bất ngờ thế nào trong biến cố ông Nôê, thì Người cũng có thể trừng phạt những ai không chuẩn bị sẵn sàng như thế trong ngày Đức Kitô quang lâm.

Sau nữa, Tin Mừng cho thấy số phận con người sẽ không giống nhau trong ngày đó. Dù là đàn ông hay đàn bà, đang ở ngoài đồng hay đang xay bột, thì sẽ có người “được đem đi” và cũng có kẻ “bị bỏ lại”, có người được ân thưởng thì cũng có kẻ bị trừng phạt. Người ta không thể biết được lúc nào Chúa Kitô sẽ lại đến trong vinh quang, nhưng số phận của mỗi người vào lúc đó sẽ khác nhau tùy thuộc vào cách sống trong hiện tại. Nếu người ta có sự chuẩn bị thì đó là ngày họ “được đem đi” cùng với Đức Kitô; trái lại, nếu không có sự chuẩn bị trong cuộc sống hiện tại thì đó là ngày họ “bị bỏ lại”.

Cuối cùng, tác giả Tin Mừng Mátthêu cho thấy sự cần thiết phải ở trong trạng thái canh thức và sẵn sàng để ngày Chúa Kitô trở lại không là một sự bất ngờ. Thật vậy, như chủ nhà không thể biết giờ nào kẻ trộm đến, nên nếu muốn nhà của mình an toàn thì không còn cách nào khác là phải luôn ở trong trạng thái canh thức; cũng vậy, giờ Chúa Kitô quang lâm sẽ không phải là một sự bất ngờ nếu người ta ở trong trạng thái sẵn sàng chờ đón Người.

II. GỢI Ý SUY NIỆM:

1/ Ơn cứu độ mở rộng cho tất cả mọi dân mọi nước. Tất cả những ai sống theo đường lối thánh chỉ của Thiên Chúa đều được mời gọi đến để hưởng nền hoà bình viên mãn. Hoà bình theo đường lối của Thiên Chúa đặt nền tảng trên sự công minh, chính trực và yêu thương. Hơn ai hết, tất cả các Kitô hữu đều có bổn phận xây dựng hoà bình theo đường lối của Thiên Chúa bằng chính đời sống ngay thẳng và yêu thương.

2/ Thánh Phaolô phác hoạ viễn tượng cánh chung khi Đức Kitô trở lại để đưa ơn cứu độ đến hồi viên mãn. Trong khi chờ đợi ngày đó, các tín hữu được mời gọi sống tỉnh thức bằng cách “mặc lấy Chúa Kitô”, trở nên giống như Người. Sống giữa thế giới với biết bao nhiêu cám dỗ, các Kitô hữu dễ bị lôi kéo hướng chiều về những chuyện của thế gian. Nhờ “mặc lấy Chúa Kitô”, mặc lấy lối sống của con cái ánh sáng, sống theo chân lý Tin Mừng, họ mới có thể thoát khỏi những lôi kéo của sức mạnh bóng tối sự dữ, làm cho họ không còn tỉnh thức đợi chờ Chúa Kitô quang lâm.

3/ Tin Mừng Mátthêu cho thấy tính bất ngờ của ngày Chúa đến và mời gọi các tín hữu ở trong tư thế canh thức và sẵn sàng. Thật không dễ dàng canh thức chờ đợi mà không biết chính xác lúc nào Đấng mình chờ đợi sẽ đến để sẵn sàng nghênh đón, vì bất cứ sự chờ đợi nào cũng có thể làm cho người ta mệt mỏi, nản lòng mà mất cảnh giác. Tuy vậy, nếu mỗi Kitô hữu tin rằng Chúa Kitô là Đấng đáng cho mình đợi chờ, hy vọng và sự đợi chờ đi kèm với lòng yêu mến thì mới giúp người tín hữu kiên tâm cho đến cùng để được cứu độ (x. Mt 10,22).

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2025. All Rights Reserved.