Lễ Chúa Hiển Linh

DÕI THEO ÁNH SÁNG CHÂN LÝ

“Chúng tôi đã thấy vì sao của Người…
nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2, 2)

(Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Is 60,1-6)

Bài đọc I hôm nay nằm trong những chương của sách ngôn sứ Isaia nói hoàn toàn về ơn cứu độ. Trong các chương 60-62 này, chúng ta không đọc thấy những lời kết tội hay đe dọa, cũng không có điều kiện cho những người đón nhận ơn cứu độ ngoài lòng muốn đón nhận ơn cứu độ. Do đó, bài đọc hôm nay là một bài ca tuyệt vời tràn ngập niềm vui, niềm hi vọng của ơn cứu độ. Nó diễn tả cảnh huy hoàng của thành Sion vào ngày Đức Chúa xuất hiện. Sion bừng sáng không phải tự nó, nhưng là nhờ ánh sáng của Đức Chúa. Các dân tộc đang sống trong bóng tối của đau khổ tội lỗi sẽ lần bước tìm về với ánh sáng của Sion, vì đó chính là ánh sáng cứu độ mà Thiên Chúa mang đến. Hình ảnh các dân tộc kéo về Giêrusalem cùng với muôn vàn thú vật và vàng bạc trầm hương diễn tả sự giàu có sung túc và hạnh phúc của thành thánh trong ngày Đức Chúa xuất hiện.

Hình ảnh ánh sáng và vinh quang thường gặp thấy trong các Thánh vịnh ca ngợi vương triều của Thiên Chúa, hát mừng ngày đăng quang của Đức Chúa. Trong Is 6,3-5 ngôn sứ Isaia cũng đã nói về vinh quang của Đức Chúa được tỏ hiện khi vương quốc của Người được thiết lập và khi vương quyền Người được loan báo ở Sion. Bài đọc hôm nay công bố sự thiết lập vương triều của Đức Chúa ở Giêrusalem qua sự xuất hiện của ánh sáng và vinh quang của Người. Và khi đó các dân sẽ tìm về theo ánh sáng của Người để được ơn cứu độ. Ánh sáng của Người chiếu soi mọi dân, soi những người đang ngồi trong bóng tối; vinh quang của Người nâng dậy những ai mệt mỏi rã rời. Mọi người đến với Người để được yêu thương che chở và cùng chia sẻ những hạnh phúc và niềm vui. Ở Giêrusalem, thành đô Sion, Thiên Chúa quy tụ và mang đến niềm vui và ơn cứu độ cho mọi người tìm đến với Người, không phân biệt màu da tiếng nói hay giai cấp địa vị. Mọi người cùng được mời gọi vui lên, bừng sáng lên cùng Sion, cùng Giêrusalem, thành đô thiên quốc trong ngày Đức Chúa xuất hiện.

2. Bài đọc II (Ep 3,2-3a.5-6)

Thánh Phaolô trong bài đọc II đã khẳng định rằng ơn cứu độ không dành riêng cho dân Do Thái theo huyết thống, nhưng cả những người dân ngoại, những người không phải là Do Thái, cũng được “cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa”. Dân mới của Đức Chúa, dân Người quy tụ trong thành Giêrusalem thiên quốc sẽ bao gồm mọi sắc dân thuộc mọi ngôn ngữ, tất cả những ai tin vào Người. Họ không phải chỉ là những thành phần thêm vào trong dân của Thiên Chúa, nhưng chính là những người đồng thừa hưởng gia nghiệp và phúc lành mà Thiên Chúa đã hứa ban, điều mà Người đã mạc khải cho các thánh Tông đồ và ngôn sứ.

3. Bài Tin Mừng (Mt 2,1-12)

Đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu chúng ta vừa nghe tường thuật lại việc các nhà chiêm tinh theo ánh sao đi tìm Hài Nhi Giêsu vừa chào đời và cuộc gặp gỡ của họ với Vua Hêrôđê và các nhà lãnh đạo Do Thái. Đoạn Tin Mừng thuật lại những hình ảnh, những thái độ và những hành động trái ngược của các nhà chiêm tinh và “dân Do Thái” trước sự kiện ngôi sao lạ xuất hiện báo tin sự ra đời của Đức Vua dân Do Thái.

Trước hết, các nhà chiêm tinh là những học giả Đông phương, thông thạo chiêm tinh; có thể họ đã biết về trào lưu chờ đợi Đấng Mêsia nơi dân Do Thái, nên khi thấy ngôi sao lạ xuất hiện, họ đã nghĩ đến “Vua dân Do Thái”, Đấng Mêsia đã đến. Truyền thống sau này đã nghĩ rằng họ là 3 vị vua với 3 loại lễ vật khác nhau; người ta còn gán cho các vị ấy tên Gaspar, Balthasar và Melchior. Các nhà chiêm tinh nhìn thấy ánh sao xuất hiện bên phương Đông nên đã đi tìm, nhưng vì không biết chính xác nơi Đấng Mêsia sẽ xuất hiện nên họ đã đến hỏi Vua Hêrôđê về nơi Đức Vua dân Do Thái mới sinh. Được Vua Hêrôđê dặn dò họ đã tiếp tục ra đi, và ngôi sao họ nhìn thấy trước kia đã tiếp tục hướng dẫn họ đến tận nơi Hài Nhi đang ở. Nhìn thấy Hài Nhi, họ đã lấy lễ vật để dâng tiến Người.

Những nhà chiêm tinh là những người dân ngoại, chỉ biết về Đấng Mêsia qua những kiến thức không chắc chắn, nhưng họ đã khao khát, mau mắn tìm kiếm Đấng Mêsia, nên đã đi tìm hiểu để có thể gặp được Người. Họ ra đi ngay trong đêm vì nao nức tìm gặp Hài Nhi, vì có ánh sao chỉ đường cho họ. Gặp được Hài Nhi họ đã nhận ra đây chính là vị Cứu Thế nên đã bái lạy và dâng những lễ vật thường được dâng tiến cho một vị Vua. Những người ngoại giáo này đã tìm gặp được Đấng Cứu Thế nhờ lòng chân thành yêu mến của mình.

Còn Vua Hêrôđê và các nhà lãnh đạo khác thì sao? Họ đã phản ứng hoàn toàn trái ngược với các nhà chiêm tinh. Phản ứng đầu tiên chúng ta đọc thấy chính là sự bối rối của Vua Hêrôđê, cũng như tâm trạng xôn xao của dân thành Giêrusalem. Họ không vui mừng như các nhà chiêm tinh, không ra đi tìm Hài Nhi, nhưng lại lo lắng. Vì sao? Vì sự xuất hiện của Vua dân Do Thái sẽ đe dọa ngai vàng của Vua Hêrôđê, vì sự xuất hiện của vị Vua mới đòi những thay đổi nơi dân chúng. Họ cảm thấy bất an sợ hãi. Chính dân Do Thái là những người đã được mạc khải, được loan báo về sự ra đời của Đấng chăn dắt Israel. Họ đã biết những lời các ngôn sứ loan báo về sự ra đời của vị Mục tử này. Họ đã có thể giải thích cho các nhà chiêm tinh và hướng dẫn các vị này đi đến Bêlem để gặp Hài Nhi, còn chính họ thì dửng dưng trước sự kiện này, hay đúng hơn họ đang có những tính toán, lo lắng cho cuộc đời của mình.

Nếu như các nhà chiêm tinh đã để cho ánh sao của Đấng Cứu Thế hướng dẫn mình, để cho những lời Thánh Kinh soi sáng mình, thì ngược lại, Vua Hêrôđê cùng các thượng tế và kinh sư lại nhắm mắt, bịt tai trước các mạc khải, các sứ điệp và các lời mời gọi về tin vui cứu độ. Các nhà chiêm tinh là những đại diện của dân ngoại, đã trở thành những người đón nhận ơn cứu độ. Ngược lại, Vua Hêrôđê và các nhà lãnh đạo Do Thái, những người thừa hưởng lời hứa cứu độ, lại tự đặt mình ra ngoài chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đã trở nên thù địch với ơn cứu độ.

II. GỢI Ý SUY NIỆM:

1. Các nhà chiêm tinh đã nhận được sự thúc đẩy đầu tiên khi nghiên cứu thiên văn. Đến Giêrusalem, các vị lại nhận được một thông tin chính xác hơn rút từ Kinh Thánh. Các vị đã can đảm lấy quyết định lên đường và cứ dò dẫm từng bước, và Thiên Chúa đã dẫn dắt các vị đạt tới mục tiêu bằng “ngôi sao” dẫn đường. Bởi vì các vị không kháng cự lại và không quản ngại mệt nhọc, trái lại đã chấp nhận được hướng dẫn, các vị đã vui sướng đạt tới mục tiêu. Thiên Chúa luôn đáp ứng những ai tha thiết tìm ơn cứu độ, dù đôi khi người trong cuộc cảm thấy đường đi không rõ và mục tiêu mịt mù. Chúng ta có khao khát tìm kiếm Thiên Chúa như các nhà chiêm tinh không? Giữa những nghi ngại của thế giới hôm nay, giữa những trào lưu dửng dưng tôn giáo và tục hóa mọi điều thánh thiêng, chúng ta có còn kiên vững theo Chúa không?

2. Các nhà chiêm tinh không thấy vinh quang hay uy quyền của Hài Nhi Giêsu, nhưng các vị đã bái lạy mà nhìn nhận Người là Chúa tể, là Đức Vua và vị Mục Tử của Dân ngoại, vì các vị tin. Đức tin cần thiết cho từng bước đi tới chỗ nhận biết Đức Chúa. Mỗi khi chúng ta cảm thấy lạc lối trong đời sống đạo, không nhìn thấy Chúa hay cảm thấy không có Chúa trong cuộc đời mình, thử xét lại xem mình có xác tín, có đủ niềm tin để nhận ra Chúa trong những điều xem ra tầm thường hay ngay cả không thể chấp nhận được.

3. Hình ảnh các nhà chiêm tinh đến gặp Vua Hêrôđê để được biết thêm về nơi sinh của Vua dân Do Thái, Đấng Mêsia cũng nhắc chúng ta về nghĩa vụ giới thiệu về Đấng Cứu Thế cho những ai chưa nhận biết Người. Chúng ta đã chuẩn bị cho mình một sự hiểu biết cần thiết, nhất là một xác tín về Người để có thể trình bày và dẫn đưa những ai khao khát tìm về với Người chưa?

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2025. All Rights Reserved.