Tiểu sử của Thánh Imelda Lambertini
Thánh Bổn Mạng của các em chuẩn bị rước lễ lần đầu được mừng vào ngày 12 tháng 5
Vào thời Thánh Mađalêna-Imelda Lambertini, phải được 14 tuổi mới được rước lễ. Tuy còn nhỏ nhưng lòng em tràn đầy Chúa Kitô, em buồn vì phải chờ quá lâu mời được rước Chúa. Từ những năm lên mười, em đã trốn gia đình để vào tu viện Thánh Maria-Mađalêna của các nữ tu Dòng Đa Minh ở Valdiprétra, Bologna nước Ý, để được gần Chúa. Cứ mỗi lần em bị từ chối không được rước lễ là em khóc như mưa. “Xin giải thích cho con, làm sao mình có thể đón nhận Chúa Giêsu vào lòng mà không chết vì vui sướng” em cứ năn nỉ hỏi các nữ tu như thế mỗi khi các xơ rời ghế của mình để đi rước lễ.
“Chúng ta có thể đã sinh ra một vị thánh nhỏ… ”
Lòng sốt sắng của Mađalêna với Phép Thánh Thể làm cho những người chung quanh em ngỡ ngàng. Ai cũng ngạc nhiên thấy cô bé này có một tâm hồn thuần khiết thấm đậm tinh thần kitô giáo. Việc không thể có được Nhiệm thể Chúa Kitô trong hình hài bánh thánh nhỏ là nỗi đau thực sự của em. Em là cô bé người Ý đã từ bỏ mọi sự: giàu có, tiện nghi của gia đình để sống trọn vẹn cho hạnh phúc của đức tin mình. Mẹ của em đã nói với ba em: “Hôm nay chúng ta có thể đã sinh ra một vị thánh nhỏ. Hãy để cho con đáp trả tiếng gọi của Chúa…”. Sự thân thiện, tính tử tế, lòng thanh khiết của em bé rất mẫu mực, rất tự nhiên khi cô vào Dòng Đa Minh, em đổi tên Mađalêna thành Imelda. Imelda theo tiếng Ý có nghĩa là “ngọt ngào như mật ong”.
Phép lạ bánh thánh
Ở tu viện Dòng Đa Minh, em bé thánh thiện dành nhiều giờ để chầu trước Thánh Thể. Đây là một việc em không bao giờ cảm thấy mệt mỏi. Ban đêm, em âm thầm dậy để theo các nữ tu đến nhà nguyện, hát thánh vịnh với họ. Rất nhanh chóng, Imelda trở thành niềm vui và gương sáng cho tu viện. Tuy nhiên, nỗi buồn của em khi đi lễ về không thoát được con mắt của các nữ tu. Em năn nỉ xin các nữ tu cho em được dự bàn Tiệc Thánh, nhưng các nữ tu không nghĩ họ phải dành cho em một ngoại lệ.
Nhưng đó là không kể đến sự can thiệp của Chúa Giêsu, và sự “yếu mềm” của Ngài khi đứng trước tình yêu cao lớn của em, để làm sớm hơn ngày ấn định được rước lễ. Chúng ta đang ở vào ngày lễ Thăng Thiên, ngày 12 tháng 5 năm 1533. Imelda bây giờ đã 11 tuổi và em vừa đến năn nỉ cha giải tội của em. Không gì lay chuyển. Cha không cho phép. Và cứ mỗi lần như thế, em khóc khi đi về. Nhưng một hôm, đột nhiên trong khi mọi người rước lễ, Mình Thánh Chúa bay cao ra khỏi chén thánh, qua khoảng trống chung quanh bàn thờ và dừng lại ngay trên trán của Imelda. Cả nhà thờ kinh hoàng. Và chính cha chủ tế cũng không cự lại trước việc kỳ diệu này. Hai tay run, cha cầm đĩa thánh đến gần em. Khi bánh thánh bất động ở trên trán, mọi nghi ngờ của cha tan biến. Rồi cha nhìn Imelda. Em há miệng ra. Đúng, đó là điều Chúa muốn, và em được rước Mình Thánh Chúa.
Phần thưởng
Cả nhà thờ hân hoan vui mừng. Ca đoàn các nữ tu sốt sắng hát bài hát tạ ơn Magnificat của Đức Mẹ. Niềm vui tràn đầy. Nhưng Imelda không nghe thấy. Em quỳ gối, đầu cúi xuống, lòng tràn ngập hồng ân. Đó là giây phút đẹp nhất đời em. Cuối cùng em đã có Chúa Kitô ngự vào lòng. Thời gian trôi qua. Không ai dám can thiệp. Rồi sự lo lắng bao phủ niềm vui khi họ không thấy em đứng dậy. Người ta đụng vào em nhưng em không nhúc nhích. Rồi em quỵ xuống trong tay hai nữ tu. Imelda, “phép lạ bánh thánh” như người ta gọi em sau này, đã chết. Tin Imelda chết nhanh chóng được loan ra. Rất nhiều người đến quanh em, họ cầu nguyện với em và họ được ơn nhờ lời cầu bàu của em.
Năm 1826 Imelda được Đức Lêô XII phong chân phước, năm 1910 em được Đức Piô X chọn làm bổn mạng cho các em rước lễ lần đầu, sau đó ngài đã cho trẻ em rước lễ lần đầu sớm hơn. Điều kỳ diệu là thi thể nhỏ bé của Chân phước còn nguyên vẹn, nằm trong hòm đựng thánh tích thật đẹp ở nhà thờ Thánh Sigismondo, Bologna. Khuôn mặt xinh đẹp của em khi qua đời, trùng với ngày lễ Thăng Thiên như muốn nói: “Lạy Chúa Giêsu, đây là phần thưởng lớn nhất của con”.
Pacôme Trần Văn Hồng dịch