Thánh Augustinô SCHOEFFLER Đông
Thánh Augustinô SCHOEFFLER Đông
(1822-1851)

Augustinô Đông sinh ngày 22 tháng 11 năm 1822 tại Mittelbronn tỉnh Lorraine, nước Pháp. Từ bé, cậu đã tỏ ra là một người đạo đức, chăm học, siêng năng cầu nguyện và có ý hướng đi tu. Cha xứ nhận đỡ đầu và đưa vào chủng viện giáo phận Nancy. Trong chủng viện cậu tuân giữ đúng đắn kỷ luật, vâng lời bề trên, hoà thuận với bạn bè và học hành xuất sắc, nên được mọi người yêu mến. Đức Lêo XIII suy tôn cha Augustinô Đông lên bậc chân phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 1/05.

Đối với thánh Augustinô Đông sứ mệnh loan báo Tin Mừng là một nhiệm vụ cao cả nhất. đặc biệt cho những vùng truyền giáo xa xôi. Sau khi học triết học và năm thứ nhất thần học, thày Augustinô Đông cảm thấy Chúa kêu gọi mình đi truyền giáo nên xin phép ba mẹ chuyển qua hội Thừa Sai Paris. Thời gian đó, những tin tức về công cuộc truyền giáo ở Đông Nam Á gởi về không được sáng sủa. Đi truyền giáo như đi vào cỏi chết. Do đó song thân thày cố sức ngăn cản. Ông bà nói nhiều lời nặng nề khiển trách con không vâng lời. Augustinô Đông đắn đo nhiều nhưng căn cứ vào lời Chúa: “Ai yêu cha mẹ hơn thày thì không đáng làm môn đệ thày.” (Mt.10,37). Augustinô Đông quyết định gia nhập hội Thừa Sai Paris dù cha mẹ không đồng ý. Khi đó thày viết thư cho một người bạn: “Than ôi, để theo chân Chúa Giêsu vất vả quá, vướng đường nọ mắc đường kia”. Người bạn đó nhắn nhủ: “Việc giảng đạo là việc quan trọng, nếu tự ý làm mà không được Chúa gọi thì nguy cơ mất linh hồn đó”. Thày trả lời: “Xin đừng quên lời Kinh Thánh: Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta.”

Gia nhập hội Thừa Sai ngày 09-10-1846 thì ngày 29-05-1847, thày Augustinô Đông được thụ phong linh mục. Sau đó được gởi đến giáo phận Tây Đàng Ngoài. Khi rời đất Pháp ngài đã nói: “Tôi không biết điều gì sẽ xảy đến với tôi, nhưng điều tệ nhất có thể đến, đó là phải chịu một nhát gươm… Nhưng tôi tin rằng người tội lỗi như tôi sẽ chẳng đáng được ơn trọng ấy”.

Đức Cha Retordd Liêu, vui mừng đón tiếp giữ cha lại trụ sở học tiếng và phong tục Việt Nam, rồi cho cha tháp tùng trong các cuộc kinh lý để hiểu rõ tình hình hơn. Sau đó cử cha lên coi xứ Đoài. Trong nhiệm sở mới cha Đông tích cực làm việc mục vụ và truyền giáo, số người trở lại ngày càng nhiều. Khi vua Tự Đức ra chiếu chỉ cấm đạo năm 1848, cha nói: “Kỳ này trong chúng tôi thế nào cũng có kẻ bị chém, chớ gì người đó là tôi.” Thế nhưng cha vẫn an toàn làm việc trong ba năm.

Ðức Cha Retord (Liêu) viết về cha như sau: “Tôi không được biết thuở thiếu thời của Cha Schoffler, nhưng tôi xét cách ngài sống các nhân đức thì quyết đoán rằng ở Pháp, cậu đã có đời sống gương mẫu cũng như bây giờ là một tông đồ nhiệt thành ở Bắc Việt. Ngài đến Bắc Việt năm 1848. Từ khi đó cho đến khi bị bắt, có ba việc ngài chuyên cần thi hành là: học tiếng Việt, làm việc mục vụ và chịu các bệnh tật. Ngài học tiếng Việt siêng năng đến nỗi sau năm sáu tháng đã có thể giải tội và khuyên bảo giáo dân…. Về việc tông đồ, tôi đã mang cha đi theo trong suốt một năm kinh lý và ban bí tích cho các họ đạo. Một linh mục thừa sai mới sang chưa có kinh nghiệm thì việc quan trọng nhất là phải làm quen với lối giao dịch với các linh mục bản xứ và giáo dân, đồng thời thích ứng với phương pháp truyền giáo và hòa hợp với các vị đàn anh đi trước. Sau một năm theo tôi làm phúc tại Kẻ Bàng 1849, khoảng tháng 10 tôi chỉ cho cha Schoeffler coi xứ Ðoài. Xứ này gồm khoảng mười sáu ngàn giáo dân rải rác trong bốn xứ đạo trên miền núi rừng.”

Vẫn theo lời tường thuật của Ðức Cha Retord, Cha Schoeffler rất nhiệt thành trong việc rửa tội, trong một năm ngài đã rửa tội được 200 trẻ ngoại đạo, 41 trẻ con nhà có đạo và 23 người lớn, không kể đến giải tội, xức dầu…

Trong năm 1850 cha Schoeffler bị sốt rét rừng. Năm ấy cha đến mở tuần đại phúc cho xứ Bầu Nọ nơi ghi dấu cuộc xưng đạo của Thừa Sai Cần và ba thầy giảng năm 1837. Năm 1851 Ðức Cha Retord công bố năm thánh, Cha Schoeffler muốn sang xứ Yên Tập để mở năm thánh cho giáo dân tại đây. Trong dịp này có một người ngoại đạo tên là Khanh đi tố cáo với quan tổng là có cố đạo ở làng Bầu Nọ. Quan cho quân mai phục các nẻo đường. Hôm ấy ngày 1-3-1851, thay vì đi ban đêm, ngài nói Cha Phượng và hai chú học trò đi trước nếu có chuyện gì thì báo động. Cha Phượng và hai chú đi vào buổi chiều đến giữa rừng thì bị bắt. Cha Schoeffler và một thầy giáo đi sau không thấy tin báo gì thì cứ vui vẻ đi về hướng Yên Tập. Khi được tin có người rình để bắt thì cha và thầy giáo lẻn vào bụi rậm nhưng ngay lúc ấy quan quân đến vây bắt cha và thầy giáo. Quan bảo lính đánh cha song cha thưa lại: “Việc gì mà phải đánh, đừng có lo, tôi không có trốn đâu”.

Quan tổng không muốn giải nộp các ngài vội vì có ý đòi tiền giáo dân, nếu có 100 nén bạc sẽ tha. Mặc dù ngài thưa rằng không thể liệu được bằng ấy tiền nhưng vì quan thúc ép nên ngài nghĩ ra được một mưu nói với quan: “Nếu ông nhất định muốn lấy tiền thì hãy tha bấy nhiêu người giúp tôi đây đi vì chỉ có họ biết chỗ để tiền bạc”.

Thế là quan tha cho Cha Phượng, thầy giáo và hai chú học trò. Sau đó ngài rất mừng rỡ vì không còn ai phải khốn vì ngài nữa, bèn giục quan tổng hãy giải về tỉnh Sơn Tây cho mau. Cha Phượng thành thật đi về làng kêu gọi giáo dân đóng góp, nhưng lúc ấy có tin nhắn quan tổng muốn bắt cha lại nên cha lại phải trốn đi. Như thế không có ai hay làng nào bị liên lụy.

 

Ngày hôm sau quan huyện Nho Lâm giải ngài về tỉnh, giam tạm tại nhà cách dinh quan án. Ngày hôm sau ba quan lớn cho đem thừa sai ra trước công đường để tra hỏi về quê quán và những việc đã làm, về các đồ đạo đã bắt được, và có biết luật nước cấm đạo không. Cha Schoeffler lần lượt trả lời các câu hỏi của quan như sau: “Tôi tên là Augutinh, người Pháp, sinh tại tỉnh Nancy, là đạo trưởng Công Giáo, 29 tuổi. Tôi đã đến đây để giảng đạo cứu rỗi và từ khi đến nước này cho đến nay tôi chỉ chuyên tâm có một việc là rao giảng đạo thật mà thôi. Trước kia ở Pháp, tôi đã biết rõ đạo bị cấm tại nước này và các đạo trưởng phải xử tử. Nhưng chính vì vậy mà tôi càng muốn đến nước này hơn là các nước khác. Từ khi tôi tới đây tôi đã rảo đi nhiều tỉnh, đã ở trong nhiều nhà mà bây giờ tôi không còn nhớ tên nữa, và nếu có nhớ tôi cũng không khai ra với các quan”.

Ngày hôm sau các quan lại cho điệu ngài ra hỏi han như hôm trước, và cha trả lời cũng y hệt hôm trước. Hôm ấy là ngày 5-3, quan tổng đốc Ngụy Khắc Trần viết bản án trình về triều đình, bản án có phần chi tiết hoang đường.

Nội dung tờ trình như sau: “Sau khi tham khảo ý với hai quan bộ và quan án sát, sau đây là lời xét đoán của chúng tôi: ‘Tên Aodutinh là một người Tây đã cả gan đến trong nước mặc dù đã có lệnh cấm, hắn rảo qua và dừng lại ở nhiều nơi trong nước để rao giảng đạo, dụ dỗ và lừa dối dân chúng. Hắn đã công khai thú nhận các việc làm. Cần phải áp dụng cho hắn các luật trong sắc lệnh của hoàng thượng. Vậy tên Aodutinh phải xử chém và đầu ném xuống biển hay sông để răn dậy dân chúng. Còn về những người đã theo hắn và cho hắn trú ngụ, hắn thương họ đến nỗi nhất định không bao giờ cung khai ra mặc dù chúng tôi đã tìm mọi cách hỏi han nó. Người có công bắt được hắn cũng không cho biết thêm gì được về vấn đề này. Nếu cứ thúc ép để điều tra cho biết thì có vô số người phải khốn khổ. Vì thế chúng tôi xét theo lời chỉ dậy mật không điều tra thêm nữa. Về phần lý trưởng và những người có công bắt đạo trưởng, chúng tôi đã trọng thưởng để khuyến khích là ba trăm lạng bạc theo như sắc lệnh của vua. Quan lãnh binh đã đem quân đi bắt cũng đáng khen thưởng. Chúng tôi chờ mong lệnh của hoàng thượng và hứa sẽ làm theo. Còn về các đồ đạo tịch thu được chúng tôi xin được lệnh đốt đi. Trên đây là cuộc điều tra chúng tôi đã làm về vụ này và bản án chúng tôi xét xử. Với lòng khiêm phục chúng tôi xin tường trình lên hoàng thượng và cúi đầu chờ thánh chỉ. Tự Ðức năm thứ tư, ngày 5 tháng Hai âm lịch’”.

Sau khi các quan làm bản án rồi, Cha Schoeffler được giam vào ngục thất với các tù nhân tội phạm khác và không còn bị tra tấn nào khác, chỉ phải mang gông và cùm thôi. Tuy nhiên những lời bẩn thỉu của những tên trộm cướp làm đau lòng vị thừa sai cùng với trăm ngàn cái khổ hành hạ của lính canh. Ðức Cha Retord sai một thầy mang tiền đút lót để lính không làm khổ ngài và kèm một lá thư an ủi. Vì lính canh chừng nghiêm ngặt nên ngài chỉ đọc thư mà không thể trả lời. Vì có lệnh quan lớn cấm không để một thường dân nào được đến gần, nên có một người tân tòng lén nấu cơm cho cha, và một thầy giảng trá hình làm lính đến thăm ngài được hai ba lần, nhưng cũng chỉ có thể nhìn nhau mà thôi. Một linh mục may mắn được đến gần giải tội cho ngài.

Trong tù Cha Schoeffler vẫn tìm cách giảng đạo cho các bạn tù. Cha đã chinh phục được một người lính tên Chi. Cha nói: “Khi nào tôi bị xử rồi, tôi sẽ nhớ đến anh, và nếu anh muốn hạnh phúc thật thì tìm nơi có đạo mà tin theo đạo”.

Người lính này còn thuật lại rằng cha có mấy bức ảnh và sách nguyện trong tù và luôn tỏ ra vui vẻ. Người lính này cũng hứa theo ngài dù ngài phải giải về Huế. Sau khi vị thừa sai bị xử người lính lập gia đình và theo đạo Công Giáo.

Ngày 11-4 lời phê án của triều đình về tới tỉnh. Lời phê án viết như sau: “Chúng tôi đọc tờ trình báo về việc bắt được đạo trưởng Tây tại tỉnh Sơn Tây. Chúng tôi, các quan có nhiệm vụ xét lại, gửi bản ý kiến của chúng tôi đến bản quan trên để cùng với sự đồng ý của quan bộ và quan án sát thi hành lệnh của chúng tôi. Luật của nhà nước được công bố để dậy dỗ dân chúng cho biết úy sợ, đã nghiêm cấm đạo Gia Tô rất ngặt, dầu vậy tên Aodutinh, đạo trưởng đạo này đã dám xâm nhập lén lút trong nước của chúng ta để rao giảng đạo và dụ dỗ lường gạt dân chúng. Bị bắt rồi hắn đã thú nhận tất cả. Vậy tên Aodutinh phải chém đầu ngoài bãi và ném đầu xuống dòng sông để tận diệt những kẻ xấụ Những điều khác hãy theo những điều chúng tôi đã định trước”.

Lẽ ra khi nhận được lệnh trung ương quan phải thi hành ngay, nhưng quan lớn cho lệnh tháo gông và lấy xích cột vào chân và cho đem ra ở nhà bên phủ đường. Trước đây quan có lấy một lạng bạc của cha bây giờ được dùng để dọn một bữa cỗ cho cha. Quan đội thường nói truyện hỏi han và rất kính trọng vị thừa sai.

Theo chứng từ của người có mặt và phúc trình của Cha Phượng, hôm 1-5, vào khoảng trưa, quan lớn Ngụy Khắc Tuần cho gọi hai đội quân sửa soạn voi, ngựa và súng, các khí giới đủ loại để làm một cuộc tảo thanh. Mọi người nghĩ là quan quân đi tấn công một nơi nào, nhưng sau mới biết là để áp giải vị anh hùng tử đạo đến pháp trường. Quan lớn làm vậy vì sợ giáo dân đông số có thể đánh tháo cho vị linh mục. Khi đem Cha Ðông ra khỏi tù, nhiều người hối tiếc một vị nhân đức dễ thương như vậy phải chết. Ðám lính gồm 100 người chia thành hai hàng, Cha Schoeffler đi ở giữa có 8 tên lính cầm giáo hộ tống, đàng trước có một tên lính cầm thẻ ghi bản án, đi sau là hai quan lớn cỡi voi. Vị anh hùng tử đạo khi biết đã đến giờ ra pháp trường liền vất bỏ đôi dép để đi chân không cho dễ dàng và mau chóng, biểu lộ nét mặt vui mừng hớn hở. Cha ngẩng cao đầu, giơ cao xích và miệng đọc những lời kinh thật sốt sắng. Một đám đông vô số theo sau đi ra pháp trường ngoài thành quen gọi là Năm Mẫu, họ như bị thôi miên trước sự anh hùng của đạo trưởng. Họ nói: “Thật là anh hùng, người đi chịu chết dường như đi dự đại lễ. Can đảm chừng nào, không có dấu sợ hãi. Ồ đẹp làm sao, hiền hậu làm sao! Tại sao hoàng đế lại chém đầu những người như thế?” Trong đám đông cũng có kẻ xấu miệng nói lời xúc phạm đến đạo.

Tới nơi xử, vị anh hùng xin mấy phút cầu nguyện, quì gối trên bờ ruộng, tay cầm thánh giá nhỏ, hôn kính ba lần. Sau đó theo lời lý hình, ngài cởi áo ra, để trần cổ sẵn sàng đón nhát gươm vinh dự. Lý hình trong khi đó trói hai tay ngài ra sau lưng và buộc vào cọc. Vị anh hùng giục lý hình làm phận sự trong khi mắt ngước trông lên trời. Quan ra lệnh sau ba tiếng chiêng mới được chém. Giây phút trở nên trịnh trọng, ba hàng lính đứng chung quanh như triều thiên, hàng thứ nhất tay cầm gươm sáng, hàng hai tay cầm súng trường và hàng thứ ba tay cầm giáo giơ lên cao. Tiếng chiêng thứ ba vừa dứt, tay run rẩy người lý hình chém không đứt được cổ, phải cứa thêm cho đứt hẳn. Những người chứng kiến vụ hành quyết chỉ là những người không Công Giáo ở Sơn Tây, còn giáo dân thì không được tin kịp.

Ðầu vừa rơi đám người lương ùa vào thấm máu, khác với thói quen là chạy trốn khi một tử tù bị chém. Dân chúng tin rằng đây không phải là một tên tội phạm nhưng là một vị anh hùng xuất chúng, một thánh nhân đáng tôn kính, mang lại hạnh phúc cho người khác. Họ chia nhau các di tích, giây xiềng và xích. Một viên sĩ quan mang theo một tấm áo lụa mới để thấm máu vị anh hùng. Viên sĩ quan này bị đánh mấy roi vì làm như thế. Các lý hình cầm đầu ngài mang đi vất xuống sông nơi vừa rộng vừa sâu nhất. Giáo dân nhiều đêm lặn tìm mà không thấy vì lương dân đã lấy trước để chờ món tiền chuộc khổng lồ. Còn thân thể vị anh hùng tử đạo được giáo dân bỏ vào trong quan tài chôn ngay tại chỗ theo như luật đã định dưới sự canh gác của lính. Ðến đêm thứ hai rạng ngày thứ ba, giáo dân đã lấy trộm xác về chôn trong nhà một lý trưởng Công Giáo, tên là Lý Ngọc, tại Bạch Lộc.

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2024. All Rights Reserved.