Thánh GIUSE NGUYỄN ĐÌNH UYỂN
(1775-1838)
Giuse Nguyễn Ðình Uyển, Sinh năm 1775 tại Ninh Cường, Nam Ðịnh, Thầy giảng, dòng ba Ða Minh, chết rũ tù ngày 4/7/1838 tại Hưng Yên dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêo XIII suy tôn thày giảng dòng ba Đaminh Giuse Nguyễn Đình Uyển lên bậc chân phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 4/07.
Thầy Uyển là một thầy giảng, sinh tại làng Ninh Cường thuộc tỉnh Nam Ðịnh. Ngay từ hồi nhỏ thầy đã có lòng mến Chúa một cách lạ lùng. Lòng mến Chúa đã thúc đẩy thầy xin gia nhập Dòng Ba Ða Minh ngay từ lúc thầy mới 12 tuổi. Trong nhà Chúa, thầy hăng say học giáo lý và đã trở nên một thầy giảng giáo lý có biệt tài. Thầy được chọn làm bạn đồng hành với Ðức Giám Mục Henares trên đường truyền giáo của ngài. Trong mọi lúc, mọi nơi Thầy Uyển đã tỏ ra là một thầy dòng rất nhiệt thành hăng say phục vụ Chúa trong mọi hành động lớn nhỏ, vì thế thầy được các Bề Trên cũng như mọi người kính nể và tín nhiệm.
Trong thời kỳ Minh Mệnh bắt đạo rất gay go, đức giám mục giao cho thầy trách nhiệm giữ con chiên bổn đạo tại Tiên Chu, mặc dầu thầy chưa lãnh chức linh mục. Sống tại Tiên Chu rất nhiều năm và làm nhiều công việc mục vụ để coi sóc dân chúng, Thầy Uyển được mọi người yêu nể. Khi thầy 63 tuổi thì cuộc bắt đạo càng trở nên gay gắt hơn. Ngày 29-5-1838, lính vua bao vây làng Tiên Chu vì họ đã nghe tiếng Ðức Giám Mục Henares hiện đang lẩn trốn tại đó. Lính quan bao vây làng Tiên Chu nhiều ngày nhưng không bắt được Ðức Giám Mục Henares. Sau cùng họ rất phẫn nộ và đòi mỗi người trong làng phải ra đình để điểm danh và tra khảo lý lịch. Thầy Uyển cũng là một trong nhóm người có mặt. Sau khi tra khảo rồi và mỗi người tiếp tục ra về, Thầy Uyển là người sau cùng. Thình lình lính quan trông thấy áo Ðức Mẹ mà Thầy Uyển đang đeo giấu trong người chìa ra, họ lập tức bắt Thầy Uyển ở lại và tra khảo cặn kẽ. Ai trong giáo dân cũng nghĩ rằng Thầy Uyển đã sơ ý để lộ tông tích nên lính mới bắt gặp, nhưng thực ra ý Chúa nhiệm màu đã chọn thầy và ban cho thầy phúc tử đạo, vì tâm hồn của thầy như một ngành nho chĩu ngọt đã được ngắt đi làm lễ hiến tế. Khi thấy bản áo Ðức Mẹ, lính quan tra khảo thầy có phải là đạo trưởng không. Thầy trả lời là không phải. Bỗng đâu có một tên lính vua diễu cợt và mỉa mai, hắn sờ mũi thầy và nói lớn. “Ông này có mũi dài, chắc hẳn ông là cố Tây”.
Thầy Uyển chỉ lắc đầu và không một dấu tức tối nào ẩn hiện trên gương mặt hiền từ, cương nghị đó. Thấy vậy quan truyền đưa thánh giá để thầy bước qua, thầy nhất định không chịu, quan rất giận, lớn tiếng đe: “Nếu mày không bước qua, tao sẽ chém đầu mày!”
Thầy Uyển ung dung trả lời: “Bẩm quan, nếu tôi bị chém chết, thì tôi mới trông được sống lại”.
Ngay chiều hôm ấy, quan tức giận truyền trói thầy lại và điệu về Hưng An.
Khi đến nơi, quan Tuần lại hỏi thầy, có phải là đạo trưởng hay có chức sắc nào khác và có biết ai đạo trưởng khác ở đây chăng? Thầy Uyển nhất định giữ im lặng. Quan Tuần rất tức bực và giao thầy cho lính để đeo gông và xích rồi bị tống ngục.
Lúc sáu giờ sáng ngày hôm sau thầy lại bị điệu lên quan tuần. Nhưng quan thấy lòng dũng cảm của thầy và đức tin vẫn không bị lay chuyển, quan tuần truyền đem thầy tới tòa án hội đồng. Khi ấy, quan dùng mọi cách để bắt thầy chà đạp thánh giá và ký tờ xuất giáo, thầy khẳng định từ chối. Quan tòa dùng những lời dụ dỗ hoặc đe giết, thầy vẫn một mực cương quyết và tuyên xưng đạo càng mạnh dạn hơn nữa. Khi quan hỏi lẽ đạo, thầy lợi dụng dịp này để giảng giải mười điều răn rất rõ ràng và minh bạch. Khi họ tra hỏi về tông tích của các cha ngoại quốc đang truyền giáo thầy lại yên lặng. Quan Tuần thấy vậy, sai lính xô thầy xuống đất và đánh thầy 39 roi rất đau đớn. Khi chỗi dậy, thầy không thể ngồi lên được vì phần bị đòn quá tàn ác, phần thầy đang có bệnh kiết lỵ nên kiệt sức. Lính cai ngục thấy Thầy Uyển đuối sức nên cho phép thầy uống thuốc chữa trị trong hai tuần lễ. Sau khi thầy lấy lại sức, cai ngục lại điệu thầy ra trước tòa một lần nữa, hy vọng có thể lay chuyển thầy được chăng. Khi thấy thầy phải đeo gông nặng nề, quan tuần bảo thầy: “Lang Uyển hãy xuất giáo đi rồi ta cho về ở với vợ con và anh em”.
Thầy Uyển trả lời: “Thưa quan tôi ở độc thân”.
Quan lại nói: “Không sao, nếu muốn sống thì xuất giáo. Con chó còn muốn sống huống hồ ông là con người, hãy xuất giáo thì ta cho về ngay bằng không thì phải chết”.
– “Thưa quan, nếu quan thương thì tôi được nhờ, bằng không tôi sẵn sàng chết. Còn phải xuất giáo và bước qua thập giá thì tôi không bao giờ làm”.
Nghe thấy thầy nói vậy, quan giận tím mặt và truyền cho hai tên lính nọc thầy ra đánh 18 roi. Một trong những tên lính muốn lấy uy, rút gươm ra nói: “Tao sẽ chém đầu mày!”
Thầy Uyển, nét mặt vẫn bình an vui vẻ trả lời: “Anh cứ chém đầu tôi, tôi sẽ có đầu khác”.
Quan quân thấy đức tin của thầy rất mực anh hùng, họ đem tống giam lại lần nữa để tìm mưu kế khác thuyết phục. Khi ấy thầy đã bị kiệt sức quá nhiều, căn bệnh cũ lại đột phát dữ dội. Thấy vậy có người thương hại và khuyên thầy nên tìm cách chữa trị, thầy nói: “Tôi đã già yếu rồi, không trông sống được lâu, vả lại xin phép đâu có dễ dàng”.
Vài ngày sau, quan lại đòi người ra pháp đình và bắt ngài phải bước qua thập tự. Quan hứa nếu lần này thầy bằng lòng bước qua, quan sẽ tha cho về ngay. Thầy Uyển thưa lại: “Bẩm quan, tượng này là tượng của Chúa trời đất muôn vật, xứng đáng cho hết mọi người phải thờ lạy. Nếu quan lớn tha thứ tôi được nhờ, bằng không tôi xin chịu chết cách vui lòng”.
Hết mọi người nghe lời ấy thì động lòng thương hại năn nỉ thầy: “Ông chỉ có việc bước qua thôi để được sống, tại sao ông không làm?”
Thầy trả lời: “Ðời sống của tôi mau qua lắm! Tôi chỉ muốn dâng nó cho Thiên Chúa”.
Khi các quan thấy không còn cách nào để thuyết phục thầy, nên truyền bốn tên lính lấy gông mà khiêng thầy qua thập giá. Thầy dùng hết sức bình sinh để co chân lên kẻo chạm phải thánh giá Chúa. Thấy vậy một tên lính bên cạnh lấy gậy đập vào mình thầy rất đau đớn khiến máu tuôn ra và rơi trên thập tự. Trong lúc mê man vì bị đau đớn, người ta thấy thầy kêu tên cực trọng và xin thêm sức để chịu cho tới cùng. Khi thấy hình hài máu me, tiều tụy, một số tù và quan cười nhạo và quát tháo: “Vặt râu nó đi!”
Nhưng không ai dám làm vì thấy thầy gần hấp hối. Thấy lúc thầy gần chết, các quan tưởng rằng thầy có thể đổi ý nên lại truyền bước qua thập giá. Thầy lại tỉnh lại mà cương quyết chối từ. Thấy vậy các quan nói với nhau: “Tên này cả gan thật, bề ngoài như người đang hấp hối thế mà trong lòng nó vẫn khăng khăng không chịu xuất giáo”.
Sau cùng quan truyền đưa thầy vào tống ngục cùng với những người bị án chết. Chính tay quan đã viết bản án như sau: “Nguyễn Ðình Uyển là người bản quốc, hắn đi dông dài, theo tà đạo gọi là Gia Tô, hắn đã dối trá nhiều người và xưng mình là thầy dạy đạo, hắn đã biết lệnh vua cấm theo đạo, nhưng hắn vẫn lén lút và bất tuân lệnh trên. Hiện nay, hắn đang ở tù và bị sửa phạt cách nặng nề nhưng hắn vẫn không tuân phục hoặc muốn ăn năn. Vậy ta xin tuân lệnh vua ra ngày 29-4 về tên Ðỗ Văn Chiểu, vua đã viết Ðỗ Văn Chiểu là người bản quốc hắn đã bị lôi cuốn bởi người khác để theo đạo Gia Tô, hiện nay hắn đã bị bắt và bị tra tấn nhưng hắn không chịu xuất giáo, hắn đáng chết. Vì thế Ðỗ Văn Chiểu bị xử, do đó ta cũng nên áp dụng với tên Nguyễn Ðình Uyển như vậy và đệ vào kinh”.
Khi tin tới Thầy Uyển, thầy sung sướng mừng rỡ và ca ngợi Thiên Chúa. Ðồng thời thầy cũng xin được phép uống thuốc chữa bệnh để chuẩn bị cho ngày ra pháp trường. Nhưng ý Chúa lại khác, Ngài đã chấp nhận lòng tin yêu mạnh mẽ của thầy. Trong khi ấy bệnh tình thầy quá nặng và chiều ngày 4-7-1838 Chúa rước linh hồn thầy về với Ngài.
Khi nghe tin ấy, bổn đạo đến xin phép đưa xác thầy về và mai táng tại vườn của nhà Chúa thuộc xứ Tiên Chu, nơi thầy đã sống và phục vụ nhiều năm giữa họ.
Đức Lêo XIII suy tôn thày giảng dòng ba Đaminh Giuse Nguyễn Đình Uyển lên bậc chân phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.