Thánh GIUSE PHẠM VIẾT THÌN
(1820-1859)
Luca Phạm Viết Thìn (Cai), Sinh năm 1820 tại Quần Cống, Nam Ðịnh, là một giáo dân, giữ chức vụ Cai Tổng, bị xử giảo ngày 13 tháng 1 năm 1859 cùng với cha của mình la Đaminh Phạm Trọng Khảm tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân
Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 13/01.
Thánh Luca Thìn, tên được viết là Phạm Viết Thìn theo bản án của triều đình, là con của cụ quan án Ða Minh Khảm và bà Agnes Phương, thuộc họ Ðức Bà xứ Quần Cống, tỉnh Nam Ðịnh. Nhà giầu nên ngài được học hành đến nơi đến chốn, làm chánh tổng mới có 30 tuổi. Ngài lập gia đình với cô Maria Tâm. Nhưng chức vụ chánh tổng bắt ngài phải đi nhiều nơi và vì tuổi trẻ ngài đã có vợ lẽ. Sau ba năm bị ốm nặng ngài hứa với Chúa sẽ sửa đổi cuộc sống. Ngài từ bỏ vợ lẽ và theo lời cha giải tội ngài đã sống cuộc đời đạo hạnh.
Ngày 28 tháng 4 năm Tự Ðức thứ mười một (6-1858), Ðức Cha Sampedro nhờ Luca Thìn là người thông thạo quan trường, lên tỉnh Nam Ðịnh xin với quan thượng Tân nhân nhượng cho người Công Giáo, và cam đoan rằng người Công Giáo hết lòng trung thành với vua và không khởi nghịch. Nhưng rủi thay lúc ấy xảy ra vụ một người Công Giáo nổi loạn ở Cao Xá khiến quan thượng Tân giận dữ bắt giam Luca Thìn, và coi người Công Giáo là lũ phản nghịch. Lúc ấy có tin đồn là làng Quần Cống chứa chấp thừa sai nước ngoài, quan ra lệnh đi vây làng Quần Cống. Quả thực lúc ấy có Ðức Cha Sampedro và Cha Estevez đang ẩn trốn ở đây.
Trong khi lính đi vây làng thì Luca Thìn đã bị quan thượng tra hỏi ba lần. Bị ép buộc đạp ảnh thánh giá, Luca Thìn một mực từ chối nên bị xích lại và giam trong tù. Ngài thản nhiên viết tờ giấy nói rõ sự khảng khái của mình: “Tôi sẵn sàng chịu mọi hình khổ kể cả cái chết khổ cực nhất, nhưng không bao giờ chối bỏ đạo của tôi. Chính tay tôi viết. Luca Thìn”. Vì thế quan sai thêm lính đến bắt họ hàng của Luca Thìn. Những người ngoại đạo trong tù khuyên ngài chối đạo để giữ của cải và mạng sống. Ngài nói: “Xin các bạn để tôi yên và đừng nói với tôi điều này nữa, tôi thà mất của cải, chịu mọi cực khổ dữ dằn nhất hơn là đang tâm phạm đến ảnh thánh của Chúa tôi. Tôi tuyên xưng rằng tôi không có gì khác hơn là ước muốn được đổ máu ra vì đạo thánh của tôi”.
Ðầu tháng 7, cụ án Khảm là cha ngài cũng bị bắt với một số người tín hữu làng Quần Cống và được đem đến Nam Ðịnh. Luca Thìn lại bị các quan đem ra luận xử với cha mình. Thấy cha mình cũng bị bắt vì Chúa thì ngài mừng rỡ chào cha mình và can đảm xưng đạo trước mặt ba quan lớn.
Vài ngày sau, hôm 7-7, Ðức Cha Sampedro cũng bị bắt và giải về tỉnh Nam Ðịnh. Các quan đem Luca Thìn ra đối chất với đức cha. Không sợ các quan, Luca Thìn quì gối kính cẩn chào đức cha, vị chủ chăn khả kính. Quan giận dữ sai đem về ngục, bắt chịu nhiều hình phạt hơn nữa.
Suốt trong bốn tháng mười ngày, các vị anh hùng Quần Cống sống chung với nhau trong cảnh tù đầy, khích lệ nhau can trường.
Ngày 13-1-1859, quan ra lệnh đem các ngài đi hành quyết. Luca Thìn không biết các quan xử mình vì tội gì nên xin được gặp quan lớn. Ngài nói với quan: “Xin quan lớn cho biết vì tội gì mà tôi bị xử tử?”
Quan đáp lại là vì tội phản nghịch, đem thừa sai ngoại quốc vào trong nước. Ngài bác lại: “Chúng tôi có tiếp đón đạo trưởng tây phương và theo đạo Công Giáo, nhưng chúng tôi không bao giờ manh tâm chống lại vua”.
Quan lại nói: “Nguyên điều này ngươi cũng đáng chết vì có lệnh của vua cấm theo đạo và ngươi không chịu đạp ảnh”.
Ðến đây Luca Thìn nghe biết mình chịu chết vì đạo thì vui mừng khoanh tay chào các quan và xin cho mình được chết vì đạo. Sau đó ngài lấy ảnh thánh giá trong ngực ra cầm ở tay, hiên ngang đi ra pháp trường, như một dấu xưng đạo và thống hối công khai.
Theo thư của Thánh Giám Mục Berrio-Ochoa viết ngày 2-8-1859 thì cùng bị xử trong ngày 13-1-1859 có cha con Thánh Khảm, Thìn, hai anh em cột chèo Giuse Tả, Khoá Sơn và Lý Lê cùng bốn giáo dân khác thuộc địa phận Tây.
Có người cho rằng cụ Án Khảm và Giuse Tả có liên hệ anh em (xin xem báo Trái Tim Ðức Mẹ số 109 tháng 1-1987 trong lá thư ngỏ), sự thực theo các tài liệu chính thức thì không có tài liệu nào nói tới liên hệ anh em giữa cụ Án Khảm và Giuse Tả.