Thánh MARTINÔ TẠ ĐỨC THỊNH
(1760-1840)
Martinô Tạ Ðức Thịnh, linh mục; sinh năm 1760 tại Kẻ Sặt, Hà Nội; tử vì đạo ngày 8 tháng 11 năm 1840, tại Bảy Mẫu. Cha Máctinô, là thành viên của Hội Thừa Sai Balê, hoạt động như một linh mục trong mấy chục năm. Ngài đã trên 80 tuổi vào lúc bị xử trảm (chém đầu) cùng với bạn là Thánh Máctinô Thọ. Được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 8/11.
Thánh Phaolô NGUYỄN NGÂN – Linh mục – (1790 – 1840)
Điều bận tâm nhất trong đời linh mục của thánh Phaolô Ngân là theo gương Đức Giêsu, vị mục tử nhân hiền. Trong thời bách hại, cha thường than với mọi người rằng: “chủ chăn khó đi tìm chiên lạc, khó biết tin từng con một quá…”. Cha thường tỏ ra tiếc vì hoàn cảnh không săn sóc kỹ lưỡng từngn tín hữu của mình được. Phaolô Nguyễn Ngân sinh năm 1790 tại họ Cự Khanh, tỉnh Thanh Hóa. Cậu đi tu từ nhỏ, đến khi vào chủng viện thì học cùng lớp với cha Nghi. Sau khi thụ phong linh mục, cha về giúp xứ Phúc Nhạc, phu6 trách luôn họ Duyên Mậu và các họ lẻ chung quanh. Được ít lâu cha bị sốt rét nên phải nghỉ và dạy học ở chủng viện Vĩnh Trị được bẩy năm. Khi khỏi bệnh, cha phụ trách xứ Trình Xuyên ba năm nữa. Cuối cùng về làm phó xứ Kẻ Báng giúp cha Nghi mới được khoảng một năm thì bị bắt.
Thánh Giuse NGUYỄN ĐÌNH NGHI – Linh mục – (1793 – 1840)
Đọc lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu theo thánh Gioan, ta thấy : khi thuộc hạ các thượng tế đến bắt Đức chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, ngài nói với họ : “Tôi đã bảo với các anh là chính tôi đây. Vậy nếu các anh tìm bắt tôi thì hãy để cho những người này đi”.
Thế là ứng nghiệm lời Ngài đã nói : “Những người cha đã trao phó cho con, con không để thất lạc một ai”(Ga. 18, 8-9). Đó là điều cha Giuse Nguyễn Đình Nghi hằng suy niệm trong thời bách hại. Lúc nào trong người cha cũng mang sẵn một vài nén bạc, để nếu bị bắt ở nhà người khác thì có tiền chuộc chủ nhà. Cha sẵn sàng hy sinh tử đạo nhưng không muốn liên lụy đến ai.
Giuse Nguyễn Đình Nghi sinh năm 1793 tại xứ Kẻ Vồi, huyện Thượng Phúc, nay thuộc Hà Nội, trong một gia đình trung lưu. Ngay từ nhỏ, cậu Nghi đã dâng mình cho Chúa, sống với cha Liêm ở xứ Kẻ Vồi. Học xong trường thày giảng, thày lại trở về giúp xứ nhà. Các cha thấy thày thông minh hiền hậu, nên cho theo thần học, và năm 30 tuổi, thày Nghi thụ phong linh mục. Đức cha Havard Du bổ nhiệm cha làm phó xứ Sơn Miêng một năm, phó xứ Kẻ Vạc bốn năm, rồi phụ giúp cha Khoan ở xứ Phúc Nhạc. Do khả năng quản trị, ngài được về làm cha sở xứ Đa Phạn khoảng mười năm. Cuối cùng đang làm cha xứ Kẻ Báng thì bị bắt.
Cha Nghi có nếp sống rất đạo hạnh, chuyên chăm việc giảng dạy và siêng năng ngồi tòa giải tội. Cha có biệt tài giúp tội nhân thống hối, hoán cải. Cha ăn chay nhiều ngày cách nghiêm ngặt, cha thày giảng lo cho sức khỏe, phải can gián cha nhiều lần. Tính tình cha hòa nhã vui vẻ, nhanh nhẹn hoạt bát, nhất là thông thạo luật đạo đời, nên trong giao tế, cha được mọi người kính trọng mến yêu. Lương dân chung quanh thường đồn đãi với nhau là: Nếu ông này không đi tu chắc làm quan lớn lắm…
Trong những năm vua Minh Mạng cấm đạo, cha biểu lộ niềm mong ước tử đạo, nhưng ngài nói: “Tôi mong sẽ bị bắt ở đồng vắng, để không hại đến anh chị em tín hữu”. Khi đi làm mục vụ, cha cẩn thận mang theo ít tiền để chuộc chủ nhà, nếu không may bị bắt.
Thánh Martinô TẠ ĐỨC THỊNH – Linh mục – (1760 – 1840)
Sau 80 năm phụng sự Chúa, tóc đã bạc, chân mỏi, sức hầu cạn, cộng với cơn bệnh đang dằn vặt trong mình, cha Martinô Thịnh vẫn cảm thấy phải dâng hiến cho Chúa phần còn lại là chính mạng sống để làm chứng cho Người. tuy có thể thoát thân trong cuộc truy lùng, cha đã trả lời cho người lính hỏi: “Ông có phải là đạo trưởng không”, bằng lời xác nhận “Phải tôi đây”. Lời xác nhận đó đưa cha đến chỗ chết, nhưng cũng đưa cha lên đài vinh quang cho muôn đời noi gương.
Martinô Tạ Đức Thịnh sinh năm 1760 tại làng Kẻ Sét, huyện Thanh Trì, nay thuộc khu vực Hà Nội, trong một gia đình nề nếp. Năm 18 tuổi, gia đình định cho anh kết duyên với một thiếu nữ thùy mỵ, duyên dáng và đạo hạnh, nhưng anh xin hãn lại để suy nghĩ, và cuối cùng quyết định xin đi tu dâng mình cho Chúa.
Thày Thịnh thụ phong linh mục trong thời Cảnh Thịnh cấm đạo. Cha làm bí thư cho Đức cha Giacôbê Longer Gia một thời gian, đã tháp tùng Đức cha đến yết kiến vua Gia Long về đăng quang tại Thăng Long năm 1803.
Theo sự bổ nhiệm của Đức Giám mục, cha phục vụ tại nhiều giáo xứ: trước tiên là Cửa Bạng rồi Đồng Chuối, sau về xứ Nam Sang phục vụ hai mươi năm liền. cuối cùng, làm cha sở xứ Kẻ Trình khi đó cha đã 80 tuổi. ngài là một người cha già, đạo đức, hiền lành, được tất cả các tín hữu kính nể và yêu mến.
Một hôm cha bị nhọt ở má, rồi lở miệng, nửa hàm răng bị mưng mủ và đau nhức khôn tả. Ông Cỏn lên thăm, thấy tình cảnh cha như vậy liền rước cha về nhà cháu ở xứ Kẻ Báng để chăm sóc chữa trị. Được độ tám tháng, cha bị bắt cùng hai cha Nghi và Ngân.
Tai họa cho làng Kẻ Báng.
Tổng đốc Trịnh Quang Khanh là một công tác viên đắc lực nhất của vua Minh Mạng trong việc bách hại đạo Công Giáo. Trong vòng ba năm, ông phá hủy hơn 400 nhà thờ, tu viện và chủng viện. Ông cho phóng thích một tội nhân phạm tội hình sự đang bị giam ở Nam Định, để anh ta đến làng Kẻ Báng do thám, lập công chuộc tội. Anh này tuy không trong đạo, nhưng quen biết nhiều, nên ra vào và gặp gỡ các giáo hữu dễ dàng. Khi biết chắc trong làng có ba linh mục, anh liền đi tố giác với quan.
Ngày 30.5.1840, theo tin mật báo, quan Tổng đốc liền đem 1000 quân đến vây làng Kẻ Báng. Rồi ông cho phát loa kêu gọi dân ra đình điển danh. Tất cả đàn ông, thanh niên trên 15 tuổi đều bị trói lại và tập trung ở một chỗ, quân lính canh gác cẩn thận. Họ bắt cứ phải ngồi vậy phơi nắng, phơi sương suốt hai ngày. Anh chị em phụ nữ lo cơm nước tiếp tế cho lính và thân nhân. đồng thời quan sai lính đi lục soát tất cải “hang cùng ngõ hẻm”. Ngày đầu tiên không tìm thấy linh mục nào, ông nản lòng định rút quân, nhưng người tố giác cứ nhất quyết, lấy đầu ra mà thề, nên ông lại cho lục soát tiếp.
Ngày thứ ba, quan ra lệnh phá các vách dầy trong làng thì quả thật bắt được cha Nghi đang ẩn giữa hai lớp vách nhà bà Duyên. Quan cho gọi bà ra bước qua Thánh Giá, nhưng may mắn quân lính nghe lộn ra bà Doãn, bà này ngoại giáo nên sẵn sàng bớc qua, nhờ đó bà Duyên thoát mạng. Khoảng giữa trưa thì quân lính bắt được cha Ngân đang ẩn ở nhà ông Thọ và cha bị bắt trói, điệu ra chỗ cha Nghi ngoài đình.
Về cha Thịnh thì giả điếc nằm ngay võng nhà ông Chiền là cháu ông Cỏn, quân lính đi ngang thấy cụ già nhà quê bệnh tật, nên chẳng nghi ngờ gì. Nếu có hỏi thì co Thanh, một nữ tu họ Kẻ Trình đi theo phục vụ cha khai là : “Bố tôi đấy, ông bị bệnh nặng nên không ra điểm danh được”. Đến khi nghe tin cha Nghi và Ngân bị bắt, cha Thịnh khôngh muốn im lặng nữa. Nhân một cai đội họi cụ : “Ông có phải là đạo trưởng không ?” Cha liền đáp: “Phải tôi đây”. Thế là cha Thịnh đồng số phận bị bắt với hai cha bạn cùng chí hướng. Lợi dụng cơ hội này, quân lính ùa vào làng cướp tiền của, thóc lúa, trâu bò… Họ vừa đập phá, vừa reo hò chiến thắng vang dậy cả làng. Sau đó quan cho đóng gông và áp giải ba linh mục, ông Thọ, ông Cỏn và 20 tín hữu Kẻ Báng về nhà lao Nam Định.
Vững vàng tuyên tín…
Suốt một tháng đầu, ba cha, ngày mang gông xiềng, tối bị cùm chân, nhưng chưa phải ra tòa. Đến đầu thàng bẩy, quan gọi ra công đường, bắt bước qua Thập Giá, các cha đều can đảm từ chối. Cha Thịnh lên tiếng: “Tôi đã bằng này tuổi đầu mà còn sợ chết nữa sao ? Tôi không thể làm theo lời quan được”. Quan lại hỏi về tên và chỗ ở của các thừa sai, nhưng các cha đều chối không biết. Quan liền truyền trói ba vị bắt quỳ giang nắng suốt ngày không cho ăn uống nước.
Ba ngày sau (06.7), Tổng đốc Trịnh Quang Khanh lại cho gọi ba cha và nói : “Nếu các ông không đạp lên Thập Tự, các ông sẽ phải chết”. Cha Nghi trả lời: “Thưa quan, nếu quan thương chúng tôi nhờ; nếu không thương chúng tôi cũng xanh rì nấm mộ, còn bước qua Thập Giá, chúng tôi không dám”. Quan liền cho đánh mỗi người 50 roi. Thấy không hiệu quả, ông cho đánh cha già Thịnh thêm 10 roi nữa, vì nghĩ tuổi già sức yếu, cha sẽ chịu khuất phục. Nhưng ông không ngờ cha Thịnh mạnh mẽ can đảm chịu đòn cách vui vẻ. Tức giận, quan lại bắt ba vị ra phơi nắng một ngày nữa.
Hạnh phúc thiên thu.
Thấm thoát ba cha ở trong ngục được năm tháng. Với nhiều trận đòn chí tử, nhiều ngày giang nắng ngoài trời…, các vị vẫn không nản lòng, cứ một mực tuyên xưng niềm tin vào Đấng chịu khổ nạn. Các quan thấy các ngài cương quyết giữ vững lập trường, liền làm án gửi về kinh đô. Vua Minh Mạng phê chuẩn và ra lệnh thi hành. Được tin ấy, ba cha hớn hở vui mừng, giải tội cho nhau và chuẩn bị tâm hồn sốt sắng lãnh nhận triều thiên tử đạo.
Ngày 08.11.1840, cha Thịnh, cha Ngân, cha Nghi, ông Thọ, ông Cỏn bị đoàn lính 500 người điệu ra pháp trường Bẩy Mẫu. Đến nơi, tất cả các ngài quỳ xuống cầu nguyện một lát, rồi ra hiệu đã sẵn sàng. Theo lệnh quan, lý hình chém rơi đầu năm chiến sĩ đức tin, kết thức cuộc đời dương thế và khai mở cuộc sống vĩnh hằng trên Thiên Quốc.
Thi thể hai cha Nghi và Ngân được đưa về Kẻ Báng. Còn cha Thịnh được mai táng ở xứ Vũ Điện, sau đưa về quê hương ngài là Kẻ Sét, Hà Nội.
Đức Lêo XIII suy tôn ba linh mục Giuse Nguyễn Đình Nghi, Phaolô Nguyễn Ngân và Martinô Tạ Đức Thịnh lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên hàng Hiển thánh.