THI HÀNH Ý CHA
CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN – A
(Ed 18,25-28; Pl 2,1-11; Mt 21,28-32)
“Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” (Mt 21,31)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Ed 18,25-28)
Con người có thể đổi thay, và thường có hai xu hướng: từ tốt trở nên xấu hoặc từ xấu thành tốt. Ngôn sứ Êdêkien trong bài đọc I hôm nay nói về người công chính rời bỏ đường ngay nẻo chính, và sau đó, là một người gian ác từ bỏ con đường gian ác. Nhân danh Thiên Chúa, ngôn sứ tuyên bố một luận điểm rất quan trọng, đó là: chính thái độ sống sau cùng mới có giá trị để được ân thưởng hay bị luận phạt. Nếu một người công chính từ bỏ đường ngay nẻo chính và làm điều bất chính, thì người ấy sẽ chết bởi điều mình làm; còn người gian ác từ bỏ điều xấu đã làm và sống chính trực công minh, sẽ cứu được chính mình.
2. Bài đọc II (Pl 2,1-11)
Thánh Phaolô trong bài đọc II trích thư gởi cho các tín hữu Philiphê đã chỉ ra đâu là cách hành xử phải có của người Kitô hữu. Người nói: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu”. Ở đây thánh Phaolô muốn nói đến tâm tình nào? Đó là quảng đại hoàn toàn, đến độ chấp nhận cả sự sỉ nhục, trong sự vâng phục hoàn toàn thánh ý Thiên Chúa.
Thật vậy, Đức Giêsu, “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa”. Người đã có thể chọn một cuộc sống vinh quang, danh dự, với mọi biệt đãi đến từ cương vị làm Con Thiên Chúa của Người. Vậy mà Người lại hạ mình, từ bỏ mọi vinh dự vốn có, trở nên kiếp sống phàm nhân hèn mọn để liên đới với chúng ta, những con người tội lỗi.
Chính hành trình này của Đức Giêsu, nói như thánh Phaolô, phải trở nên là hành trình của mỗi chúng ta. Đó là con đường yêu thương thật sự. Ơn gọi Kitô giáo, thật ra, là một ơn gọi hướng đến tình yêu thương quảng đại, ngoan ngùy trước thánh ý của Thiên Chúa và liên đới với những con người đau khổ.
Khởi đầu bài đọc II hôm nay thánh Phaolô có nói đến con đường mà chúng ta phải đi: đó là con đường của đức ái, con đường của sự hiệp thông trong tinh thần cũng như của tình yêu và sự thương cảm. Chúng ta phải từ bỏ sự ích kỷ kiêu căng của mình để sống trọn vẹn trong đức ái và trong tinh thần hiệp nhất với nhau.
3. Bài Tin Mừng (Mt 21,28-32)
Tin mừng Chúa Nhật hôm nay nói về vườn nho và những người thợ đi làm vườn nho. Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, vườn nho biểu trưng cho Dân thánh mà Thiên Chúa cần mẫn chăm sóc, nhưng kết quả thu lại rất ít ỏi, do bởi sự từ chối cộng tác của họ (x. Is 5,1-2).
Bài Tin Mừng hôm nay được chia thành hai phần: dụ ngôn ngắn về vườn nho (21,28-30) và phần áp dụng cho người nghe (31-32). Ở đây, thính giả của Đức Giêsu là các thượng tế và kỳ mục trong dân, là những người có thẩm quyền chính thức được công nhận lúc bấy giờ. Chính những người này trước đó đã thẩm vấn Đức Giêsu về việc Người tự do giảng dạy trong Đền thờ: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?” (Mt 21,23).
Thật ra, Đức Giêsu cũng chỉ là một người tín hữu bình thường, nhưng lại cho phép mình được giảng dạy cho dân chúng con đường của Thiên Chúa trong khuôn viên Đền thờ, mà không có phép của giới chức có thẩm quyền lúc bấy giờ. Người lại không học trong những ngôi trường của họ, nên không có đủ thẩm quyền để làm điều đó. Nhưng vấn đề khó chịu nhất, đó là đông đảo dân chúng lại kéo đến lắng nghe Người. Vì thế, khi trả lời câu hỏi của họ, Đức Giêsu đã đưa ra một câu hỏi về phép rửa của Gioan Tẩy Giả: đó là phép rửa bởi trời hay bởi con người? (x. Mt 21,25). Họ không biết và không muốn trả lời câu hỏi này. Và Đức Giêsu đã kết luận đơn giản là: tôi cũng không biết (x. Mt 21,27). Sự chống đối lại tăng lên: một phần là dân chúng kéo đến với Người, một phần là do sự khủng hoảng với giới chức lãnh đạo tôn giáo đang tăng dần lên. Trước thực trạng này, chắc chắn rất nguy hiểm, thế nhưng Đức Giêsu vẫn không rút lui, mà vẫn muốn làm tăng thêm sự chống đối. Chính vì thế, Người giới thiệu dụ ngôn hai người con này với câu hỏi trực tiếp “các ông nghĩ sao?” (21,28).
Trả lời cho câu hỏi của Chúa Giêsu “Ai trong hai người đã làm theo ý muốn của người cha?” (21,31), họ đáp rất chính xác rằng: “Người thứ nhất”, tức là người con ban đầu nói không, nhưng sau đó lại đi làm.
Có một câu nói của các thầy Rábbi: “Người công chính hứa ít làm nhiều; người gian ác nói nhiều và chẳng làm bao nhiêu”. Nhưng ở đây Đức Giêsu muốn đi xa hơn nữa, đó là: sự đáp trả của con người trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Phản ứng tiêu cực đầu tiên của con người có thể sửa sai được. Các giới chức lãnh đạo Đền thờ đã phê chuẩn hành xử của người con thứ nhất, nhưng lại khó chấp nhận việc Chúa Giêsu áp dụng cho những người thu thuế và gái điếm, là những người mà theo như lời Người nói, sẽ vào Nước Thiên Chúa trước họ.
Thật ra, việc hoán cải của những người thu thuế và gái điếm được xem là gần như không thể trong xã hội tôn giáo lúc bấy giờ. Nhưng chính Đức Giêsu đã cho thấy điều ngược lại: những người thu thuế và gái điếm biết thành tâm đón nhận sứ điệp Tin Mừng ơn cứu độ; trong khi giới chức lãnh đạo tôn giáo đại diện cho người con thứ hai, là người đã nói tiếng xin vâng đầu tiên, nhưng lại không thực hiện.
Dụ ngôn này có thể được xem là một ‘ẩn số’ cần được giải đáp, khi kết thúc với những hàm ẩn sâu xa và thực tế cho cuộc sống, đặc biệt cho những gì được xem thấy ban đầu. Dụ ngôn này có thể là một lời cảnh báo đối với những người thờ phượng Chúa chỉ bằng lời nói suông, nhưng thực tế lại không thi hành ý muốn của Chúa. Nhưng đây cũng là một lời khích lệ, một lời mời gọi cho những người biết ý thức sự yếu đuối của mình, và kiên nhẫn đợi chờ sự thúc đẩy của Thần Khí, để đón nhận sứ điệp của Tin Mừng cứu rỗi.
Bên cạnh đó, nơi dụ ngôn, người cha không ép buộc hai người con của mình, mà như ta thấy cuối cùng, họ đã làm những gì họ muốn. Và Thiên Chúa cũng sẽ đối xử với ta như thế. Người mời gọi ta và vẫn hằng kiên nhẫn gọi mời. Phần chúng ta, chúng ta có tự do chọn lựa và đáp trả. Và ta có thể nói rằng Thiên Chúa quyền lực vô song đã phải trở nên bất khả trước những chọn lựa và quyết định của ta. Người đặt để chúng ta trước sự thiện và ác, giữa sự sống và cái chết, và quyết định là ở nơi ta.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Chính thái độ sống sau cùng mới có giá trị để được ân thưởng hay bị luận phạt. Từ luận điểm của ngôn sứ Êdêkien, nhìn lại đời mình, tôi có quảng đại và bác ái trong cách đánh giá và nhìn nhận người khác, theo cách thức mà tôi ao ước Thiên Chúa và những người khác nhìn tôi mỗi ngày?
2. “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu”. Tôi đã có những tâm tình nào đối với anh chị em tôi bên cạnh những tâm tình của Đức Giêsu Kitô mà thánh Phaolô khuyên nhủ?
3. “Các ông nghĩ sao […] trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Câu hỏi của Đức Giêsu đối với giới chức lãnh đạo tôn giáo Do Thái cũng là câu hỏi chất vấn chính tôi hôm nay: tôi nghĩ sao về cách sống đạo của mình, trong tương quan với Thiên Chúa và trong tương quan với anh chị em của mình?