MẾN CHÚA VÀ YÊU NGƯỜI: HAI BẢN LỀ CỦA CUỘC SỐNG
(Xh 22,20-26; 1Tx 1,5c-10; Mt 22,34-40)
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi,
[…] ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,37-39)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1 (Xh 22,20-26)
Kinh Thánh luôn nhấn mạnh đến tình yêu đối với người thân cận, đặc biệt đối với những con người cùng khổ. Bài đọc Cựu ước trích sách Xuất hành thể hiện sự quan tâm rất lớn đối với đồng loại, để làm sao con người luôn có mối tương quan hài hòa và quảng đại với nhau, như là một dân được tuyển chọn. Đoạn sách bắt đầu với một chuỗi lệnh cấm ngược đãi đối với một số người được cho là những người yếu thế và bất hạnh, như ngoại kiều, mẹ góa, con côi, bởi Đức Chúa luôn bảo vệ họ, và tiếng kêu cứu từ những con người bất hạnh này sẽ chắc chắn được Thiên Chúa lắng nghe và trợ giúp. Ngay cả trong những lúc túng thiếu, bần cùng, thì Thiên Chúa vẫn xem họ như là dân Người, và vì thế họ phải được cư xử cách rộng lượng và quảng đại.
2. Bài đọc 2 (1Tx 1,5c-10)
Trong bài đọc II, chúng ta thấy thánh Phaolô đã thực thi hai giới răn yêu thương của Chúa như thế nào. Trong thư gởi cho các tín hữu Thêxalônica, là những người vừa mới tin theo đạo, thánh nhân đã bày tỏ tình yêu thâm sâu của mình với Thiên Chúa. Trong chỉ một đoạn ngắn, thánh nhân đã nhiều lần quy về Thiên Chúa: “Còn anh em, anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa […] Lời Chúa đã vang ra […] đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa […] anh em đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa thế nào, để phụng sự Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật”. Đàng khác, thánh nhân cũng bày tỏ tình yêu của mình đối với các tín hữu Thêxalônica. Dù ngài công nhận họ chỉ mới ít lâu, nhưng họ thật sự đã hiện diện thật sâu đậm trong lòng ngài, và ngài ca ngợi họ “đã nên mẫu mực cho mọi kẻ tin đạo trong xứ Macêđônia và Akaia.” Về phần các tín hữu Thêxalônica, họ cũng đã chứng tỏ là những con người đại lượng, vì họ đã “đón nhận lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban cho”.
3. Bài Tin Mừng (Mt 22,34-40)
Bài Tin Mừng hôm nay của thánh Mátthêu đã chỉ ra hai chiều kích căn bản như hai bản lề cho đời sống con người. Đối với thánh Matthêu, hai bản lề đó, một cái cao hơn, đó là yêu mến Thiên Chúa, một cái thấp hơn, là yêu mến người thân cận, nhưng cả hai đều quan trọng như nhau để mở cánh cửa. Thực tế cho thấy cánh cửa sẽ không thể mở được chỉ với một bản lề, vì thế cần ít nhất hai cái. Chúng ta gọi hai giới răn này là hai bản lề vì Đức Giêsu đã nói: “Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,40).
Hai giới răn này được biết đến rất nhiều; tuy nhiên, qua câu trả lời của Chúa Giêsu, ta thấy có một sự mới mẻ ở đây, đó là Chúa Giêsu đã nối kết giới răn mến Chúa trong kinh Shema ở sách Đệ nhị luật (x. Dt 6, 5) với giới răn yêu thương người thân cận trong sách Lêvi (x. Lv 19,18).
Người Pharisêu hỏi Chúa Giêsu điều răn nào lớn nhất; trong phần trả lời của mình, Chúa Giêsu công bố hai điều răn dù vẫn không bác bỏ sự tối thượng của Thiên Chúa, và Người còn đưa ra một điều răn khác như là phản chiếu của điều răn thứ nhất và không thể thực hiện nếu không có điều răn thứ nhất, đó là yêu mến tha nhân. Chỉ có những người yêu mến tha nhân mới thể hiện thật sự là người yêu mến Thiên Chúa. Việc đặt để giới răn yêu thương người thân cận ở mức ngang tầm với giới răn yêu mến Thiên Chúa quả là một điều vượt ngoài sức tưởng tượng của những người Do Thái lúc bấy giờ.
Một vấn đề cần chú ý là trong phần trả lời của mình, Chúa Giêsu không chọn Mười Điều Răn, là những giới răn rất quan trọng được chính Thiên Chúa ban cho Môsê và dân Người, chẳng hạn như điều răn thứ nhất: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20,3). Quả thật, Người đã không muốn đưa ra cho chúng ta những giới răn phủ định, tiêu cực và giới hạn, nhưng muốn cho chúng ta những giới răn rất tích cực, năng động và phổ quát, đó là giới răn yêu thương. Việc tuân giữ Mười Điều Răn đã là một điều rất tốt, nhưng chưa đủ để đưa con người tiến xa hơn trong cuộc sống. Chỉ bằng tình yêu: yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân, mới giúp chúng ta đạt tới điều này.
Hai điều răn này không tách rời nhau, cũng không được tước bỏ sự trổi vượt của điều răn thứ nhất là yêu mến thiên Chúa: một khi đổ vỡ điều này, không ai có thể bền vững trong tình yêu đối với tha nhân.
“Yêu mến tha nhân như chính mình”. Ai trong chúng ta có thể nói được rằng chúng ta có thể yêu ai đó hơn cả chính mình? Tận thâm sâu, chúng ta luôn có xu hướng về một tình yêu bản thân mình, và thực tế tất cả những gì chúng ta làm cho người khác đều rất ít so với những gì chúng ta làm cho chính chúng ta. Bên cạnh đó, giới răn thứ hai cũng được Chúa Giêsu mở rộng ra với một viễn cảnh khác: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,12-13). Điều này có nghĩa là chúng ta phải yêu anh em hơn chính mình, vì chính Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta, đến độ hiến dâng cả mạng sống của Người cho chúng ta.
Ý tưởng Chúa Giêsu đưa ra thật là tuyệt vời, và nó tương ứng với khát vọng thâm sâu của trái tim con người. Thật sự, con người được dựng nên để yêu thương. Chính Thiên Chúa là tình yêu, và Người dựng nên chúng ta để thông dự vào tình yêu của Người, để được Người yêu mến và để mến yêu Người.
Nhưng để đạt tới điều này, chúng ta cần phải có ân sủng của Người; chúng ta cần nhận lãnh nơi chúng ta khả năng biết yêu thương của Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta qua bí tích Thánh Thể. Nơi đó, chúng ta nhận lãnh chính Mình và Máu Người, nghĩa là chúng ta nhận lấy Chúa Giêsu trong giây phút của một tình yêu lớn lao kỳ diệu, khi Người dâng chính bản thân cho Thiên Chúa Cha để cứu rỗi chúng ta.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Ngay từ đầu, qua Lời Chúa phán trong sách Xuất hành, Thiên Chúa đã tỏ ra luôn quan tâm đến những con người với những thân phận hèn yếu và cơ cực. Chính lời kêu xin của họ luôn được Thiên Chúa lắng nghe và bênh đỡ. Sự bảo đảm này của Thiên Chúa có giúp tôi sống trọn vẹn niềm tin của mình, luôn tín thác vào tình yêu của Người, nhất là trong những lúc tôi cảm thấy đời mình như bế tắc và đầy bất công? Và một khi cảm nghiệm điều đó, tôi có chia sẻ tâm tình này với những người đang trong cảnh cơ cực như tôi không?
2. Lời khen ngợi của Thánh Phaolô với các tín hữu Thêxalônica như là một sự diễn tả tình yêu và nhiệt huyết tông đồ của ngài. Việc nhìn nhận và ngợi khen những thành quả của người khác đạt được luôn là một sự khích lệ động viên làm triển nở những hành xử tốt đẹp. Trong cuộc sống thường ngày của mình, tôi có thành thật nhìn nhận những điều tốt đẹp nơi anh chị em tôi để tất cả cùng thăng tiến trong tình yêu với Thiên Chúa và với nhau không?
3. “Yêu mến Thiên Chúa”, “yêu mến tha nhân” và “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương”: tất cả đây có phải lý tưởng sống đạo của tôi? Chiều kích nào được xem là khó nhất đối với tôi và làm sao tôi có thể vượt thắng được?