CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN – NĂM B
G 7,1-4.6-7; 1Cr 9,16-19.22-23; Mc 1,29-39
SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊSU:
CẦU NGUYỆN – RAO GIẢNG- TRỪ QUỶ – CHỮA LÀNH
“Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9,16)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – G 7,1-4.6-7
Trong bối cảnh đầy đau khổ vì phải đối diện với một sự mất mát đến cùng cực của Gióp: toàn bộ sản nghiệp của ông bị tiêu tan bởi cướp bóc và tai ương; toàn bộ con cái của ông trở thành nạn nhân bởi một trận cuồng phong bất ngờ ập đến. Trong một tâm trạng ‘không còn gì để mất’, tác giả sách Gióp muốn trình bầy những cái nhìn đa chiều xoay quanh vấn đề đau khổ qua những mẩu đối thoại hay độc thoại của Gióp với ba người bạn của ông.
Bài đọc I là đoạn trích những lời trần tình của Gióp sau khi đã lắng nghe những chia sẻ của Êliphad, người bạn lớn tuổi nhất, nên cũng được cho là khôn ngoan nhất, khi ông này luận bàn về việc thưởng phạt.
Đối với Gióp, sự đau khổ đang ngập tràn nơi tâm hồn đã khiến ông có một cái nhìn về cuộc sống của con người nói chung cũng như cuộc sống của ông nói riêng đầy vẻ bi quan. Gióp tự hỏi: có phải đời là một thời khổ dịch, hay đời là một chuỗi lao lung vất vả tựa kiếp sống của kẻ làm thuê? Ông nhìn đời sống con người như ‘nô lệ mong bóng mát… làm thuê đợi tiền công.’ Khi nhìn vào cuộc đời của chính mình lúc ấy, Gióp cho rằng đó chỉ là ‘những đêm đau khổ ê chề: vừa nằm xuống đã hỏi khi nào trời sáng, vừa thức dậy đã mong bao giờ chiều buông’ hay chỉ là sự kéo dài của những cơn mê sảng… thấm thoát tựa thoi đưa và chấm dứt không một tia hy vọng.
Gióp đã kết thúc những lời trần tình ấy bằng một tâm tình dâng lên Đức Chúa về cuộc đời của chính ông: đó chỉ là hơi thở và chẳng còn thấy đâu bóng dáng của hạnh phúc.
Tinh thần đầy bi quan và ảm đạm của Gióp về mọi điều đang diễn ra nơi cuộc sống của ông như muốn dẫn độc giả đi đến một nan đề: Thiên Chúa ở đâu khi con người bất lực trước sự dữ? (x. G 1,12)
2. Bài đọc II – 1Cr 9,16-19.22-23
Có thể nói đây là một lời trần tình của thánh Phaolô về việc rao giảng Tin mừng. Việc rao giảng Tin mừng, đối với thánh nhân, là một điều cần thiết bắt buộc phải làm. Hay nói cách khác, đây là một nhu cầu sống còn của người được kêu gọi làm tông đồ (x. 1Cr 9,2). Từ nền tảng ấy, thánh Phaolô nhận ra phần thưởng của mình chính là: 1. Được rao giảng Tin mừng – khi đem Phúc âm biếu không; 2. Không hưởng quyền lợi mà Phúc âm dành cho.
Để đạt được phần thưởng trên, nghĩa là làm cho nhiều người được nhận biết Phúc âm, thánh Phaolô đã chấp nhận trả bằng mọi giá: 1. Từ bỏ thân phận tự do để trở nên kẻ nô lệ của mọi người. 2. Trở nên yếu với những người yếu để thu phục họ. 3. Trở nên mọi sự cho tất cả mọi người hầu cứu độ được một số người.
Thánh nhân xác tín rằng: ‘Như thế tôi làm mọi sự vì Phúc âm ngõ hầu trở nên người dự phần của Phúc âm.’
3. Bài Phúc âm – Mc 1,29-39
Thánh Marcô trình bày phần tiếp theo của những công việc trong một ngày sống của Đức Giêsu. Sau khi cùng với các môn đệ vào hội đường tại Capharnaum nhân ngày Sabat để giảng dạy và chữa người bị thần ô uế nhập (x. Mc 1,21-28). Rời khỏi hội đường, lập tức Chúa Giêsu đến nhà ông Simon và Anrê. Ở đó Chúa chữa nhạc mẫu ông Simon hết sốt (x. Mc 1,29-31). Chiều đến Chúa chữa cho nhiều người (x. Mc 1,32-34). Sáng sớm Chúa đến nơi hoang vắng và cầu nguyện (x. Mc 1,35-39).
Cùng với đoạn phúc âm liền trước Mc 1,21-28, có thể tóm kết lịch sinh hoạt của Chúa Giêsu trong một ngày ‘mẫu’ tại Capharnaum như sau: Sáng: giảng dạy & trừ quỷ – Chiều: chữa lành – Sáng sớm: cầu nguyện.
Qua đó, thánh sử Marcô như muốn cho thấy sứ vụ của Đức Giêsu xoay quanh mấy hành động chính: loan báo Tin mừng – xua trừ ma quỷ – chữa lành mọi bệnh tật – gắn bó với Chúa Cha qua cầu nguyện.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. ‘Cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.’ Những tai ương kinh hoàng liên tiếp ập tới trên cuộc đời của Gióp đã khiến ông không khỏi bi quan. Nhưng điều ấy lại giúp ông nhận thức rõ những nét khác về cuộc đời mà lúc giàu có ông thật khó có thể nhận ra. Đó là cuộc đời thật chóng qua như hơi thở, hạnh phúc có lúc trở nên thật mong manh. Và nhiều khi đau khổ còn làm cho con người rơi vào tình trạng chán nản và vô vọng. Cơn cám dỗ của Gióp cũng là cơn cám dỗ của mỗi Kitô hữu khi không lý giải được vấn nạn về đau khổ của cuộc sống hôm nay.
2. ‘Rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm.’ Đối với vị Tông đồ dân ngoại, việc rao giảng Tin mừng là vấn đề sống còn, là một bổn phận mà chính mình buộc mình phải thực hiện. Thánh nhân dám đánh đổi tất cả chỉ để cho một việc là rao giảng Tin mừng. Phần thưởng đối thánh Phaolô là không một đòi hỏi và không nhận bất cứ một lợi lộc nào. Đây cũng chính là chuẩn mực cho mỗi Kitô hữu khi muốn bắt chước Phaolô trở nên những người tôi tớ của công cuộc loan báo Tin mừng.
3. ‘Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật… Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.’ Chữa lành mọi người và sống gắn bó với Chúa Cha qua cầu nguyện là hai công việc mà Chúa Giêsu thực hiện mỗi ngày trong suốt hành trình sứ vụ. Việc chữa lành người khác cũng chính là sứ vụ của mỗi Kitô hữu hôm nay. Những suy nghĩ, lời nói, hành động tích cực của mỗi người đều trở nên những phương thế giúp chữa lành mọi người. Việc tạo ra một ‘bầu khí sa mạc’ giữa những tất bật và ồn ào của đời thường cũng sẽ giúp người tín hữu có thể gặp gỡ được Chúa.