Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật VI TN Năm B

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN NĂM B
SỰ THANH SẠCH VÀ LỀ LUẬT

“‘Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh’.
Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch”

(Mc 1,41-42)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1: Lv 13,1-2.44-46

Lêvi là quyển sách thứ ba trong bộ Ngũ Thư gồm năm quyển: Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, và Đệ Nhị Luật. Bài đọc 1 nằm trong khối đơn vị văn chương thuộc hai chương 13 và 14 của sách Lêvi, vốn bàn đến những thứ bệnh da liễu, dưới tên gọi chung là sara‘at. Hạn từ này thường được chuyển ngữ là “bệnh phong hủi”, nhưng không nhất thiết là bệnh phong do vi trùng Hansen gây ra như cách hiểu của y học  ngày nay.

Theo sách Lêvi, các vị tư tế đóng vai trò kiểm tra người bệnh, có quyền tạm thời cô lập người bệnh trong trường hợp chưa thể xác định được bệnh cách rõ ràng; sau 7 ngày tư tế sẽ tiến hành kiểm tra bệnh lần nữa, và tư tế sẽ tuyên bố người bệnh đã khỏi bệnh (thanh sạch) hay bị “phong hủi”.

Người phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu, và kêu lên: “ô uế, ô uế”. Ba hành vi này hầu chắc nhằm diễn tả nỗi đau thương, tang tóc, như thể mình đã chết rồi, hay ít ra như thể mình đang đau đớn phiền muộn trước cái chết của người thân. Quả vậy, St 37,34 nhắc đến chuyện ông Giacóp đã “xé áo mình ra, quấn áo vải thô ngang lưng và để tang Giuse lâu ngày” sau khi nghe hung tin Giuse đã bị thú dữ ăn thịt. Lv 10,6 cũng nhắc đến chuyện ông Môisen ngăn cấm anh mình là thượng tế Aharon không được “xõa tóc và xé áo” trước việc hai người con của mình là tư tế Nađáp và tư tế Avihu đã chết thảm vì cả gan lấy lửa phàm tục mà tiến dâng Đức Chúa.

Hành vi kêu lên hai tiếng “ô uế, ô uế” hầu chắc nhằm cảnh giác cộng đoàn trước tình trạng “phong hủi” của người bệnh, để cộng đoàn có thể tránh được tình trạng lây bệnh, mà nhờ đó giữ được “sự thanh sạch” xứng hợp với Đức Chúa là Đấng Chí Thánh đang ngự giữa họ.

Việc người phong phải sống ngoài trại cũng nằm trong chiều kích phục vụ lợi ích của cộng đoàn. Việc sống ngoài trại cũng làm nổi bật lên yếu tố “sự chết” trong dân Israel. Bộ Ngũ Thư cho chúng ta biết trong thời gian dân Israel đi trong sa mạc trên hành trình tiến về Đất Hứa, họ sống trong trại với nhau, giữa trại là Lều Hội Ngộ có Đức Chúa ngự trị. Việc sống ngoài trại, vì thế, biểu tượng cho sự xa cách Đức Chúa và tách biệt khỏi đời sống cộng đoàn. Ngoài ra, khu vực ngoài trại là nơi những tội nhân và những người ô uế bị đưa đến đó (x. Lv 10,4-5; Ds 5,1-4; 23,14-15; 31,19-24). Án tử dành cho kẻ phạm trọng tội cũng diễn ra ở ngoài trại (x. Ds 15,35-36).

2. Bài đọc 2: 1Cr 10,31-11,1

Trong thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrintô, 1Cr 10,31-11,1 là đoạn kết của một đơn vị văn chương, vốn bàn đến vấn đề “Thịt cúng và những mối nguy hiểm từ việc thờ ngẫu tượng” (1Cr 8,1-11,1). Trong đoạn kết này, vị tông đồ dân ngoại khuyên nhủ các tín hữu 3 điều cụ thể sau đây:

– Dù làm việc gì, người tín hữu hãy làm để tôn vinh Thiên Chúa (x. 10,31)

– Người tín hữu đừng làm gương xấu cho bất cứ ai (x. 10,32)

– Người tín hữu hãy noi gương các vị thánh trong Giáo Hội, nhưng Đức Kitô mới là mẫu gương tuyệt vời nhất để họ noi theo (x. 11,1)

3. Bài Tin Mừng: Mc 1,40-45

Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật thứ 6 Mùa Thường Niên năm B xuất hiện ngay sau trình thuật Chúa Giêsu âm thầm rời Caphácnaum để tiếp tục đi khắp miền Galilê, rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật cho nhiều người. Từ đoạn Tin Mừng này, chúng ta có thể rút ra những điểm chính yếu sau đây:

1/ “Có người bị phong hủi đến gặp Chúa Giêsu” (c. 40a): Người phong hủi này một cách nào đó đã vi phạm Luật Môisen khi anh dám liều mình đến với Chúa Giêsu. Chiếu theo Luật Môisen như bài đọc 1 đã nói đến, người mắc bệnh phong phải sống tách biệt khỏi đời sống cộng đoàn. Anh không được phép đến gần những người không mắc bệnh. Anh phải hô lên 2 tiếng “ô uế, ô uế”, một hành vi không chỉ diễn tả tình trạng đau thương của mình, mà còn để lưu ý người khác và để bảo vệ lợi ích của cộng đoàn. Như vậy, trong mắt người phong hủi này, Chúa Giêsu phải là một người tuyệt vời, nhân lành và quyền năng lắm thay mới khiến anh dám đến với Ngài mà không sợ mang nặng cảm giác “vi phạm Luật” nơi mình, không sợ lây bệnh cho Ngài khiến Ngài phải trở nên ô uế, nhưng tin tưởng Ngài không chỉ có khả năng “miễn nhiễm” ô uế, mà còn có năng quyền chữa lành cho anh.

2/ “Anh quỳ xuống van xin rằng: ‘Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch’” (c. 40b): Người phong hủi đến với Chúa Giêsu với tâm tình của một người khiêm hạ. Anh dám nói lên mong ước của mình, nhưng cũng để Chúa Giêsu tự do quyết định điều gì Ngài cần làm.

3/ “Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: ‘Tôi muốn, anh sạch đi!’” (c. 41): Tiếp nhận một người phong hủi đồng nghĩa với việc Chúa Giêsu dám tiếp nhận sự ô uế vào mình. Là “Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”, Chúa Giêsu đã và đang gánh lấy bao nỗi khổ đau, bệnh tật và tội lỗi của con người. Ngài làm tất cả vì tình thương, vì “chạnh lòng thương” nhân loại lầm than và thống khổ, vì muốn con người được nên “thanh sạch”, được tái hòa nhập với cộng đoàn, được tham dự vào đời sống Phụng Vụ (thờ phượng Thiên Chúa chốn công khai), và sống hạnh phúc nhất với phẩm giá làm người. Tình trạng “ô uế” có thể lây từ người này sang người khác, nhưng không thể “gây hại” cho Chúa, vì sự chí thánh và lòng xót thương hải hà của Ngài xóa tan đi tất cả những gì là ô uế và nhơ nhớp.

4/ “Lập tức, chứng phong hủi biến mất khỏi anh, và anh được sạch” (c. 42): trạng từ “euthus” (lập tức), vốn được thánh Máccô ưa dùng (không dưới 44 lần), nhấn mạnh đến tính hiệu năng tức thời của lời Chúa Giêsu: “tôi muốn, anh sạch đi” (c. 41). Trong Tin Mừng Máccô, chúng ta cũng bắt gặp những trường hợp tương tự trong các phép lạ chữa lành: Chúa Giêsu chữa người bại liệt (x. Mc 2,11-12); Chúa Giêsu chữa người phụ nữ bị băng huyết (x. Mc 5,28-29); Chúa Giêsu cho con gái ông Gaiah sống lại (x. Mc 5,41-42); Chúa Giêsu chữa lành anh mù Batimê ở Giêrikhô (x. Mc 10,52).

II. GỢI Ý SUY TƯ PHẢN TỈNH

1/ Có “chứng bệnh” nào đang khiến tôi phải xa cách Chúa, và tách biệt khỏi cộng đoàn đức tin? Có “chứng bệnh” nào khiến tôi cảm thấy mình hết sức đau khổ, như thể đã chết?

2/ Người bị bệnh phong hủi mong ước được Chúa Giêsu chữa lành. Tôi cũng ao ước được Ngài chữa lành điều nào, vấn đề nào, “bệnh tật” nào trong cuộc sống của tôi?

3/ Người bị bệnh phong hủi rất khiêm tốn khi đến với Chúa Giêsu. Anh để Chúa tự do quyết định điều Ngài muốn. Còn tôi, tôi thường có thái độ nào khi đến với Chúa?

4/ Tôi có cảm nghiệm nào về Chúa Giêsu: Nơi Ngài tôi có cảm nhận được lòng xót thương của Thiên Chúa? Nơi Ngài tôi có cảm nghiệm thấy quyền năng chữa lành? Tôi có nghiệm thấy Ngài đang giơ tay chữa lành tôi?

5/ Chúa Giêsu đã yêu thương chữa lành cho người bị bệnh phong. Có bao giờ tôi đã dám đón nhận “sự ô uế” từ người khác để tôi có thể chữa lành vết thương của họ?

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2024. All Rights Reserved.