THỜI GIAN CHO CUỘC THANH TẨY TOÀN DIỆN
(Xh 20,1-17 – 1Cr 1,22-25 – Ga 2,13-25)
“Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19)
1. Bài đọc – Xh 20,1-17
Đây là một trong những trình thuật về Mười Điều Răn được tác giả sách Xuất hành ghi nhận và nội dung của trình thuật rất gần với nội dung của kinh Mười Điều Răn. Đây cũng chính là nền tảng chi phối toàn bộ mọi sinh hoạt trong đời sống tôn giáo của dân Israel. Với việc tuân giữ Mười Điều Răn, dân Israel không chỉ là Dân Riêng mà còn trở nên Dân Giao Ước trong tương quan với chính Thiên Chúa của họ.
Việc phải tuân giữ Mười Điều Răn đối với dân Israel được đặt nền tảng trên lời khẳng định của Thiên Chúa: ‘Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.’ Sự sống và sự tự do mà dân Israel có được lúc ấy chính là do Thiên Chúa đã giải phóng họ ra khỏi những ngày tháng tủi nhục của thân phận nô lệ và kiếp lầm than bên Ai cập. Như thế, sự sống và sự tự do ấy là của Thiên Chúa. Ngài đòi buộc họ phải dùng chính sự sống và sự tự do này để tuân giữ các thánh chỉ của Ngài.
Ba điều răn đầu tiên mà đối tượng của nó quy về chính Thiên Chúa, được triển khai một cách rất chi tiết và cụ thể. Tuân giữ ba điều răn này luôn là một thách đố lớn đối với dân Israel trong suốt dòng lịch sử cứu độ khi họ luôn bị cám dỗ để chạy theo thần ngoại (thờ ngẫu tượng), kêu cầu danh Chúa cách bất xứng, và tục hóa ngày Sabat. Những điều răn còn lại giúp hoàn thiện mối tương quan với chính mình và với mọi người trong ý định của Thiên Chúa.
2. Bài đọc II – 1Cr 1,22-25
Đây là đoạn văn cốt lõi khi thánh Phaolô suy tư về sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong tương quan với sự khôn ngoan của con người. Hành động cứu độ của Thiên Chúa đã không thuận theo logic khôn ngoan của con người. Người Do thái đòi hỏi những phép lạ nhằm củng cố uy tín của lời rao giảng, còn người Hy lạp lại cần những lý lẽ có khả năng thỏa mãn trí khôn ngoan của loài người. Nhưng điều mà Thiên Chúa đã dùng để biểu dương sức mạnh và sự khôn ngoan của Ngài lại trở nên sự ô nhục không thể chấp nhận đối với người Do thái và là sự điên rồ của dân ngoại: đó là việc Đức Kitô chịu đóng đinh.
Đức Kitô chịu đóng đinh, đối với Thánh Phaolô, là sự khôn ngoan của Thiên Chúa chính bởi vì biến cố này đã giải thoát con người khỏi cái chết đời đời khi qua việc Đức Kitô chịu đóng đinh, Thiên Chúa thông ban cho họ ơn cứu độ vĩnh cửu.
3. Bài Phúc Âm – Ga 2,13-25
Sự kiện Chúa Giêsu đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ, đang khi được Tin mừng Nhất lãm nhìn như là biến cố cuối cùng trước khi Đức Giêsu bước vào cuộc thương khó, thì thánh sử Gioan lại đặt sự kiện này vào đầu sứ vụ công khai của Chúa Giêsu khi Người lên Giêrusalem để tham dự lễ Vượt Qua đầu tiên.
Trong suy tư của thánh Gioan, chính Chúa Giêsu, khi trả lời cho những chất vấn của người Do thái, Người đã muốn ám chỉ biến cố thanh tẩy đền thờ với cái chết, việc mai táng trong mồ và cuộc phục sinh vinh hiển mà Người sẽ phải thực hiện như đỉnh cao của sứ vụ: ‘Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại’ (Ga 2,19).
Như thế, cuộc thanh tẩy toàn diện đền thờ Giêrusalem mà Đức Giêsu đã thực hiện vào lúc khởi đầu sứ vụ đã trở thành hình ảnh biểu trưng cho toàn bộ sứ mạng mà Người sẽ thực hiện trong suốt cuộc đời hoạt động công khai. Đồng thời hành động biểu trưng này còn mở ra một nền phụng tự mới mà trung tâm của nó không còn là đền thờ Giêrusalem nhưng là chính ‘thân thể Người.’
II. GỢI Ý ÁP DỤNG:
1. Nền tảng của việc tuân giữ luật Môsê, khởi đi từ biến cố dân Israel được chính Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai cập; để rồi qua giao ước Sinai, dân Israel được trở nên con cái của Thiên Chúa. Do vậy, việc tuân giữ luật Môsê chính là cơ hội giúp cho dân Israel ý thức tư cách là dân riêng và sống tư cách dân riêng ấy trong tương quan với Thiên Chúa là Chúa của họ. Cũng thế, Việc giữ tuân luật Chúa của người Kitô hữu cũng sẽ giúp cho họ ý thức tư cách là con và sống tư cách là con ấy trong tương quan với Thiên Chúa là Cha.
2. Việc Đức Giêsu chịu đóng đinh chính là phương thế khôn ngoan nhất mà Thiên Chúa đã dùng để cứu độ loài người. Mỗi Kitô hữu cũng được mời gọi thông phần mình vào biến cố Đức Giêsu chịu đóng đinh để cứu độ anh chị em của mình (Cl 1,24). Vui lòng chấp nhận những hy sinh, những lao nhọc, những nỗi vất vả hay đau khổ trong cuộc sống hằng ngày chính là phương thế giúp mỗi Kitô hữu thực hiện lời mời gọi ấy.
3. Chúa Giêsu chấp nhận ‘cuộc thanh tẩy đền thờ’ là cái chết nơi chính thân thể Ngài để kiến tạo một đền thờ mới qua biến cố phục sinh. Bốn mươi ngày mùa chay cũng chính là thời gian mỗi tín hữu được mời gọi để thực hiện một cuộc thanh tẩy toàn diện khỏi mọi thói hư tật xấu để trở nên đền thờ mới trong biến cố phục sinh với Đức Kitô.