NGƯỜI TÔI TRUNG
(Is 50, 4-7; Pl 2, 6-11; Mc 14, 1 – 15, 47)
“Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con.
Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn”. (Mc 14, 36)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Chúa Nhật lễ lá, khai mạc Tuần Thánh và chuẩn bị cho tuần lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, các bài đọc lời Chúa phác hoạ chân dung người Tôi Trung. Từ người Tôi Trung hiền lành, nhẫn nhục, trong sự tín thác vào Thiên Chúa, đến người Tôi Trung tự hạ trong thân phận làm người, chấp nhận cả cái chết, và được tôn phong là “Giêsu”, Đấng Cứu Độ.
- Bài đọc 1:
Đứng trước những chống đối kịch liệt của địch thủ, ngôn sứ Isaia phác họa chân dung của vị ngôn sứ như là người Tôi Trung, luôn lắng nghe và nói lời Thiên Chúa, đồng thời can đảm đón nhận mọi điều sỉ nhục vì tin rằng luôn có Chúa bênh đỡ.
Trước hết, người Tôi Trung là người lắng tai nghe và nói lời Thiên Chúa như một người môn đệ, nghĩa là lắng nghe cách chăm chú và nói lại cách trung thành. Thật vậy, là người Tôi Trung của Thiên Chúa, ngôn sứ phải thường xuyên lắng nghe và nói lời Thiên Chúa, lắng nghe cách thường xuyên (mỗi sáng), và biết lựa lời mà nói những lời an ủi để “nâng đỡ ai rã rời kiệt sức”. Lời ngôn sứ phát xuất từ Thiên Chúa phải là lời đem lại sự ủi an cho những người mỏi mệt, chán nản, thất vọng. Là người Tôi Trung, ngôn sứ như trung gian, trung thành thông truyền lời Thiên Chúa cho những ai đang cần sự ủi an, nâng đỡ (x. Is 50, 4-5).
Thêm nữa, để chu toàn sứ mạng thông truyền lời Chúa cách trung thành, người Tôi Trung sẵn sàng chấp nhận những thù nghịch, chống đối mà không nao núng hay sợ hãi vì xác tín rằng Thiên Chúa luôn ở bên để bênh đỡ, chở che. Vì thế, dù bị đánh đòn, nhục mạ, khinh bỉ, nhưng người Tôi Trung không chống lại, không tự vệ và không cảm thấy hổ thẹn. Trong mọi khó khăn, người Tôi Trung vẫn vững vàng, trung thành vì tin chắc rằng mình luôn có Thiên Chúa phù trợ (x. Is 50, 6-7).
Như vậy, người Tôi Trung mẫu mực không chỉ lắng nghe lời Thiên Chúa cách chăm chú, mà còn thông truyền lại cách trung thành, nhất là trong việc nâng đỡ những ai mệt mỏi, chán chường, cô đơn, thất vọng. Dù trong hoàn cảnh nào, ngay cả khi bị chống đối, hãm hại, loại trừ, người Tôi Trung vẫn vững vàng và hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa là Đấng phù trợ của mình.
- Bài đọc 2:
Đoạn thư thánh Phaolô gởi tín hữu Philípphê là một bài ca tuyệt đẹp, vừa đề cao hành động tự hạ của người Tôi Trung Giêsu, vừa làm nổi bật hành động của Thiên Chúa khi tôn vinh Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ.
Trước hết, bài ca làm nổi bật hành động tự hạ của Đức Giêsu Kitô (Pl 2, 6-8). Dù mang thân phận Thiên Chúa, Đức Giêsu tự nguyện làm người Tôi Trung, chấp nhận hạ mình đến tận cùng: Khước từ vinh quang thần linh, chấp nhận làm người và sống như muôn người trên trần thế. Hơn nữa, Người còn chấp nhận thân phận của kẻ nô lệ, của người “đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ” (x. Mc 10, 45), khi “vâng lời” cho đến nỗi “sẵn lòng chịu chết” (x. Pl 2, 8). Qua sự tự hạ đến tận cùng của người Tôi Trung Giêsu, Thiên Chúa chạm đến mọi nỗi khốn cùng, tội lỗi và sự chết của con người, để nâng con người lên, ban cho phẩm giá làm con Thiên Chúa và sự sống bất diệt.
Sau nữa, bài ca còn làm nổi bật hành động của Thiên Chúa (Pl 2, 9-11). Vì người Tôi Trung Giêsu tự hủy mình ra không, nên Thiên Chúa tôn vinh Người và ban cho danh hiệu trổi vượt tất cả: “Giêsu” – Đấng Cứu Độ. Danh hiệu này cao cả đến nỗi mọi tạo vật, dù trên trời, dưới đất hay trong âm phủ đều cung kính bái thờ và tuyên xưng căn tính thần linh của Người, rằng Đức Giêsu Kitô chính là Chúa. Người Tôi Trung Giêsu tự hạ không phải để lại được tôn vinh, nhưng khi tự hạ, làm người, chết đi và sống lại, Người thể hiện trọn vẹn căn tính của Thiên Chúa: yêu thương, hiệp thông và trao ban. Khi yêu thương con người đến nỗi sẵn sàng trao ban cho con người tất cả, Thiên Chúa cho con người được hiệp thông với sự sống của Thiên Chúa; đó chính là lúc Người được tôn vinh, là vinh quang của Người. Như lời thánh Irênê: Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống.
- Bài Tin Mừng:
Tin Mừng Máccô khắc họa chân dung Đức Giêsu trong những giờ phút cuối cùng trên trần gian để hoàn tất kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Như người Tôi Trung của Thiên Chúa, dù bị đối xử tệ bạc, đau đớn, cô đơn trên thập giá, Đức Giêsu vẫn một mực trung thành với chương trình của Thiên Chúa.
Trước hết, trong những giờ phút cuối cùng, dù bị đối xử cách tàn tệ, bị nhạo báng, chê cười, bị kết tội cùng với hai tên trộm, bị liệt vào hạng phạm pháp (Mc 15, 29-32), nhưng người Tôi Trung Giêsu không thốt ra một lời than vãn, biện hộ, hay trách móc ai. Trong lúc hoàn toàn đơn độc, những người thân tín nhất, không ai hiểu được Người; những kẻ tưởng gần gũi, thấu hiểu và chia sẻ với Người lại bỏ Người mà chạy trốn hết (Mc 14, 50); không ai chia sẻ với Người nỗi cô đơn tột cùng khi phải đối diện với án tử, đến nỗi cảm thấy như thể Người đang bị chính Thiên Chúa bỏ rơi (Mc 15, 34). Mọi người đều lo cho sự an toàn của mình, để lại một mình Đức Giêsu. Dẫu vậy, người Tôi Trung Giêsu vẫn chỉ muốn làm theo ý Cha (Mc 14, 36), trung tín với Thiên Chúa cho đến hơi thở cuối cùng.
Sau nữa, sự trung tín của người Tôi Trung đem lại ý nghĩa lớn lao, hoàn tất chương trình nhiệm mầu của Thiên Chúa. Bức màn trong Đền Thờ, ngăn cách Nơi Thánh và Nơi Cực Thánh, ngăn cách Thiên Chúa thánh thiện và con người tội lỗi, bị xé ra làm đôi ngay khi Chúa Giêsu tắt thở trên thập giá (Mc 15, 37-38). Quả vậy, qua cái chết của người Tôi Trung Giêsu, Thiên Chúa đã chạm đến con người tội lụy và thánh hóa con người để họ được trở nên con cái Thiên Chúa. Con người được giao hòa và trở nên con Thiên Chúa nhờ sự trung tín cho đến chết của người Tôi Trung của Thiên Chúa, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, như lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15, 39).
II. GỢI Ý SUY NIỆM:
1/ Ngôn sứ Isaia phác họa hình ảnh người Tôi Trung là người nhạy cảm để lắng nghe, đón nhận và rao truyền lời Thiên Chúa. Dù gặp khó khăn, thử thách, người Tôi Trung vẫn kiên vững vì tin rằng luôn có Thiên Chúa ở cùng. Sứ mạng làm ngôn sứ của người Kitô hữu cũng đòi buộc một thái độ lắng nghe tiếng Chúa và trung thành rao truyền lời Người. Làm ngôn sứ của Chúa luôn có những thách đố và có những lúc không hề dễ dàng. Nhưng người Kitô hữu được ủi an và khích lệ khi nhìn vào người Tôi Trung Giêsu, để những lúc phải đối diện với những khó khăn, thách đố của sứ mạng ngôn sứ, thì có đủ can đảm và không nao núng vì tin rằng luôn có Chúa ở cùng (x. Mt 28, 20).
2/ Thư Philípphê ca tụng người Tôi Trung Giêsu, Đấng mang thân phận thần linh, nhưng lại hạ mình làm người, làm nô lệ, đến nỗi chấp nhận cái chết, nên được Thiên Chúa tôn vinh là Đấng Cứu Độ mà muôn loài phải bái thờ. Người Tôi Trung Giêsu thực hiện trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa khi khiêm hạ hủy mình ra không, để rồi được Thiên Chúa tôn vinh, là mẫu mực cho đời sống Kitô hữu. Những hy sinh, chấp nhận chịu thua thiệt, sống hiền lành và khiêm tốn, thậm chí chấp nhận từ bỏ những gì thiết thân với mình, trong những hoàn cảnh có thể thực hiện được của đời sống Kitô hữu, đều có thể trở thành những lời chứng sống động để danh Chúa được nhận biết, yêu mến và tôn thờ.
3/ Tin Mừng Máccô làm nổi bật sự trung tín cho đến cùng của người Tôi Trung Giêsu. Dù bị những người thân cận xa lánh, bị người đời nhục mạ, nhạo báng, và cảm thấy như bị chính Thiên Chúa bỏ rơi, người Tôi Trung Giêsu vẫn trung thành thực hiện thánh ý Thiên Chúa. Trung tín với Thiên Chúa ngay trong những gian nan, thử thách; từ bỏ ý riêng và trung thành thực hiện thánh ý của Thiên Chúa là ơn gọi của mọi Kitô hữu: Chịu thiệt thòi mà không phân bua, hy sinh mà không kể công, cô đơn mà không oán trách, mệt mỏi mà không than thở, nhưng luôn phó thác trong bàn tay quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa.