CHÚA NHẬT II PHỤC SINH – B
CHÚA NHẬT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
Cv 4,32-35; 1Ga 5,1-6; Ga 20,19-31
“Ông Tôma thưa Người:
‘Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!’
Đức Giêsu bảo: ‘Vì đã thấy Thầy, nên anh tin.
Phúc thay những người không thấy mà tin!’”
(Ga 20,28-29)
CÁC BÀI ĐỌC
- Bài đọc 1:Cv 4,32-35
Trong khoảng 30 năm sau biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, Giáo Hội thời Sơ Khai đã tiến triển mạnh mẽ trong Đế Quốc Roma. Sách Tông Đồ Công Vụ minh định: Kitô giáo không phải là một mối đe dọa chính trị đối với Roma, nhưng là công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng đang kiến tạo một “vương quốc” thiêng liêng, vốn bao gồm tất cả những ai tin vào danh Đức Giêsu Kitô.
Cv 4,32-35 thuộc phần thứ nhất trong Sách Tông Đồ Công Vụ (1,1 – 6,7), vốn được thánh Luca viết ra để trình bày cho chúng ta biết về sự tiến triển của Hội Thánh tại Giêrusalem và tại Giuđêa sau biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô.
Sự tiến triển của Hội Thánh thời sơ khai được tô đậm bởi những nét đẹp sau đây:
- Các tín hữu đông đảo nhưng có sự hiệp nhất (đồng tâm nhất trí).
- Các tông đồ là những vị lãnh đạo hữu hình: Thiên Chúa ban ơn dồi dào cho các ngài, và các ngài dám can đảm làm chứng cho Đức Kitô.
- Các tín hữu xem mọi sự là của chung: cộng đoàn có nhiều người quảng đại và trung thực (vd. Ông Barnabas), vì thế không ai trong cộng đoàn gặp cảnh túng thiếu.
Những nét đẹp này tái khẳng định những điều tốt đẹp nơi đời sống cộng đoàn tiên khởi vốn đã được thánh Luca trình bày trước đó ở Cv 2,42-47. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý là cũng có một số thành viên trong cộng đoàn không sống được những nét đẹp này. Câu chuyện có liên hệ đến hai nhân vật Ananias và Sapphira (x. Cv 5,1-11) là một dẫn chứng cụ thể. Thật vậy, sự hiệp nhất trong cộng đoàn ít nhiều đã bị sứt mẻ bởi hai kẻ này, vốn đã giữ lấy một phần tiền cho riêng mình sau khi đã bán một thửa đất. Khi làm như vậy, họ đã không sống được tinh thần quảng đại và trung thực như đã được thể hiện nơi ông Barnabas và nơi nhiều tín hữu khác.
- Bài đọc 2:1Ga 5,1-6
Theo truyền thống, thánh Gioan Tông Đồ đã viết thư này, có lẽ để gửi cho Giáo Đoàn tại Êphêsô. 1Ga 2,19 cho chúng ta biết một số kẻ “phản Kitô” đã tách khỏi Giáo Đoàn. Họ đang tìm cách lôi kéo nhiều người theo lạc thuyết của họ. Thánh Gioan đã viết thư này để giúp Giáo Đoàn phân định sự thật khỏi sự dối trá, lầm lạc cả trong giáo thuyết lẫn trong cung cách sống.
Những kẻ phản Kitô này không tin nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô (x. 2,2). Họ cũng không tin Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm (x. 4,2-3). Thánh Gioan, trái lại, khẳng định: “Ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, thì người ấy đã được Thiên Chúa sinh ra” (5,1). Như thế, việc chúng ta nhận lãnh ơn làm nghĩa tử của Thiên Chúa hệ tại ở niềm tin của chúng ta vào Đức Giêsu là Đấng được Thiên Chúa xức dầu (x. 5,1), là Đấng Cứu Độ (x. 4,9-10.14), và là Con Thiên Chúa (x. 4,15; 5,5). Niềm tin này giúp chúng ta thắng được thế gian (x. 5,4).
Như kẻ làm con phải biết kính yêu cha mẹ mình, thì người được tái sinh trong Đức Kitô cũng phải biết yêu mến và thảo kính đối với Thiên Chúa. Thái độ này được thể hiện cụ thể qua việc chúng ta tuân giữ các lệnh truyền của Thiên Chúa (x. 5,4), vốn giúp chúng ta ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong chúng ta (x. 3,24).
Người yêu mến Thiên Chúa đích thực thì cũng yêu mến anh em mình (x. 5,1b). Không có sự tách biệt giữa việc yêu mến Thiên Chúa và yêu mến con người. Kẻ biết yêu thương thì có sự sống nơi mình. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết (x. 3,14). Nhưng chúng ta không thể yêu thương qua lời nói mà thôi, mà phải qua việc làm cụ thể, như thánh Gioan đã dạy chúng ta: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (3,18).
Tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và với tha nhân, thực ra, chẳng phải tiên thiên đến từ phía chúng ta. Đúng ra, phải nói rằngThiên Chúa đã yêu chúng ta trước, đã sai Con Một của Người đến để cứu độ chúng ta (x. 4,10). Nơi cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, chúng ta nghiệm thấy tình yêu của Thiên Chúa dành cho những tội nhân như chúng ta đã lên đến tột đỉnh, đã đạt mức thập toàn. Từ cảm nghiệm Thiên Chúa yêu thương mình hết mức, mà chúng ta thấy cần phải lấy tình yêu đáp đền tình yêu. Tình yêu thương đồng loại cũng phát xuất và được củng cố từ tình yêu thảo kính chúng ta dành cho Thiên Chúa, khi chúng ta nhận biết Thiên Chúa muốn yêu thương hết mọi người.
- Bài Tin Mừng: Ga 20,19-31
Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Phục Sinh Năm B nằm trong loạt trình thuật liên hệ đến Ngày Phục Sinh của Đức Giêsu (x. Ga 20,1.19): Ngôi Mộ Trống (Ga 20,1-10); Đức Giêsu hiện ra với bà Maria Magdalena (Ga 20,11-19); Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ (Ga 20,19-31).
Trình thuật Ngôi Mộ Trống ghi lại bằng chứng về biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu, với điểm nhấn nơi “niềm tin” của người môn đệ được Đức Giêsu thương mến. Trình thuật Đức Giêsu hiện ra với các phụ nữ như được thánh Mátthêu trình bày ở 28,9-10 cũng có phiên bản tương ứng ở Ga 20,11-18, với Maria Magdalena là hiện thân của nỗi buồn nơi các môn đệ cũng như niềm vui của họ khi được gặp Đức Giêsu Phục Sinh. Cuối cùng, trong Ngày Phục Sinh, Đức Giêsu đã hiện ra với các môn đệ, và trong cuộc gặp gỡ này, Ngài đã ban cho các ông Thần Khí của Ngài.
Đọc kỹ hơn Ga 20,19-31, chúng ta có thể rút ra những điểm chính sau đây:
- Đức Giêsu đã hiện ra với các môn đệ và Ngài đã cho các ông xem tay và cạnh sườn mình, củng cố bằng chứng về việc Ngài đã thực sự phục sinh (x. c20). Việc hiện ra này cũng để thực hiện lời Ngài đã nói trước đó với các môn đệ: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy” (16,16).
- Hai lần Đức Giêsu nói “bình an cho anh em” (x. cc19.21), kiện toàn lời Ngài đã hứa trong lúc nói lời chia tay các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi” (14,27; đ/c 16,33).
- Việc gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh đã đem lại niềm vui cho các môn đệ, ứng nghiệm lời Ngài đã tiên báo: “Thật, Thầy bảo thật anh em: Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (16,20).
- Đấng Phục Sinh thổi Thánh Thần vào các môn đệ. Sự kiện này nhắc nhớ đến St 2,7 khi Thiên Chúa thổi sinh khí vào Adam. Qua quà tặng là Chúa Thánh Thần, Đấng Phục Sinh mang lại sức sống mới cho các môn đệ, và qua các ngài, cho toàn nhân loại. Cùng với quà tặng đặc biệt là Chúa Thánh Thần, các môn đệ được ban năng quyền tha tội cho con người.
- Đấng Phục Sinh đã trao sứ mạng của riêng mình cho các môn đệ: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (c.21). Đấng Phục Sinh sẽ sai họ đi theo cùng cách thức Chúa Cha đã sai Ngài (x. 13,16.20; 17,18).
- Ông Tôma chẳng dễ tin vào những lời chứng của các môn đệ khác. Ông không chỉ muốn “được thấy Chúa”, mà còn được tự mình kiểm chứng dấu đinh nơi tay và dấu đòng nơi cạnh sườn Chúa (x. c25).
- Trong lần hiện ra 8 ngày sau đó, Đấng Phục Sinh sẵn lòng cho ông Tôma thực hiện những điều ông muốn. Nhưng đồng thời, Ngài cũng mời gọi ông “đừng cứng lòng, nhưng hãy tin” (x. c27). Dịp này, ông Tôma đã diễn tả đức tin ở tầm mức cao nhất của người môn đệ vào Đức Giêsu: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (c28). Toàn bộ Tin Mừng Gioan được viết ra cũng nhằm mục đích này, đó là đưa người đọc đến niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa, để qua đó, họ được sự sống nhờ danh Ngài (x. c31).
- “Phúc cho những người không thấy mà tin” là lời chúc phúc Đấng Phục Sinh dành cho tất cả chúng ta, là những Kitô hữu đang tin vào Đức Giêsu Kitô không chỉ ngang qua lời chứng vị thánh sử Gioan về Ngôi Mộ Trống, về việc Đức Giêsu hiện ra với nhiều môn đệ, mà còn ngang qua kinh nghiệm thường ngày chúng ta có được với Đấng Phục Sinh, được thể hiện qua việc suy niệm và cầu nguyện với Lời Chúa, qua đời sống Phụng Vụ và các Bí Tích, qua việc tiếp xúc với nhiều người, qua công việc và những môi trường sống khác nhau, v.v.
GỢI Ý CẦU NGUYỆN:
- Tại sao các tín hữu thời sơ khai có thể sống được những nét đẹp như được trình bày trên đây? Ai là suối nguồn hiệp nhất cho họ? Tôi thấy mình cần phải noi gương các tín hữu thời sơ khai ở điểm nào? Tại sao và làm thế nào?
- Đâu là những phẩm chất cần có nơi cộng đoàn tôi đang sống, nơi môi trường đức tin tôi đang thực hành, để khuôn mặt của Đấng Phục Sinh có thể được con người hôm nay dễ dàng nhận ra hơn?
- Không có sự tách biệt giữa lòng mến Chúa và yêu người. Tôi có thể minh họa nhận định này thế nào qua kinh nghiệm sống của mình?
- Thánh Gioan dạy chúng ta: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (3,18). Điều này đã được cụ thể hóa thế nào nơi cuộc đời tôi? Nơi giáo xứ của tôi? Nơi cộng đoàn tu của tôi?
- Đức Giêsu Phục Sinh đến ban bình an cho các môn đệ, đến trao ban Thánh Thần của Ngài cho họ, đến để củng cố những lời Ngài đã hứa trước đó, đến để sai các môn đệ ra đi thi hành sứ vụ của Ngài, đến để cho kẻ cứng lòng tin được dịp kiểm chứng và mời gọi kẻ ấy đặt lòng tin vào Ngài, đến để nói lời chúc phúc cho những kẻ không thấy mà tin. Trong Mùa Phục Sinh này, tôi cảm thấy mình mong đợi Đấng Phục Sinh đến để ban cho tôi điều gì? Tại sao?
- Thiên Chúa đã thể hiện lòng xót thương của Người cho chúng ta thế nào qua biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, qua việc Ngài hiện ra với các môn đệ? Tôi còn nghiệm thấy Thiên Chúa đang tỏ lòng xót thương đối với tôi qua những cách thức nào khác?