Chúa Nhật XII Thường Niên Năm B

QUYỀN NĂNG CỦA THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG
“Người đe gió và phán với biển rằng: Hãy im đi, hãy lặng đi” (Mc 4, 39)

CÁC BÀI ĐỌC

Cuộc sống nhân sinh không thể tránh khỏi những đau khổ, buồn phiền, chán nản, thất vọng. Nhiều khi con người loay hoay nhưng không dễ tìm được lối ra cho những khổ đau phiền muộn của mình. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay mở ra một lối thoát: Những khi con người thấy mong manh, yếu đuối nhất, Thiên Chúa vẫn ở bên và ra tay nâng đỡ với quyền năng quan phòng của Ngài. Vấn đề là con người có tin tưởng và phó thác nơi Ngài hay không.

Bài đọc 1

Khi biết bao tai ương thình lình ập xuống trên ông Gióp, gia đình và sự nghiệp, ông không thể hiểu và không thể tự mình trả lời cho những khúc mắc của mình. Ông Gióp đã đòi Thiên Chúa lên tiếng trả lời cho ông tại sao người lành lại gặp hoạn nạn, đau khổ. Cuối cùng thì Thiên Chúa cũng lên tiếng trả lời ông Gióp. Đoạn trích sách Gióp hôm nay là một phần câu trả lời của Thiên Chúa.

Thiên Chúa lên tiếng trả lời ông Gióp “giữa cơn bão táp” (G 38, 1; x. 40, 6). Tác giả sách Gióp cho thấy Thiên Chúa quyền năng và đầy sức mạnh. Xưa trên núi Xinai, Thiên Chúa đã từng biểu lộ uy quyền và sức mạnh cho dân qua mây mù, sấm chớp, khói, lửa (Xh 19, 16-19), thì nay Thiên Chúa cho thấy quyền uy của Ngài qua “cơn bão táp”. Thiên Chúa quyền năng biết những gì ông Gióp đang trải qua; Ngài nghe những lời than vãn của ông và lên tiếng trả lời cho ông.

Thiên Chúa trả lời bằng cách cật vấn (x G 38, 2 – 39, 30). Thiên Chúa không hề giải thích tại sao một người công chính, tốt lành như ông Gióp lại phải chịu bao tai ương; Ngài cũng không biện minh lý do Ngài im lặng trước những nỗi thống khổ của ông. Khi đưa ra những câu hỏi cật vấn, Thiên Chúa không muốn biểu lộ sự khôn ngoan của Ngài nhưng buộc con người phải nhìn nhận rằng họ không biết gì về những điều vĩ đại mà Thiên Chúa đã và vẫn đang làm trong thế giới này.

Quả vậy, Thiên Chúa vượt quá khả năng hiểu biết và phán đoán của con người. Những gì ông Gióp đang trải qua liệu có sá gì so với những gì đang diễn ra trong vũ trụ này theo một trật tự mà chỉ có Thiên Chúa biết. Làm sao con người bé nhỏ như ông Gióp lại có thể chỉ dựa vào hoàn cảnh của cá nhân mình, của gia đình mình mà trách cứ một Thiên Chúa quan phòng đang duy trì sự vận hành của muôn vật muôn loài. Con người thật quá bé nhỏ và yếu đuối trước một Thiên Chúa quyền năng; Ngài lớn lao hơn nhiều so với bất kỳ sự hiểu biết và phán đoán nào của con người về Ngài.

Câu trả lời của Thiên Chúa cuối cùng đã giúp ông Gióp nhận ra rằng: “Vâng, con đây tầm thường bé nhỏ, biết nói chi để trả lời Ngài? Con sẽ đưa tay lên che miệng. Đã nói một lần, con không lặp lại nữa, có nói lần thứ hai, cũng chẳng thêm được gì!” (G 40, 4-5).

Bài đọc 2

Đoạn thư thánh Phaolô viết cho các tín hữu Côrintô cho thấy sự biến đổi lạ lùng nơi cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô.

Tình yêu Đức Kitô qua cái chết và sự phục sinh chính là động lực sống của người tín hữu. Đối với Phaolô, mọi người đều mang nơi mình sự chết và việc Đức Kitô chết và sống lại chính là niềm hy vọng thôi thúc con người sống viên mãn hơn. Vì yêu thương mà Đức Kitô đã chết cho mọi người thế nào, thì tình yêu tự hiến đó cũng thôi thúc người ta ra khỏi cái tôi ích kỷ của mình, để không còn sống cho chính mình nữa mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình.

Đức Kitô Phục Sinh mở ra một thời đại mới. Khi sống lại, Đức Kitô Phục Sinh được hoàn toàn biến đổi và những ai ở trong Đức Kitô cũng được đổi mới, được hòa giải với Thiên Chúa và với nhau. Đức Kitô phục sinh hòa giải con người với Thiên Chúa thế nào (x. 2 Cr 5, 18-20) thì trong Đức Kitô Phục Sinh, con người cũng được hòa giải với nhau; những rào cản chia cắt và phân ly giữa người với người không còn nữa (x. Gl 3, 27-28; Ep 2, 14-16).

Tình yêu Đức Kitô Phục Sinh thôi thúc con người từ bỏ cái tôi ích kỷ để biết sống cho Chúa, được hoà giải với Ngài và nhờ đó mà sống với nhau trong thuận hoà.

Bài Tin Mừng

Biển, sóng, nước bình thường là những thực tại quá quen thuộc đối với các môn đệ xuất thân làm nghề chài lưới. Họ sành nghề đi biển và biết cách làm thế nào để ứng phó với những cơn cuồng phong ập đến bất chợt. Sự hoảng sợ của các môn đệ trong cơn giông tố cho thấy các ông đang phải đối diện với thứ sức mạnh vượt trên những hiện tượng tự nhiên của biển, sóng, nước. Thứ sức mạnh ấy bất ngờ xuất hiện trong đêm tối càng làm tăng thêm nỗi sợ hãi. Sức mạnh trong đêm tối, sức mạnh của bóng đêm là dấu hiệu của sức mạnh sự dữ.

Thứ sức mạnh của bóng đêm mà các tông đồ sợ hãi lại chẳng mảy may tác động đến Chúa Giêsu. Mặc cho các môn đệ cuống cuồng, Người vẫn dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Trong cơn hoảng loạn, các môn đệ mới chạy đến với Người, “chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Chắc chắn các môn đệ không chạy đến với Chúa Giêsu để xin Người chỉ cách thoát trận cuồng phong. Các ông kêu cứu Người vì các ông nhận ra rằng các ông đang phải đối diện với thứ sức mạnh của đêm tối, thứ sức mạnh như đang đe doạ tính mạng các ông.

Chúa Giêsu chứng tỏ uy quyền của Người chỉ bằng cách ra lệnh: “Im đi! Câm đi!” Sự khuất phục của sóng, của biển chính là sự khuất phục của quyền lực bóng đêm trước uy quyền của Chúa Giêsu. Giờ đây, các môn đệ không còn sợ hãi vì sức mạnh của trận cuồng phong, mà kinh sợ trước uy quyền của Đấng mà cả gió và biển đều tuân lệnh. Theo cách trình bày của Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu vẫn tiếp tục là một dấu hỏi lớn trong lòng các môn đệ rằng: “Người là ai vậy?”

Dù đã được nghe những lời giảng dạy đầy uy quyền của Chúa Giêsu (Mc 1, 21-22), được chứng kiến những việc Người làm (Mc 1, 29-45; 3, 1-5), đến nỗi thần ô uế phải kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!” (x. Mc 1, 23-27; 3, 7-11), nhưng các môn đệ vẫn còn mù mờ về căn tính của Chúa Giêsu. Dù được ở với Người trên cùng một chiếc thuyền nhưng các ông vẫn chưa tin Người, chưa thật sự biết Người là ai. Câu hỏi trách khéo của Chúa Giêsu vẫn mang tính thời sự: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Dù tin hay không, Chúa Giêsu vẫn hiện diện ở đó, ngay bên các môn đệ.

GỢI Ý SUY NIỆM:

1/ Trong cơn khốn quẫn, ông Gióp đã kêu trách Chúa và đòi Ngài trả lời cho những nỗi khổ đau của ông và gia đình. Thiên Chúa đáp lời ông bằng những câu hỏi về thế giới và vũ trụ này, những điều ông Gióp không hề biết, để rồi ông Gióp nhận ra Thiên Chúa vĩ đại hơn ông vẫn nghĩ. Tôi có kêu trách Chúa khi gặp những chuyện không may trong đời? Tôi có muốn lèo lái Thiên Chúa theo ý muốn của tôi? Tôi có tin kế hoạch Thiên Chúa lớn lao hơn những gì tôi thấy, tôi biết?

2/ Thánh Phaolô xác tín về ơn đổi mới và hoà giải do Đức Kitô Phục Sinh mang lại. Tôi có tin Chúa Kitô chết và sống lại vì tôi? Tôi có để cho Đức Kitô Phục Sinh đổi mới cách sống của tôi? Tôi có dám ra khỏi cái tôi ích kỷ của mình để sống cho Đấng đã chết và sống lại vì tôi?

3/ Trong cơn giông tố, các môn đệ hốt hoảng, lo sợ, dù các ông vẫn có Chúa Giêsu ở cùng trên một con thuyền. Dù các ông chưa thật sự tin Người, Người vẫn âm thầm hiện diện và đồng hành cùng các ông trên mọi nẻo đường. Qua những khi tôi gặp cùng những sóng gió trong đời, tôi có tin Chúa vẫn ở bên tôi? Những khi Chúa yên lặng dựa đầu vào gối mà ngủ, tôi có tin Chúa vẫn đồng hành với tôi? Tôi có tin Thiên Chúa quyền năng vẫn hằng quan phòng trên cuộc đời tôi, dù lắm khi tôi phải đi trong bóng tối của đêm đen?

Add Your Comment

Theo dõi thông tin từ Giáo xứ

Giáo xứ St. Helena, Philadelphia © 2024. All Rights Reserved.