CHÚA MUỐN CHÚNG TA ĐƯỢC SỐNG
(Kn 1, 13-15; 2, 23-24; 2Cr 8, 7.9.13-15; Mc 5, 21-43)
“Này con, Thầy truyền cho con: Trỗi dậy đi” (Mc 5, 42)
Thiên Chúa không muốn ai trong chúng ta phải chết đời đời, nhưng ý muốn đó đã bị con người chối từ do con người đã phạm tội chống lại Thiên Chúa. Do đó, sự chết đã xâm nhập vào thế gian khiến con người phải chết. Tuy nhiên, Thiên Chúa chẳng thích gì khi con người phải chết. Người muốn chúng ta tin vào Con của Người để được sự sống đời đời.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Kn 1, 13-15; 2, 23-24
Cái chết vẫn luôn là một điều bí ẩn với con người mọi thời, và mãi đến nay vẫn chưa một người thường nào có thể thoát khỏi sự chết. Sách Khôn ngoan là sách được biên soạn cuối cùng của Cựu Ước, vào khoảng năm 150 trước Công nguyên; khi suy tư về cái chết đầy nghiệt ngã, tác giả đã đưa ra một định nghĩa lạc quan về cái chết và tìm cho nó một ý nghĩa trong cuộc nhân sinh.
Sách Khôn ngoan khẳng định: sự chết không do Thiên Chúa tạo ra, vì Người chỉ tạo nên sự sống nhằm đem lại hạnh phúc cho con người. Tuy nhiên, vì sự ganh tị của quỷ dữ mà cái chết đã xâm nhập vào thế gian, và điều quan trọng là “những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết”.
Tuy nhiên, sách Khôn ngoan hé mở niềm tin rằng Thiên Chúa không cho phép cái chết chiến thắng sự sống. Vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, nên con người được hướng tới sự sống vĩnh cửu. Do đó, cái chết thể xác được đặt trong viễn tượng hướng về sự Phục sinh, vì nó sẽ khai mở tới sự sống đời đời.
2. Bài đọc II – 2Cr 8, 7.9.13-15
Vào thời kỳ đầu của Kitô giáo, cộng đoàn Kitô giáo tại Giêrusalem gặp khó khăn bởi nạn đói và sự bách hại. Trong bối cảnh đó, thánh Phaolô đã tổ chức cuộc lạc quyên tại các cộng đoàn do ngài thiết lập ở miền Hylạp để giúp đỡ cộng đoàn này. Để mọi người cộng tác vào hành động mang tính liên đới và hiệp thông đầy ý nghĩa này, thánh Phaolô đã kêu gọi các tín hữu Côrintô mở lòng bác ái khi cho họ thấy ý nghĩa độc đáo của lòng bác ái bắt nguồn từ chính Đức Giêsu Kitô: “Người đã nên thân phận nghèo khó, để nhờ việc nghèo khó của Người, anh em nên giàu có.” Nói cách khác, sự giàu có mà cộng đoàn Côrintô đang có được chính là do ân sủng của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, khi Người tự nguyện chấp nhận trở nên nghèo khó để mọi người được giàu có trên mọi phương diện vật chất cũng như tinh thần.
Thêm vào đó, thánh Phaolô còn cho thấy rằng: thực thi việc bác ái không phải chỉ do muốn nên giống Đức Giêsu Kitô và đáp lại tình yêu của Người mà thôi, nhưng còn là một cách đền ơn đáp nghĩa và thực thi công bình bác ái. Nếu người Do Thái đã chia sẻ cho người Hy Lạp những đặc ân tinh thần từ Thiên Chúa, thì người Hy Lạp cũng phải chia sẻ cho người Do Thái những ân lộc vật chất mà họ có được trong lúc này. Nhờ đó, “Sự dư giả của anh em bù đắp lại chỗ thiếu thốn của họ, để sự dư giả của họ bù đắp lại chỗ thiếu thốn của anh em.” Như vậy, “kẻ được nhiều, thì cũng không dư, mà kẻ có ít, cũng không thiếu.”
3. Bài Tin Mừng – Mc 5, 21-43
Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Máccô đã thuật lại cho chúng ta hai phép lạ có liên quan đến nhau: phép lạ làm cho người đàn bà bị băng huyết đã 12 năm được khỏi, và cho con gái 12 tuổi của ông trưởng hội đường Giairô được sống lại đều liên quan đến niềm tin và phục hồi sự sống. Qua hai phép lạ này, thánh Máccô nhấn mạnh rằng:
– Bệnh tật và cái chết đang thực sự thống trị trên đời sống con người và phần nào bị ảnh hưởng từ sự dữ luân lý; hơn nữa, các nỗ lực tự nhiên từ phía con người nhằm thoát ra khỏi sự tác hại của bệnh tật và cái chết như đang đi vào ngõ cụt. Vậy cần nhờ vào Thiên Chúa.
– Máu huyết vốn là nguyên lý của sự sống, mà “người đàn bà bị bệnh xuất huyết mười hai năm” nghĩa là bà đang chết mòn, đánh mất sự sống; còn bé gái mười hai tuổi con của ông Giairô đã chết hoàn toàn. Điều này cho thấy quyền của sự chết chi phối mọi người, không ai có thể chống lại được.
– Trong bối cảnh ấy, Chúa Giêsu đã xuất hiện như Đấng đẩy lui sự chết mà phục hồi sự sống. Chỉ mình Người mới có thể giúp con người khỏi những căn bệnh nan y gây chết chóc và chỉ mình Người có thể phục hồi sự sống cho con người từ cõi chết.
– Đức tin là điều kiện để “phép lạ” xảy ra. Trong các phép lạ chữa lành, Đức Giêsu luôn xác nhận: “Lòng tin của con đã cứu chữa con”. Rất nhiều lần, người ta đã nhờ đức tin của chính mình như trong trường hợp thứ nhất, hoặc nhờ đức tin của người thay mặt mình như trong trường hợp thứ hai, để được cứu chữa. Chính đức tin đem lại cho người tin nhiều hoa trái hữu hình là được khỏi bệnh, khỏi chết, bình an, …và ơn thiêng liêng là được tha tội, nhất là được cứu độ.
II. GỢI Ý SUY NIỆM:
1. “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong… Thiên Chúa đã sáng tạo con người, cho họ được trường tồn bất diệt”. Lời khẳng định cho thấy rằng: quả là Thiên Chúa có thể cho phép sự dữ xảy ra, nhưng sự dữ không bao giờ có nguồn gốc từ Thiên Chúa. Vì thế, xác tín này phải là nền tảng vững chắc để củng cố niềm tin cho người tín hữu khi phải đối diện với những khó khăn, thử thách của sự dữ trong cuộc sống hằng ngày hầu hướng tới sự sống đời đời.
2. “Anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu”. Khuynh hướng tự nhiên của con người trong thế giới hiện nay là nhắm tới hiệu năng, tìm kiếm lợi tức, nhằm kiến tạo cuộc sống dư giả. Khuynh hướng này vô tình khiến người ta sống ích kỷ, làm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng trở nên nghiêm trọng. Lời của thánh Phaolô nhắc chúng ta nỗ lực làm giảm bớt sự chênh lệch này bao nhiêu có thể, khi cùng nhau xây dựng một thế giới có điều kiện sống đồng đều và bình đẳng hơn, nhất là biết chia sẻ cho nhau và nâng đỡ nhau trong cảnh ngặt nghèo. Trong bối cảnh covid đang hoành hành, chúng ta cần ý thức giữ những quy định 5K để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, cũng như chia sẻ vật chất cho những người bị hậu quả nghiêm trọng của đại dịch này. Chia sẻ khó khăn với anh chị em trong cuộc sống hiện tại thì sẽ được dự phần hưởng sự sống đời đời với Đức Kitô trong tương lai.
3. “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.” Bệnh tật, cái chết đã trở thành một qui luật, lúc mạnh lúc yếu, luôn chi phối trên cuộc sống con người. Với những nỗ lực trong khả năng tự nhiên của mình, con người không thể cưỡng lại quyền lực của cái chết. Nhờ sự phục sinh của Đức Kitô, sự chết đã bị đẩy lui, nhường chỗ cho sự sống. Để được hưởng điều đó, con người phải có lòng tin vào Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Đức Giêsu đã không thể làm được một điều gì hay một phép lạ nào ở quê hương, bởi vì họ không tin. Ngược lại, rất nhiều người ở các miền đất dân ngoại nhận được phép lạ chữa lành và giải thoát, vì họ tin. Đức tin là điều kiện cần để Chúa có thể thi ân giáng phúc trên chúng ta. Khi cảm thấy mình không nhận được ơn Chúa, có lẽ không phải Chúa chẳng nhận lời tôi xin, mà có thể do tôi thiếu lòng tin, hay thậm chí không tin.