THIÊN CHÚA CỨU ĐỘ
“Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được.
Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.”
(Is 35,4-7a; Gc 2, 1-5; Mc 7,31-37)
CÁC BÀI ĐỌC
- Bài đọc 1:
Đoạn văn này được đặt trong bối cảnh của thời ngay sau lưu đày, lúc mà dân Chúa phải đối diện với những khó khăn của việc xây dựng lại đất nước. Giữa bao âu lo, sợ hãi, hoang mang, sứ điệp của lời ngôn sứ hôm nay mở ra niềm vui và hy vọng vào ơn cứu độ của Thiên Chúa, Đấng không bỏ rơi dân Ngài.
Trước hết, lời ngôn sứ an ủi những người nhát gan, khích lệ họ hãy can đảm và đừng sợ hãi, vì Thiên Chúa của họ đang đến để thưởng phạt công minh (Is 35, 4ab). Thiên Chúa không bỏ rơi dân Ngài, ngay cả trong những lúc đen tối nhất của lịch sử dân Chúa. “Chính Người sẽ đến cứu anh em” (Is 35, 4c) là lời xác tín mạnh mẽ của vị ngôn sứ và là lời an ủi cho dân Chúa, để trong bất kỳ hoàn cảnh nào dân Chúa vẫn tìm được nguồn sức mạnh và ủi an, nâng đỡ, nhất là những khi âu lo, sợ hãi, thất vọng.
Sau nữa, lời ngôn sứ mang lại niềm hy vọng cho những người bệnh tật. Ngày Thiên Chúa đến cứu dân Ngài là ngày của niềm vui ngập tràn và là ngày đem lại sự chữa lành cho “mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được … kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35, 5-6a). Thật vậy, ngày Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài luôn là ngày của niềm vui, của hy vọng và sự chữa lành, không chỉ cho những bệnh nhân, mà còn cho thiên nhiên, vạn vật khi “có nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu. Miền nóng bỏng biến thành ao hồ, đất khô cằn có mạch nước trào ra” (Is 35, 6b-7a).
- Bài đọc 2:
Đoạn thư thánh Giacôbê đề cập đến một vấn đề rất thực tế xảy ra trong cộng đoàn, vấn đề phân biệt đối xử giàu nghèo.
Mặc dù câu chuyện được đặt ra như một tình huống giả định với cách nói “giả như”, nhưng qua câu chuyện, tác giả thư Giacôbê muốn cho thấy một thực tế trong cộng đoàn về sự phân biệt giàu nghèo. Theo đó, trong các buổi hội họp của cộng đoàn, người ta công khai bày tỏ sự kính cẩn đối với những người giàu có, trong khi lại kỳ thị và coi thường những người nghèo hèn. Trước thực tế đó, tác giả nhấn mạnh rằng những ai cùng tin vào Đức Giêsu là Chúa thì đều đáng được tôn trọng như nhau nên không được đối xử cách thiên vị giữa người giàu và kẻ nghèo.
Ngoài ra, tác giả thư Giacôbê còn đề cao người nghèo như là những người được Thiên Chúa chọn để họ được nên giàu có về đức tin và được hưởng vương quốc mà Thiên Chúa hứa cho những ai yêu mến Ngài. Quả vậy, không phải những kẻ giàu có về của cải, nhưng là những người giàu có về đức tin, những người yêu mến Thiên Chúa mới được đón nhận vào vương quốc của Ngài. Và những người nghèo, vì không có của cải để cậy dựa, nên họ thuộc vào số những người dễ sống tâm tình tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa, dễ được Thiên Chúa cho hưởng vương quốc của Ngài.
Tóm lại, đối với tác giả thư Giacôbê, Thiên Chúa không đánh giá con người dựa trên của cải nhưng dựa trên đức tin và lòng mến. Không phải sự giàu có về của cải nhưng là sự giàu có về đức tin và lòng mến mới đáng giá trước mặt Thiên Chúa. Vì thế, mọi Kitô hữu, một khi tin vào Đức Giêsu, bất luận giàu hay nghèo, đều là anh em với nhau và bình đẳng trước mặt Thiên Chúa, nên được mời gọi đối xử với nhau cách bình đẳng.
- Bài Tin Mừng:
Trình thuật Chúa Giêsu chữa lành một người vừa điếc vừa ngọng cho thấy hình ảnh một Thiên Chúa đến thật gần, chạm vào những nỗi đau của thân phận con người để giải thoát khỏi nỗi bất hạnh của bệnh tật bằng tất cả tình thương.
Tác giả Máccô dùng một loạt động từ mô tả hành động của Chúa Giêsu đối với người bệnh: kéo riêng ra, đặt ngón tay vào tai, bôi nước miếng vào lưỡi. Sự đụng chạm về thể lý của Chúa Giêsu đối với người bệnh vượt ra khỏi quan niệm bình thường, cho thấy sự gần gũi, quan tâm chu đáo đối với bệnh nhân mà không lo sợ ô uế. Qua sự đụng chạm về thể lý, Chúa Giêsu đụng đến tâm hồn của người bệnh. Đó là sự đụng chạm của tình thương mà Thiên Chúa, qua Con của Ngài là Đức Giêsu, dành cho bệnh nhân, những con người đau khổ, bất hạnh và thường bị xã hội xa lánh.
Quả vậy, sự đụng chạm của Chúa không chỉ chữa người bệnh khỏi bệnh tật thể lý, mà sâu xa hơn là chữa lành tâm hồn. Lời Chúa Giêsu cầu nguyện “Hãy mở ra” không chỉ là mở tai để nghe, mở miệng để nói, mà là mở tâm hồn để nghe tiếng Chúa, để ca tụng tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. “Hãy mở ra” là lời khai mở một thời mới, thời Thiên Chúa đến viếng thăm và cứu chuộc dân Ngài (x. Lc 1, 68) qua Đức Giêsu, Con của Ngài, một con người bằng xương bằng thịt, để có thể vừa chạm đến nỗi đau thể lý của phận người, vừa chạm đến tâm hồn người ta bằng tất cả tình thương, tình thương cứu độ.
Lời ngôn sứ Isaia trong Cựu Ước về một Thiên Chúa đến ủi an, nâng đỡ và chữa lành bệnh tật (x. Is 35, 4-7a), nay nên ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Với tất cả tình thương, Người đụng chạm đến cả nỗi đau thể xác và tâm hồn của thân phận con người để cứu độ họ.
GỢI Ý SUY NIỆM
1/ Giữa những khó khăn bộn bề của thời sau lưu đày, lời ngôn sứ Isaia an ủi dân Chúa hãy vững tâm tin tưởng, và can đảm vì Thiên Chúa đang đến để xét xử công minh, ban ơn cứu độ và chữa lành không những cho những bệnh nhân, mà còn cho cả thiên nhiên vạn vật. Lời ngôn sứ mang lại niềm vui và hy vọng cho những ai đặt niềm tin nơi Thiên Chúa, rằng Ngài sẽ không bỏ rơi dân Ngài nhưng sẽ cứu độ họ vào đúng thời đúng buổi. Nhưng liệu dân Chúa có vững tin vào lời hứa của Ngài? Lời của Chúa Giêsu vẫn vang vọng bên tai các Kitô hữu mọi thời: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18, 8).
2/ Tác giả thư Giacôbê xác tín rằng Thiên Chúa không đánh giá con người dựa trên của cải nhưng dựa trên đức tin và lòng mến. Không phải sự giàu có về của cải nhưng là sự giàu có về đức tin và lòng mến mới đáng giá trước mặt Thiên Chúa. Vì thế, mọi Kitô hữu, bất luận giàu hay nghèo, đều có trách nhiệm làm giàu đức tin và lòng mến trước mặt Thiên Chúa, đồng thời đối xử với nhau cách bình đẳng như anh em vì là con cái của cùng một Cha trên trời.
3/ Qua việc chữa lành cho người vừa điếc vừa ngọng, Đức Giêsu cho thấy quyền năng và tình thương của Thiên Chúa, Đấng sai Đức Giêsu đến để chữa lành những bệnh tật về thể xác và tâm hồn, mở lòng người ta tin nhận và ca tụng công trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Đức Giêsu đến để hiện thực hóa công trình cứu độ mà Thiên Chúa đã khởi sự từ trong Cựu Ước. Những ai đến với Đức Giêsu với tất cả lòng tin, được Người đụng chạm, đều được sức mạnh cứu độ của Người chữa lành, cả thể xác lẫn tâm hồn.